phomonthihien.com

Ý Nghĩa Bốn Thủ Ấn của Tôn Tượng Quán Âm Tứ Diện

Thứ tư, 24/07/2013, 11:26 GMT+7

Ý NGHĨA BỐN THỦ ẤN CỦA TÔN TƯỢNG QUÁN ÂM TỨ DIỆN

 

1. Như Ý Châu Thủ:

           

Là thủ ấn thứ nhất trong bát thủ thuộc Ma-ni bộ của Mật pháp, là Pháp Tăng Ích (pháp tăng trưởng lợi ích) là câu chú thứ 25 “ma ra ma ra”, có ý nghĩa là “trong ngoài không nhơ”, chính là “Như ý châu thủ nhãn” trong thủ tướng Đại Bi.

            Trong phần thủ tướng (tướng bàn tay) của kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn có ghi: “nếu có người muốn cầu sự giàu sang có được hết thảy mọi của báu thì nên cầu tu nơi Như Ý Châu Thủ này”

            Ý nghĩa: của cải vật chất là thứ phù du tạm bợ, công dụng của nó là giúp cho con người dùng nó để trao đổi thức ăn vật mặc và những nhu cầu cần thiết cho đời sống, nếu thiếu nó, con người sẽ sanh ra gian tham trộm cắp tạo nhiều tội lỗi, sẽ gánh lấy quả báo xấu, nên Quán Thế Âm Bồ-tát từ bi phương tiện ban cho cuộc sống đầy đủ để con người tránh tạo nghiệp vì nghèo thiếu. Những người cầu tiền của nên hiểu điều này, ngoài việc cầu xin có được cơm ăn áo mặc, tiện nghi sinh hoạt ra, nên tu tạo phước đức cúng dường bố thí, gieo trồng nhân lành, để nhờ phước đức đó mà được giàu sang vinh hiển lâu dài.

2.Thí Vô Úy Thủ:

            Là thủ ấn thứ ba trong bát thủ thuộc Như Lai bộ của Mật pháp, là pháp Tức tai, dứt trừ tai họa, là câu chú thứ 72,73 “na ra cẩn trì bàn già ra dạ, sa bà ha” có ý nghĩa là quang minh tự tại thành tựu, tức là “Thí Vô Úy Thủ Nhãn” trong thủ tướng đại bi

            Trong phần Thủ tướng (tướng bàn tay) của kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn có ghi: “Nếu có người nào bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào cũng thấy sợ hãi bất an thì nên cầu tu nơi pháp Thí vô úy này”

            Ý Nghĩa: Phàm sanh ra làm kiếp con người, vì nghiệp buộc ràng nên khổ đeo mang; vì con vì cái, vì ái vì ân; vì cơm ăn áo mặc, vì công danh sự nghiệp…khiến cho con người ta lúc nào cũng sống trong phập phồng lo sợ: sợ không có cơm ăn áo mặc, sợ bệnh tật nạn tai, sợ mất đi người thân, sợ phải bị nghèo đói…rồi sợ phải lãnh quả báo, sợ phải chịu cực hình, sợ gia đình không được hạnh phúc ấm êm…còn vô số sự sợ hãi khác mà con người phải đối mặt. Một khi nghiệp lực thành thục, hiện thành quả báo, khiến cho nỗi khổ kia thành sự thật thì e rằng sức người yếu đuối, khó chống đỡ nổi, phải lãnh lấy họa ương. Hể bất cứ ai có sự sợ hãi, khiến cho tâm lý bất an, hãy đến khẩn cầu sợ che chở của đức Quán Thế Âm Bồ-tát, với đại nguyện rộng sâu và năng lực tự tại, Quán Thế Âm Bồ-tát sẽ khiến cho người đó không còn sợ hãi nữa.

3. Dương Chi Thủ:

            Là thủ ấn thứ tám trong bát thủ thuộc Như Lai bộ của Mật pháp, là pháp Tức tai, dứt trừ tai họa, là câu chú thứ 35 “mục đế lệ” có ý nghĩa là giải thoát, cởi bỏ mọi sự trói buộc, chính là “Dương chi thủ nhãn” trong thủ tướng đại bi.

            Trong phần Thủ tướng của kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn có ghi: “Nếu có người nào mắc phải vô số bệnh tật cùng nạn tai nơi thân thì nên cầu tu nơi Dương chi thủ này”

            Ý nghĩa: Bệnh tật, nạn tai là do nghiệp mà ra, nghiệp này được lãnh quả từ các nhân bất thiện mà mình đã gây tạo từ nhiều đời kiếp trước, và một khi nghiệp tội đã chiêu cảm thành thục thì khó có ai trốn thoát được. Chỉ có đức Quán Thế Âm Bồ-tát với lòng đại từ đại bi thương xót cứu độ chúng sanh vô cùng rộng lớn, nói ra Thần chú Đại Bi này cùng 42 thủ ấn, lập phương tiện để cứu vớt những chúng sanh mắc phải bệnh tật nạn tai biết quay đầu hướng thiện này, vì vậy thần chú Đại Bi mà Bồ-tát tuyên nói được gọi là “Vô Ngại Đại Bi Tâm” Những ai có bệnh tật nạn tai dầu trọng bệnh hay đại nạn, nếu chí thành khẩn cầu Bồ-tát, thành tâm sám hối, hồi đầu hướng thiện thì nhất định sẽ được cứu thoát bệnh tật nạn tai.

4. Bất Thoái Kim Luân Thủ:

            Là thủ ấn thứ năm trong bát thủ thuộc Kim Cang bộ của Mật pháp, là pháp Điều phục, điều hòa và hàng phục, là câu chú thứ 46 “bồ đề dạ bồ đề dạ” có ý nghĩa là giác đạo, giác tâm, tức là “Bất thoái kim luân thủ nhãn” trong thủ tướng đại bi.

            Trong phần thủ tướng của kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn có ghi: “nếu có người nào muốn mình ngay từ đời này cho đến khi thành Phật, tâm Bồ-đề thường không bị thoái chuyển thì nên cầu tu nơi Bất Thoái Kim Luân Thủ này”

            Ý Nghĩa: giác ngộ giải thoát thành Phật là mục đích tối cao của chúng sanh. Lúc còn địa vị phàm phu, vì mê tâm đắm say theo vọng trần, nhận giả làm chân, nên chúng sanh phải trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi, lãnh lấy quả khổ đau, rồi theo nghiệp quả tạo nhân ác mới, cứ như thế xoay vần thọ khổ trong ba đường ác không biết đến bao giờ mới ra khỏi được. Nếu chúng ta muốn cho thân này không mất đọa, giữ vững tâm bồ-đề không thoái thất, sớm ngày thoát khỏi luân hồi trong sáu nẽo thì chúng ta phải nên cầu tu nơi tôn tượng thủ ấn này. Với năng lực thần thông tự tại, bi tâm tha thiết, đức Quán Thế Âm Bồ-tát sẽ thường bên cạnh gia hộ dẫn dắt khiến cho chúng ta không bị thoát thất tâm bồ-đề.

            Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát rũ lòng thương xót chúng con chứng minh hộ niệm.

                                                                                    Tỳ-kheo Thích Minh Kiết


Người viết : chuaphogiac


Copyright © 2012 Phổ Môn Thị Hiện