phomonthihien.com

Cây Mít Vài Trăm Năm Tuổi

Thứ sáu, 02/08/2013, 08:43 GMT+7

DUYÊN KỲ NGỘ

CÂY MÍT VÀI TRĂM NĂM TUỔI

 

Trong khoảng 1 tháng nay, cả chùa Phổ Giác nói chung và cá nhân tôi nói riêng đều lo lắng làm sao có tiền mua con đường để cho đại chúng và Phật tử tiện ra vào lui tới tu học. Nỗi lo này đã khiến cho chúng tôi mất ăn mất ngủ, hể có cơ hội là giải thích vận động Phật tử cúng dường tịnh tài để chung góp mua đất mở đường vào chùa.

Tuy lo lắng như vậy, nhưng chúng tôi rất thích tạc tượng Quán Thế Âm Bồ-tát. Đây không phải là sở thích thông thường do hiếu kỳ mà tâm nguyện của tôi là vì muốn tôn vinh đức hiệu cùng oai lực thần thông tự tại không thể nghĩ bàn của Ngài, thị hiện nhiều thân tướng, dùng mọi phương tiện với mục đích duy nhất đó là cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sanh đang bị mắc phải, để cho mọi người có chỗ quy hướng khẩn cầu mỗi khi gặp nạn tai. Bồ-tát Quán Thế Âm có năm trăm đức hiệu cùng nhiều thân ứng hóa, thị hiện. Điều này cũng nói lên uy đức cùng bi nguyện độ sanh rộng lớn của Ngài.

Cách đây khoảng 1 tháng, chú Phúc tạc tượng có cho tôi hay có một gốc mít đường kính gốc khoảng 1,8m vành khoảng 600cm; thân giữa vành 420 đường kính khoảng 1,4m cao khoảng 4m. Nghe kể sơ về cây mít dị kỳ như thế, tôi liền đến xem cho tường sự thể. Khi đến tận nơi nhìn, tôi đã choáng váng vì thân cây to lớn sù sì có lõi gần tới da ngoài. Đây là cây mít lớn nhất mà tôi được nghe nói đến và nhìn thấy. Không phải chỉ riêng cá nhân tôi mà mọi người cũng đều nói vậy. Theo phỏng đoán, cây mít này phải đến vài ba trăm năm tuổi thọ (?)

  

Một cây mít, nhất là mít nhà, mít ăn trái mà có vài trăm năm tuổi thọ là điều rất là hiếm, đã vậy mà thân cây tròn đều thân đặc không rỗng cao đến gần 4m thì quả thật là điều vô cùng hiếm. Thứ nhất, cây mít thường thì đến năm bảy chục năm là lão hóa cây dần khô và tự chết đi, hoặc là chết phần ngọn của thân.

Thứ hai, thường thì cây mít được trồng trước sân nhà hay sau vườn nhà, nói chung là được trồng xung quanh nhà; về lý thì huê lợi của trái mít không nhiều, đặt biệt là cây mít lớn, già cằn cõi cũng có khi không ra trái; đã như vậy mà cành nhánh sum xuê còn che phủ đường kính 5-7 mét chiếm nhiều diện tích trồng trọt, với những lý do bất lợi như thế nên cây mít có sống thọ đi nữa cũng khó khiến cho người ta giữ lại.

Thứ ba, con người càng ngày càng đông. Gia đình cũng vậy, trong khoảng vài mươi năm sanh có con đàn cháu đống, diện tích trồng trọt phải thu hẹp lại để chia cho con cháu cất nhà ở, nên thọ mạng của cây mít cũng không được dài lâu. Cho nên, với những lý do cơ bản trên, việc giữ được cây mít kích cở như trên quả là điều thật hiếm.

Lại nữa, cây mít như thế đã hiếm có mà việc sở hữu được cây mít này còn hiếm có hơn nữa. Vì gỗ mít từ xưa đã được cổ đức chọn dùng để tạc tượng hoặc làm bàn thờ, cho đến hiện tại có thể nói gỗ mít vẫn là mặt hàng khan hiếm, có nhiều người tìm kiếm.

Vậy mà giờ đây, khi nghe nói có một cây mít cũng to lớn như vậy, nên tôi liền đến xem coi sự thể thế nào. Đến nơi, nhìn thấy cây mít tôi thoáng giật mình. Bộ rễ nó cao khỏi đầu tôi. Thân của nó phải đến ba người ôm mới xuể. Chủ sở hữu của cây mít lúc này là chú Mười, là một lái buôn gỗ chưa đến 40 tuổi. Tôi có dò hỏi những người thợ mộc làm công cho chú, tất cả đều nói đây là cây mít lớn nhất từ trước đến nay mà họ nghe nói đến và nhìn thấy. Ban đầu khi đem gốc mít về có rất nhiều người đến xem, nhưng thấy thái độ không thiện ý của khách xem nên chú quyết định không bán. Chú định đẻo sạch giác bên ngoài rồi sơn PU lên, để trong nhà chưng chơi để lấy tiếng. chú nói: “vài ba trăm triệu có thể kiếm được, chớ còn cây mít như thế này thì rất hiếm” thấy tôi có vẽ rất thích cây mít này, lại còn định dùng nó để tạc tượng Quán Âm nên chú thuận tình để lại cây mít cho tôi với giá 100.000.000 đ (một trăm triệu đồng) khi được chú hứa để lại cây mít rồi, tôi mới thú thiệt là hiện giờ mình không có đồng nào trong người, vì tiền phải chắc móp để mua đường vào chùa, nên năn nỉ chú cho trả làm 2 đợt, tôi sẽ ráng chạy 50 triệu đồng để hai hôm sau đưa cho chú, số còn lại xin trả nốt vào ba tháng sau. Tuy không đồng ý, nhưng thấy tôi quá thành tâm nên chú cũng siêu lòng. Được chú chấp nhận điều kiện rồi tôi rất mừng, nhưng lo nghĩ phải mượn tiền ai bây giờ? Trước đó tôi cũng đã có mượn một vài Phật tử để có tiền đặt cọc con đường, giờ làm sao mà dám mượn nữa. điều này đã làm cho tôi rất lo lắng, sợ gốc mít này mà không để tạc tượng Bồ-tát được nữa thì uổng tiếc biết bao!

Qua ngày hôm sau, có một ni cô pháp danh là Truyền Hải đến thăm tôi, cô này mới xuất gia được vài tháng, trước đây cũng là một Phật tử thân tín. Cô đến để cúng dường tôi tạc tượng Quán Thế Âm Bồ-tát. Cô đến với một vài người nữa. Trong số này có một chú cư sĩ tên là Quang, sau khi nghe tôi kể lại cây mít và nói giá trị của nó, chú bảo tôi dẫn đến xem liền. Đến nơi thấy cây mít quả thật là lớn, chú liền phát tâm cúng dường trọn số tiền cây mít. Quả thật là niềm vui vô hạn. Đối với tôi, việc có được cây mít như thế này để tạc tượng Quán Thế Âm Bồ-tát thì còn gì quý bằng.

Gỗ mít có độ co giãn ổn định, không bị cong vênh, ít bị mối mọt, có mùi thơm nhẹ, có tuổi thọ cao, có thể để lâu đến vài trăm năm, sắc màu vàng óng, nên được người xưa dành riêng cho việc tạc tượng hay chỉ đóng riêng đồ thờ cúng chớ không được làm gì khác. Màu vàng xưa kia chỉ được dành riêng cho vua chúa và nhà Phật chớ dân chúng không dám sài.

Qua những điều đúc kết trên, việc có được gốc mít tạc tượng theo tâm nguyện của Tôi đây quả thật là điều hạn hữu. Chúng tôi định tạc Tượng Tứ Diện Quán Âm (bốn hướng Quán Âm) tượng trưng cho bốn hạnh nguyện cứu khổ trừ ưu, đại biểu cho hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Hướng thứ nhất có hình tượng Bồ-tát cầm Qủa Châu Như Ý, là dụ cho Bồ-tát ban cho chúng sanh điều nguyện cầu Như Ý. Hướng thứ hai có hình tượng Bồ-tát cầm nhành dương cam lồ, là dụ cho Bồ-tát rưới nước cam lồ tẩy sạch nghiệp chướng bệnh tật nạn tai cho chúng sanh. Hướng thứ ba có hình tượng Bồ-tát bắt ấn Thí Vô Uý, là dụ cho Bồ-tát làm chỗ cho chúng sanh nương náo, khiến cho chúng không còn bất cứ sự sợ hãi nào. Hướng thứ tư có hình tượng Bồ-tát cầm bánh xe pháp luân, là dụ cho Bồ-tát thường gia hộ cho chúng sanh không bị thoái thất tâm bồ-đề. Ngoài ra bên trên chúng tôi sẽ tạc năm vị Phật, bốn hướng có bốn vị Phật: Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật, A-di-đà Phật, Dược Sư Phật, Di-lặc Phật, bên trên là hình tượng đại biểu cho Pháp thân Phật Tỳ-lô-giá-na, biến nhất thiết xứ, ngoài ra phần còn lại bên dưới chiều cao khoảng 1,5 mét chúng tôi sẽ tạc ba mươi ba hóa Thân của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Bằng tất cả tâm thành kính hướng về đức Quán Thế Âm Bồ-tát, chúng tôi nguyện cầu cho tâm nguyện tạc tượng của mình được thành tựu viên mãn.

Mai này chúng tôi cũng sẽ thuận theo thế tục xả bỏ báo thân, rồi các lớp đệ tử của chúng tôi cũng sẽ lần lượt như vậy; một trăm, hai trăm bốn năm trăm năm sau các thế hệ đệ tử cũng sẽ lần lược ra đi, riêng tôn tượng đức Quán Thế Âm Bồ-tát này, với lòng cung kính, chúng tôi nguyện cầu cho tôn tượng được trường lưu, để cho được nhiều Phật tử đến lễ bái chiêm ngưỡng, thừa ân công đức tiêu trừ tội chướng, sớm lên bờ giác.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ-tát!

Phổ Giác ngày rằm tháng 10 năm Nhâm Thìn

                                               

                                                                                                Tỳ-kheo Thích Minh Kiết cảm ghi

 


Người viết : chuaphogiac


Copyright © 2012 Phổ Môn Thị Hiện