Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Giới thiệu

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-Tát!

Duyên Khởi Tạo Tự

Cẩn trình bốn chúng!

     Phàm lệ chùa là nơi cho Tăng Ni trú ngụ tu học đạo giải thoát. Vì người xuất gia từ bỏ ngôi nhà thế tục danh lợi, quyết noi theo hướng chư Phật, Tổ mà tìm cầu sự giải thoát, để mong tiến tới thoát khỏi nhà phiền não và  ra khỏi hẳn ngôi nhà của ba cõi.

     Xưa kia, thuở ban đầu, những người xuất gia theo Phật, ngày ăn một bửa, mượn gốc cây làm chỗ trú ngụ qua đêm, sống đời sống phạm hạnh, ít muốn biết đủ, nổ lực công phu thiền định để mong giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi…

     Về sau, do có nhiều người xuất gia theo Phật, sống đời sống Tăng đoàn, nên cần có ngôi Già lam để đại chúng tiện bề tu học. Vì vậy, mục đích đầu tiên của việc tạo tự là để cho chư Tăng Ni có nơi ổn định để tu học đạo giải thoát.

      Thứ nữa, pháp Phật sâu mầu không gì sánh bằng. Pháp như phương thuốc hay chữa lành tất cả những bệnh khổ của chúng sanh, là chiếc thuyền đưa chúng sanh thoát khỏi biển khổ sanh tử…Cho nên xưa kia, đức Phật và chư Tăng đi đến đâu cũng đều nói pháp để độ chúng sanh thoát khổ. Nhưng xét ra sự du hành thuyết pháp lợi ích không được nhiều, chỉ có một số ít người được nghe. Vì vậy ngôi chùa thành lập, cũng được làm thành đạo tràng để thuyết pháp, hướng dẫn Phật tử tu học.

     Minh Kiết tôi, tự thẹn mình phước mỏng nghiệp dày, sanh không cùng thời với Phật, chư Tổ, lại sanh vào thời mạt pháp, thời của tham sân mạnh bạo. Khắp nơi đâu đâu cũng là bạo lực, ngũ dục lạc thì thiên hình vạn trạng, khắp mọi ngõ ngách, chúng len lõi vào chốn thiền môn, hoành hành phá hoại phạm hạnh của hàng Sa-môn Thích tử; Chúng không cho Tỳ kheo có cơ hội để thiền định giải thoát; chúng bắt các Tỳ-kheo phải sống đời sống thế tục, mặc dù các Tỳ-kheo không muốn điều đó; Chúng mạnh bạo và có uy lực đến nỗi làm cho các Tỳ-kheo mất đi định lực, từ một người ban đầu phát nguyện “Cất bước đến chân trời cao rộng, tâm tướng khác tục, nối tiếp dòng thánh, báo đáp bốn ân, cứu giúp ba cõi…” trở thành một vị “Danh tự Tỳ-kheo” hoàn toàn mất đi chí hướng giải thoát và bi nguyện độ sanh, không còn dáng oai hùng của một bậc thái tử con của đấng pháp vương mà chỉ còn là những “sư tử trùng thực sư tử nhục”.

     Đã đôi lần, Minh Kiết tôi định “Tầm Phật túc tích, tịch xử nhàn cư” tìm những nơi non cao thanh vắng, sơn thủy hữu tình, để gắng công phu thiền định, sớm ngày giải thoát, như vậy mới không luống phí kiếp “Nhân sinh khó được này”. Nhưng nghĩ lại, hạt cơm tín thí còn dính nơi kẽ răng, nếu không sớm giải thoát, không làm lợi lạc cho họ, thì sợ rằng sau này không phải chỉ mang lông đội sừng để trả nợ mà còn đọa vào địa ngục Vô gián nữa không chừng? Bởi vì:

     Một hạt cơm tín thí

     Nặng như núi tu di

     Ăn vào chưa liễu đạo

     Sau đọa súc sanh đền.

     Thứ nữa, “Phật pháp giác ngộ nơi thế gian, thành Phật cũng là từ nơi đó” chi bằng mình hãy sống mái một phen, nương nhờ oai thần của chư Phật, Bồ-tát, để chiến thắng hàng phục ma quân, diệt trừ ngũ dục lạc.

     Minh Kiết tôi trộm nghĩ! Sa-môn bây giờ, thiệt khó hơn xưa, vì thời mạc pháp nhiều chướng duyên, thiện căn mỏng cợt, nghiệp chướng sâu dầy, nếu không tu thiền quán thì làm sao thấy đạo? cái khó của bậc Sa-môn ngày nay đó là:

1.     Canh chừng ngũ dục lạc, phải luôn luôn nhận diện, đừng để nó sai sử. Mà Ngũ dục lạc thì có thiên hình vạn trạng, có thô có tế, không dễ gì nhận ra. Đây là việc rất khó!

2.     Phải thường luôn để tâm tìm cầu sự giải thoát. Tu thế nào, hành pháp nào, hành như thế nào để được giải thoát hoàn toàn, thật sự? Phải tìm một pháp môn phù hợp với mình, giữa một rừng kinh điển với tám mươi bốn ngàn pháp môn mà không có một vị chân sư truyền thừa thiệt không phải dễ!

3.     Phải luôn có tâm báo đền ân Phật, hóa độ chúng sanh. Phải chọn phương tiện như thế nào cho khéo léo, để họ dễ nhận ra và tu tập; và phải rèn cho được cái tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả để có thể chịu đựng được nhiều tánh khí của chúng sanh.

4.     Vừa thiền định tu tập (Tĩnh) vừa phải giao tiếp, thù tạc với Phật tử, xã hội bên ngoài (động) như hội hợp, đám sám v.v…làm thế nào để dung hòa tự lợi, lợi tha thật không phải dễ.

5.     Chúng sanh đời mạc pháp, nghiệp chướng sâu dày, khó điều phục, nên muốn thực hành hạnh lợi tha thật không phải dễ.

     Bởi thế: Minh Kiết tôi phát nguyện thành lập ngôi Già-lam, với mục đích có nơi thanh tịnh để bốn chúng tu học, và thuyết pháp độ sanh.

     Chùa Phổ Giác ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đây đã đầy đủ duyên lành. Nhờ sự gia hộ của mười phương Tam Bảo, sự tín tâm phụng sự Tam Bảo của các Phật tử, đã dốc lòng đóng góp tài lực, sức lực, tâm lực, trí lực, vật lực nên mới được thành lập. Con xin cung kính đảnh lễ mười phương tận hư không khắp pháp giới ba đời tất cả chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng và đức Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát đã từ bi gia hộ. Minh Kiết tôi chân thành cảm niệm tán thán công đức của các vị Phật tử, thiện nam tín nữ, đã nhiệt tình đóng góp công sức, tiền của cho việc xây dựng ngôi chùa Phổ Giác này. Nguyện cầu chư vị sớm thành tựu mọi sở nguyện, cứu cánh an lạc giải thoát.

     Chùa Phổ Giác đây thành lập với ba mục đích chính:

1.     Là nơi thanh tịnh chắc thật cho chư Tăng, Phật tử trú ngụ tu tập hạnh giải thoát.

2.     Là đạo tràng phiên dịch, ấn tống các kinh sách Phật giáo, nhằm mục đích phổ hóa chúng sanh đồng quy Tam bảo.

3.     Là nơi tu tập pháp môn Quán Âm, học theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, hành theo hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, và truyền bá hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm.

     Nay nhân sự kiện hai năm ngày thành lập ngôi chùa này, Minh Kiết tôi có vài lời văn ký, nói lên nguyên nhân của việc tạo tự, mục đích của việc tạo tự và cũng như là để tri ân chung tất cả quý Phật tử thiện nam tín nữ đã chung sức, chung lòng xây dựng ngôi già lam này. Tương lai, ngôi già lam này sẽ từng bước ổn định, đi vào nề nếp quy củ, thực hiện các mục tiêu tu học đã đề ra với mong mõi xứng đáng là một ngôi chùa tiêu biểu, đáp ứng được sự kỳ vọng tu học của bốn chúng Phật tử.

Canh Dần niên, Trọng Ngoạt, Thập ngũ nhật, ư Phổ Giác tự, thâm dạ vô thanh nhi cảm tác.

                                                                                                    Tỳ Kheo Thích Minh Kiết