Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

TÔNG CHỈ TU HỌC

Mười Hai Đại Tông Chỉ Tu Học Của Chùa Phổ Giác

Thứ năm, 23/05/2013, 13:15 GMT+7

     

Phàm lệ: Người xuất gia học đạo giải thoát (Phật đạo) ngoài việc y theo lời Phật dạy, lấy giới luật làm thầy, nương theo pháp môn tối thượng nào đó để tu, lấy mục đích đạt được đại quả Bồ-đề làm mục tiêu tối thượng ra, còn phải lập riêng tông chỉ của mình để tiện bề tu tập.

     Xưa nay người xuất gia không thích rườm rà, chỉ cần chân tâm thanh tịnh cầu học, buông bỏ vạn duyên thì có thể vào đạo. Nhưng nay thời mạt pháp, chúng sanh phần nhiều phước mỏng nghiệp dày, hạt giống Bồ-đề yếu ớt. Nếu không nuôi dưỡng hạt giống bằng cách lập rào, vun gốc, bón phân, tưới tẩm…thì hạt giống đó vô phương phát triển, thậm chí còn bị chết nữa. Nếu thật như vậy thì buồn thay!

     Xét lẽ trên, nay Minh Kiết tôi tự thẹn mình nghiệp chướng sâu dày, công phu không được miên mật, còn nhiều phiền não cần phải loại bỏ, đối với giáo pháp vô thượng thậm thâm vi diệu của Đức Thế Tôn, lòng vô cùng cung kính khát ngưỡng cầu học. Vì lẽ đó nên lập ra mười hai tông chỉ này để dám gọi là cho riêng mình, chớ không dám cậy hiểu mà đòi chỉ dạy thiên hạ. Nhưng cũng dám mong chư vị huynh đệ hữu duyên, thấy đây hữu ích, có thể tăng trưởng công đức lành mà cố gắng y theo để được trọn phần lợi lạc.

     Đã không biết thì thôi, biết rồi thì phải học, học rồi thì phải hành, hành thì phải cho chứng, chứng rồi thì phải đem lợi lạc cho quần sanh. Một người khuyến hóa cho mười người cùng tu, mười người khuyến hóa cho trăm người cùng tu…cứ như thế tiến lên mãi.

     Phàm pháp lập ra là để lợi sanh. Ngưỡng mong chư vị huynh đệ thấy được thì y theo đó mà hành trì để có phần tự lợi. Bằng không xin cũng đừng chê bai phỉ báng mà tội cho kẻ mạt học này.

 

1.      Dốc lòng quy kính đảnh lễ mười phương tận hư không khắp pháp giới ba đời tất cả chư Phật, phát đại nguyện rộng lớn, thệ từ đây đến tận cùng kiếp vị lai thường nguyện, thường chiêm ngưỡng, thường cung kính đảnh lễ, thường xưng tán vạn đức hồng danh của chư Phật, noi theo chư Phật cầu Vô thượng Bồ-đề.

2.      Dốc lòng quy kính đảnh lễ mười phương tận hư không biến pháp giới ba đời tất cả tôn pháp vi diệu mà chư Phật Thế Tôn đã diễn nói, phát đại nguyện lớn, thệ rằng từ đây đến tận cùng kiếp vị lai thường y theo lời dạy đó mà phụng hành, nguyện dốc lòng tuyên dương vi diệu pháp, hoằng truyền rộng rãi khắp chúng sanh, nguyện sớm thâm nhập vào biển tuệ của Như Lai, đối với giáo pháp tạng thừa, nguyện con thảy đều chứng biết.

3.      Dốc lòng quy kính đảnh lễ mười phương tận hư không biến pháp giới ba đời tất cả chư Bồ-tát, hiền thánh Tăng. Nguyện con từ đây đến tận cùng kiếp vị lai thường quy kính, nương tựa, an trú trong Tăng đoàn, cung kính lắng nghe thực hành theo sự chỉ dạy của chư tôn trưởng lão phạm hạnh.

4.      Lấy Đại Bi làm Thể, lấy Bát-nhã làm tướng, lấy Phổ Môn làm dụng, nương theo đó tu tập để tự lợi, lợi tha. Dùng chân ngữ, thật ngữ, như ngữ của chư Phật Bồ-tát làm tín. Dùng Đại từ Đại bi, Đại hỷ đại xả, vô trụ Niết-bàn làm nguyện. Chọn pháp Thiền định (tự lực), niệm Quán Âm (tha lực) để hành. Thường hành hạnh Quán Âm, thường nói lời Quán Âm, thường nghĩ niệm đến Quán Âm; thường khuyến hóa người khác hành, nói, nghĩ đến Quán Âm; nhiếp niệm Quán Âm trong mọi suy nghĩ, lời nói hành động, xem đây như tác nhân chính cho vấn đề tu học của đạo tràng.

5.      Xem tất cả chúng sanh đều là cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của mình ở quá khứ hiện tại và vị lai, nếu hủy nhục thương tổn đến chúng sanh tức là hủy nhục chính cha mẹ của mình vậy. Lại khởi lòng bình đẳng thương yêu, cứu giúp hết tất cả muôn loài. Thường dùng phương tiện khéo léo, cứu giúp, khuyến hóa, dẫn dắt họ quy kính Tam Bảo cùng đồng chứng vô thượng Bồ-đề.

6.      Đối với vô thượng giáo pháp của đức Thế Tôn, dốc lòng cung kính vâng giữ, không chê bai phân biệt cao thấp. Cung kính đảnh lễ những bậc chân sư các tông phái tuyên dương diệu pháp.

7.      Khước từ tất cả ngũ dục lạc. Sống đời sống đạm bạc, tiết chế, ít muốn. Tự thân không ở chỗ cao sang, không ăn ngon mặc đẹp, không giãi đãi thâu an trong đời sống, công phu tu tập. Lấy hương giới đức xoa thân thể, dùng áo thiền định để che thân, thọ pháp hỷ thực nuôi huệ mạng.

8.      Tiết kiệm vật dụng một cách tối đa, dùng đó chia sẻ lại cho những người có hoàn cảnh bất hạnh. Thường diễn nói pháp bố thí, thực hành pháp bố thí, khuyến hóa người khác bố thí.

9.      Không dính dáng gì đến chính trị, cầu danh, cầu lợi. Không để cho thế lực, tiền bạc chi phối đời sống tu hành. Kiên quyết từ chối những thứ Phật tử mang đến không bằng tâm cúng dường.

10.      Sống theo tinh thần lục hòa cộng trụ không tranh cãi, không hiềm khích, không so tính, sẳn sàng quên mình giúp đỡ nhau, nương tựa nhau tu tập. Kiên quyết loại bỏ những điều xấu, người sai mang đến sự tổn hại cho đời sống thanh tịnh của thiền môn, Tăng đoàn, sau khi đã tìm đủ mọi cách chuyển hóa nhưng không được. Vì đức Phật có ba điều không thể làm được: Thứ nhất là không diệt được định nghiệp. Thứ hai là không thể độ người không có duyên, thứ ba là không thể độ tận chúng sanh. Nên nay loại bỏ vì không thể dung hòa chớ không phải vì ghét mà bỏ.

11.      Vì sự an lạc giải thoát cho mình, vì sự an lạc và giải thoát cho tất cả chúng sanh, dù phải chịu trăm đắng ngàn cay, dù phải chịu bị mắng nhiếc hủy nhục, cũng phát nguyện cam chịu không lời than thở hay oán trách và xem đó như là phương tiện để mình chóng viên thành Phật quả.

12.      Thấu triệt những điều đã nói ở trên, tín thọ phụng hành. Nguyện tuyên dương, truyền bá những gì mà mình cảm thấy có lợi ích thật sự. Bằng tâm không phân biệt, không chấp trước, không tạo ác, tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, tất cả hành giả tu tập nhẹ nhàng, thong dong, tự tại, hỷ lạc đạt được sự giải thoát chắc thật ngay nơi giây phút hiện tại.

                                                            Phổ Giác tự, kỷ niệm ngày đức Quán Thế Âm Bồ-Tát xuất gia năm Canh Dần

                                                                                               

 

 

                                                                                                                                                                               Tỳ-kheo Thích Minh Kiết