Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Cao Tăng

Phó Đại Sĩ Với Thiền Tông

Thứ ba, 10/09/2013, 15:19 GMT+7

Phó Đại sĩ với Thiền Tông

 

Phó Đại sĩ (497-569), còn gọi Phó Hấp hay Đại sĩ Thiện Huệ, người Vụ Châu Nghĩa Ô. Lúc chưa xuất gia, ngài là cư sĩ vẫn tu hành Phật đạo. Mười sáu tuổi cưới vợ là Lưu Diệu Quang, sinh được hai người con, một tên Phổ Kiện, một tên Phổ Thành. Năm hai mươi bốn tuổi được diện kiến Tăng Thiên Trúc là Tung đầu-đà (tức Đạt Ma Đại sư). Tung đầu-đà nói với ngài rằng: “Xưa, ta với ông cùng sống vào thời Đức Phật Tỳ Bà Thi (Đức Phật đầu tiên trong bảy Đức Phật quá khứ) đã từng phát nguyện tu hành, trên cung trời Đâu Suất vẫn còn giữ y bát của ta và ông, ông vì sao lại quên hết?”. Đại sĩ nghe nói ngẩn người và không biết nói gì. Thế rồi, Tung đầu-đà dạy ngài đến suối nhìn bóng. Ngài theo lời dạy thực hành, quả nhiên được tướng lành là trên đầu có vầng hào quang che phủ. Nhân đây ngài ngộ được duyên xưa. Ngài cười nói với Tung đầu-đà rằng: “Lò rèn còn nhiều sắt thô, trước cửa nhà thầy thuốc đầy bệnh nhân”. Ý lời nói này là ngài muốn lưu lại thế gian để hóa độ chúng sinh, không nghĩ đến việc sinh về cõi Trời.


Sau khi ngộ được túc duyên, Đại sĩ hỏi Tung đầu-đà nơi nào có thể nương náu tu hành, Tung đầu-đà chỉ đỉnh núi tùng nói: “Nơi ấy có thể yên tu”. Bấy giờ, ngài xây thất làm chùa, đây là ngôi chùa Song Lâm sau này. Ngài đích thân làm việc. Ngày thì lao động, tối đến tu hành, như thế trải qua bảy mùa tu luyện. Một hôm đang nhập định, thấy ba Đức Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Định Quang phóng hào quang đến trên thân của ngài, và ngài tự cho đã chứng được đại định Thủ Lăng Nghiêm. Từ đó, ngài tự xưng là “Song Lâm Thọ Hạ Đương Lai Giải Thoát Thiện Huệ Đại sĩ”, vì chúng nhân giảng nói Phật pháp. Thính chúng đến nghe pháp rất đông, đầy đủ tứ chúng, quận thú Vương Kiệt nơi địa phương ấy cho là ngài đem lời hoang đường mê hoặc mọi người, liền bắt giam cầm. Ở trong ngục mười mấy hôm, ngài không ăn không uống, khiến Vương Kiệt cảm động, sai người thả tự do. Ngài trở về núi và giảng pháp càng nhiều, tiếng đồn ngày càng tăng.


Đại sĩ không chỉ vì mọi người giảng nói Phật pháp, mà còn chú trọng giải quyết những khó khăn thực tế trong đời sống của nhân dân, quên mình vì người. Ngài đem hết tài sản của gia đình ra bố thí cho dân nghèo, lại gặp năm mất mùa, vì để cứu tai họa cho dân, ngài bán luôn cả vợ con. Những điều này thực tế rất hiếm thấy trong lịch sử, đã thể hiện tinh thần tự lợi lợi tha, và tâm cảnh từ bi bình đẳng không hai của Đại sĩ.


Đời Lương, niên hiệu Đại Thông thứ sáu (534), Đại sĩ phái đệ tử là Phó Vãng dâng thư lên Lương Võ đế, nội dung trình bày gồm có ba điều thiện bậc thượng, trung, hạ, hy vọng Võ đế tiếp nhận tinh thần của thư. Thư rằng: “Điều thiện bậc thượng, lấy lòng rỗng rang làm gốc, chẳng chấp làm tông, vô tướng làm nhân, Niết bàn làm quả; điều thiện bậc trung, lấy việc trị thân làm gốc, trị nước làm tông, được quả báo an lạc trong cõi trời người; điều thiện bậc hạ lấy việc hộ mạng chúng sinh, bỏ việc giết hại, dạy khắp bá tánh thọ trì lục trai”. Khi ấy, có vị Tăng nhân đương thời là quốc sư dâng thư lên hoàng đế, mười phần kính trọng, trong khi Phó Hấp chỉ là một người cư sĩ bình thường, tuổi tác không phải cao niên, lại dám dâng thư lên quốc vương, bày đạo trị nước và tu hành, do đó tăng tục đều ngạc nhiên nghi ngờ, không ai dám trình thưa. Nhân đây, Phó Vãng đốt tay nơi đường vua thường đi, nhờ đó mới dâng được thư. Lương Võ đế đọc thư của Đại sĩ xong, liền sai sứ triệu vào diện kiến.


Đại sĩ đến Kim Lăng ra mắt Lương Võ đế, giữa hai người có một đoạn vấn đáp mà lời lẽ tợ như cơ phong của Thiền tông sau này. Đầu tiên Lương Võ đế hỏi Đại sĩ: “Từ trước đến nay ngài thờ ai làm thầy?”. Đại sĩ đáp: “Theo chẳng chỗ theo, đến không chỗ đến, thờ thầy cũng thế”. Lại hỏi: “Đại sĩ vì sao không luận nghĩa?”. Đáp: Chỗ giảng nói của Bồ tát, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng rộng chẳng hẹp, chẳng hữu biên, chẳng vô biên, như như chánh lý, lại còn lời nào để nói”. Tiếp đó, Lương Võ đế thỉnh Đại sĩ giảng kinh Kim Cang, vừa mới thăng tòa, ngài liền lấy thước vỗ mạnh xuống bàn rồi xuống tòa. Võ đế kinh ngạc.


Niên hiệu Đại Đồng thứ năm (539), Đại sĩ lại đến Kim Lăng, cùng Võ đế thảo luận Phật học chân đế. Đại sĩ nói: “Vua nào có tâm để biện? Tôi nào có nghĩa để luận?”. Vua đáp: “Hữu tâm cùng vô tâm đồng vào thật tướng, thật tướng lìa ngôn thuyết, nên không cần biện cũng không cần luận”. Một hôm, Võ đế hỏi: “Sao là chân đế?”. Đại sĩ đáp: “Dứt mà không diệt”. Vua hỏi: “Nếu dứt mà không diệt tức là có sắc, có sắc nên trì độn. Như thế cư sĩ ắt chưa khỏi dòng tục”. Đáp: “Gặp tiền tài không cẩu thả để được, gặp khó khăn không cẩu thả để tránh”. Vua nói: “Cư sĩ rất biết lễ”. Đại sĩ nói: “Tất cả các pháp chẳng có cũng chẳng không”. Vua nói: “Xin thọ lãnh ý chỉ này”. Đại sĩ nói: “Tất cả sắc tướng, đều trở về không, như trăm dòng sông không ra khỏi biển lớn, vạn pháp không ra khỏi chân như. Chỉ có Đấng Như Lai một mình vượt hẳn chín mươi sáu đường trong ba cõi, xem tất cả chúng sinh như con đỏ. Thiên hạ không phải đạo thì Phật chẳng an, không phải lễ thì Phật chẳng vui”. Vua im lặng. Đại sĩ từ giã và làm kệ, rồi trở lại thuyết minh đạo lý “Dứt mà không diệt”.


Niên hiệu Thiên Gia năm thứ hai (561), ngài nhập định cảm ứng đến bảy Đức Phật quá khứ đồng hiện trước tòa, phía trước là Phật Thích Ca, sau là Phật Duy Ma, chỉ có Phật Thích Ca mấy lần nhìn ngài, nói: “Ta bổ xứ cho ông đấy!”. Đầu niên hiệu Thái Kiến đời Trần (569), ngài thị tịch, thọ thế bảy mươi ba tuổi. Trước khi lâm chung có làm bài kệ Hoàn nguyên dạy chúng. Bài Tâm vương minh là do ngài soạn.
Nhìn chung một đời Phó Đại sĩ, sự tích cuộc đời ngài quá nhiều những sắc thái thần kỳ, tư tưởng và tác phong của ngài cũng vượt qua những tị hiềm của thời đại. Ngài sống giữa thời Tề và Lương thuộc Nam triều, sinh nhằm thời kỳ Nhiếp Sơn học phái thịnh hành, lại cả đời hoạt động chủ yếu tại vùng Kim Lăng. Tư tưởng của ngài thể hiện tôn chỉ của Lão Trang “Lấy lòng rỗng rang làm gốc”, lại còn thể hiện tinh thần đặc sắc của Bát nhã “Không dính mắc làm tông”. Bởi vì ngày nay tại các khu vực này vẫn còn đầy dẫy những lời nói mang tư tưởng và văn hóa đặc sắc của ngài, cho nên nói hình thành tư tưởng thế ấy là không thể chẳng luận bàn. Chúng ta không thể tự hạn chế nơi đối tượng quy mô lớn nhất mà không lưu ý nơi đối tượng quy mô nhỏ có tác dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời ngài. 


Ngoài các Đại đức Tổ sư dịch thuật và hoằng xướng Thiền pháp nhiều đời như: An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sấm, Chi Khiêm, Khương Tăng Hội, Trúc Pháp Hộ, Đạo An, Cưu Ma La Thập, Phật Đà Bạt Đà La, Tăng Duệ, Tăng Triệu, Đạo Sanh, Bảo Chí còn thấy ghi trong Cao tăng truyện quyển 11 thiên Tập thiền có truyện 21 người, phần phụ có 11 người. Cảnh đức Truyền đăng lục quyển 27 cũng nói những bậc đạt giả của thiền môn tuy không xuất thế nhưng nổi tiếng thời đó thì có 10 người. Chẳng thấy ghi trong Cao tăng truyện mà ở trong những trước thuật Phật giáo khác có nêu số người tu tập Thiền pháp không phải là ít. Những điều này cho thấy trước khi Đạt Ma đến Trung Quốc, thì Trung Quốc đã có Thiền học lưu truyền, từ thiền Tiểu thừa đến thiền Đại thừa cho đến Tổ sư thiền. Vết tích phát triển này không rõ ràng, do đó có thể nói trước khi Đạt Ma đến Trung Quốc, Thiền tông không có truyền đăng tiếp nối, mà chỉ có Thiền học được truyền dịch xướng đạo và tu tập, lại là từ không mà có, từ có mà huân tu Phật pháp rồi từng bước hưng thạnh phát triển lên.

Tv. Linh Chiếu

 

chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :