Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Suy ngẫm

Tình Mẹ Qua Ca Dao Việt Nam

Thứ tư, 14/08/2013, 10:22 GMT+7

TÌNH MẸ QUA CA DAO VIỆT NAM


*******

(Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu, chúng tôi hân hạnh cống hiến cho quý vị :"tình mẹ qua ca dao Việt Nam. " Thân tặng cho các bạn gái ở Cali, một lần , một đời theo chồng về nơi xứ lạ )

Có một danh nhân đã nói : " kỳ quan lớn nhất trên đời nầy là trái tim người mẹ ". Nói về Mẹ là cả một kho tàng văn chương như suối nguồn tuôn chảy, không bao giờ hết ! Đó là một thứ tình cảm độc đáo , thiêng liêng cao quý không gì sánh nổi.Từ vô thỉ đến nay, và mãi mãi , tình cảm đó đã đi vào lòng người nhẹ nhàng , êm ái , sâu sắc và bất diệt....
Trong kinh Phật, công ơn Cha Mẹ to lớn hơn biển và Trời, cho nên làm con lấy chữ HIẾU làm đầu và đây là PHƯỚC ĐỨC LỚN NHẤT của con người. Vì vậy mà trong ca dao cũng thể hiện rất rõ :

 

- Tu đâu cho bằng tu nhà ,

         Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu .

Anh muốn đi tu, chị muốn đi tu, em muốn đi tu , hãy xem lại mình đã đầy đủ bổn phận với hai ông Phật , bà Phật ờ nhà chưa ? Nếu anh cảm thấy chưa , thì triết lý cao siêu nhà chùa anh không thể nào dung nạp được đâu !

Mùa Vu Lan, các Phật tử đi chùa được tặng đó hoa hồng tươi thắm cài trên áo. Người con có đóa hoa màu hồng  hảnh diện, vui mừng,  sung sướng hạnh phúc biết bao nhiêu , vì còn Mẹ thân thương. Còn đóa hoa hồng trắng cho đứa con bất hạnh đã mất vòng tay yêu thương nồng ấm của mẹ ,đang thổn thức nguyện cầu cho Mẹ được an bình siêu thoát ở cõi vĩnh hằng ...


HIẾU KÍNH CHA MẸ :Ngày xưa, nước Trung hoa có 24 gương hiếu để, gọi là Nhị Thập Tứ Hiếu. Trong chương trình Văn học lớp Đệ thất của chế độ củ ,có dạy và phân tích cho học trò tĩ mĩ từng Gương Chí Hiếu nầy.Ở nước ta, tuy không có cuốn sách nào tập trung nói về chữ Hiếu, nhưng hàng ngàn ca dao , tục ngữ đã thể hiện điều đó :

- Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

Đây là tấm lòng hiếu thảo của con. Người xưa, chữ hiếu thật là toàn vẹn , rất nhiều câu ca dao đã minh chứng điều đó. Tại sao những đứa con bây giờ không nhìn thấy, không noi theo tấm gương tốt đó :

-Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con .

-Gió đưa cây lựu lý hương ,
Xa cha, xa mẹ, thất thường bửa ăn
sầu riêng, cơm chẳng muốn ăn
đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm.

- Ba tiền một khúc cá buôi ,
cũng mua cho được mà nuôi mẹ già .

- Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa .

Cầm cần câu cá ngược xuôi,
Nấu canh rau bợ mà nuôi mẹ già .

Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con ...


   Con cái biết vâng lời Cha mẹ, gọi dạ, bảo vâng , cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, trật tự trong già đình cũng là ổn định của xã hội :



                                                   Mẹ cha là là biển là Trời
                                   Làm con sao dám cải lời mẹ cha

 

Ngày nay, con được thành đạt võng lọng thênh thang , ấy cũng là do phức đức của ông Bà Cha mẹ để lại. Tổ Tiên đã gieo trồng hạt giống từ thiện, cứu giúp người cơ nhỡ nghèo cùng, khốn khổ ... con được thừa hưởng quả lành đó, chứ không tự  nhiên mà có đâu! Vi vậy mà ơn nầy con chớ quên :

- Khôn ngoan nhờ ấm ông Bà ,
Làm nên ,phải nhớ mẹ cha phụng thờ ,
Đạo làm con, chớ hững hờ .
phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm .

Mẹ cha là cả một trời thương yêu bất tận :

                                            Mẹ Cha là cả trời thương ,
                                       Là ngưồn sống của Thiên Đường trần gian .

 

Cha mẹ già , theo quy luật là phải lần lượt qua đời , để con ở lại bơ vơ, dù lớn tuổi, con mà mất cha mẹ cũng như đứa trẻ mồ côi ":



                             -Còn cha còn mẹ thì hơn,
                                không cha, không mẹ như đờn đứt giây
                                Đờn đứt giây còn thay, còn nối
                                cha mẹ chết rồi con chịu mồ côi ..!
                          

                            - Chiều chiều xách giỏ hái rau ,
                               Ngó lên mã mẹ, ruột đau như dần
.

                             - Chiều chiều ngó ngựơc ngó xuôi,
                               Ngó khộng thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương .

- Thuyền không bánh lái thuyền quày,
Con không cha mẹ , ai bày con nên ?

 

 CÔNG ƠN CHA MẸ :


Nếu nói đến công ơn cha mẹ thì dù cho núi có cao bao nhiêu, biển có rộng bao la  chừng nào, thì cũng không thể có bút mực để diển tả cho hết được. Công khó nhọc sanh thành dưỡng dục , thuở còn là thai nhi , cũng như khi mới là hài nhi ngo ngoe trong nôi , đêm ngày bồng bế trên tay .Khi chập chửng biết đi, nhai cơm, mớm sửa :

                                      Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
                                Miệng nhai cơm bún , lưỡi lừa cá xương .
T
rong cuộc sống , khi nhắc đến ý niệm về mẹ , thường không thể tách rời ý niệm về tình mẫu tử dạt dào , nồng ấm đầy ấp thương yêu:
                  
                                       Mẹ nuôi con như biển hồ lai láng
                                 Con nuôi mẹ tính tháng , tính ngày.

                                       - Một đời vốn liếng mẹ trao
                                 Cho con tất cả , mẹ nào giữ riêng .

- Ân cha nặng lắm , anh ơi !
Nghĩa mẹ bằng Trời, chín tháng cưu mang ...

- Mẹ luôn luôn khó nhọc , nhiều khi vì miếng cơm, manh áo mà chịu tũi nhục để nuôi con đủ đầy no ấm , nuôi con với thân gầy gò yếu đuối hy sinh cho con suốt cả cuộc đời. Nhưng  mẹ vẩn giữ gìn danh giá , sỉ diện cho con, dù mẹ có ngậm đắng nuốt cay :

             Con cò mà đi ăn đêm,
             đậu phải cành mềm , lộn cổ xuống ao.
             Ông ơi! ông vớt tôi nao ,
             Tôi có lòng nào , ông  hãy sáo măng .
             Có sáo thì sáo nước trong,
             đừng sáo nước đục, đau lòng cò con ...!


Mẹ nhường nhịn cho mọi người trong gia đình, nhất là đối với con,những miếng ngon, miếng ngọt đều để dành cho con, săn sóc từng chút sức khỏe của con, mong con chóng lớn :
" Bắt con vịt nước nhổ lông.
                                     miếng nạt phần chồng.
                                     miếng xương phần mẹ,
                                     miếng lòng phần con. "

-  Thương con mẹ tần tão sớm hôm
    Cơm đùm chéo áo, cháo đùm lá môn.

Từ khi con hiện diện trên thế gian nầy, mẹ đã phải mang nặng đẻ đau , chăm chút cho con lúc còn bé, cũng như khi lớn lên cho đi học, rồi dựng vợ gã chồng, lo sự nghiệp tương lai. Ân đức cù lao nầy to rộng bao la, không bút mực nào ghi chép ,diển tả cho vừa :

                          " Lên non mới biết non cao .    
                            Nuôi con mới biết công lao mẫu từ ".

                                  " Chim trời ai dễ đếm lông ,
                                     Nuôi con , ai dễ kể công tháng ngày "

HÌNH ẢNH NGƯỜI MẸ GIÀ :

Trong ca dao, tục ngữ, nếu chúng ta quan tâm một ít, đều thấy rằng người xưa đã ghi lại rất nhiều hình ảnh của bà mẹ già. Đó là điều mà các người con cần phải suy nghỉ, các bạn ạ! Mỗi người sẽ có những suy tư riêng, nhưng gợi nhớ nhất là tình mẫu tử vốn dĩ thiêng liêng và mầu nhiệm :

                    - Mẹ già như chuối ba hương ,
                       như xôi nếp một như đường mía lau .

                    - Đi đâu mà bỏ mẹ già .
                      gối nghiêng ai sửa, kỷ trà ai nâng .

Tuổi già là khô cằn, xơ xác, tóc bạc, răng long, chân yếu, tay mềm .Đó là cái thể xác của thời gian, nhưng trái tim nóng bỏng yêu thương vẫn không hề thay đổi.

                    - Đói lòng ăn hột chà là ,
                      để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng .

                    -Mẹ già như mít chín cây,
                      gió đông cũng sợ, gió tây cũng buồn .

- Mẹ già như trái chín cây,
Gió lay mẹ rụng, biết ngày nào đây ?

    
Các bạn ơi! hãy thương mẹ, hãy ngoan, hãy có hiếu khi mẹ còn sống ..., món quà  vô giá mà Ơn Trên ban tặng cho bạn. Bạn may mắn lắm, bạn diễm phúc lắm, bạn có biết hay không ? Đừng để khi mẹ mất rồi , đã muộn ! bao nhiêu nước mắt khóc thương thì cũng bằng thừa , không còn nghĩa lý gì cả .Bạn mất tất cả , mất tất cả ...

                              - Mẹ còn chẳng biết là may,
                                Mẹ mất mới tiếc những ngày làm con .

                            - Xin người hiếu tử hiền ngoan
                                 Kịp thì nuôi nấng cho tròn đạo con
                                 Kẽo khi sông cạn đá mòn
                                 Vinh quang phú quý có còn ra chi..


- Trong xã hội, có người tốt, nhưng vì trần gian không là thiên đường nên cũng có kẻ xấu, bất hiếu tử còn nhan nhản ngập tràn, nhất là xã hội ngày nay ...cái gọi là làm chủ, tự do, văn minh hiện đại ...:

Mẹ anh lội bụi lội bờ
Sao anh áo lụa quần tơ ngày ngày .
Mẹ anh bụng đói thân gầy
Sao anh vui thú mâm đầy cỗ cao
Mẹ anh như tép lao xao
Mà anh lấp lánh như sao trên trời
Mẹ anh quần quật một đời
Sao anh ngoảnh mặt anh cười cợt hoa ...

-Trách ai đặng cá quên nơm
Đặng chim bẻ ná, quên ơn sinh thành ...


 LẤY CHỒNG XA XỨ, NHỚ MẸ.


Thời buổi bây giờ, nhiều người con gái lấy Việt kiều hay người ngoại quốc .Vì  kinh tế, vì miếng cơm manh áo cho cả đàn em nheo nhóc, vì muốn đổi đời sống bùn lầy nước động , bửa đói bửa no ...cả hàng ngàn lý do chính đáng ...Họ gạt lệ đau thương đi lấy ông chồng khác màu da, tiếng nói ., nào là  Đài Loan, Mỷ, Anh, Pháp ...nhưng nổi đoạn trường  quyến luyến gia đình, người thân ruột thịt, nhất là người mẹ thân yêu nơi quê nghèo không ai đở đần, chăm sóc :

                          - Ghe bầu trở lái về đông ,
                             Con gái theo chồng , bỏ mẹ ai nuôi .

                 - Chim đa đa đậu nhánh đa đa ,
                    chồng gần em không lấy, lại lấy chồng xa ,
                    Lỡ mai cha yếu mẹ già, bát cơm đôi đủa bộ kỷ trà ai nâng ?

                          
- Chiều chiều ra đứng ngỏ sau,
                              trông về quê mẹ, ruột đau chín ch
iều .

- Chiều chiều ra đứng ngã ba,
Trông về quê mẹ lệ sa đôi hàng ...

Con lạc loài ở xứ người , núi non trùng điệp  tít mù khơi hàng ngàn hàng vạn ki-lô-mét đường xa, nhìn đâu mà thấy quê hương mình nữa , và biết đến bao giờ mới gặp lại gia đình thân yêu :

-   Trông xa xa thấy ngọn núi già
     Lòng con tưởng nhớ xót xa rầu rầu
     Xa mẹ lòng những quặn đau
     Biết ngày nào mới cùng nhau quây quần..

   Có còn nổi nhớ niềm đau thắt ruột nào nửa hay không , có còn suối lệ nào khóc cho cạn nữa hay không :

- Gió thúc cội sung, nhánh tùng khua rúc rích
   Nhớ Cha mẹ già ruột thắt gan bào .
  
- Thương mẹ nhớ cha như kim châm vào dạ
   Nghỉ đến chừng nào, lệ hạ tuôn rơi...

 

KẾT LUẬN :

Ca dao về mẹ là trong những áng văn bất tử  trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Nó phản ảnh tình cảm thiệng liêng ,mầu nhiệm , nhưng lại rất gần gũi giữa cuộc sống đời thường. Ca dao về mẹ đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng , êm ái và đọng lại rất sâu ...
Đây là một tình cảm quý báu nhất của loài người , luôn luôn tồn tại vượt không gian và thời gian cho đến mãi mãi và... mãi mãi ...

ĐỀ NGHỊ :
1/.  Nhị Thập Tứ Hiếu là 24 gương HIẾU không phải chỉ riêng của người Trung Quốc ,mà đó là những tấm gương của tát cả những đứa con trên thế giới phải học tập. Đó là những mẫu chuyện có thật, được ghi rất rõ tại làng nào, thời nào , năm nào ..
.Thí dụ :sự tích măng Mạnh Tông
<<   Người đất Giang Hạ. về đời Tam Quốc, môi côi cha, Mạnh Tông ở với Mẹ rất có hiếu. Một hôm bà mẹ của Mạnh Tông đau nặng, lại thèm ăn canh măng. Lúc bấy giờ mùa đông khó tìm ra măng Ông đi vào trong rừng tre, ngồi bên gốc tre mà khóc. Bổng đâu có mấy mục măng từ dưới đất mọc lên, quá mừng rở !Mạnh Tông mang về nhà nấu canh cho mẹ ăn. Lạ thay ! ăn canh măng xong bà liền hết bệnh !
Người ta cho rằng, vì tấm lòng hiếu thảo của Ngài đã động lòng Trời, mà măng mọc lên (vì cây cò cũng có tâm linh ), để cho ông tròn chữ hiếu.
Về sau nầy, có một loại măng màu xám được đặt tên là Mạnh Tông, hình dáng trông rất đẹp và ăn ngọn...>>
2./ Cầu xin các nhà Giáo dục, vì sự nghiệp Giáo dục, sự nghiệp trồng người ,vì các mầm non của đất nước sau nầy. Xin quý vị hãy quan tâm, phục hồi lại chương trình Văn lớp 6 có "NHỊ THẬP TỪ HIẾU".

ĐÔI LỜI :
Nói về chữ HIẾU, người ta đã nói nhiều lắm rôi. Nhưng điều tôi phải nhấn mạnh ở đây là:
   chữ Hiếu đời bây giờ đã phai nhạt , cũng có nghĩa là tình thương của con đối với Cha Mẹ dần dần sút giảm. Nguyên nhân vì đâu ? đa phần nguyên nhân từ thiếu giáo dục gia đình và nhà trường . Cha Mẹ không đối xử tốt với Ông Bà, con cái nhìn cái gương xấu đó cũng không quan tâm đến Cha Mẹ , cứ như thế cái vòng xoay lẩn quẩn mãi từ thế hệ nầy , đến thế hệ khác. Câu chuyện ngụ ngôn " cái mũng dừa" đã thể hiện diều đó. Người cha vì thấy bố mình già ăn chén sành hay bị bể, nên đã tạo cái chén bằng vỏ trái dừa. Đứa con bắt chước cha, cũng cạo vỏ dừa dành cho cha lúc già như ông nội ..
    Tôi xin nhắc lại, trong đạo Phật, Hiếu là cái phước lớn nhất của con người. Ta sang giàu sung sướng hay đau khổ là do phước quyết định cả. Người con có hiếu, suốt cả đời sẽ hưởng phúc lộc, gặp may mắn , trường tồn mãi mãi . Vì sao ? trong  gia đình, con có hiếu, kính trên nhường dưới, lo cho gia đinh, lo học hành không làm điều xấu để cha mẹ buồn lòng , chỉ cần biết vâng lời cha mẹ, chi cần chăm chỉ sách đèn, cha mẹ vui  là đủ, là có phước rồi  !Trái lại, đứa con bất hiếu , trước hết làm đảo lộn trật tự gia đình, cải cha mẹ, không nghe lời khuyên răn...v....v...Cha mẹ buồn lòng, bị tổn phước . Phước không có thì chỉ là kẻ bần cùng , đầu đường xó chơ, là gánh nặng xã hội, đó là chưa nói đến xi ke ma túy, si đa...cuối cùng nhận một cái chết thê thảm ...Chết xong, chưa đã hết, Kinh sách còn nói : hồn sa xuống địa ngục vô gián, đời đời kiếp kiếp bị đày trong đó và không thể đầu thai ...


                   Giáo viên hưu trí : Phạm thị Minh Yến sưu tầm.

nguồn: tutamdao.com


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :