Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Kỷ Yếu

Ước nguyện thành lập Tuệ Tĩnh Đường TỪ TẾ

Chủ nhật, 31/01/2021, 22:17 GMT+7

“Bệnh là do nghiệp, nhất là những bệnh càng nặng thì chứng tỏ nghiệp càng nặng. Chỉ có sám hối mới tiêu trừ nghiệp. “

   
ƯỚC NGUYỆN THÀNH LẬP TUỆ TĨNH ĐƯỜNG TỪ TẾ
 
 
 
 
   Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát!
   Kính  thưa  quý  Phật  tử thiện nam tín nữ gần xa!
 
   Tôi là người rất sùng kính Đức Quán Thế Âm  Bồ-tát. Ngay từ nhỏ, tôi đã được mẹ dạy, mỗi tối phải niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ-tát cho đến khi nào ngủ mới thôi, bởi thế cho nên, có thể nói, tôi kết duyên sâu dày với đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Sau này đi xuất gia, có cơ hội học Kinh Phật, tôi mới hiểu nhiều thêm về đức Quán Thế Âm Bồ-tát.
 
   Năm 2005, sau khi học xong lớp phiên dịch Hán Nôm tại Tu viện Huệ Quang, tôi quyết chí chọn việc dịch Kinh Phật làm bản hoài. Năm 2008, tôi có ý tìm một nơi vắng vẻ yên tĩnh để tiện bề cho việc tu học và dịch Kinh của mình, vì ngôi chùa tôi ở khi đó thuộc nội ô thành phố, ồn ào, đông đúc, không thích hợp cho công việc phiên dịch của mình. Nhờ tam Bảo gia hộ, tôi mua được mảnh đất tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, tức là chùa Phổ Giác ngày nay. Tôi rất vui mừng, chuẩn bị cho đời sống và sự nghiệp dịch Kinh của mình.
 
   Thời điểm đó, tôi cảm thấy người mình có bệnh, nên đi khám bác sĩ. Kết quả là tôi bị viêm gan siêu vi C (HCV) ngoài ra còn nhiều chứng bệnh khác như viêm đại tràng nặng, viêm dạ dày tá tràng có vi rút HP, đồng thời lại thêm bị tràn dịch màng phổi... Khi biết mình có bệnh, lại thêm bệnh nhiều và nặng, viêm gan siêu vi C của tôi thuộc type 1, rất khó điều trị, là tu sĩ, hiểu được định nghiệp, có thân ắt có bệnh nên dẫu thoáng chút lo sợ, tôi cũng bình tâm ngay.
 
   Nguyễn Trãi, Tp.HCM cả tháng trời điều trị. Trong khoảng thời gian điều trị này, tôi nhớ có lần mình đã chết ngất trong lúc rút dịch trong phổi ra. Tôi nghe cả tiếng các y tá gọi nhau í ới đem bình ôxy và dụng cụ cấp cứu đến. Bấy giờ tôi liền quán niệm đến vô thường và nhẹ nhàng xả bỏ mọi thứ. Mọi người bên cạnh sợ hãi cầu nguyện. Sau này tỉnh lại tôi mới thẩm sâu hơn về tính vô thường và quý trọng kiếp sống làm người của mình.
 
   Bấy giờ, khi hay tôi bệnh, các Phật tử của chùa cùng nhau lập đàn cầu an và bàn tính cúng dường tiền để tôi trị bệnh. Tôi rất cảm kích tấm lòng của Phật tử và nói với họ: “Cảm ơn các vị! Nhưng xin đừng vì tôi mà lập đàn cầu an, nếu có thì xin các Phật tử hãy cầu cho chính mình. Hãy để cho tôi được tự thân sám hối và quán chiếu nhân quả nghiệp báo qua căn bệnh của mình!” Tôi nghĩ: “người mới học Phật, chưa thấy được lý duyên sanh, nên khi đau bệnh thì sợ chết, sợ phải bỏ lại tất cả, còn mình được đại phước xuất gia học Phật, hiểu được lý vô thường có sanh ắt có tử, nếu mình sợ chết mà quên đi nghiệp quả và tính vô thường thì Phật tử lấy gì cậy nương.” Bấy giờ tôi nhớ lại một câu trong Luận Đại Trí Độ có nói: “Vô thường cho là thường, đó gọi là điên đảo, trong “Không” không vô thường, chỗ nào gọi là thường?” Hiểu rõ điều này, tôi dùng hết số tiền mà Phật tử cúng dường trị bệnh để xây chùa mà không đoái hoài gì đến căn bệnh của mình.
 
   Sau khi chích thuốc đúng hai tháng để điều trị căn bệnh lao phổi của mình, qua ngày hôm sau, tôi quải đãi lên Hóc Môn xây dựng đạo tràng, chuẩn bị cho việc dịch Kinh của mình sau này. Bấy giờ song song với việc xây dựng chùa, tôi kiên trì lạy chú Đại Bi (Nghi thức lạy chú Đại Bi do tôi tự soạn), trì chú Đại Bi và lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ-tát để sám hối. Qua một thời gian kiên trì lễ lạy chú Đại Bi, Trì tụng chú Đại Bi và lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ- tát, tôi đi khám lại và kết quả là không còn những căn bệnh trên. Song song đó, tôi cảm thấy người thơi thới nhẹ nhàng, hỷ lạc trong tâm, tinh tấn tu hành hơn xưa và chí tu càng lúc càng mãnh liệt, bấy giờ tôi mới nghĩ ra rằng, đó là nhờ oai thần của Chú Đại Bi và đức đại từ đại bi của Quán Thế Âm Bồ-tát gia trì vì trong kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn có ghi: “Lại nữa, những chúng sanh trong tam đồ, nơi tăm tối âm u mà nghe được thần chú của ta đây thì sẽ đều được thoát khổ. Nếu có các Bồ-tát nào chưa chứng vào ngôi sơ trụ, ta sẽ khiến cho mau chứng; cho đến khiến cho chứng đắc thập trụ địa, lại còn khiến cho chứng đến Phật địa, tự nhiên thành tựu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp nơi thân. Nếu có hàng Thanh văn nào vừa nghe thần chú Đà- la-ni này nơi tai, người tu hành theo kinh sách nói về thần chú Đà-la-ni này, dùng tâm chất trực như pháp mà trụ thì bốn quả Sa môn không cầu mà được.” Từ đó, tôi giữ nguyên nghi thức hành trì và có mở những khóa tu trì Đại Bi Sám Pháp và lễ Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ-tát hằng tuần vào ngày chủ nhật, khóa tu này vẫn duy trì cho đến ngày nay.
 
   Tôi rất tin vào oai đức của chư Phật, Bồ-tát, nhất là với đức Quán Thế Âm Bồ-tát, nên mỗi khi gặp ai tôi cũng đều khuyên trì chú Đại Bi và lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm, nhất là những người bệnh thì càng phải tinh tấn và sám hối thêm.
 
   “Có bệnh mới nghĩ về bệnh và mới thấy có nhiều điều đáng thương trong bệnh tật.” Tôi trước đây vốn rất thương người bệnh, nhất là những người bệnh không có tiền thang thuốc, hễ có dư đồng nào Phật tử cúng dường tôi đều cúng dường lại người bệnh chữa bệnh.
 
   Có một dạo, trong chuyến từ thiện về xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tôi thấy có một cô tên là Hằng bị bệnh giảm tiểu cầu, xuất huyết, biến chứng làm hư giác mạc, khiến cho đôi mắt mờ dần, không thấy gì. Cô đau mà không có tiền chữa trị. Bác sĩ bảo chỉ cần có 5 triệu phẫu thuật là mắt sẽ sáng lại, nhưng cô ấy không có tiền. Biết tin, tôi vội mời cô ấy lên thành phố cho tiền chữa trị. Lúc lên ca mổ, cô ấy nói với tôi “Chỉ cần hai mắt con được sáng, nhìn thấy 3 đứa con của con rồi có chết con cũng cam, xin Thầy hãy thương cứu con!” Tôi động viên an ủi và hết lòng khẩn cầu với đức Quán Thế Âm Bồ-tát để cứu cô ấy. Kết quả là ca phẫu thuật thành công, cô ấy được sáng mắt. Lúc này tôi mới hiểu rõ câu “Cứu nhân chi cấp, tế nhân chi nguy” cứu người lúc khẩn cấp, giúp người lúc nguy khốn. Chỉ cần có năm triệu bạc là có thể cứu đôi mắt người ta, và hơn thế nữa còn cho người cả niềm tin vào tam Bảo và Đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Từ đó trong lòng tôi le lói giúp đỡ người bệnh khi cần thiết.
 
   Trong khóa tu lễ lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ-tát và trì chú Đại Bi hằng tuần vào ngày chủ nhật có rất nhiều Phật tử bị bệnh, nhìn thấy căn bệnh hoành hành cơ thể họ, khiến họ hoảng hốt bất an, lo sợ, tôi chợt nảy sinh ý nghĩ “Phải chi mình lập được phòng khám chữa bệnh miễn phí ở chùa đây thì tốt biết bao!” vì khi ấy tôi suy nghĩ: “Bệnh là do nghiệp, nhất là những bệnh càng nặng thì chứng tỏ nghiệp càng nặng. Chỉ có sám hối mới tiêu trừ nghiệp. Nếu Phật tử được đến đây khám bệnh, lại được dạy cho lễ Phật sám hối thì họ sẽ sớm tiêu trừ nghiệp chướng và vì thế căn bệnh cũng sẽ bình phục. Được vậy sẽ giúp họ tiêu trừ hai thứ bệnh đó là bệnh nghiệp và bệnh thân”. Vì thế trong lòng tôi cũng manh nha khởi niệm lập phòng khám chữa bệnh miễn phí tại chùa để giúp người chữa bệnh và có cơ hội sám hối.
 
   Tôi có mấy đệ tử Ni xuất gia, trước kia cũng có học qua ngành dược. Trong số đó có sư cô Diệu Từ là người rất có cảm ứng với đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Trước khi xuất gia, cô mang căn bệnh ung thư hạch, đã tốn rất nhiều tiền chữa trị mà không khỏi, bác sĩ bảo chỉ cần ngưng thuốc ba tháng thì cô sẽ chết. Hiểu được căn bệnh của mình, cô phát nguyện xuất gia với suy nghĩ, dẫu có chết cũng xin được chết trong hình tướng người tu. Khi bệnh, cô có phát nguyện sau này khỏi bệnh sẽ học ngành y để chữa bệnh cho mọi người. Khi xuất gia rồi, cô chuyên trì chú Đại Bi và lễ lạy đức Quán Thế Âm Bồ-tát, và kết quả nhờ sự cảm ứng này mà cô đã khỏi bệnh ung thư, từ đó cô chuyên tâm học ngành đông y để thực hiện tâm nguyện chữa bệnh của mình.
 
   Với tâm thành chịu khó học hỏi, cộng với kiến thức thuốc nam mà sư cô đã học với bà ngoại mình từ nhỏ và hơn nữa với tâm chân tu thật học, siêng tụng niệm lễ lạy đức Quán Thế Âm Bồ-tát, cô đã từng bước thể hiện tài và đức lương y của mình.
   
   Vào khoảng giữa năm 2012, thấy người dân ở núi Cấm, đa phần là dân tộc Khơ-me có nhiều người đau ốm bệnh tật mà không có tiền thang thuốc điều trị, sư cô Diệu Từ và các huynh đệ, cả thảy là bốn cô xin phép tôi được về đó chữa bệnh cho bà con nghèo. Trong suốt khoảng bốn tháng khám chữa bệnh, từ vài người ban đầu, rồi lên đến vài chục, rồi hàng trăm người nghe danh đến xin khám chữa bệnh.
 
   Đầu năm 2013, thấy Phật tử đến chùa tu học hằng tuần có bệnh, nên cô đề nghị xin được về khám cho các Phật tử bị bệnh đó. Tôi nghĩ: “điều này rất tốt. Vì kết hợp thực tế việc chữa trị bệnh bằng y học cộng thêm lạy Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm và Trì chú Đại Bi theo tín ngưỡng Phật giáo, hai thứ này hỗ tương cho nhau, sẽ khiến cho Phật tử mau khỏi bệnh.” Thế là tôi chấp nhận cho các cô chữa bệnh cho các Phật tử đến chùa tu học hằng tuần.
 
   Khi về chùa Phổ Giác khám chữa bệnh, ban đầu cũng chỉ hơn mười người. Về sau số lượng cứ tăng dần, đối tượng không chỉ là Phật tử đến tu học hằng tuần mà người dân khắp nơi nghe tiếng cũng tìm đến xin chữa trị. Đến thời điểm này (tháng 8/2013) số bệnh nhân đến khám bệnh hằng tuần trung bình trên dưới 500 lượt người, cá biệt có tuần lên đến hơn 700 người, phòng khám hoạt động xuyên suốt từ 6h00 sáng cho đến 6h00 chiều không nghỉ trưa. Nhìn những người được khỏi bệnh lòng chúng tôi cảm thấy rất vui. Nhưng cũng có những trường hợp bệnh nặng, nghiệp lực sâu dày, không thể cứu chữa, những lúc như thế, chúng tôi cố gắng cầu xin với đức Quán Thế Âm Bồ-tát thương xót cứu họ, để họ không phải chịu đau đớn, thường là những trường hợp này đa phần là ra đi trong nhẹ nhàng không gây đau đớn. Bấy giờ chúng tôi mới thấy việc khám chữa bệnh nơi chùa rất có ý nghĩa.
 
             
 
   Tôi mong mỏi nơi đây có một Tuệ Tĩnh Đường, để cho những người nghèo khó bệnh tật có nơi chữa trị. Sức khỏe là tài sản quý nhất của con người. Có sức khỏe mới có thể mưu sinh tự sống và lo cho gia đình. Tôi tâm niệm: “Thuốc là phương tiện chữa bệnh, kiến thức y học là công cụ chữa bệnh, tâm từ bi mới là hiệu quả chữa bệnh”.
 
   Tôi ước mong:
     - Người nghèo khổ bệnh tật có điều kiện được khám chữa bệnh.
 
     - Người bệnh được khỏi bệnh, sống vui khỏe, có lợi ích.
 
     - Mọi người biết ngăn ngừa mầm bệnh bằng cách ăn chay, phóng sanh, tạo thiện tích chứa âm đức để được trường thọ khỏe mạnh.
 
     - Mọi người được trường thọ, sống vui khỏe và sống có lợi ích cho bản thân và gia đình, xã hội.
 
    Nam mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát.
 
 
 

Tỳ-kheo Thích Minh Kiết


Các tin đã đưa ngày :