Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Ý nghĩa phẩm an lạc hạnh trong kinh pháp hoa

Thứ năm, 23/10/2014, 19:41 GMT+7

 

Ý NGHĨA PHẨM AN LẠC HẠNH TRONG KINH PHÁP HOA

                                                Trước tác: Thiền sư Huệ Tư

                                                 Dịch giả: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

Kinh Pháp Hoa thuộc Đại thừa đốn giác, tự ngộ không cần thầy, mau chóng thành Phật, là pháp môn khó tin của hết thảy thế gian. Phàm hết thảy các Bồ-tát mới phát tâm học đạo, muốn cầu đại thừa siêu xuất hết thảy các Bồ-tát, chóng thành Phật đạo thì cần phải trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, siêng tu thiền định, chuyên tâm siêng học Pháp Hoa tam muội, quán hết thảy chúng sanh nghĩ như Phật mà chắp tay lễ lạy cũng như kính Phật và cũng quán hết thảy chúng sanh đều nghĩ như là bậc đại Bồ-tát thiện tri thức vậy. Người dũng mãnh tinh tấn cầu Phật đạo như Dược Vương Bồ-tát, hành những khổ hạnh khó hành, ở trong pháp của Đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật có tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ-tát (Vị Bồ-tát mà hết thảy chúng sanh đều ưa thích gặp) vì nghe kinh Pháp Hoa, tinh tấn cầu làm Phật mà ngay trong một đời này chứng đắc được thần thông của Phật. Cũng giống như Vua Diệu Trang Nghiêm thời quá khứ, xả bỏ ngôi vua, giao lại cho người em, rồi cùng với quần thần, phu nhân, thái tử, quyến thuộc nội ngoại xuất gia theo Đức Phật Vân Lôi Âm Vương, tụng kinh Pháp Hoa chuyên cầu Phật đạo, trãi suốt tám mươi bốn ngàn năm, chỉ trong một kiếp chứng được đầy đủ thần thông của chư Phật, được thọ ký thành Phật. Bấy giờ thọ mạng của dân chúng rất dài, tám mươi chín ngàn tuổi, bằng như tám mươi năm bốn trăm ngày ở cõi diêm-phù-đề này, bằng với tám mươi năm của ba thiên hạ (ba châu còn lại). Thời nay mạng người ngắn ngủi, đời ác kiếp trược, khổ não bức bách nhiều cho nên ở cõi này cầu đạo dễ được.

·    "Quán hết thảy chúng sanh đều nghĩ như Phật" là: như trong Phẩm Thường Bất Khinh dạy.

·    Siêng tu thiền định là: như trong phẩm Hạnh an lạc phần đầu có dạy.

Tại sao? vì tất cả chúng sanh đều có đầy đủ tạng pháp thân giống như chư Phật không khác. Như trong tạng kinh Phật có nói, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trạm nhiên (mầu trong) thanh tịnh. Chúng sanh vì do loạn tâm bị mê hoặc, có chướng ngại, lục tình (6 căn) tối tăm nhơ bẩn nên pháp thân không hiện, giống như tấm kính bị bụi bám nên không hiện ảnh. Cho nên hành giả, siêng tu thiền định, sạch hết chướng cấu, pháp thân hiển hiện. Vì vậy kinh dạy: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bình thường thanh tịnh do cha mẹ, pháp sư (sư phụ) sanh ra cũng giống như vậy, như khi tọa thiền không thấy các pháp thường và vô thường. Như trong phẩm Hạnh an lạc nói, Bồ-tát quán tất cả các pháp không có thường trụ, cũng không khởi hoại diệt. Đây gọi là chỗ thân cận của người trí.

Muốn cầu đạo vô thượng

Tu học kinh Pháp Hoa

Thân tâm chứng cam lộ

Pháp môn thanh tịnh diệu

Trì giới hành nhẫn nhục

Tu tập các thiền định

Được tam-muội chư Phật

Sáu căn tánh thanh tịnh

Bồ-tát học Pháp Hoa

Đầy đủ hai loại hạnh

Một là hạnh không tướng

Hai là hạnh có tướng

Không tướng, bốn an lạc

Thiền định diệu sâu xa

Quán sát sáu căn tình

Các pháp xưa nay tịnh

Tánh chúng sanh không nhơ

Không xưa cũng không tịnh

Không tu hạnh đối trị

Tự nhiên siêu các thánh

Không thầy tự nhiên giác

Không do thứ đệ hành

Kiến giải đồng chư Phật

Diệu giác tánh mầu trong

Sáu thần thông thượng diệu

Hạnh an lạc thanh tịnh

Không dạo đường hai thừa

Đi bát chánh đại thừa

Bồ-tát đại từ bi

Đầy đủ hạnh nhất thừa

Sâu thẳm Như Lai tạng

Rốt ráo không già suy

Đây gọi ma-ha-diễn

Đường bát chánh Như Lai

Chúng sanh không ngũ dục

Cũng chẳng đoạn phiền não

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa

Là đại ma-ha-diễn

Nếu chúng sanh hành theo

Tự nhiên thành Phật đạo

Thế nào là nhất thừa?

Là tất cả chúng sanh

Đều dùng Như Lai tạng

Rốt ráo hằng an lạc

Cũng như sư tử hống

Khoảng giữa Phật niết-bàn

Nghĩa thật tướng của Phật

Là một hay chẳng một?

Phật đáp sư tử hống

Cũng một cũng chẳng một

Chẳng một chẳng chẳng một

Thế nào gọi là một

Là tất cả chúng sanh

Đều vì là nhất thừa

Thế nào là chẳng một

Vì chẳng phải số pháp

Sao là chẳng chẳng một

Vì số và chẳng số

Đều là bất khả đắc

Đây gọi nghĩa chúng sanh.

Hỏi:Tại sao gọi là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa? Tại sao gọi là nghĩa Nhất thừa? Tại sao gọi là Như Lai tạng? Tại sao lại gọi là Ma-ha-diễn (Đại thừa)

Đáp:Như kinh Đại Phẩm (Đại Phẩm Bát-nhã Kinh) ghi: ma-ha gọi là đại. Diễn nghĩa là thừa, cũng còn gọi là sang bờ kia.

Hỏi:Tại sao lại có đại ma-ha-diễn? Tại sao gọi là nghĩa chúng sanh?

Đáp:Diệu, nghĩa là vì chúng sanh diệu. Pháp tức là pháp chúng sanh. Liên Hoa là mượn thí dụ để nói. Thí như các loài hoa trên đất, trong nước hay ở thế gian, mỗi loại đều có cuồng hoa (hoa đực, loại hoa hư không đậu trái), loại hoa không đậu trái, rất ít loại đậu trái. Còn như hoa sen thì không như vậy, tất cả hoa sen đều không phải cuồng hoa, có hoa tức có trái. Những loại hoa khác kết trái hiển lộ ra bên ngoài dễ biết, riêng hoa sen kết trái ẩn hiển khó thấy. Cuồng hoa dụ cho ngoại đạo. Còn những loại kết trái hiển lộ ra bên ngoài dễ biết là dụ cho hàng nhị thừa, cũng chính là sự sai biệt hơn kém thứ lớp tu hành của hàng Bồ-tát độn căn, đoạn phiền não tập cũng gọi là hiển lộ dễ biết. Bồ-tát Pháp Hoa thì không như vậy, không tu theo thứ lớp cũng không đoạn phiền não, nếu chứng kinh Pháp Hoa rốt ráo sẽ được thành Phật, nếu tu hạnh Pháp Hoa thì sẽ không đi vào đường nhị thừa.

Hỏi:Các loài hoa khác mỗi hoa kết một trái, riêng hoa sen mỗi hoa đậu nhiều trái. Loại hoa mà mỗi hoa kết một trái há không phải là nhất thừa? Còn loại mà một hoa kết nhiều trái, há chẳng như thứ lớp tu đó sao?

Đáp:Các loài hoa trên đất bằng và dưới nước, một hoa kết một trái rất ít, còn thứ rơi rụng không đậu thì rất nhiều, điều đáng nói là loại cuồng hoa không đậu trái. Việc mỗi hoa đậu một trái là nói phát tâm Thanh văn thì được quả Thanh văn, phát tâm Duyên giác thì được quả Duyên giác chớ không được gọi là quả Phật Bồ-tát. Lại nữa, hàng Bồ-tát độn căn tu hạnh đối trị, thứ tự nhập đạo, bước lên ngôi sơ địa, bấy giờ không được gọi là Pháp vân địa, mỗi địa đều tu chứng riêng chớ chẳng phải cùng lúc, cho nên không gọi là một hoa kết nhiều trái.

Bồ-tát tu Pháp Hoa thì không như vậy, một tâm một sở học đều đầy đủ các quả, cùng lúc được đầy đủ các địa chớ chẳng phải tiến lên thứ lớp, cũng giống như hoa sen một đóa kết thành nhiều hạt, cùng lúc có đầy đủ hết, đây gọi là lý "chúng sanh nhất thừa." Vì vậy kinh Niết-Bàn có nói: "Hoặc có Bồ-tát khéo biết từ địa này tiến đến địa kế" Kinh Tư Ích có nói: "Hoặc có Bồ-tát không từ địa thứ nhất bước lên địa kế." Nói tu tiến từ địa là chỉ cho hàng nhị thừa Thanh văn và hàng Bồ-tát độn căn, vì phương tiện cho nên trong đạo (địa vị tu tiến) có thứ tự tu học. Bậc tu tiến không từ địa là chỉ hàng Bồ-tát lợi căn, thẳng tiến bỏ phương tiện không tu hạnh thứ lớp, như nếu chứng được Pháp Hoa Tam-muội thì thảy sẽ được đủ đầy các quả.

Hỏi:Tại sao gọi là chúng sanh diệu? rồi tại sao gọi là chúng sanh pháp?

Đáp:Chúng sanh diệu nghĩa là sáu loại tướng diệu của hết thảy thân người, vì sáu tự tại vương này có tánh thanh tịnh. Sáu loại tướng đó chính là sáu căn. Có người cầu đạo thọ trì Pháp Hoa đọc tụng tu hành, quán pháp tánh là "không", biết mười tám giới không có tánh sở hữu, đắc thiền định sâu xa, đủ đầy bốn pháp diệu Hạnh an lạc, được sáu thần thông; mắt thường thanh tịnh do cha mẹ sanh ra, khi đạt được mắt thanh tịnh này sẽ biết rõ hết tất cả cảnh giới của chư Phật và cũng biết được hết thảy quả báo sắc tâm, nghiệp duyên của tất cả chúng sanh; việc sanh tử, ra vào, lên xuống, đẹp xấu trong một niệm thảy điều biết hết. Trong nhãn thông này có đủ cả mười lực, mười tám món bất cộng, ba minh, tám giải thoát, tất cả thần thông thảy đều ngay nơi mắt thường cùng lúc mà được đầy đủ tất cả. Đây há chẳng phải là sự mầu nhiệm của mắt chúng sanh ư? sự mầu nhiệm của đôi mắt chúng sanh này chính là Phật nhãn.

Thế nào gọi là chủng chủng? có hai, thứ nhất là phàm chủng, thứ hai là thánh chủng. Phàm chủng thì không thể rõ biết hết, vì khi mắt thấy sắc sanh ra tâm tham ái. Ái chính là vô minh. Tạo nghiệp thì gọi đó là hành, theo (thọ) nghiệp thì gọi đó là quả báo. Vì có mặt trong các nẽo trời người, khắp hết sáu đường nên gọi là hành. Vì tiếp nối không dứt nên gọi là chủng, đây gọi là phàm chủng (giống phàm phu).

Thánh chủng là do khéo biết rõ, khéo hiểu rõ hết nên khi mắt thấy sắc, khởi nghĩ như vầy: "sắc mà ta đang nhìn thấy đây do cái gì mà thấy? nhãn căn thấy ư? hay là nhãn thức thấy? hay là hư không thấy? hay là sắc tự thấy? ý thức tự thấy? nếu ý thức thấy thì dù cho mù vẫn thấy sắc chứ! còn nếu sắc tự thấy thì cũng sẽ như vậy! còn nói hư không thấy thì hư không không có tâm, cũng không có giác xúc, không thể thấy sắc; còn nói nhãn thức thấy thì thức này không có tự thể, giả mượn các duyên mà thành; các duyên tánh vốn không, không có hợp tan, mỗi phần phải quán sát cho kỹ. Nói cậy mắt cũng không được, cũng không có cái tên mắt. Nếu mắt thấy được thì người bị tăng nhãn áp phải thấy được chứ. Tại sao? vì căn không hư." Như vậy khi quán sát, không có nhãn, không có sắc cũng không có cái thấy, cũng không có không thấy, các thân tướng nam nữ đều vốn từ tâm vọng niệm "một niệm vô minh bất giác" mà sanh ra tâm vọng niệm này. Giống như hư không, thân như mộng như huyễn, như ánh lửa, như sự biến hóa, cũng như hoa đốm hư không cầu không thể được; không đoạn cũng không thường, khi mắt đối sắc sẽ không tham ái. Tại sao? vì không thể tham ái hư không, hư không không thể đoạn; vô minh không sanh từ minh, bấy giờ phiền não cũng chính là bồ-đề, vô minh duyên hành tức là niết-bàn, cho đến già chết cũng giống như vậy. Nếu pháp không sanh tức không có già chết, vì không dính mắc các pháp nên gọi là thánh chủng. Phàm chủng, thánh chủng không một cũng không hai; minh và vô minh cũng giống như vậy, cho nên gọi là tướng diệu của nhãn chủng (mắt). Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng giống như vậy.

Sáu tự tại vương tánh thanh tịnh là:

Một là mắt vương, vì mắt thấy sắc sanh ra tâm tham ái, ái tức là vô minh. Tất cả phiền não đều thuộc về tham ái, là cái ái vô minh không thể khống chế. Tự tại giống như vua. Tánh thanh tịnh nghĩa là, trong phần ý nghĩa của quán nhãn như trên nói, dùng trí tuệ kim cang giác rõ tâm ái, tức là không có cái vô minh, không có cái già chết; sức của tuệ kim cang này rất lớn, gọi đó là định Thủ lăng-nghiêm. Thí như dũng tướng có sức mạnh có thể hàng phục mọi thù địch, có thể khiến cho bốn phương thế giới thanh tịnh, trí tuệ kim cang này cũng giống như vậy, có năng lực quán các hành tham ái, vô minh tức là thánh hạnh bồ-đề niết-bàn, vô minh tham ái chính là trí tuệ kim cang bồ-đề niết-bàn.

Tánh của mắt tự tại vương thường tịnh, không thể nhiễm ô. Cho nên đức Phật dạy: Đôi mắt thường thanh tịnh do cha mẹ sanh ra, tai mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như vậy. Vì thế trong kinh Bát-nhã ghi: "sáu tự tại vương tánh thanh tịnh." Long Thọ Bồ-tát nói: "Nên biết sáu chủng tướng của thân người mầu nhiệm." Thân người tức là thân chúng sanh, thân chúng sanh tức là thân Như Lai, vì thân chúng sanh đồng nhất với pháp thân không đổi thay. Cho nên trong phẩm Hoan Hỷ Địa của Kinh Hoa Nghiêm có ghi: "Tánh này xưa nay tịch nhiên, không sanh diệt, từ xưa đến nay tịch lặng, trọn không có các phiền não, giác rõ các pháp như vậy rồi, vượt lên trên thành Phật đạo, hàng phàm phu mới có thể giác biết thật pháp của các ấm này." Như trong kinh Niết-bàn ngài Ca-diếp hỏi Phật: "Cái mà gọi là "Tự" có nghĩa như thế nào?" đức Phật bảo ngài Ca-diếp: có mười bốn âm gọi là nghĩa "tự". Cái mà gọi là "tự" đó là bồ-đề, vì nó thường trụ không lưu chuyển, thứ mà không lưu chuyến chính là vô tận, phàm thứ mà vô tận đó chính là thân kim cang của Như Lai."

Hỏi:Tại sao gọi là vì thường nên không lưu chuyển?

Đáp:Vì con mắt là thường nên gọi là không lưu chuyển.

Hỏi:Thế nào gọi là thường?

Đáp:Vì không sanh nên gọi là thường.

Hỏi:Thế nào gọi là không sanh?

Đáp:Vì mắt không sanh.

Tại sao? Vì khi mắt thấy sắc và quán con mắt vốn không tìm được mắt, tức là không có tình thức cũng không có sắc, vì nhãn giới là "không" tức là không có thường, đoạn, cũng chẳng phải là nhãn giới của trung đạo, tức là pháp giới chư Phật. Giác biết con mắt này không có khởi đầu, không có chỗ đến, cũng không có sự không khởi đầu, cũng như hư không, không thuộc về về ba đời. Như trong Kinh Bát nhã, Bồ-tát Đàm Vô Kiệt nói với Tác-bà-đà-luân rằng: "Thiện nam tử! pháp "không" không có đến, đi. Pháp "không" tức là Phật! Pháp không sanh không đến không đi, pháp không sanh tức là Phật. Pháp không diệt không đến không đi, pháp không diệt chính là Phật!" vì vậy nên biết, nhãn giới là không. Không tức là thường, vì vậy mắt là "không" là thường. Mắt tức là Phật nhãn không có tham ái. Ái tức là lưu chuyển, lưu tức là sanh nhãn, không có tham ái tức không có lưu chuyển, nếu không có lưu chuyển tức không có sanh nhãn; vì không sanh cho nên không có đến, đi, không sanh tức là Phật nhãn. Đã là không sanh tức không có diệt. Diệt gọi là tận. Mắt đã không diệt cũng không có tận. Mắt đã không tận thì cũng không có đến, không đi, không có chỗ trụ. Mắt không tận tức là Phật. Bồ-tát dùng trí tuệ kim cang này để biết chư Pháp như thật. Các pháp như thật mắt không sanh, không tận v.v...tức là Phật nên gọi là Như Lai. Thân kim cang giác biết chư pháp như thật nên gọi là Như Lai, chẳng phải riêng thân sắc vàng của Như Lai. Vì đạt được trí như thật nên gọi là Như Lai; đạt trí như thật về mắt sắc, trí như thật về tai thanh, mũi hương, lưỡi vị, thân xúc, ý pháp nên gọi là Như Lai. Thân kim cang này phải hiểu như pháp, nói như pháp. Như gọi là không sanh; Lai gọi là không diệt. Phật đã đến như vậy thì còn đi đâu nữa, nhân vì đạo như thật nên gọi là Như Lai.

Hỏi: Trong kinh nào đức Phật nói các pháp như mắt v.v...như gọi là Như Lai?

Đáp: Trong kinh Đại Cường Tinh Tấn, đức Phật hỏi Ương-quật-ma-la: thế nào gọi là nhất học? Ương-quật-ma-la thưa Phật: nhất học gọi là nhất thừa. Thừa có nghĩa là năng độ, cũng có nghĩa là chuyên chở. Ương-quật-ma-la trả lời mười cách. Mỗi một câu Phật trả lời đủ hai nghĩa, gom lại thành 20 câu trả lời. Nay lược nêu câu trả lời thứ năm và thứ sáu của Ương-quật-ma-la, dùng nhị xứ tứ chủng (nhị xứ là phía Phật và Ương-quật-ma-la, tứ chủng là Ương-quật-ma-la trả lời hai câu, Phật đáp trả hai câu) để tóm nói nghĩa các pháp như nhãn v.v...nghĩa Như lai.

Thế nào gọi là năm? cái gọi là năm căn kia là thuộc về Thanh văn thừa, không phải là nghĩa Như Lai. Thế nào gọi là nghĩa Như Lai? Căn mắt đó, ở nơi các Như lai thường có tánh quyết định, thấy rõ ràng đầy đủ, không thêm bớt. Căn tai đó, ở nơi các Như Lai thường có tánh quyết định, nghe rõ ràng đầy đủ không thêm bớt. Căn mũi đó, ở nơi các Như Lai thường quyết định, ngửi rõ ràng đầy đủ không thêm bớt. Căn lưỡi đó, ở nơi các Như Lai thường quyết định, nếm rõ ràng đầy đủ không thêm bớt. Căn thân đó, ở nơi các Như Lai thường quyết định, xúc chạm rõ biết đầy đủ không thêm bớt. Căn ý đó, ở nơi các Như Lai thường quyết định, nhận biết rõ ràng đầy đủ không thêm bớt.

Thế nào gọi là sáu? nghĩa là Sáu nhập xứ, đây gọi là Thanh văn thừa, chẳng phải nghĩa Như Lai. Nhãn nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường thấy rõ, vào căn mắt đầy đủ không thêm bớt. Nhĩ nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường nghe rõ, vào căn tai đầy đủ không thêm bớt. Tỹ nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường ngửi biết rõ, vào căn mũi đầy đủ không thêm bớt. Thiệt nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường nếm rõ biết, vào căn lưỡi đầy đủ không thêm bớt. Thân nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường xúc chạm rõ biết, vào căn thân thường đầy đủ không thêm bớt. Ý nhập xứ là ở nơi các Như Lai thường quyết định, ý thức nhận biết rõ tịnh tín, vào căn ý đầy đủ không giảm bớt. Cho nên sơ phát tâm, các Bồ-tát mới học, nên khéo quán sát nguồn của con mắt, chung quy là không sanh diệt. Tai mũi lưỡi thân ý, tánh của nó từ xưa đến nay vốn không đoạn, không thường, tịch nhiên không sanh diệt. Tánh của sắc là không, rỗng rang, giả hiệp, không lặng cũng không trồi, tánh tịnh đồng chân như, rốt ráo không sanh diệt. Tánh của thanh hương vị xúc pháp từ xưa đến nay rỗng rang, chẳng sáng cũng chẳng tối, rỗng lặng không sanh diệt. Căn trần đã rỗng rang vắng lặng tức sáu thức cũng không sanh, mười tám nhập tánh như như, mười tám giới không danh tự, chúng sanh cùng đồng một pháp thân với Như Lai thanh tịnh diệu không gì sánh bằng, gọi là kinh Diệu Pháp Hoa.

Cho nên trong Đại Tập (chỉ chung cho các kinh Phương đẳng và Đại thừa) Phật bảo vua Tịnh Thanh: "Ông có tên là Tịnh Thanh, nên tịnh tự giới (các căn) của ông, nhãn giới của tự giới đã "không" tức trì giới thanh tịnh, vì nhãn giới rỗng rang vắng lặng nên cõi Phật thanh tịnh. Tai mũi lưỡi thân ý tánh rốt ráo rỗng rang vắng lặng. Đây gọi là "nghĩa các Như Lai tu tập Tịnh Độ."

 Hỏi: "Thế nào gọi là Hạnh an lạc? Thế nào lại gọi là bốn Hạnh an lạc? Thế nào lại gọi là hai loại hạnh? một là Hạnh không tướng, hai là Hạnh có tướng.

Đáp:Ở tất cả các pháp, tâm bất động gọi là an. Trong tất cả các pháp không thọ ấm nên gọi là lạc. Vì tự lợi lợi tha nên gọi là hạnh. Lại nữa bốn món Hạnh an lạc đó là: Thứ nhất "Chánh huệ lìa dính mắc Hạnh an lạc." Thứ hai gọi là "Không khinh thường, khen ngợi, chê bai, Hạnh an lạc" cũng còn gọi là "Chuyển các Thanh văn khiến được trí Phật Hạnh an lạc." Thứ ba gọi là "Không não bình đẳng Hạnh an lạc" cũng còn gọi là "Kính thiện tri thức Hạnh an lạc." Thứ tư gọi là "Từ bi tiếp dẫn Hạnh an lạc", cũng còn gọi là "Trong mộng có đủ đầy thành tựu thần thông trí tuệ Phật đạo niết-bàn Hạnh an lạc."

Lại nữa, hai loại hạnh: Một là Hạnh không tướng. Thế nào gọi là Hạnh không tướng? Hạnh không tướng tức là Hạnh an lạc. Trong tất cả các pháp, tâm tướng tịch diệt, rốt ráo không sanh cho nên gọi là Hạnh không tướng. Vì thường ở trong hết thảy thiền định thâm diệu, đi đứng nằm ngồi, ăn uống nói năng, tất cả oai nghi, tâm thường định; các thứ đệ thiền định khác trong ba cõi, từ dục giới địa, vị đáo địa, sơ thiền địa, nhị thiền địa, tam thiền địa, tứ thiền địa, không xứ địa, thức xứ địa, vô sở hữu xứ địa, phi tưởng phi phi tưởng xứ địa, như vậy thứ lớp có mười một chủng địa sai khác nhau. Hữu pháp vô pháp, hai đạo là riêng, là thánh hạnh tạp tâm của A-tỳ-đàm. Thiền định sâu mầu trong Hạnh an lạc thì không như vậy. Tại sao? vì không y chỉ dục giới, không trụ sắc vô sắc, hành thiền định như vậy, là biến hành (có mặt khắp nơi) Bồ-tát, cứu cánh không tâm tưởng, nên gọi Hạnh không tưởng.

Kế đến Hạnh có tướng. Phần này trong phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát, tụng kinh Pháp Hoa tán tâm tinh tấn, người như vậy không tu thiền định, không nhập tam-muội, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc đi, nhất tâm xưng niệm văn tự Pháp Hoa, tinh tấn không nằm, như cứu lửa cháy đầu, đây gọi là văn tự Hạnh có tướng. Người hành hạnh này, không kể gì đến thân mạng, nếu hạnh thành tựu liền thấy đức Phổ Hiền sắc thân kim cang, cỡi voi sáu ngà đến trước hành giả, dùng chày kim cang, trỏ về mắt hành giả, thì tội chướng đạo diệt, nhãn căn thanh tịnh, được thấy Thích-ca cùng thấy bảy đức Phật, lại thấy mười phương ba đời chư Phật; chí tâm sám hối, năm vóc gieo mình trước các đức Phật, khởi thân chắp tay, ngay đó liền chứng đắc ba loại đà-la-ni môn.

Một là Tổng trì Đà-la-ni, nhục nhãn, thiên nhãn, Bồ-tát đạo huệ. Hai là Trăm ngàn muôn ức triền đà-la-ni, đầy đủ chủng huệ Bồ-tát đạo, pháp nhãn thanh tịnh. Ba là Pháp âm phương tiện Đà-la-ni, đầy đủ tất cả chủng huệ của Bồ-tát, Phật nhãn thanh tịnh, ngay đó liền đắc đầy đủ Phật pháp trong ba đời, hoặc một đời tu hành được đầy đủ, hoặc hai đời được, chậm lắm thì ba đời sẽ được. Nếu như còn chú trọng thân mạng, tham bốn món cúng dường, không siêng tu hành thì trãi nhiều kiếp cũng không được, cho nên gọi là hữu tướng.

Tại sao gọi là "Trong tất cả pháp tâm bất động nên gọi là an? Trong tất cả pháp, không thọ ấm giới nên gọi là lạc? Tự lợi lợi tha gọi là hạnh?"

Đáp: Tất cả pháp là những pháp ba độc, bốn đại, năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, đây gọi là tất cả pháp. Bồ-tát ở trong tất cả pháp dùng ba Nhẫn huệ. Một gọi là chúng sanh nhẫn. Hai là pháp tánh nhẫn. Ba gọi là Pháp giới hải thần thông nhẫn. Chúng sanh nhẫn còn gọi là Sanh nhẫn. Pháp tánh nhẫn gọi là pháp nhẫn. Pháp giới hải thần thông nhẫn gọi là Đại nhẫn. Hai nhẫn trước còn gọi là Phá vô minh phiền não nhẫn, cũng gọi là Thánh hạnh nhẫn, vì chỗ thánh nhân hành nên gọi là Thánh hạnh. Hàng phàm phu hành được thì nhập vào thánh vị, đây là thánh hạnh. Đại nhẫn là đầy đủ ngũ thông và lậu tận thông, đủ đầy bốn như ý túc mà hướng về mười phương chư Phật và các thiên vương, đối mặt truyện trò, một niệm có thể rõ biết hết thảy phàm thánh nên gọi là đại nhẫn. Với các thần thông tâm không động, đầy đủ thánh đạo gọi là Thánh nhẫn. Ba nhẫn này chính là chánh huệ lìa dính mắc Hạnh an lạc.

Hỏi: "Thế nào gọi là sanh nhẫn hay còn gọi là chúng sanh nhẫn. Thế nào gọi là Bất động nhẫn hay còn gọi là an?"

Đáp: "Sanh nhẫn gọi là nhân, chúng sanh nhẫn gọi là quả; nhân là chúng sanh nhân, quả là chúng sanh quả; nhân là vô minh, quả là thân hành. Chánh huệ quán nơi nhân, phá vô minh đoạn nhất thiết phiền não, tất cả pháp cứu cánh không hòa hợp, cũng không có tướng gom nhóm, cũng không thấy lìa tan, là trí tuệ vi diệu do Bồ-tát biết được tập thánh đế, gọi là sanh nhẫn. Nếu không hòa hợp, không động, không trôi theo tức không có sanh.

Chúng sanh nhẫn gọi là thân hành các thọ, thọ là khổ. Thọ có ba, thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc. Tại sao? khi phá đánh chưởi quán thọ khổ. Đánh là thân khổ, mắng là tâm khổ. Uống ăn y phục mềm trơn thọ sự cúng dường gọi là thân lạc; các xúc chạm cũng gọi là thân lạc. Đề cao khen ngợi gọi là tâm lạc; trọn đắc ưa bố thí, mắt thấy chưa thọ, hoặc đã thọ cũng gọi là tâm lạc. Quán thọ vô minh này và khổ lạc. Khi thọ khổ, khởi sức từ bi nhẫn nhục, không sanh tâm sân. Khi thọ vui quán lìa khổ tâm không tham đắm. Khi thọ không khổ không vui, xa lìa tâm xả không sanh vô minh. Tất cả các thọ cứu cánh rỗng rang vắng lặng không sanh diệt, cho nên ba thứ thọ này từ nơi một vọng niệm tâm sanh. Bồ-tát khi quán sự cúng dường, đánh mắng, khen ngợi chê bai, người cho, kẻ nhận đây như mộng như huyễn. Ai đánh, ai mắng, ai nhận, ai vui, ai giận; người cho, kẻ nhận đều là vọng niệm; quán vọng niệm này cứu cánh không có tâm, không có ngã, không có người, vì trong nam nữ sắc tượng oán thân, sáu phần bực đầu của con người như hư không ảnh bóng, không có cái được cho nên gọi là bất động. Như Tùy Tự Ý Tam-muội nói: Bồ-tát tự mình ở trong mười tám giới, tâm không sanh diệt, cũng dạy chúng sanh không sanh diệt, khởi đầu từ sanh tử, chung cuộc đến niết-bàn. Tất cả pháp tánh, rốt ráo không động, các tánh đó là nhãn tánh, sắc tánh, thức tánh, nhĩ tỹ thiệt thân ý tánh, cho đến thanh, hương, vị, xúc, pháp tánh. Nhĩ thức nhân duyên sanh các thọ tánh, tỹ thiệt thân ý thức nhân duyên sanh các thọ tánh. Vì không mình không người rốt ráo là "không" nên gọi là bất động. Vì tự giác giác tha nên gọi là an. Tự đoạn ba thọ không sanh, vì cứu cánh rỗng rang vắng lặng không có ba thọ, các thọ chung quy không sanh nên gọi là lạc.

Trong tất cả các pháp, tâm không có hành xứ, cũng dạy chúng sanh trong tất cả pháp, tâm không chỗ hành; tu thiền không dứt, và trì kinh Pháp Hoa cho nên gọi là hành. Như trong Ương-quật-ma-la Nhãn Căn Nhập Nghĩa có ghi; hay như trong Niết-bàn, trong Phật tánh Như Lai Tàng cũng có ghi. Nghĩa của Hạnh an lạc nhiều chớ chẳng phải một, nay lược nói thêm. Tất cả hàng phàm phu trong ấm giới nhập, bị vô minh tham ái mà khởi thọ niệm trước, toàn chịu khổ hành, không thể tự an, sanh tử không dứt nên không có lạc, gọi là khổ hành.

Tất cả hàng nhị thừa, các Thanh văn, trong ấm giới nhập, có thể quán đối trị. Pháp quán bất tịnh có thể đoạn tham dâm. Pháp quán từ tâm có thể đoạn sân giận. Pháp quán nhân duyên có thể đoạn ngu si. Hay có tên khác là bốn niệm xứ. Bốn niệm xứ này có ba mươi bảy loại, khác nhau về tên gọi, gọi là đạo phẩm. Quán thân bất tịnh và có thể rõ biết cái thân bất tịnh này là căn bản của vô minh, rỗng rang không có điểm sanh. Pháp quán bất tịnh có thể phá sự yêu ghét nam nữ thân kiến và con người trong đó đều quy về không tịch. Đây gọi là phá ma phiền não.

Quán ba thọ pháp của mười tám giới, khổ thọ ấm ngoài, khổ thọ ấm trong. Biết được khổ thọ ấm này, hết thảy hành động của thân tâm, thọ niệm dính mắc cảnh, hết thảy đều là khổ. Nếu xả nó không dính mắc, trong thì thọ vui, ngoài cũng thọ vui, trong ngoài đều thọ vui. Quán thọ vui này, do tâm tham đắm có thể tạo nhân khổ. Nếu xả nó không thọ, biết được thọ vui, hết thảy đều rỗng rang. Quán hai thứ khổ vui có thể phá thế đế. Tâm trụ chân đế, đầu tiên xả khổ vui, liền được cái không khổ không vui. Do vì tham đắm nên trở lại vô minh. Trở lại quán cái thọ không khổ không vui này, không có chỗ nương dừng, vô thường thay đổi tan mất. Tại sao? Vì do xả khổ vui được cái không khổ vui. Quán hai sự khổ vui này đã không có chỗ sanh, cũng không có chỗ diệt, chung quy rỗng lặng thì không khổ không vui từ chỗ nào mà sanh? Khi quán như vậy thấy rỗng rang không có cái được, cũng không có cái xả. Đã không có cái xả mà lại cũng không được không có pháp để xả. Nếu không có thế đế thì không có chân đế. Chân giả đều rỗng lặng. Lúc này đã phá được ma ấm, nhập, giới.

Quán tâm vô thường, sanh diệt không dừng. Quán sát cái tâm này, vốn từ chỗ nào sanh. Khi quán như vậy, hoàn toàn không thấy tâm, cũng không có sanh diệt; chẳng đoạn chẳng thường, không trụ trung đạo. Quán như vậy rồi thì không còn tử ma. Trong pháp niệm xứ, quán tất cả pháp, hoặc là pháp thiện, hoặc là pháp bất thiện, hay là pháp vô ký, đều như hư không, không thể chọn lựa. Ở trong các pháp, chung quy tâm bất động, cũng không trụ tướng, được tam-muội bất động, liền đó không có ma thiên. Do xả ba thọ mà được giải thoát này, gọi là khổ lạc hạnh. Về nhân quả đều gọi là hàng Thanh văn, chẳng phải Bồ-tát đạo. Hàng Bồ-tát độn căn cũng nhờ pháp quán lấy bỏ này mà mới có khác. Tại sao? Vì sắc tâm, ba thọ chung qui không sanh vì không có mười tám giới, không có sự thọ lấy (thủ) trong ngoài. Đã không có thọ tức không có xả.

Quán hạnh tuy đồng, nhưng trong đó không có ba thọ nên có được đầy đủ trí tuệ thiện xảo, phương tiện, vì thế nên gọi là Hạnh an lạc. Trong Hạnh an lạc, pháp quán thì không như vậy "ngay đó bỏ phương tiện, chỉ nói đạo vô thượng" Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát bạch Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Các Bồ-tát này vào đời ác sau, phải làm thế nào mới có thể nói kinh này? Đức Phật đáp lời Văn-thù-sư-lợi, nếu có đại Bồ-tát ở đời ác sau muốn nói kinh này thì phải nên an trụ vào bốn pháp. Một là an trụ vào chỗ hành và chỗ gần gũi của Bồ-tát mới có thể vì chúng sanh mà diễn nói kinh này.

Thế nào gọi là chỗ hành của Bồ-tát?

Như có Bồ-tát ma-ha-tát trụ vào địa nhẫn nhục, tâm nhu hòa khéo thuận, không có vội vã, cũng không có kinh sợ; lại nữa, ở nơi pháp vô sở hành mà quán tướng như thật của các pháp, cũng không hành, không phân biệt, đây gọi là chỗ hành của Bồ-tát ma-ha-tát." Thế nào gọi là trụ địa nhẫn nhục? Lược nói có ba loại nhẫn. Một là chúng sanh nhẫn. Hai là pháp nhẫn. Ba là đại nhẫn hay còn gọi là thần thông nhẫn. Trong phần chúng sanh nhẫn có ba ý.

Thứ nhất là, Bồ-tát khi bị người khác đánh mắng, coi thường, sỉ nhục, mỉa mai, chỉ trích, bấy giờ nhận chịu mà không có đáp trả lại. Nên quán như vầy: "Do mình có thân cho nên khiến người khác đến đánh mắng. Thí như do có mục tiêu mà sau đó tên mới bắn trúng. Nếu ta không có thân thì ai đến mắng mình đây? Ta nay phải nên siêng năng tu tập quán "không". Nếu quán "không" được thành tựu thì không ai có thể đánh giết mình được. Như khi mình bị đánh, liền chánh niệm suy xét, lời mắng này tự đến tự đi, trước sau đều không, quán sát cho thật kỹ cũng không sanh diệt, như tiếng vang trong hư không. Ai mắng ai nhận chịu? âm thanh không có lọt vào tai mình, tai không thường lưu lại tiếng. Quán như vậy rồi, tâm thảy đều không có mừng giận"

Thứ hai là, Bồ-tát đối với tất cả chúng sanh không có sự đánh mắng, thường ban cho lời êm dịu, giữ gìn ý nguyện của họ, muốn dẫn dắt họ nên đối với sự mắng chưởi tâm an không loạn, đây gọi là chúng sanh nhẫn. Chúng sanh như khi thấy Bồ-tát nhẫn chịu liền phát tâm Bồ-đề. Vì là chúng sanh nên gọi là chúng sanh nhẫn.

Thứ ba là, đối với chúng sanh cang cường hung ác, chỗ nào đáng điều phục, đều khiến cho cải tâm; hoặc với những lời thô tục chê bai chỉ trích, mắng chưởi hủy nhục, nhẫn chịu khiến họ hổ thẹn mà phát thiện tâm, đây gọi là chúng sanh nhẫn. Thế nào gọi là nhục? Người nhẫn không được thì gọi là nhục, đâu có gì khác.

Hỏi: Đánh mắng không sân, từ bi nói lời êm dịu gọi là nhẫn nhục. Còn ở những chúng sanh cang cường hung ác, bấy giờ Bồ-tát không thể nhẫn nại, trạng thái giận dữ định đánh mắng, hàng phục kẻ ác, khiến họ phải chịu khổ, tại sao được gọi là nhẫn nhục?

Đáp: Đánh mắng không đáp trả, đây là cái nhẫn oai nghi bên ngoài trong giới của hàng thế tục, cho đến quán cái âm thanh rỗng rang bên trong v.v... là rỗng rang, thân tâm rỗng lặng, không khởi oán ghét, đây là phương tiện nhẫn nhục tu giới định tuệ, dứt sự cơ hiềm nơi thế gian của hàng Bồ-tát mới học, chẳng phải là đại Bồ-tát. Tại sao? Vì các Bồ-tát chỉ quán sát chúng sanh có điều lợi ích tức liền điều phục, vì hộ đại thừa, hộ chánh pháp, không hẵn tất cả đều phải từ bi nói lời êm dịu. Trong Kinh Niết Bàn có dạy: "Thí như xưa kia, quốc vương Tiên Dự vì bảo vệ kinh Phương đẳng mà giết năm trăm bà-la-môn, khiến cho ông ấy mạng chung vào địa ngục a-tỳ, phát bồ-đề tâm" Đây chẳng phải là đại từ đại bi sao? Đây chính là đại nhẫn. Kinh Niết Bàn lại nói: "Quốc vương Hữu Đức vì bảo vệ pháp sư Giác Đức đồng thời vì bảo vệ chánh pháp mà giết hết những kẻ ác phá giới trong cả nước, khiến cho pháp sư Giác Đức hành chánh pháp, sau khi mạng chung, ông liền được sanh trước đức Phật A-súc ở cõi nước Phương Đông làm vị đại đệ tử thứ nhất của Phật, những quan lính cũng sanh trước đức Phật A-súc làm đệ tử thứ hai thứ ba. Còn những kẻ ác phá giới đen tối đó, sau khi chết đều bị đọa vào địa ngục a-tỳ. vào địa ngục rồi, tự biết tội xưa, liền nghĩ như vầy: "Mình vì não hại pháp sư Giác Đức mà bị vua giết chết." Nghĩ xong ai nấy đều khởi niệm phát bồ-đề tâm, ra khỏi địa ngục, trở lại sanh vào nơi pháp sư Giác Đức và vua Hữu Đức xin làm đệ tử cầu đạo vô thượng. Vị Bồ-tát này thực hành đại phương tiện nhẫn, hàng tiểu Bồ-tát không làm được việc đó. Tại sao lại nói chẳng phải là nhẫn nhục? Vì pháp sư Giác Đức là Phật Ca-Diếp, vua Hữu Đức là Phật Thích-Ca. Bồ-tát hộ pháp cũng phải là như vậy.

Tại sao không gọi là đại nhẫn nhục? Vì nếu có Bồ-tát hành việc nhẫn của thế tục, không trị kẻ ác, khiến cho cái ác lâu dài làm bại hoại chánh pháp thì vị này chính là ác ma chớ chẳng phải là Bồ-tát, lại cũng không được gọi là Thanh văn. Vì cầu cái nhẫn thế tục nên không thể hộ pháp, bên ngoài tuy là nhẫn nhục nhưng chỉ thuần hành nghiệp ma. Nếu vị Bồ-tát tu đại từ đại bi, đầy đủ nhẫn nhục, kiến lập đại thừa và bảo vệ chúng sanh thì không được chuyên chấp vào cái nhẫn của thế tục. Tại sao? vì nếu có Bồ-tát ủng hộ kẻ ác, không thể trừng phạt, khiến cho cái ác dài lâu này làm não loạn người thiện, làm bại hoại chánh pháp thì người này quả thật là sai. Bên ngoài dối hiện là như vậy, thường nói lời này: tôi hành nhẫn nhục. Hạng người này cùng những kẻ ác, sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục, vì vậy không được gọi là nhẫn nhục.

Tại sao lại gọi là trụ địa nhẫn nhục? Vì hàng Bồ-tát hành nhẫn nhục có thể sanh ra tất cả các công đức Phật đạo. Thí như đại địa làm sanh trưởng hết thảy vạn vật của thế gian. Nhẫn nhục cũng giống như vậy. Hàng Bồ-tát tu hành pháp đại nhẫn nhục, hoặc có khi tu hạnh từ bi nói lời êm dịu, bị đánh mắng không đáp trả lại, hoặc có lúc hành ác khẩu nói lời thô, cho đến đánh đập chúng sanh, thậm chí mất cả mạng. Hai loại nhẫn này đều là vì hộ vệ chánh pháp và điều phục chúng sanh, hàng sơ học không thể làm được điều này. Đây gọi là cụ túc nhẫn. Pháp nhẫn có ba ý:

Một là tự tu thánh hạnh, nghĩa là quán tất cả pháp thảy đều rỗng lặng, không sanh không diệt cũng không thường không đoạn, cái gọi là tất cả pháp, quán nhãn căn rỗng rang; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn rỗng rang; nhãn sắc rỗng rang, sắc thinh, thương, vị, xúc pháp đều rỗng rang; quán nhãn thức rỗng rang, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý thức cũng rỗng rang, không có mình, không có người, không có chúng sanh, không có tạo tác, không có người lãnh thọ, quả báo thiện ác như hoa đốm hư không, các đại ấm giới nhập thảy đều rỗng rang; mười tám giới cũng không có danh hiệu; không có ban đầu, không có sau cuối, không có khoảng giữa, cái tánh này xưa nay vống thường vắng lặng, ở nơi tất cả pháp tâm không động, đây gọi là Bồ-tát tu pháp nhẫn.

Hai là pháp nhẫn của Bồ-tát thảy đều đủ đầy, cũng dùng pháp này để giáo hóa chúng sanh, quán thượng trung hạ căn mà dùng phương tiện có khác, xoay chuyển khiến cho họ trụ đại thừa. Hàng Thanh văn, Duyên giác cho đến Bồ-tát, ba hạng này quán hạnh hợp chung làm một, sắc tâm thánh hạnh không có sai khác. Hàng nhị thừa phàm thánh xưa nay vốn đồng một pháp thân, tức là Phật.

Ba là hàng đại Bồ-tát dùng trí tự tại quán chúng sanh, dùng phương tiện đồng sự để điều phục chúng. Hoặc hiện trì giới hành tế hạnh; hoặc hiện phá giới không có oai nghi, vì khiến cho trọn vẹn lời thệ nguyện nên hiện thân trong sáu đường để điều phục chúng sanh, đây gọi là Bồ-tát hành pháp nhẫn, đầy đủ phương tiện hóa độ chúng sanh.

Thứ ba Đại nhẫn, còn gọi là thần thông nhẫn. Tại sao gọi là thần thông nhẫn? Vì hàng Bồ-tát xưa kia khi mới phát tâm, thệ nguyện độ tất cả chúng sanh trong mười phương, siêng năng tu pháp sáu pháp rốt ráo là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định rốt ráo; đạo phẩm của ba thừa, tất cả trí tuệ, được chứng niết-bàn, vào sâu bờ thật, trên không thấy chư Phật, dưới không thấy chúng sanh. Liền đó nghĩ rằng: ta vốn thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh mà nay lại không thấy một chúng sanh nào, thật vừa vặn không trái với lời thệ nguyện của mình xưa kia. Nghĩ như vậy rồi, mười phương hết thảy chư Phật hiện tại, liền hiện sắc thân, đồng thanh tán thán vị Bồ-tát này: Lành thay! lành thay! đại thiện nam tử, vì nghĩ đến lời thệ nguyện xưa, chớ xả bỏ chúng sanh! Các đức Thế Tôn đây khi mới học đạo có phát lời nguyện rộng lớn, thệ độ tất cả chúng sanh, tâm chuyên cần học đạo, đã chứng niết-bàn, vào sâu bờ thật, không thấy chúng sanh. Chợt nhớ lại lời thệ nguyện xưa, liền sanh tâm hối hận, quay lại nghĩ đến chúng sanh, bấy giờ liền thấy mười phương chư Phật đồng thanh khen ngợi. Ta cũng như ông, nhớ lời thệ nguyện xưa, chớ xả bỏ chúng sanh. Khi mười phương chư Phật nói lời này rồi, bấy giờ Bồ-tát nghe chư Phật nói, vô cùng vui mừng, liền được đại thần thông, ngồi trên hư không thấy hết thảy mười phương chư Phật, đầy đủ hết thảy trí tuệ của chư Phật, trong một niệm biết hết tâm chư Phật trong mười phương và cũng biết được tâm của tất cả chúng sanh, chỉ trong một niệm mà thảy đều quán sát khắp điều này. Vì trong nhất thời, muốn độ hết thảy chúng sanh, tâm rộng lớn nên gọi là đại nhẫn, vì đủ đầy pháp đại nhân của chư Phật nên gọi là đại nhẫn. Vì độ chúng sanh mà sắc thân, trí tuệ, đối cơ có sai khác, trong một tâm niệm hiện tất cả thân, cùng lúc thuyết pháp, một âm có thể thành âm thanh vô âm, vô lượng chúng sanh cùng lúc thành đạo nên gọi là thần thông nhẫn.

Nhu hòa khéo thuận theo. Một là tự nhu để điều phục tâm mình. Hai là nhu để điều phục chúng sanh. Hòa nghĩa là tu sáu pháp hòa kính, trì giới, tu thiền, trí tuệ và chứng pháp giải thoát, nhẫn đến điều phục sự sân giận của chúng sanh cùng với nhẫn nhục trì giới, hủy phạm giới cấm đều đồng tướng niết-bàn. Nói sáu hòa nghĩa là: Ý hòa, thân hòa, khẩu hòa, giới hòa, lợi hòa và kiến hòa. Khéo thuận nghĩa là: Khéo biết căn tánh của chúng sanh mà tùy thuận điều phục. Đây gọi là đồng sự sáu thần thông nhiếp. Nhu hòa gọi là pháp nhẫn. Khéo thuận gọi là đại nhẫn.

Mà không vội vả nghĩa là: Khi học Phật pháp, không có được vội vàng mau lẹ, thủ chứng oai nghi bề ngoài và hóa độ chúng sanh cũng như vậy.

Tâm không kinh sợ nghĩa là: Kinh nghĩa là động, mà vội vàng mau lẹ chính là kinh động, tiếng tốt tiếng xấu cho đến tiếng sấm sét, các cảnh giới xấu cùng hình tượng lành, tay nghe mắt thấy tâm đều không động vì đã hiểu rõ được pháp không. Vì chung quy không có tâm nên gọi là không kinh sợ.

Lại nữa, ở nơi pháp vô sở hành nghĩa là: Ở trong năm ấm, mười tám giới, mười hai nhân duyên, các pháp phiền não vì chung quy rỗng rang không có tâm, không có xứ, lại ở trong pháp thiền định giải thoát, không trí, không tâm cũng không có cái để hành mà quán tướng như thật của các pháp. Năm ấm, mười tám giới, mười hai nhân duyên đều là thật tánh chân như, không có gốc ngọn, không có sanh diệt; không có phiền não, không có giải thoát.

Cũng không hành không phân biệt nghĩa là: Sanh tử và niết-bàn không phải một cũng không phải khác, pháp giới của Phật và phàm phu không hai cho nên không thể phân biệt, vì không thấy bất nhị cho nên gọi là cũng không hành không phân biệt. Vì tướng không phân biệt không thể được nên hàng Bồ-tát trụ vào tam-muội vô danh này. Tuy không có chỗ trụ nhưng có thể phát tất cả thần thông không nhờ vào phương tiện. Đây là chỗ hành của hàng Đại Bồ-tát. Mới nhập thánh vị tức đồng với đây. Đây là pháp thân chân thường bất động, chẳng phải là pháp thân duyên hợp phương tiện và cũng được gọi là chứng Như Lai tạng cho đến ý tạng.

Hết


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :