Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

02. Từ tâm không khổ làm cho thân không khổ

Thứ hai, 15/04/2019, 07:52 GMT+7

Thân và tâm – tinh thần và vật chất vốn có ảnh hưởng qua lại với nhau, cho nên thân khổ sẽ dẫn đến tâm khổ; tâm khổ cũng sẽ dẫn đến thân khổ.

CẨM NANG TU PHƯỚC HUỆ

TỪ TÂM KHÔNG KHỔ LÀM CHO THÂN KHÔNG KHỔ

Nguyên tác: Đại Sư Ấn Thuận

Dịch giả: Thích Minh Kiết

 

1.Lời nói đầu:

Hôm nay, tôi đến bệnh viện Lạc Sanh, để chia sẻ bài pháp với quý vị. Thật sự mà nói, nhìn các vị đây, trong lòng tôi mang nhiều cảm tưởng. Các vị đau bệnh, tất nhiên trước tiên là dẫn khởi sự đau đớn trong tôi. Trong hoàn cảnh này mà mọi người còn có thể cùng nhau đến đây tu học Phật pháp, quả thật mà nói là rất khó được! Chư Phật Bồ-tát từ bi, sẽ không quên sót các vị đâu. Chư Phật Bồ-tát xưa nay, chưa từng quên sót bất cứ người nào. Tất cả chúng ta đều thường ở trong ánh từ bi hộ niệm của chư Phật, Bồ-tát; chỉ đáng tiếc là tâm tưởng và hành động của chúng ta không hoàn toàn giống với tâm tưởng và hành động của chư Phật Bồ-tát. Trong thế giới đầy rẫy khổ bức vô biên này, chỉ có Phật pháp là nguồn an ủi của chúng ta, là ánh sáng của chúng ta, là chỗ cậy nương của chúng ta! Ngoài Phật pháp ra, chúng ta còn biết trông cậy cái gì đây?

2.Đức Phật nói đời người là khổ:

Đức Phật nói “đời người là khổ”, đây là điều mà ai nấy đều có thể nhận biết một cách sâu sắc. Đức Phật nói thân người như ung, như dịch. Đối với điều này, hơn ai hết, thông qua bệnh tình hiện tại của quý vị, bản thân quý vị càng có kinh nghiệm sâu sắc hơn. Đức Phật nói một cách triệt để biết bao! Không chỉ các vị đang rơi vào tình trạng bệnh khổ mà tất cả nhân loại, tất cả chúng sanh, ai nấy từ xưa đến nay, không thoát khỏi đau bệnh, không thoát khỏi khổ bức; chẳng qua là khổ lớn hay nhỏ, bệnh nhiều hay ít mà thôi.

Cho nên căn bệnh mà các vị đang mang đây rất là nặng, nếu như được giảm nhẹ phần nào thì điều đó tất nhiên là tốt rồi. Nhưng xin quý vị đừng so sánh với những người chưa bệnh khổ khác, rồi khao khát mong muốn mình được vui vẻ không buồn rầu, khỏe mạnh không đau, để rồi vì đó mà chịu thêm đau khổ một cách vô nghĩa. Các vị nên biết rằng, tất cả chúng sanh ở trong cảnh sanh tử này, xưa nay không ai có thể tránh khỏi bệnh khổ. Mọi người luôn ở trong bệnh khổ, mà hiện tại bệnh khổ càng sâu hơn. Chỉ có cách là buông bỏ một cách triệt để, tiến vào đại đạo giải thoát sanh tử, đi đến cảnh giới không bệnh không chết mà thôi!

3.Khổ Thân Và Khổ Tâm

Nói đến đau khổ, con người có hai thứ đó là khổ thân và khổ tâm. Chẳng hạn như không có cơm ăn áo mặc, gió bão, nắng táp, lạnh giá, đánh đập, lửa thiêu, đao chém, ong chích, rắn độc… những thứ khổ thuộc về thân này, ai nấy cũng đều cảm nhận được. Những thứ khổ này, chúng ta có thể thay đổi bằng cách tăng gia sản xuất, hợp tác lao động, thuốc men hiện đại điều trị v.v… Những cách này tuy không triệt để, nhưng cũng có thể giúp đỡ phần nào.

Còn nói về tâm khổ thì khác nhau, như thất vọng, oán hận, buồn rầu, sợ hãi, giận dữ, buồn đau, bực bội v.v…Những thứ khổ này, không có ai giống ai. Giống như tuy cùng ngắm trăng, nhưng tâm tình của mỗi người khởi lên khác nhau; có người thì vui vẻ, có người thì buồn đau, có người thì sợ hãi, có người thì cảm thấy cô độc thê lương còn có người thì lại cảm thấy mát mẻ đẹp đẽ.

Cũng giống như đau bệnh, có người bệnh ít mà trong lòng thì buồn đau, lo sợ đến cực điểm; còn có người tuy bệnh nặng nhưng cũng không để cho tâm sầu. Cho nên, thông qua thân khổ từ nghiệp báo của quá khứ, hoặc là từ nghịch duyên của đời này chiêu cảm, tất nhiên là chúng ta phải tìm phương pháp cứu trị có tánh tương đối; nhưng từ tâm khổ do nghịch duyên hiện tại, hoặc do nhân tích tập đời trước mà có, chúng ta phải thông qua sự tu hành của Phật pháp, phải cố gắng khống chế nó, loại bỏ nó; phải làm cho được theo tinh thần bát-nhã “không có sợ hãi” …“lo, buồn, khổ, não diệt”.

Như các vị hiện nằm viện đây, đang mắc phải căn bệnh nặng, dù căn bệnh là nghiệp báo của đời quá khứ hay là hoạnh duyên của đời này, với nền y học hiện đại cũng không thể trị dứt căn bệnh một cách triệt để, vậy thì, các vị chỉ có an số mệnh, đừng dại dột mà làm mình khổ tâm thêm.

Trái lại, nếu dứt trừ khổ tâm thì các vị sẽ được làm chủ lấy mình. Xin thưa với các vị, có một số vị A-la-hán tuy đã thoát khỏi vòng sanh tử cũng vẫn không tránh khỏi thân bệnh, nhưng trái lại tâm các ngài không có sầu khổ. Đức Phật đã từng nói: các ông phải làm sao “thân tuy khổ nhưng tâm không khổ”. Tôi cảm thấy câu “thân tuy khổ nhưng tâm không khổ” là lời dạy phương tiện nhất, từ bi nhất của Đức Phật! Tôi khuyên các vị đang có mặt ở đây, nên đặt biệt kính thọ phụng hành lời Phật dạy đây!

Thân và tâm – tinh thần và vật chất vốn có ảnh hưởng qua lại với nhau, cho nên thân khổ sẽ dẫn đến tâm khổ; tâm khổ cũng sẽ dẫn đến thân khổ. Thế nhưng, sự giảm bớt khổ đau của thân thể, không chắc hẵn sẽ giảm bớt khổ đau về mặt tinh thần. Như nền văn minh vật chất của thời đại ngày nay rất là tiến bộ, luận về lý thì lẽ ra tinh thần phải càng vui sướng hơn, nhưng sự thật thì không như vậy, những người mắc bệnh suy nhược thần kinh, tinh thần thất thường thì trái lại rất nhiều.

Chánh sách đấu tranh khủng bố khiến cho con người ta càng rơi vào sự hoảng hốt sợ hãi. Trong biển khổ cầu sống không được, muốn chết cũng không xong, so với sự đau khổ về bệnh tật của các vị đây quả thật là còn khó chịu hơn nhiều. Nhưng bỏ đi khổ tâm, tuy không chắc hẵn là thân thể không có khổ đau, nhưng sức tu hành thì xác thật là có thể giải trừ khổ thân. Từ tâm không khổ mà làm cho được thân không khổ, đây mới chính là sự cứu giúp triệt để nhất của Đức Phật! chúng ta có thể lấy đó làm lý tưởng mà nổ lực thực hiện.

4.Phương pháp thoát lìa khổ

Người thiếu hiểu biết, không y theo Phật pháp mà hành, để cho thân khổ dẫn đến tâm khổ, tâm khổ lại dẫn đến thân khổ, khổ nhỏ sẽ chuyển thành khổ lớn. Như người có chút bệnh mà sợ hãi buồn rầu, hoặc là nhớ người thân, thương trộm nhớ thầm ai đó, dẫn đến ăn ngủ không ngon, lâu ngày chày tháng làm cho thân thể càng bệnh càng khổ thêm! Những chuyện như vầy, trong xã hội của chúng ta ngày nay chỗ nào cũng có, không cần phải đưa ra thí dụ. Những người có trí hiểu rõ Phật pháp, y theo lời Phật dạy mà tu hành, nên dù thân khổ cũng không dẫn đến tâm khổ và cũng sẽ quyết không vì tâm khổ mà dẫn đến thân khổ; khổ nhỏ sẽ không dẫn đến khổ lớn mà trái lại khổ lớn sẽ chuyển thành nhỏ, khổ nhỏ sẽ trở thành không khổ.

Then chốt chính của vấn đề là ở chỗ: Thứ nhất là thông đạt sự lý nhân quả, tin sâu nghiệp báo, không bị khổ đau làm cho rối loạn, không có tự tạo về thương đau kiểu khùng khùng điên điên. Thứ hai là sám hối nghiệp tội, cầu xin chư Phật Bồ-tát thương xót, tích chứa nhiều căn lành để giảm nhẹ khổ não. Ba là tu tập thiền quán, đây là phương pháp rất có hiệu quả từ tâm chuyển đến thân. Trước đây đại sư Huệ Tư ở Nam Nhạc, bị trúng gió, tứ chi yếu ớt, tâm không kiểm soát được thân, sau này nhờ đại sư tu tập thiền quán, nên khỏi bệnh hoàn toàn. Còn một câu chuyện nữa được rút ra từ bút ký của đời nhà Thanh, cũng hợp với Phật pháp, các vị có thể lấy đó tham khảo: Chuyện kể rằng, có một cô gái trẻ nọ, xuất thân từ một gia đình giàu có, vừa xinh đẹp mà lại thông minh. Gia đình gả cô cho một chàng trai tài giỏi, môn đương hộ đối. Hai vợ chồng sống với nhau rất là tình cảm, nồng ấm. Cô cũng hợp với tánh cách của cha mẹ chồng. Nhưng thật không may, bỗng nhiên cô mắc bệnh ôn – bệnh hủi. Sau khi phát hiện cô bị bệnh này, dù cho chồng và cha mẹ chồng có thương cô như thế nào đi nữa cũng phải dùng biện pháp cách ly. Không lâu sau, bệnh tình cô ngày càng trầm trọng hơn. Đến lúc này, gia đình mới xây cho cô một căn phòng nhỏ để cô sống riêng trong đó. Suốt ngày cô ở trong đó, cũng giống như là bế quan vậy. Trong căn phòng nhỏ, suốt ngày cô cứ nghĩ về bệnh tình của mình, với hình hài xấu xí hôi hám của mình, càng nhìn càng thấy gớm, càng nhìn thì càng thấy chán! Cái hình ảnh xấu xí hôi hám kia, không lúc nào mà không ám ảnh cô, ngay cả ăn uống tiêu tiểu gì cô cũng đều bị nó ám ảnh. Sau này, cô thấy cái thân bệnh xấu xí hôi hám của mình tan rã, chỉ còn lại một bộ xương trắng, không còn có hôi dơ nữa. Rồi bỗng nhiên, từ trong đống xương trắng phóng ra một luồng ánh sáng, chiếu khắp phòng. Từ đó, căn bệnh trầm kha của cô cũng khỏi hẳn! cô gái kia, chán ghét cái thân hôi hám của thế gian này nên cứ ở mãi trong căn phòng nhỏ, sống cuộc sống tự do của chính mình. Câu chuyện truyền thuyết này, hợp với Phật pháp, quá trình từ tu bất tịnh quán mà đến tịnh quán. Do nơi tâm đạt được sức định tuệ mà dẫn đến thay đổi thân, điều này có thể được. Thưa các vị! bây giờ đâu có gì trở ngại, các vị thử lấy bệnh viện Lạc Sanh này làm tịnh thất thiết thật tu tập xem sao!

Tôi nghĩ rằng, thông thường mọi người thường niệm Phật. Niệm Phật là pháp môn cầu cho thân tâm được thanh tịnh mà vãng sanh Tịnh độ. Muốn được như vậy thì chúng ta cần phải chán lìa thế gian này, nhìn thấy nó xấu ác bất tịnh một cách triệt để, như vậy mới có khả năng được vãng sanh. Người xưa có câu: “Tâm chán ta-bà nếu không thật, thì khó xả bỏ mà vãng sanh.” Ta-bà là cõi ác năm trược, thân người là sự kết tụ độc năm uẩn, nếu triệt để quán thấy là bất tịnh thì tự sẽ có khả năng từ bất tịnh mà chuyển thành thanh tịnh. Qua câu chuyện của cô gái vừa kể trên, chúng ta có thể lấy đó làm tấm gương cho chính mình.

Kính thưa các vị! Đức Phật là bậc Đạo Sư của nhân gian, là bậc Đại Y Vương! Chúng ta tin Phật học Phật, có thể nói là bước lên chánh đạo, đi về con đường phía trước sáng lạn! các vị đừng quá coi trọng hiện tại, còn có cái tương lai vô hạn nữa, đừng nên quá chấp chặt cái thân này, còn có cái tinh thần tự tại nữa! Trong uy đức và ân đức của Tam bảo, tôi xin cầu nguyện cho quý vị: từ nơi thân khổ mà tâm được không khổ, đi về con đường phía trước tâm tịnh mà thân tịnh!

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.  Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.  Thường được các vị thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.  Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.  Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.  Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.  Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.  Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.  Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.  Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành Phật.

 

ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

                                     ĐT: 096.919.7733


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :