Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

01. Sanh tử là việc lớn

Thứ hai, 15/04/2019, 08:31 GMT+7

Trước khi thoát khỏi vòng sanh tử, tôi mong mỏi mọi người hãy ghi nhớ: “Đừng nên làm ác, phải nên làm nhiều việc thiện, trồng nhân lành để được quả báo lành, đừng cho sanh tử là việc tốt, có như vậy, mình mới nhàm chán muốn lìa sanh tử, ra khỏi biển khổ.”

 

CẨM NANG TU PHƯỚC HUỆ

SANH TỬ LÀ VIỆC LỚN

Nguyên tác: Đại sư Ấn Thuận

Dịch giả: Thích Minh Kiết

 

 

Mục lục:

I.     Phật pháp luận về ba đời

II.  Từ cái chết mà nói đến việc sanh ra

1.     Cái chết không có gì phải sợ

2.     Chết có ba hình thức

3.     Quan niệm cần có đối với cái chết

4.     Sống chết không dứt là do nghiệp lực

5.     Nguyên nhân chết đi lại được sanh ra

 

I. Phật Pháp Nói Về Ba Đời:

Thọ mạng của con người vô thường, không xác định. Con người sau khi mở mắt chào đời, lớn dần lên, rồi sống qua mấy mươi năm, có đôi khi sống được một trăm năm hoặc có khi lâu hơn, nhưng rốt cuộc ai nấy cũng đều phải chết. Thông thường người ta cho rằng, “chết rồi là hết, việc này có gì mà lớn đâu!” Nhưng theo Phật giáo thì mạng sống con người không phải được sanh ra mới gọi là có, cũng không phải chết đi thì là không. Nếu chỉ nghĩ đơn giản là như vậy thì con người ta sẽ sống một cuộc đời hời hợt, mơ hồ, có thấy gì là sanh tử sự đại đâu!

Thật ra, sanh mạng trước khi được sanh ra là đã sẵn có rồi; sau khi chết đi cũng sẽ dẫn khởi một sanh mạng mới, nhưng sanh ra ở một nơi khác. Sanh ra rồi chết, chết rồi sanh, sống chết liên tục không ngừng, quả thật là một vấn đề không dễ gì giải quyết, cho nên mới thành việc lớn.

Cũng giống như một người làm nghề buôn bán, đầu năm là bắt đầu kinh doanh buôn bán, đến cuối năm kết toán coi lời hay lỗ; mình thiếu người ta hay người ta thiếu mình, phải làm cho rõ. Sang năm cũng kết sổ giống như vậy. Năm nào cũng đều như vậy, chớ không phải tính sổ rồi thì coi như là xong. Việc buôn bán từ năm này qua năm nọ, muốn cho việc kinh doanh có lãi lâu dài, đây là một việc làm không dễ.

Làm sao để giải quyết vấn đề này? Năm nay buôn bán khá nên kiếm được nhiều tiền, kinh tế nắm vững, mọi việc đều như ý. Còn nếu năm nay buôn bán lỗ vốn thì sang năm kinh tế túng thiếu, phải vay mượn đầu này lấp đầu kia, đời sống khốn khổ vô cùng. Đời người cũng giống như vậy, một lần sống một lần chết ở trong vòng sanh tử cũng phải nên suy xét phần được mất. Nếu đời này không cố gắng tu phước thiện, ngộ nhỡ lần sau mất đi thân người thì coi như là lỗ vốn. Còn nếu có thể tiến thêm một bước tạo phước hơn hiện tại thì điều đó là tốt rồi.

Có một điểm mà chúng ta cần phải nên chú ý đó là, cuối năm kết sổ, tuy tình hình buôn bán không được tốt cho lắm, nhưng nếu biết phân bổ chi tiêu cho thích hợp thì cũng có thể gắng gượng sống qua ngày. Cũng giống như vậy,  người học Phật, khi lâm chung rất là quan trọng. Bình thường tất nhiên là, con người lúc nào cũng phải hướng thượng hành thiện, nhưng khi lâm chung cũng phải cố gắng chú ý thêm.

II. Từ Chết Mà Nói Đến Sanh

1.   Chết không có gì là đáng sợ

Thông thường, khi đề cập đến vấn đề sống chết, có người hiểu sai cho rằng, hễ chết rồi thì mọi việc đều coi như xong, cho nên giờ đây, chúng ta bắt đầu nói từ cái chết, rồi từ cái chết mới nói đến sự sanh ra. Đối với cái chết, thông thường con người ta thường có trạng thái tâm lý sợ hãi nó. Thật ra cái chết không có gì là đáng sợ. Thí dụ như việc buôn bán thường ngày, chúng ta buôn bán rất là tốt, cuối năm lại biết phân bổ thu chi thích hợp thì sang năm mới, nhất định mình sẽ có cuộc sống tốt. Cho nên, khi con người ta không có bệnh tật tất nhiên là mừng rồi, nhưng nếu chẳng may mình mắc bệnh nặng, nhắm khó bề qua khỏi thì chúng ta cũng đừng có sợ, chỉ cần thường ngày chúng ta có chuẩn bị tu phước, làm thiện cho tốt là được rồi!

2.   Cái Chết Có Ba Loại

Theo quan điểm của Phật giáo, cái chết có ba loại khác nhau:

Chết vì tuổi thọ hết:Một khi thọ mạng của con người đã thật sự chấm dứt thì cho dù có sống đến cao tuổi đi nữa, từ phương diện thọ mạng chiêu cảm của nghiệp báo đời trước, nhất định cũng sẽ chết, cũng giống như là đèn tắt dầu cạn vậy. Hiện tại con người có thể sống đến khoảng một trăm tuổi, đến thời kỳ này thì phải chết, không có cách gì mà níu kéo.

Phước hết mà chết:Thường ngày, con người ta muốn sống thì phải có ăn mặc, nghỉ ngơi…Có người tuổi còn trẻ chưa già, không đáng chết, nhưng nếu phước báo hết, không có cơm ăn, không có áo mặc thì sẽ bị chết đói chết rét.

Không đáng chết mà chết:Đó là khi con người ta gặp phải chiến tranh, hỏa hoạn, bão lụt hay bị lỡ tay đánh chết, mắc bệnh không thuốc chữa, không biết điều dưỡng thân, không đủ dinh dưỡng, làm việc quá sức v.v...vì vậy mà qua đời. Cái chết này khác với thọ mạng tận, phước báo hết.

3.   Quan Niệm Phải Có Đối Với Cái Chết

Là người học Phật, đối với cái chết, chúng ta cần phải ghi nhớ hai điều này:

-  Bất cứ lúc nào mình cũng có thể chết, dù mình trẻ hay là già cũng đều có thể chết: Thọ mạng của con người, tuy đại để là như nhau, nhưng do nơi phước hết hoặc là chết oan cho nên vừa mới sanh thì đã có cái chết, mãi cho đến thọ mạng hết mà chết, sự chết này đều không có hẹn trước. Cho nên người tin Phật học Phật phải lập tức tu tới, đừng đợi đến sang năm hay năm khác mới tu.

- Chúng ta cũng đừng cho rằng, thọ mạng của mình đây thảy đều do nghiệp báo đời trước. Thật ra, phần thọ mạng của mình đa số là do quả ác của đời này. Việc không nên làm mà mình lại làm, không cố gắng giữ gìn sức khỏe cho bản thân, hoặc là lười biếng buông thả, đến nỗi thiếu ăn thiếu mặc. Những cái chết của thiếu niên, thanh niên, chúng ta đừng cho đó là do tới số mà chết.

4. Cái chết và sự sống cứ mãi tiếp nối không dứt là do nghiệp lực:

Trước khi thoát khỏi vòng sanh tử thì con người chết rồi còn có sanh ra, chịu luân hồi sanh tử, tại sao lại như vậy? Việc sanh lên hay đọa xuống lấy gì làm tiêu chuẩn? Theo Phật pháp, những thứ này đều là do nơi nghiệp lực. Nghiệp lực chính là sức khởi, dẫn, làm, tạo. Đời này thọ báo nơi nhân gian là do nghiệp lực của đời trước. Nghiệp thiện ác của đời trước (chưa có thọ báo) và đời này, lại sẽ quyết định cho tiền đồ mai sau. Hàng tín đồ Phật giáo, mỗi khi nói đến nghiệp lực thì cho đó là xấu, nhưng thật ra không phải là vậy, sức để lại của việc khởi tâm hay tạo tác, tốt hay xấu đều là do nghiệp lực. Y nơi nghiệp lực của mình để quyết định cho quả báo của chính mình, cho nên trong Phật pháp có câu “tự làm tự lãnh”.

Thế nhưng, nghiệp đời trước còn sót lại, cùng với nghiệp đời này tạo tác, nghiệp lực đó hoặc là thiện hoặc là ác, nghiệp lực vô biên, đến đời sau, rốt cuộc là do loại nghiệp lực nào hình thành thân quả báo sau? Về vấn đề này, có ba loại phân biệt:

- Tùy theo nghiệp nặng:Bất luận là như thế nào, một khi con người ta bệnh nặng sắp chết thì nghiệp lực sẽ hiện ra. Thường ngày, con người ta làm ra rất nhiều việc, tốt có, xấu có, đến lúc lâm chung, có một loại nghiệp lớn mạnh – dù tốt hay là xấu cũng sẽ hiện ra, thì con người ta sẽ y theo sức của nghiệp này mà thọ báo. Một kẻ giết cha, trong tâm thường hay ghi nhớ lại, muốn quên cũng không được, cho dù có quên cũng vẫn còn sức tồn tại, đến lúc sắp chết, những việc làm tội lỗi này sẽ hiện ra. Cũng giống như vậy, một người rất là có hiếu thảo với cha mẹ đến khi lâm chung thì nghiệp thiện hiếu thảo này cũng tự nhiên sẽ hiện bày ra trước mắt. cũng giống như người mắc nợ, đến cuối năm bị chủ nợ kéo đến đòi, trong số đó, chủ nợ nào mạnh và có thế lực hơn thì đặt biệt sự truy đòi nợ cũng sẽ ghê gớm hơn, không trả cho họ trước thì không được.

-  Tùy theo sự huân tập: Có người chưa có tạo nghiệp cực ác hay cực tốt, nhưng hằng ngày sanh sống, làm việc, quen theo lệ thường, việc này cũng có thể tạo ra sức mạnh lớn, tuy chỉ làm việc ác nhỏ nhưng cuối cùng cũng có thể bị ác báo; hay dù làm việc thiện nhỏ cũng có thể được thiện báo. Cho nên có câu: “giọt nước tuy nhỏ, chứa dần cũng đầy lu”. Đức Phật có đưa ra một thí dụ: thí như một cây cổ thụ hơi nghiêng về hướng đông, nếu ta dùng búa đốn thì chắc chắn cây sẽ ngã về hướng đông. Người Trung Quốc có câu “hồn ma đòi mạng”. Kẻ giết heo dê thì thấy heo dê, người giết rắn thì gặp rắn, tất cả những người sát sanh đều sống trong cảnh khóc la cả ngày, hoảng hốt lo sợ. Những con thú sau khi bị giết chết kia đã theo nghiệp thọ báo lâu rồi, nhưng sự ra tay giết hại đó, đều vô hình trung lưu giữ lại nghiệp sát không ngừng, càng tích chứa thì càng nặng, cho nên tướng nghiệp hiển hiện (thấy các con như heo, dê, rắn v.v… kia đến đòi mạng) theo nghiệp mà đi thọ báo.

Có một câu chuyện kể như vầy: có một người nọ, vì tiền của mà giết người. Nửa đêm anh ta giết người cướp của, lấy tiền về nhà trốn. Sau đó, anh ta cảm thấy người bị mình giết kia, lúc nào cũng theo sau mình mà đòi tiền, đòi mạng, do sợ quá nên anh ta chết. Không lâu sau đó, người bị anh ta giết chết trở về. Thật ra, anh này chỉ bị thương chớ chưa có chết, cho nên nói đây là hồn ma đòi mạng thì nghe không thông vì người này chưa có chết. Phật pháp gọi đó là tướng của nghiệp hiện ra, mới hợp với sự lý. Người làm ác, khi sắp chết hiện ra tướng đau khổ. Người làm thiện tạo công đức thì khi sắp chết nhất định sẽ hiện tướng an nhàn, vui vẻ, đây đều là do nơi nghiệp lực tạo ra theo nghiệp nặng, theo thói quen mà hiển hiện ra.

- Tùy theo sức nhớ:

Cũng có người bình sanh chưa có tạo nghiệp thiện ác gì lớn nặng, cũng chưa có tích chứa việc thiện nào, đến giây phút sau cùng, họ chợt nghĩ đến cái gì thì lấy niệm thiện hoặc niệm ác này mà thọ báo. Thường ngày, Phật pháp có chỉ cách chăm sóc người bệnh nặng, nào là cần phải nhắc nhở họ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, khen ngợi các công đức mà thường ngày họ tu tạo như bố thí, trì giới v.v…để họ nhớ lại công đức mà sanh khởi niệm thiện, để nhờ vào sức niệm thiện này, họ được sanh lên cõi trên tốt đẹp hơn. Có người tạo rất nhiều nghiệp thiện, nhưng đến khi sắp chết bị kích động, trong lòng khó chịu, niệm ác hiện ra dẫn đến bị đọa. Thí như cả năm buôn bán tốt đẹp, nhưng đáng tiếc là cuối năm phân bổ nguồn thu chi không thích hợp thì coi như cả năm nổ lực đổ sông đổ biển. Cho nên khi con người ta sắp chết, bất luận là già trẻ hay bé lớn chúng ta cũng không nên khóc lóc, quấy rầy thần thức, khiến cho họ khởi phiền não. Chúng ta phải khuyên họ buông bỏ hết tất cả, chuyên tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm bố thí v.v…Cũng giống như buôn bán không được tốt đẹp, nhưng cuối năm biết xử lý đúng cách thì vẫn có thể sống qua ngày vậy.

Thế nhưng, bình thường chỉ chú trọng lúc lâm chung, nếu thường ngày gây tạo thành nghiệp ác nặng thì mỗi khi muốn họ khởi niệm thiện cũng không thể được. Còn nếu thường ngày làm rất nhiều việc thiện, hoặc là làm việc thiện đến mức thành tánh, vậy thì cộng thêm sự nhớ lại lúc sắp chết thì chắc chắn sự ra đi về nơi tốt đẹp là đáng tin.

5. Lý do chết rồi lại được sanh ra:

Tại sao chết rồi lại được sanh ra lại? con người một hơi thở ra mà không vào thì tinh thần ngưng ngay, mất tác dụng, cơ thể không còn hơi ấm, lúc bấy giờ gọi là chết. Thông thường người ta cho rằng, chui ra từ thai mẹ thì gọi là sanh. Còn trong Phật pháp thì cho là không hẳn như vậy. Lấy nghiệp thức của đời trước làm nhân, cộng thêm sự hòa hợp giữa tinh cha huyết mẹ (nói theo nhân loại). Kể từ lúc cấn thai là đã bắt đầu có sự sống mới, đây chính gọi là sanh. Bởi thế những người vì sanh con cái quá đông nên sanh phiền lụy mà phá thai thì cũng phạm giới sát sanh.

Tại sao sau khi chết đi lại phải sanh lại? việc này không hẳn là vậy. Có người sau khi chết được sanh trở lại, còn có người chết đi sẽ không được sanh trở lại. Cho nên người chết rồi mà được sanh trở lại là do nghiệp lực lôi khiến. Nhưng y vào nghiệp thiện mà được quả báo thiện, ác nghiệp bị quả báo ác, bất cứ người nào cũng đều có nghiệp thiện và ác, vậy thì không phải là vĩnh viễn không thể giải quyết dứt điểm vấn đề sanh tử sao? Thật ra mà nói, nếu chỉ riêng phần nghiệp lực, thì cũng vẫn không chắc hẵn có thể khiến cho chúng ta tái sanh. Ngoài nghiệp lực ra, còn có phiền não làm trợ duyên. Trong phiền não, thứ quan trọng nhất đó là cái ái của sanh mạng. Tham luyến thế gian, mong mỏi được sanh tồn, hễ còn tồn tại ý niệm này thì tức là đã trồng xuống cội gốc của sanh tử, tử sanh.

Người tu học Phật pháp muốn thoát khỏi vòng sanh tử thì phải đoạn trừ cái tham ái của sanh mạng. Thí như tuy có hạt giống, nhưng nếu không có tưới nước bón phân thì hạt sống sẽ không nảy mầm. Cũng giống như vậy, hạt giống nghiệp tuy nhiều, nhưng nếu không có thêm phần phiền não như ái v.v… tưới tẩm thì cũng sẽ không chiêu cảm mầm khổ của đời sau. Nếu chỉ biết mưu cầu vinh hoa phú quý, ái luyến mạng sống thì việc sanh tử tử sanh, mãi mãi sẽ không có ngày ra khỏi. Còn nếu muốn thoát khỏi vòng sanh tử thì cần phải nhìn cho thấu đáo, không có luyến ái sự sống thì cái sanh tử xưa sẽ kết thúc, còn sanh tử mới sẽ không sanh.

Trước khi thoát khỏi vòng sanh tử, tôi mong mỏi mọi người hãy ghi nhớ: “Đừng nên làm ác, phải nên làm nhiều việc thiện, trồng nhân lành để được quả báo lành, đừng cho sanh tử là việc tốt, có như vậy, mình mới nhàm chán muốn lìa sanh tử, ra khỏi biển khổ.”

 

TRÍCH YẾU SANH TỬ LÀ VIỆC LỚN

 

1.   Cái chết có ba loại:

Trong Phật pháp nói cái chết có ba loại: một là thọ mạng hết mà chết, hai là hết phước mà chết, ba là không đáng chết mà chết.

2.   Việc sanh tử không thôi là do nghiệp lực:

Nghiệp lực chính là sức khởi, dẫn, làm, tạo. Đời này thọ báo nơi nhân gian là do nghiệp thiện ác của đời trước và đời này và nó cũng sẽ quyết định cho việc thọ sanh đời sau. Đời sau do ba loại nghiệp lực mà hình thành: một là theo nghiệp nặng, hai là theo thói quen của thiện ác, ba là theo sự nhớ nghĩ của phút lâm chung.

3.   Lý do từ chết đi mà được sanh ra:

Việc sau khi chết được sanh ra, ngoài do vì sự lôi khiến của nghiệp lực ra còn phải nhờ phiền não làm trợ duyên. Thí như tuy có hạt giống, nhưng nếu không có tưới nước bón phân thì sẽ không nảy mầm. Cũng giống như vậy, hạt giống nghiệp tuy nhiều, nhưng nếu không có phiền não tưới tẩm thì sẽ không chiêu cảm lấy mầm khổ của đời sau. Chỉ có dứt sạch phiền não mới có thể thoát khỏi biển khổ.

Hết

 

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

1.  Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.  Thường được các vị thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.  Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.  Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.  Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.  Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.  Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.  Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.  Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành Phật.

 

ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

ĐT: 096.919.7733

 


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :