Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

07. Niệm Phật, Ăn Chay, Tụng Kinh

Chủ nhật, 26/05/2019, 09:23 GMT+7

Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh là phương tiện hơn hết của Bồ-tát hạnh, nhưng do người hành trì không có hướng đến mong cầu trí tuệ nên sức từ bi giảm.

 

CẨM NANG TU PHƯỚC HUỆ

NIỆM PHẬT ĂN CHAY TỤNG KINH

Nguyên tác: ĐS Ấn Thuận

Dịch giả: Thích Minh Kiết

 

I.  Niệm Phật, Ăn Chay, Tụng Kinh.

1. Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh là phương tiện đầu tiên của Bồ-tát hạnh:

Tín nguyện, từ bi, trí tuệ là phần quan trọng của Bồ-tát hạnh. Tất cả hình thức tu tập của vô lượng pháp môn đều đồng với pháp tu ba chánh yếu, đây là điều rất sâu rộng. Giờ đây, tôi tạm nói phương tiện đầu tiên của hàng mới bắt đầu học Phật. Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh không chỉ là pháp hành trì chánh yếu của hàng Phật tử Trung Quốc, mà đó còn là một trong phương tiện đầu tiên của Bồ-tát hạnh.

1.1 Niệm Phật Dẫn Phát Tín Nguyện

Lực dụng và ý nghĩa của niệm Phật, tất nhiên là không phải chỉ dừng lại một bề, nhưng chủ yếu là khiến người ta phát khởi tín nguyện. Tín nguyện của Bồ-tát là phát bồ-đề tâm, nhất thiết trí trí tương ưng với tác ý. Việc khởi tín nguyện nơi Vô thượng bồ-đề thật không phải là dễ. Vô thượng bồ-đề là quả vị mà Đức Phật viên chứng. Đức Phật là Vô thượng bồ-đề - thật chứng của nhất thiết trí trí. Đức Phật có tướng tốt vô biên, oai lực vô biên; có nhất thiết trí tuệ, từ bi không gì sánh bằng. Kể từ khi tu Bồ-tát hạnh đến nay, có vô lượng công đức tự lợi lợi tha, không thể nói hết.

Người niệm Phật phải khởi sự kính ngưỡng Đức Phật như vậy, mỗi một niệm đều coi Phật là chỗ quy kính (Nhờ Đức Phật mà có pháp, nhờ Phật Pháp mà có Tăng, tức là nhiếp trọn Tam bảo), xem Đức Phật là bậc mô phạm, lý tưởng của chúng ta. Chúng ta tôn ngưỡng công đức của Ngài, cảm kích tâm từ bi của Ngài, từ đó phát khởi lòng tín nguyện mà học Phật, được như vậy niệm mới có lực. Trong các kinh điển Đại thừa đã có nói nhiều về niệm Phật. Sự khen ngợi phát tâm bồ-đề, đều là chú trọng vấn đề này.

Niệm Phật là niệm công đức của Phật (trí đức, đoạn đức, ân đức), niệm tướng hảo của Phật, niệm thật tướng của Phật, niệm thế giới thanh tịnh của Phật. Nói rộng ra như lễ Phật, khen Phật, cúng dường Phật, sám hối trước Phật, tùy hỷ công đức của Phật, khuyến thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân và trụ lâu nơi đời, những thứ này đều là pháp môn niệm Phật theo nghĩa rộng. Luận Đại Trí Độ có ghi: “có hàng Bồ-tát dùng tín (nguyện) tinh tấn để vào Phật pháp, ưa thích học các công đức của Phật, đây là hàng Bồ-tát tín tăng thượng trong Đại thừa, Đức Phật vì họ mà khai mở riêng con đường dễ đi – dị hành đạo”.

Nhưng “con đường dễ đi” cũng chính là phương tiện bi trí của “Con đường khó đi”, cho nên luận Thập Trụ tỳ-bà-sa có ghi: “hàng Bồ-tát mới học, tu các pháp như niệm Phật, sám hối, khuyến thỉnh v.v…, tâm được thanh tịnh, tín tâm tăng trưởng, từ đó có thể tu các pháp sâu hơn như trí tuệ, từ bi”. Luận Khởi Tín cũng có ghi: “chúng sanh mới học pháp này, muốn cầu chánh tín, nhưng căn tánh yếu hèn, do đó, mới dạy họ chuyên nhớ niệm Phật, để có thể nhiếp hộ tín tâm, không để cho lui mất”.

Ý nghĩa thứ nhất của niệm Phật là ở việc phát khởi tín nguyện, người chưa sanh khởi tín nguyện thì khiến cho sanh khởi, người đã khởi tín nguyện rồi thì khiến cho không mất, tăng trưởng thêm lên. Niệm Phật là tâm niệm. Công đức duyên nơi Phật mà chuyên niệm không bỏ là “phương tiện diệu” của việc phát khởi tín nguyện. Cũng giống như thông thường người ta mở miệng niệm Phật, đó là phương tiện của phương tiện.

1.2 Ăn Chay Để Nuôi Dưỡng Lòng Từ Bi

Ăn chay, đúng ra phải gọi là không ăn thịt, đây là đức tánh tốt đẹp truyền thống của Phật giáo. Người học Phật, vốn không có bắt buộc là phải ăn chay trường giống như là các tín đồ Phật giáo ở phương nam như Tích Lan v.v… hay tín đồ của Phật giáo Tây Tạng, Nhật Bản đều có ăn thịt. Một bộ phận tín đồ Phật giáo Trung Quốc cho ăn chay là Tiểu thừa, còn Đại thừa thì không coi trọng vấn đề này, đây là sai lầm căn bản.

Không ăn thịt là tư tưởng của Phật giáo Đại thừa – đặt biệt là chủ trương của kinh Lăng già, kinh Niết-bàn, kinh Ương-quật-ma-la v.v… Ý nghĩa và lực dụng của việc không ăn thịt, đương nhiên cũng có nhiều bề, nhưng cái chính là nuôi dưỡng lòng từ bi. Chẳng hạn như nói: “ăn thịt là đoạn mất giống đại bi”. Bồ-tát phải làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, cứu giúp khổ nạn cho tất cả chúng sanh, mà giờ đây nỡ lòng nào lại giết hại nó, nuốt ăn nó, thử hỏi từ bi ở chỗ nào?

Bồ-tát hạnh lấy từ bi làm căn bản, cho nên trong pháp của Đại thừa, kết luận không ăn thịt là lẽ đương nhiên. Tiêu cực không ăn thịt, tích cực phóng sanh – cứu hộ mạng sống chúng sanh, thật sự là phương tiện hành, để nuôi dưỡng tâm từ bi.

1.3  Tụng Kinh Dẫn Phát Trí Tuệ

Hình thức tụng kinh mà không đòi hỏi phải hiểu rõ lời kinh, cứ thẳng đó mà đọc, cũng là phương tiện tu hành. Hình thức này tuy có công dụng riêng, nhưng cái chính vẫn là phương tiện trước hết dẫn sanh trí tuệ. Tu học trí tuệ (chân bát-nhã là hiện chứng) có ba tuệ đó là: nghe, suy và thực hành. Phần này lại khai làm mười chánh pháp hành: biên chép (kinh điển), cúng dường, lưu truyền, nghe nhận, chuyển đọc, dạy người khác, học tụng, giảng nói, suy chọn, tu tập. Tám phần trước đều là phương tiện của văn tuệ và tư tuệ.

Như ở các lớp học tư thục trước đây, học sinh trước hết phải đọc cho rành, thuộc lòng bài vở, rồi sau đó mới giảng giải cho các em hiểu rõ nghĩa lý. Việc tụng kinh mà không đòi hỏi phải hiểu sâu, cũng giống như trẻ em mới học cần phải đọc rành, thuộc lòng, cũng có thể tiến thêm mong được hiểu nghĩa – phương tiện của văn tuệ.

2.  Vì Tăng Trưởng Tín Nguyện, Từ Bi, Trí Tuệ Mà Tu Học

Pháp môn thông thường niệm Phật, ăn chay (phóng sanh), tụng kinh mà Phật giáo Trung Quốc tu, đích thật là phương tiện đầu tiên của Bồ-tát hạnh. Đây là phương tiện đầu tiên, vì để tăng trưởng tín nguyện, từ bi, trí tuệ của Đại thừa mà tu học. Thế nhưng người tu học, thường thì cho việc tụng kinh là công đức, trái lại xem thường việc nghiên cứu nghĩa lý, lối suy nghĩ và hành trì như vậy là mất đi tác dụng của phương tiện tuệ học.

Người ăn chay, phóng sanh, cho dù là đang ăn chay phóng sanh đó, nhưng ở trong các thứ khổ não bức bách của hiện thực thế gian, hiếm có ai có thể khởi tâm từ bi mà đến cứu giúp. Coi trọng việc yêu thương bảo vệ chúng sanh mà lơ là việc yêu thương nhân loại, chung quy là điên đảo, đó là do không hiểu rõ ý nghĩa của việc ăn chay, phóng sanh nên không thể trưởng dưỡng tâm từ bi trong đời sống.

Nếu so sánh thì niệm Phật ít nhiều gì cũng có thể bồi dưỡng lòng tin, nhưng thông thường là rơi vào mê tín, chỉ có một số ít là mau mong tự liễu. Thật sự có thể do đây mà phát khởi tín nguyện Bồ-tát, trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh, dẫn ra đại nguyện tinh tấn tự lợi, lợi tha vì pháp vì người, niệm Phật để đạt được như vậy, quả thật là quá khó.

Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh là phương tiện hơn hết của Bồ-tát hạnh, nhưng do người hành trì không có hướng đến mong cầu trí tuệ nên sức từ bi giảm. Chỉ biết thiên về tín ngưỡng, thì dù có hành pháp môn phương tiện thiện xảo đi nữa cũng sẽ không thể đạt hết công dụng của phương tiện, đây quả thật là điều đau buồn cho tín đồ Phật giáo Trung Quốc, là căn nguyên của sự suy đồi! hành như vậy, chẳng những không thể nhập Bồ-tát hạnh (khó được vào cửa), không thể thực hiện đại dụng của Phật pháp mà còn không thể tự cứu lấy mình chớ đừng nói gì là cứu thế.

Học Phật, học Bồ-tát hạnh là phải thông qua các phương tiện diệu này, mà nhận cho rõ mục đích. Chúng ta không phải là vì niệm Phật mà niệm Phật, vì ăn chay mà ăn chay, vì tụng kinh mà tụng kinh, mà chúng ta vì muốn phát khởi tín nguyện mà niệm Phật, trưởng dưỡng từ bi mà ăn chay, vì sanh trí tuệ mà tụng kinh.

Đây là phương pháp hành, còn mục đích là ở nơi tiến tu tín nguyện, từ bi và trí tuệ, cho nên người chân thật học Phật, học tu Bồ-tát hạnh, phải thông qua việc niệm Phật mà phát khởi đại nguyện tinh tấn trên cầu làm Phật, dưới hóa độ chúng sanh. Thông qua việc ăn chay phóng sanh, trưởng dưỡng lòng từ bi mà làm những công việc phúc lợi có ích cho đời. Thông qua việc tụng kinh, tiến thêm một bước là nghiên cứu suy tìm nghĩa lý để dẫn phát trí tuệ, có như vậy mới đến tận cùng lực dụng của phương tiện đầu tiên, cố định nền tảng đầu tiên của việc học Bồ-tát. Việc này cũng chẳng qua là bước đi đầu của “hành trình ngàn dặm, khởi nơi bước chân”, pháp môn rộng sâu vô biên, phải từ bước này mà thẳng tiến về phía trước!

II. Liên Quan Đến Vấn Đề Ăn Chay:

1.   Ăn chay là điểm đặc sắc, tốt đẹp của Phật giáo Trung Quốc

Ăn chay – không ăn thịt, từ một ngàn năm nay là đức tốt truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, phù hợp với tinh thần Phật giáo sâu sắc mà cao thượng! Chỉ có Phật giáo với đủ đầy nền tảng văn hóa sâu dày mới có thể phát huy hết. Việc ăn chay không chỉ trở thành pháp môn hành trì của một người, đi sâu vào lòng người mà việc ngăn sát, cấm giết còn có ảnh hưởng đến chánh sách, chế độ của một quốc gia. Về mặt ý nghĩa của việc ăn chay, tuy những người ăn chay thông thường, không phải hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của nó, nhưng chung quy nó vẫn là điểm đặc sắc tốt đẹp của giới Phật giáo.Đáng tiếc thay! Gần ba mươi năm trở lại đây, nhân tố phức tạp xâm nhập vào họ, chế độ ăn chay dần dần suy giảm, rất nhiều tà luận mậu thuyết nổi lên! Điều này không thể không nói là tinh thần Phật giáo suy tàn đáng thương! Chẳng trách nào hàng Phật tử chân thành hộ pháp ít lại, buộc các vị như đại sư Ấn Quang … vì việc này mà căm giận, thét lên!Tại sao tín đồ Phật giáo phải ăn chay? Có nhất định phải ăn chay không? Có nhất thiết phải ăn chay trường không? Tại sao lại không được ăn đồ tanh nồng? đây là những câu mà người ta thường hay hỏi và nó quả thật cũng khiến cho giới nhân sĩ trong xã hội hiểu lầm; đây cũng là điều mà những người mới học Phật cần gấp hiểu rõ và cũng là điều không được coi thường trong việc hộ trì Phật giáo.

2. Ý Nghĩa Của Việc Không Ăn Thịt Và Không Ăn Thứ Tanh NồngTrước hết, chúng ta nên biết, tanh đây là tanh nồng, là chỉ cho không ăn những thứ rau củ có mùi hôi rất nặng chẳng hạn như tỏi, hành v.v... Nếu như mọi người cùng ăn thì giữa hai bên không có vấn đề gì; còn nếu chỉ một người ăn, hoặc một số ít ăn, còn số đông là không ăn thì cái mùi tanh nồng kia, người không ăn ngửi phải sẽ sanh ra khó chịu bực tức, bởi thế hàng đệ tử Phật không ăn nó là vậy; nếu vì việc trị bệnh mà bắt buộc phải dùng nó thì không cho phép người ăn tham gia các hoạt động tu tập số đông, để tránh khỏi bị người khác dèm pha ghét bỏ. Phật giáo chế ngăn ăn thức ăn tanh nồng vốn có nghĩa là như vậy, khác với việc ăn huân tân (không ăn thịt) mà người bên ngoài thường nói đến. Còn như quan niệm ăn chay thông thường mà người ta thường nói đến đó, về mặt đại thể ăn rau củ, gần giống như là không ăn thịt.

Nhưng y chiếu theo Phật pháp mà nói thì: tín đồ Phật giáo không phải là ăn rau củ (ăn chay) một cách tuyệt đối mà là đối với những thứ cay nồng thuộc về rau củ như hành, tỏi v.v… mình không ăn; cũng không phải là tuyệt đối phản đối người ăn thịt (các loại thực phẩm từ động vật mà có), mà được phép dùng những thứ mà Phật pháp cho phép như: sữa bò, dê. Cho nên Phật giáo nói ăn chay không phải là không ăn thịt như người bình thường tưởng tượng, tín đồ Phật giáo không ăn thịt chỉ là thực tiễn của việc không sát sanh.

    3.   Ăn chay là thực tiễn của tinh thần bảo vệ chúng sanh và lợi ích chúng sanh

Không sát sanh là pháp tắc căn bản của Phật giáo xử thế lợi sanh. Tất cả giới hạnh – hành vi đạo đức đều lấy đây làm cội gốc. Như quy y là tín hạnh đầu tiên đi vào cửa Phật, khi người quy y thì nói như vầy: “kể từ bây giờ cho đến chết, con nguyện bảo vệ chúng sanh.” Thực tiễn bảo vệ chúng sanh, không thọ giới không được.

Trong năm giới, mười giới, giới đầu tiên là không được sát sanh. Ý nghĩa của việc quy nạp về giới thiện là như vầy: không sát nghĩa là không làm tổn hại đến sự sống bên trong của người khác; không trộm là không xâm hại sự sống bên ngoài của người khác. Vì tôn trọng thân mạng và tài sản của người khác, cho nên có thể bảo vệ sự sống của con người. Vì không tà dâm là không phá hoại hạnh phúc của gia đình khác, cho nên có thể bảo vệ sự sống của gia tộc. Không vọng ngữ sẽ khiến cho nhân loại có thể tha thứ cho nhau, tin tưởng nhau, không dối gạt, không tranh giành nhau, cho nên có thể bảo vệ sự sống của xã hội, nhân loại. Nếu bỏ đi tinh thần bảo vệ sự sống này thì tất cả những hành vi đối nhân xử thế sẽ bị ác hóa, trở thành tà hạnh bất thiện!

Cho nên bảo vệ sự sống là nòng cốt trọng yếu của Phật pháp, là điều mà Phật giáo vốn có, là pháp mà Phật giáo Đại Thừa triệt để phát huy. Từ bi là không sát sanh, không ăn thịt, cội nguồn cũng bởi do đây.

    4.   Quan niệm của người ăn thịt ngỡ đúng mà là sai.

Có người chủ trương, ăn thịt đâu có trở ngại gì, còn có người thì cho rằng, không ăn thịt thì không được. Quan niệm của những người ăn thịt đây rất là lộn xộn mà cũng rất là khi người, mang chiêu bài khoa học, hư dối một bề. Họ cho rằng: chúng ta không thể không sát sanh, phải sát sanh mới được; cho nên việc không ăn thịt thông qua việc không sát sanh, không có chút ý nghĩa gì. Họ cho rằng: cây cỏ cũng có sự sống, cho nên ăn chay cũng vẫn không tránh khỏi sát sanh. Họ còn cho rằng: ăn chay (không ăn thịt) là điều không thể thực hiện triệt để, vì uống một miếng nước, trong đó có biết bao nhiêu là sanh vật! hít thở không khí, trong đó cũng có biết bao nhiêu là sanh vật! nếu thật sự không sát sanh, không ăn thịt vậy thì cũng không được uống nước, không được hít thở không khí, chỉ có chết đi mà thôi.

Họ lại còn cho rằng: nếu căn cứ theo cách nhìn của lòng nhân từ, giống như câu “quân tử tránh xa nhà trù của nhà Nho” v.v…đây chỉ là tự dối gạt mình mà không có triệt để. Cách hiểu biết này, nơi các bậc nhân sĩ trong xã hội bình thường có thể nói là tha thứ được. Còn như bộ phận tín đồ Phật giáo cũng hùa theo mà nói như vậy, thì thật nực cười! Tôi nghe nói, giới Phật giáo Nhật Bản cũng có cách nhìn na ná như vầy, tôi không tin lắm. Nghe nói Phật học Nhật Bản tương đối phát triển và thịnh vượng, làm sao có thể nói ra những lời như vầy. Có lẽ tình cờ có học giả bên lề, thuận dịp thốt lên, hùa theo lời sai của thế tục đây!

    5.   Từ mối quan hệ giữa tình lý và tâm trạng mà nói về thật nghĩa của việc không sát sanh.

Việc sát sanh và không sát sanh mà Phật giáo nói đến có tốt có xấu – tánh chất đạo đức và không đạo đức. Cái này không thuộc về thế giới khoa học của vật lý hóa học, cũng không phải là thứ ở dưới lăng kính hiển vi và kính viễn vọng (trong khoa học vật lý, thiện và ác là hai thứ không thể phân biệt); mà đây là thuộc về thế giới đạo đức có phần tham dự, nắm giữ của tình và lý. Những thứ thuộc về thế giới hữu tình có mối tương quan giữa tâm và cảnh, giữa mình và người thì phải nên thông qua mối quan hệ giữa tâm và cảnh, tình và lý mà nói.

Trước hết là nói từ đối tượng bị sát hại: sát sanh, chỉ cho việc sát hại những chúng sanh có tình thức (gần như là những loài động vật mà thông thường con người ta nói đến). Tất cả những loài chúng sanh có tình thức đều có cái ý muốn là tham sống ghét chết. Nếu như chúng chịu cảnh bị tổn thương hoặc là bị giết chết thì chúng sẽ khởi sợ hãi, đau khổ, sẽ dẫn khởi những hành vi oán hận, phẫn uất, chống lại. Thí như giữa con người sát hại nhau, sẽ tạo thành oán thù, đáp trả, rơi vào tình cảnh oán thù nhau, sát hại nhau.

Cây cỏ là những chúng sanh không có tình thức, tuy chúng cũng có các hiện tượng sống như sanh sôi nảy nở, dinh dưỡng v.v…nhưng khi chúng bị tổn thương, chỉ có phản ứng vật lý chớ không có phản ứng về tâm thức. Như khi chúng ta cầm dao chặt cây cỏ, cỏ cây không vì thế mà bị kích động, phát khởi tánh trả thù oán hận, hại nhau và cũng không có ảnh hưởng gì đến bản thân, hay lưu giữ sức chiêu cảm của nghiệp do sát hại.

Cho nên, việc sát sanh mà Phật pháp nói đến là chú trọng nơi đối phương có sự phản ứng về tâm thức hay không, có do đó mà dẫn khởi mối nhân quả báo thù với nhau không. Luận điệu “ăn chay cũng là sát sanh” hiển nhiên là chưa có làm rõ sự thật này, chưa hiểu rõ ý nghĩa thật sự của lý do cấm sát sanh.

    6.   Dựa vào tâm trạng của người giết để định luận tội sát sanh là nặng hay nhẹ

Giới cấm sát sanh trong Phật giáo, là chỉ cho những chúng sanh hữu tình. Tuy là loài hữu tình như nhau, nhưng do mối quan hệ khác với con người cho nên tội sát sanh cũng có nặng nhẹ. Như giết người thì tội này là nặng. Còn như sát hại cha mẹ, sư trưởng, Thánh hiền là những bậc có ân đức với chính mình với nhân loại thì đó là tội đại ác. Còn như sát hại các loài trâu, bò, heo, gà, tôm cá v.v…thì tuy có tội, nhưng tội này nhẹ hơn nhiều so với những tội trên.

Đồng thời, yếu tố cấu thành tội sát sanh, phải thông qua tâm trạng của người giết mà luận định. Về vấn đề này, có thể phân làm ba loại:

6.1 Người giết, biết một cách rõ ràng và chánh xác đối tượng mình giết hại là loài có tình thức. Do vì tánh tham, sân, tà kiến, có sự suy xét mà khởi lên ý muốn quyết định giết. Giết người bằng động cơ như vậy, tất nhiên là tội cực nặng rồi; còn giết loài súc sanh thì tội cũng không nhẹ.

6.2  Các loài chúng sanh như trâu bò, kiến gián v.v…, không chỉ phải nên tránh sát hại mà còn có thể tránh đi việc sát hại. Nếu mình không có hiểu hết, sát hại chúng trong trạng thái vô ý, dửng dưng thì việc sát hại này tuy có tội, nhưng là tội nhẹ “ác tác” (những tội nhẹ của thân và khẩu).

6.3  Còn nếu khi sát hại, không chỉ không có tâm sát hại mà cũng không biết là có chúng sanh, chẳng hạn như là uống nước, hít thở bình thường. Như vậy dù cho có gây thương hại cũng không thành lập nên tội sát sanh.

Sát sanh mà Phật pháp nói đến là chỉ cho sự cấu thành sát sanh tội ác; điều này gần giống với pháp luật của thế gian, nhưng triệt để hơn một chút mà thôi! Như trong pháp luật của thế gian, việc rắp tâm giết người hay giết người trong vô ý thì mức độ xử phạt cũng khác nhau. Lại như người điên mất trí, hay trẻ nhỏ ngu khờ, dù sự thật sát hại trong vô ý, cũng không thành lập tội sát.

    7.   Hiểu biết sai lầm mượn danh khoa học mà chủ trương sát sanh

Sát sanh và không sát sanh mà Phật pháp nói đến là điều hợp tình hợp lý, không phải khó hiểu. Thế nhưng, những người chủ trương sát sanh mang chiêu bài khoa học lại trộn lẫn nhau, cho là không có liên quan gì đến tình lý, tâm trạng – sự thật nó không phải là con người. Do đó mới từ việc không thể tránh khỏi sát sanh, đưa ra kết luận sát sanh không có trở ngại gì, hoặc là không sát sanh thì không được.

Chiếu theo cách nhìn nhận như vậy của họ mà suy luận, thế gian này không tránh khỏi đấu tranh, cho nên, con người ta đấu tranh nhau mà không ngại gì mức độ tàn khốc, hoặc là đấu tranh mà không tàn khốc không được. Đối với những người yêu chuộng hòa bình, phản đối tranh đấu tàn khốc mà đề xướng không xâm hại nhau cũng bị họ phản đối. Những người chủ trương sát sanh này, đâu phải ai xa lạ mà chính là những kẻ mạt sát chân lý và đạo đức! nếu là tín đồ Phật giáo mà dua theo luận thuyết này thì đó chính là người si phá kiến!

    8.   Vấn đề chỉnh lý lịch sử, hoàn cảnh, tín ngưỡng mà tạo thành.

Có người cho rằng: Tín đồ Phật giáo, ngay cả như chúng Tăng xuất gia mà cũng còn ăn thịt. Vì y cứ theo kinh luật ghi chép, Đức Thế Tôn và hàng đệ tử của Ngài không có cấm ăn thịt. Ngày nay, chúng Tăng ở Tích-lan, Miến-điện, Cam-pu-chia, đời sống sanh hoạt cũng còn gần giống với chế độ xưa của Ấn Độ, cũng đều ăn thịt. Các vị Lạt-ma ở Mông Cổ, Tây Tạng, các vị Tăng của Nhật Bản cũng đều là như vậy. Như vậy có thể thấy, việc không ăn thịt là tập quán đặc thù của tín đồ Phật giáo nội địa Trung Quốc, cũng chẳng phải là quy định, giới điều mà tín đồ Phật giáo phải tuân giữ. Nếu y cứ theo tình trạng của Phật giáo các nước mà nói thì xem ra rất có lý!

Nhưng trong đây, có một vấn đề tiên quyết, nếu không làm rõ thì không được – Phật giáo lấy việc bảo vệ sự sống làm tinh thần chủ đạo cho việc xử thế, lợi sanh, xem đó là lý niệm cao thượng mà khiến cho con người ta trong cuộc sống thực tế, không ngừng tiến bộ. Việc này cần phải thông qua nhân duyên, địa lý, thời gian, thực hiện từ khả năng bản thân rồi dần dần đề cao mở rộng lớn hơn, chớ không thể nhất loạt đánh đồng rồi thành ra hô hào suông. Cho nên, Phật pháp có sự khác nhau về cấp bực, pháp của trời người, pháp của xuất gia. Chúng ta phải biết thông cảm cho những người hành phương tiện, dần bước vào đạo, dẫn dắt tiến vào pháp môn rốt ráo, triệt để, chớ không thể nghiêng dừng nơi bộ phận không triệt để này.

8.1  Liên quan đến vấn đề tam tịnh nhục vào thời đại Đức Phật và Phật giáo nam truyền

Đúng vậy, Phật giáo tại Ấn Độ - các hàng đệ tử thời Đức Phật và đời sau là có ăn thịt, nhưng mà không có sát sanh. Trong giới luật, không chỉ nghiêm cấm giết người, đồng thời cũng không được cố ý hại mạng chúng sanh; ngay cả trong nước cũng có vi trùng, đệ tử Phật còn phải chuẩn bị sẵn đãi lọc nước, để tránh khỏi vô cớ sát hại. Việc không sát sanh là vấn đề mà Phật giáo quán triệt một cách chặt chẽ.

Nhưng vì Đức Phật và hàng đệ tử, đã sống bằng đời sống khất thực, nên chỉ có thể tùy theo những gì mà thí chủ có, xin được thứ gì thì ăn thứ nấy. Đức Phật và đệ tử quyết không cho phép vì ăn ngon miệng mà đích thân đi giết hại loài vật, hoặc là phải ăn thịt thì mới được. Vì có liên hệ đến việc du hóa khất thực, tùy duyên uống ăn, nên không thể nghiêm cấm việc ăn thịt. Đã không khởi tâm sát hại, cũng không phải giết là vì riêng mình, như vậy thì, tuy ăn thịt, nhưng không có phạm phải giới sát sanh.

Cho nên, đương thời chế việc ăn thịt cũng có hạn chế. Đối với thịt thí chủ cúng thí, nhìn thấy nó bị giết vì mình; hoặc là nghe người nói giết là vì mình; hay là nghi ngờ giết nó là chỉ dành riêng để cúng dường cho mình, có ba hình thức này thì từ chối không nhận, vì loại thịt như vậy, chúng sanh vì mình mà chết. Đây là việc mình có thể hoàn toàn tránh khỏi mà lại không biết tránh là vi phạm vào giới không sát sanh.

Phật giáo cấm ăn thịt, không phải vì nó là thịt mà vì là phạm tội sát sanh. Thông thường, người ta không hiểu về ý nghĩa không sát sanh, không biết rằng vì không sát sanh mà chúng ta không ăn thịt chớ không phải vì đó là thịt mà không ăn, vì vậy mới không tránh khỏi dị thuyết rối rắm.

Như vậy, các vị tỳ-kheo sống bằng đời sống khất thực hóa duyên, chỉ cần là không thấy, không nghe, không nghi thịt kia thì không phạm giới sát sanh. Nhưng nếu thọ nhận một tín chủ nào đó, cúng dường trường kỳ thì mình có thể nói với họ, không nên vì mình mà cúng thí thịt đó nữa, nếu không thì, họ giết thịt là vì mình, vậy tại sao mình lại còn có thể đổ thừa là Đức Phật cho phép! Như ăn thịt quen rồi, cảm thấy không ăn thịt là không được, đó là vì bị vị giác nó móc trói, dù đó là Tăng chúng của Tích-lan, Miến-điện, Cam-pu-chia v.v… đi nữa căn bản cũng là phạm vào lời dạy từ bi của Đức Phật, làm mất đi tinh thần Phật giáo!

8.2  Giáo thuyết không ăn thịt của Phật giáo Đại thừa, khế hợp với tinh thần đại bi của Đức Phật

Quy chế xuất gia của Đức Phật, vốn thích ứng với đời sống khất thực của Ấn Độ đương thời. Trong hoàn cảnh sanh sống này, các loại thực vật rau, củ quả v.v…mình không thể tự chọn lựa một cách trọn vẹn, chỉ có thể là tùy duyên, có gì thì ăn nấy, đây là phương tiện nhằm thích ứng với thời gian, nơi chốn. Trong tâm từ bi của Đức Thế Tôn, quyết không vì tam tịnh nhục này mà phải ăn cho bằng được.

Cho nên, nhằm xiển dương đầy đủ tinh thần của Đức Phật, trong các kinh điển Đại thừa như: kinh Tượng Dịch, kinh Ương-quật-ma-la, kinh Lăng-già, kinh Niết-bàn, Kinh Lăng Nghiêm đã có nói rõ: Đệ tử Phật không nên ăn thịt. Ăn tam tịnh nhục là Đức Phật vì phương tiện mà nói, ăn thịt làm đoạn mất giống đại bi (cố ý sát sanh), ăn thịt là quyến thuộc của ma.

Giáo thuyết Đại thừa không ăn thịt là tuyệt đối khế hợp với tinh thần từ bi của Đức Phật. Đây không phải là hình thức cao giọng, mà là vì thích hợp với hoàn cảnh thực tế mà được làm.

Vì các vị tỳ-kheo, khởi đầu tuy sống cuộc đời khất thực giáo hóa, nhưng khi Phật giáo phát triển mạnh, có được đất đai rộng lớn do vua và tín chúng cúng dường. Tuy đất đai ấy do người cư sĩ canh tác, cày cấy, cư sĩ dâng cúng, nhưng trên thực tế đó là của mình. Cũng còn có một bộ phận Tăng sĩ, nhận sự cúng dường trường kỳ của một tín đồ nào đó (vẫn phải hằng ngày mang bát đến nhận). Cuộc sống đến từng nhà khất thực hóa duyên (đứng trước cửa khất thực hóa duyên tạm thời, có khi được mà cũng có khi không) dần dà thay đổi. Dưới tình hình này, nếu vị tỳ-kheo mà ăn thịt thì tất nhiên đó là vì bản thân mình thích muốn mà ăn, làm sao có thể nói là không phạm giới cấm của Đức Phật? đừng nói gì là Đại thừa mà ngay cả luật Thanh văn cũng không cho phép làm. Có một số người, vì bản thân muốn ăn thịt mà dẫn chứng việc chúng Tăng ở Tích-lan, Miến-điện v.v… ăn thịt, còn nói là Tăng chúng Trung Quốc cũng có người ăn thịt, nói như vậy là không có tra xét tình thật, thuận theo tham muốn của riêng mình mà nói càn!

8.3  Nguyên nhân Phật giáo Tây Tạng và Mông Cổ ăn thịt

Tín đồ Phật giáo Tây Tạng, Mông Cổ cũng có ăn thịt. Tây Tạng và Mông Cổ là những vùng chăn nuôi gia súc (nội địa Ấn Độ và Trung Quốc cũng đều là những vùng nông nghiệp), thực phẩm chủ yếu không thể thiếu thịt trâu, dê. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu không ăn thịt thì không biết phải làm sao. So với việc phương tiện khất thực sanh sống mà thọ nhận tam tịnh nhục, thì vùng Mông Cổ, Tây Tạng, nếu vị nào không tự giết, không sai người khác giết thì có thể được, không phạm vào giới sát sanh.

Ngoài ra, lý do chủ yếu ăn thịt là, ở Tây Tạng, Mông Cổ, Phật giáo mà họ coi trọng là Mật thừa (Mật tông). Tông này, ít nhiều gì có sự khác biệt với Thanh văn thừa và Đại thừa. Qủa vị Phật và đại hạnh của Bồ-tát mà Đại thừa hiển giáo kính trọng và mong đạt được, đó là đại bi, đại trí, được biểu hiện ra gương mặt từ ái nhẫn nhục và nhu hòa, đặt biệt là biểu hiện đức tướng từ bi. Người tu học Đại thừa, lấy đây làm khuôn phép, mô phạm để tu học, coi trọng phần từ bi, cho nên không ăn thịt là giới hạnh của tín đồ Phật giáo Đại thừa.

Bổn tôn mà Mật thừa sùng kính là tướng Dạ-xoa, La-sát, biểu hiện cho giận dữ, tham muốn (họ cho đó là Bồ-tát hóa thân). Dùng thân tướng Dạ-xoa, La-sát của cõi trời Dục thứ 33, học theo Da-xoa, La-sát, để mong rằng, bản thân mình có thể đạt được thân kim cang của tướng Dạ-xoa. Dạ-xoa và La-sát, thuần là uống máu và ăn thịt (tàn hại nhân loại), tà hạnh, dâm loạn.

Trong tạng của Bồ-tát và Thanh văn thì hàng phục chúng, giáo hóa chúng, muốn chúng không được ăn thịt, uống máu, dứt hẳn dâm loạn, không được giết hại chúng sanh, hộ trì Phật giáo. Còn Mật thừa thì lại học theo chúng. Cho nên mới học theo cách ăn thịt của chúng, xem chúng ngang bằng và tất nhiên là phải ăn thịt rồi. Nghe nói, ăn thịt đối với dâm dục là đạo, rất có thể là vậy.

Nói theo hoàn cảnh, việc ăn thịt ở nước Mông Cổ, Tây Tạng là phương tiện bất đắc dĩ. Nói về mặt tín ngưỡng, phát tâm tu học theo pháp của Dạ-xoa, pháp của Kim Cang uống máu, ăn thịt (cho đó là Phật, Bồ-tát hóa thân), đây là tín ngưỡng tự do của hàng học giả Mật thừa, chúng ta không có lời gì để nói. Đối với bổn tôn (tôn tượng chính mà họ thờ) hiện tướng Dạ-xoa, La-sát, đương nhiên không thể dùng đạo đức của con người hay hạnh của Bồ-tát hiện tướng từ bi nhu hòa để phê bình. Nhưng theo thiển kiến của chúng tôi, mong mỏi rằng, y nơi pháp của Bồ-tát thừa mà hiện tướng Dạ-xoa, chớ đừng y nơi Mật thừa mà Dạ-xoa hóa.

Nói theo hoàn cảnh, tín ngưỡng thì việc ăn thịt của tín đồ Phật giáo Mông Cổ, Tây Tạng không đáng để phê bình, cũng không đáng để bắt chước. Như Mật thừa mà truyền vào khu nội địa Trung Quốc, những vùng có nông nghiệp, đã ăn thịt quen rồi, không thể thiếu thịt thì đây là vấn đề lớn. Nhưng tín đồ Phật giáo Trung Quốc, đã muốn tu học pháp Kim Cang uống máu, ăn thịt (nói đó là hóa thân của Chư Phật, Bồ-tát), phát tâm học theo Dạ-xoa, La-sát, vậy chúng tôi cũng đâu biết làm gì khác, chỉ có thể gởi gắm sự thương cảm ngậm ngùi! Nhưng cũng nguyện cầu rằng sau này, nơi đây không đến nổi biến thành thế giới của Dạ-xoa, La-sát.

8.4  Ngụy biện khác thường của những người ăn mặn

Nhưng cách giải thích khác thường của những người ăn thịt, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng, Mông Cổ càng ngày càng nhiều: Có người nói, học Mật tông mà không ăn mặn là không được, làm vậy là để phá chấp. Trên thế giới này, đầy dẫy những người ăn thịt, nhưng những người không chịu ăn chay lại không đề xướng ăn chay để phá vọng chấp của những người chủ trương ăn mặn mà lại luôn tìm cách lôi kéo số người ăn chay ít ỏi ăn mặn, đây là đạo lý gì? Lẽ nào Mật thừa ăn mặn lại chuyên vì số ít người ăn chay mà thuyết pháp sao?

Có người nói: chúng tôi ăn mặn là vì muốn độ con vật đó. Chiếu theo cách nói của họ thì trâu, bò v.v… bị giết được tụng niệm, sẽ kết nhân duyên được độ với chúng. Giả sử như thật sự là vì cứu độ nó, lẽ nào họ lại không muốn độ cha mẹ, con cái của mình? Vậy tại sao lại không ăn thịt cha mẹ, con cái đi? Nếu cho đó là cha mẹ, coi cái của mình thì có cách độ khác tốt hơn, đó là phổ độ chúng sanh.

Rắn rết, cóc nhái, giòi bọ, giun sán, các loài côn trùng này, sao mình không ăn để độ chúng? Tất cả ngụy biện của những người chủ trương ăn thịt, chung quy đã rõ ràng! Nói thật ra: vì muốn ăn chúng cho nên mới nói là độ chúng; đâu có chuyện vì độ nó mà phải ăn thịt nó!

Một phần tín đồ Phật giáo trong nước (Trung Quốc), đã không tạo nên khu chăn nuôi gia súc, lại cũng không vâng giữ Mật giáo mà lại viện dẫn tín đồ Phật giáo Mông Cổ, Tây Tạng ăn thịt, để biện hộ cho việc mình ăn thịt, quả thật là đáng thương mà cũng nực cười!

8.5  Vấn đề ăn thịt của Phật giáo Nhật Bản

Phật giáo Nhật Bản, quá khứ chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung Quốc; mãi đến hiện tại, ngoài Chân tông Tịnh độ ra, các Đại Bổn sơn vẫn còn ăn chay. Khởi đầu từ Chân tông Tịnh độ, lấy vợ ăn thịt, rồi các tông phái khác cũng theo đó mà bắt chước, vì vậy mới dần dần mất đi sự liên hệ với Phật giáo Trung Quốc.

Phật giáo Nhật Bản, tuy có Tăng lữ, nhưng phần lớn lại không thọ giới xuất gia; trên thực tế, có thể gọi đó là Phật giáo tại gia. Nói Phật giáo Nhật Bản vượt thoát chế độ xuất gia của Thanh văn thừa, tiến nhập vào Bồ-tát thừa bổn vị là tại gia, trái lại chi bằng nói là: từ chế độ Thanh văn của hàng xuất gia, thoái vị về nhân thừa bình thường. Về việc tín đồ Phật giáo Nhật Bản ăn thịt, chúng ta không nên dùng tiêu chuẩn nghiêm khắc, cao thượng để bình luận về họ.

    9.   Từ hoàn cảnh và căn tánh nói về thực tiễn của tinh thần bảo vệ sự sống.

Bảo vệ sự sống là tinh thần căn bản của Phật giáo, đây là nguyên tắc nhất quán, mà trên thực tiễn, không thể không thích hợp với hoàn cảnh, không thể không thích hợp với căn tánh.

Nói từ hoàn cảnh: hoặc do nơi chế độ khất thực mà phương tiện cho phép thọ ba thứ thịt thanh tịnh; hoặc do ở trong vùng chăn nuôi gia súc mà phương tiện tập quan với việc sử dụng thịt. Việc này chỉ cần mình không tự giết, không sai khiến người khác giết, không trực tiếp vì mình mà giết, ăn thịt như vậy, không trái phạm với giới không sát sanh. Nhưng như Tăng chúng Trung Quốc, tự mua tự nấu. Làm như vậy, bất luận là lý do gì, ăn thịt đó cũng là vi phạm giới cấm. Hoàn cảnh cũng có tánh đặt dị của nó, không thể đánh đồng tất cả. Mà tâm đại bi bảo hộ sự sống của Phật pháp, phải trước sau làm lý tưởng tối cao, chớ không được thiên chấp phương tiện để phản ngược lại với cái cứu cánh!

Nói từ căn tánh: nếu thật sự là căn tánh Đại thừa, học pháp Đại thừa, vậy phải nên tuyệt đối cấm dứt việc ăn thịt, để nuôi dưỡng lòng từ bi. Còn ai chú trọng quả Thanh văn của mình thì Đức Phật có phương tiện tam tịnh nhục.

Nếu là một tín đồ bình thường, đã không có phát tâm xuất ly mà càng không có phát tâm bồ-đề thì thật sự cũng vẫn là nhân thiên thừa ngưỡng vọng Phật pháp. Hàng người này, trừ việc không được giết người ra, còn việc giết ăn các loại súc sanh, tuy là có lỗi, có tạp nhiễm, nhưng trái lại không được quở trách nghiêm khắc. Vì từ vô thỉ đến nay, chúng sanh điên đảo luân hồi, cứ mãi là như vậy.

Để dẫn dắt họ tiến vào Phật pháp, nên Phật pháp dùng phương tiện vào hai ngày rằm, mùng 1, hoặc là 6 ngày trai, hoặc là ngắn kỳ, khuyên gắng người cư sĩ nghiêm giữ giới không sát sanh, để làm gia hạnh tiến nhập vào Phật pháp. Hay nói cách khác, đối với tín chúng thường luôn ăn mặn, chông phút chốc cấm hẳn ăn mặn, chi bằng dùng phương tiện lần hồi quen dần ăn chay, có phải tốt hơn không?

Tín đồ Phật giáo Trung Quốc, ăn chay quen rồi, nên ai nấy hiểu lầm cho là: “học Phật thì phải ăn chay”. Đối với những người đã quy y Tam bảo rồi mà còn ăn mặn thì tỏ ra xem thường, chê bai. Làm như vậy, không chỉ khiến cho người ăn mặn không muốn học Phật mà còn dẫn đến phải ứng tà lầm của những kẻ chủ trương ăn mặn.

    10.  Luận thuyết sai lầm phải ăn chay mới được

N Người ăn mặn ăn thịt quen rồi, hoặc là không thể bỏ khẩu vị đó, cho nên họ tạo đủ mọi lý lẽ, từ việc ăn mặn không có trở ngại gì, đến cho rằng, phải ăn mặn mới được. Họ cho rằng, người học Phật không chỉ có thể được ăn mặn mà còn phản đối người ăn chay, cho ăn mặn là hợp lý, là điều đáng nên; mọi lý lẽ phản đối việc ăn chay, phá hoại việc ăn chay đều không phải là đạo lý! Thứ bạn bè mong, khuyên mình ăn mặn, còn bản thân mình không thể từ bỏ ăn mặn, là kẻ báng chánh pháp, tạo nghiệp ác. Bạn bè ư! Đây là luận thuyết sai lầm đoạn mất giống Phật!

 

TRÍCH YẾU NIỆM PHẬT, ĂN CHAY, TỤNG KINH

 

1.   Niệm Phật, ăn chay, tụng kinh là phương tiện đầu tiên của Bồ-tát hạnh

-       Niệm Phật để sách phát “tín nguyện”.

-       Ăn chay để nuôi dưỡng tâm “từ bi”.

-       Tụng kinh để dẫn phát “trí tuệ”.

2.   Từ phản ứng của tâm thức nói về thật nghĩa của việc không sát sanh.

Phật pháp ngăn cấm ăn thịt, không phải vì nó là thịt mà là vì sát sanh. Sát sanh mà Phật pháp nói là chú trọng coi đối phương có phản ứng hay không, có phải vì việc sát hại đó mà dẫn đến mối quan hệ oán thù, đền trả với nhau hay không

3.   Ăn chay là thực tiễn của tinh thần bảo vệ sự sống và lợi ích chúng sanh.

Bảo vệ sự sống là nòng cốt trọng yếu của Phật pháp, căn bản của từ bi không sát sanh, không ăn thịt đều bắt nguồn từ đây. Hoàn cảnh có tánh chất đặt dị của nó, chúng ta không thể đánh đồng hết. Mà đại bi bảo vệ sự sống, phải trước sau làm thành lý tưởng tối cao, chớ không được thiên chấp phương tiện để phản đối cứu cánh!

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.  Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.  Thường được các vị thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.  Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.  Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.  Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.  Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.  Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.  Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.  Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành Phật.

 

         Chùa Phổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

         ĐT: 096.919.7733


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :