Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

03. Bàn Về Việc Tu Học Phật Pháp

Chủ nhật, 26/05/2019, 09:10 GMT+7

Nghiên cứu Phật pháp không phải là sự tu học Phật pháp một cách hoàn mỹ, nghiên cứu Phật pháp chỉ là cơ sở cho việc tu học Phật pháp.

CẨM NANG TU PHƯỚC HUỆ

BÀN VỀ VIỆC TU HỌC PHẬT PHÁP

Nguyên tác: Đại sư Ấn Thuận

Dịch giả: Thích Minh Kiết

 

Lời tựa

Trong thời đại cả thế giới loạn động, chúng ta muốn tu học Phật pháp, thiết nghĩ thật không phải là dễ! Nhìn từ quan điểm của Phật pháp, “các hành đều vô thường”, chỉ cần những việc chúng ta làm đều là sự nghiệp tự lợi lợi tha, làm được ngày nào thì hay ngày nấy, bất luận cuộc thế bấp bênh có thể kéo dài bao lâu, hay dù chỉ một giờ một phút, chúng ta cũng phải sống cho có lợi ích. Mọi người phải ôm giữ cái đại nguyện học chánh pháp, đây là tinh thần mà người học Phật pháp phải có đủ.

Nghiên cứu Phật pháp phải bắt đầu từ Thánh giáo – kinh, luận. Nhưng việc nghiên cứu Phật pháp không phải là sự tu học Phật pháp một cách hoàn mỹ; nghiên cứu Phật pháp chỉ là cơ sở cho việc tu học Phật pháp, bởi thế chúng ta không nên cho nó là quá cao hay là quá dễ. Việc tu học Phật pháp phải từ hai phương diện đó là sự nhận thức và tánh thực tiễn.

1.   Luận về vấn đề nghe pháp:

Muốn học Phật, việc trước tiên là chúng ta phải nghe pháp. Nghe nghĩa là nghe người khác giảng giải. Thông thường người ta cho rằng tụng kinh mà có công đức gì. Thật sự mà nói, chính nhờ việc nghe pháp nên mới thành công đức. Ngài Xá-lợi-phất bạch Đức Phật: “Con không được nghe Đức Thế Tôn nói pháp thì cũng giống như là bị mù vậy!” Ngài là bậc Tôn giả có trí tuệ đứng đầu trong các hàng đại đệ tử của Đức Phật mà còn phải nghe pháp từ Đức Phật thì hà huống gì những người có căn tánh ám độn thông thường. Phật pháp là ngọn đèn sáng vô thượng cứu thế độ nhân, chúng ta muốn đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp thì không nghe pháp là không được. Kinh Phật có ghi: “nhờ nghe nhiều mà biết được pháp, nghe nhiều có thể lìa tội, nghe nhiều mà xả bỏ những thứ vô nghĩa, nghe nhiều mà được niết-bàn”.

“Nghe pháp mới có thể biết pháp”: nhờ nghe pháp mà chúng ta mới có sự nhận thức chánh xác đối với Phật pháp ; cũng qua đó mới có thể biết được cái gì là thị phi, thiện ác, chánh tà trên đời này, tất cả sự hiểu biết này đều là do từ nghe pháp mà có sức biện biệt

“Nghe nhiều có thể lìa tội”:Người học Phật coi trọng ở việc lìa tội. Chúng sanh phàm phu tham chấp, khi tạo ác không biết đó là ác. Do nơi nghe nhiều Phật pháp, hiểu rõ chân lý duyên sanh duyên diệt, nhờ đó mới có thể sửa đổi một cách tích cực về những hành vi không tốt, bất thiện trên thân của chúng ta, dứt hẳn các hành vi tạo tội để mà trở thành một con người mới đầy đủ nhân cách. Nghe pháp cũng giống như là tấm gương chiếu sáng vậy, biết được hình thái của mình là xấu, ngay cong, nhờ đó mới có thể sửa đổi bản thân.

“Nghe nhiều mà xả những thứ vô nghĩa”:Trên đời này, có rất nhiều người muốn trở thành người tốt, nhưng do không nghe nhiều Phật pháp, đối với những việc vô nghĩa kia mà cho đó là chân lý,  mà truy cầu nó, lấy đó làm đạo đức mà thực hành. Như những người ngoại đạo tu khổ hạnh ở Ấn Độ giữ những “giới trâu” “giới khuyển” v.v…Trung Quốc cũng có một số tà giáo như đạo Tiên Thiên, đạo Nhất Quán v.v…chẳng phải được mà cho là được, chẳng phải đạo mà cho là đạo. Một khi đã nghe được Phật pháp rồi thì đối với những việc không có lợi ích, vô nghĩa này, chúng ta sẽ bỏ hẳn không làm nữa.

“Nghe nhiều mà đắc niết-bàn”:Vì khi chúng ta đã nghe Phật pháp rồi, trong lòng sẽ sanh trí tuệ, có đủ chánh tri kiến; rồi dùng chánh tri kiến này quét sạch tất cả vọng chấp của thân tâm, từ đó có thể chứng đắc niết-bàn. Người học pháp Đại thừa, do nghe nhiều chánh pháp, khởi tâm thắng giải Đại thừa thì cũng sẽ không bị thoái đọa.

Có người cho rằng, học Phật cốt chú trọng ở tánh thực tiễn, học mà không hành thì chỉ tăng thêm cái tri thức rỗng không mà thôi, học như vậy thì coi như vô nghĩa, không được coi là người học Phật chân chánh. Mọi người phải hiểu rằng, lập luận như vậy tuy có phần nào đúng, nhưng để thực hành được Phật pháp, vẫn phải bắt đầu từ việc nghe pháp. Nghe pháp là giai đoạn phải trãi qua của việc tu hành Phật pháp.

Những vị tu học ở Trung Quốc, xưa nay đi theo hướng cực đoan, cho rằng xem kinh luận không bằng thực hành, do đó bỏ phế kinh luận, tìm kiếm đạo pháp trong mịt mờ, đi con đường tối tăm tu mờ luyện mịt. Bởi thế cho nên, Phật pháp của Bậc Nhất Thiết Trí, giờ đây trở thành tín ngưỡng của những kẻ ngu muội thấp kém.

Còn có một hạng người nữa chỉ chú trọng đến việc học nhiều, chỉ chuyên dò xét về mặt “câu từ văn phạm” chớ không thể dùng pháp để thu nhiếp thân tâm. Hạng người này không chỉ khuyết thiếu tinh thần thực tiễn mà ngay cả chánh hạnh cần phải có của một người tu phần nhiều cũng bị làm hỏng. Chẳng trách nào, người học Phật chỉ chú trọng đến thực tiễn, chán ghét những danh từ Phật học suông, vì những danh từ học Phật này đã bị học thuật hóa, là thứ chỉ chú trọng đến tri thức trừu tượng.

Người học Phật chân chánh là dung hợp giữa trí tuệ và tín hành làm một, cho nên chúng ta một mặt nghe pháp, một mặt phải thực tiễn pháp mà mình được nghe, như vậy mới có thể tránh khỏi sự nhạo báng bên trọng bên khinh!

Nghe là dùng tai để nghe. Khi Đức Phật còn ở đời, các vị đệ tử nghe pháp trực tiếp từ Đức Phật, lúc bấy giờ chưa có hình thành kinh sách nên nghe nhiều lần sẽ ghi nhớ trong lòng. Kinh Lăng Nghiêm ghi: “chân giáo thể ở cõi này, thanh tịnh do nơi nghe”. Phật pháp tại Ấn Độ thời xưa, đều do truyền miệng cho nhau mà hình thành. Sau khi Đức Phật diệt độ, Phật pháp được kết tập thành tạng, đến đời sau này mới được biên thành sách lưu thông, đến sau cùng thì in ấn phổ biến. Khi đã có kinh sách rồi, chúng ta có thể nghe pháp từ kinh sách.

Nghe Phật pháp từ ba nơi: Nghe trực tiếp từ Đức Phật, nghe từ đệ tử Phật, nghe từ kinh điển, đây là nhận định của Bồ-tát Long Thọ. Thông qua luận Đại Trí Độ chỉ rõ cho chúng ta mấy phương pháp nghe pháp. Như Đức Phật đã diệt độ rồi, lại không dễ gì có được các đệ tử Phật biết pháp biết nghĩa, vì vậy chỉ có thể nghe pháp từ kinh điển mà thôi! Nếu chúng ta xem kinh đọc luận bằng cái tâm vô cùng cung kính, tư duy lãnh hội thì cũng không khác gì mấy so với nghe pháp từ Đức Phật, hay các vị đệ tử của Phật. Tuy là mắt nhìn nhưng cũng có thể gọi đó là nghe.

Cho nên nghiên cứu Phật pháp phải dựa vào hai điều kiện: Thứ nhất là nghe từ thầy bạn. Thứ hai là từ mình nghiên cứu. Tôi cảm thấy, việc tu học Phật pháp thời hiện đại, chúng ta nên coi trọng việc tự thân nghiên cứu, nếu chỉ riêng nghe người giảng pháp thì kiến thức nông cạn, chẳng qua người ta nói sao thì mình nghe vậy. Chúng ta cần phải tự thân thiết thật, thành khẩn, dùng công sức mới có thể thâm nhập kinh tạng, chạm đến nòng cốt của Phật pháp. Đừng nên nhận cái cố hữu trước tác của người xưa rồi biến nó thành của chính mình. Nhưng riêng về những người mới học cũng vẫn phải nghe pháp từ các vị thầy giảng giải.

2.   Mục tiêu và trình tự của việc học Phật pháp:

Học Phật pháp cần phải có mục tiêu, tức là học Phật pháp gì. Học Phật pháp phải có trình tự, tức là phải học từ cạn đến sâu, phải trãi qua thứ lớp như vậy. Trước hết tôi nói về phần mục tiêu. Có hai hạng người phát tâm học Phật: một là phát tâm giải thoát sanh tử, tâm này là tâm Tiểu thừa – tâm xuất ly, phát tâm này rồi, hành đến cực điểm có thể chứng quả A-la-hán. Hai là phát tâm Bồ-đề. Tâm này là tâm Đại thừa, lấy việc tự lợi lợi tha làm mục đích. Đó gọi là “trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh.” Tổng quát tông chỉ Phật pháp, không ngoài lìa sanh tử, độ hết thảy chúng sanh. Nay đây, về vấn đề học Phật pháp, tôi phân làm ba loại để nói: một là làm cho thân tâm được thanh tịnh, hai là hoằng dương chánh pháp, ba là làm lợi ích và tế độ chúng hữu tình.

Những hành vi thuộc về thân tâm của một người bình thường là không thanh tịnh, cái tri kiến của họ là nhiễm, trược, do có quán niệm sai lầm nên vọng tạo ác nghiệp, tự thọ khổ mà cũng khiến cho người khác chịu khổ. Không riêng gì bản thân mình chịu cảnh sanh tử luân hồi mà ngay cả cõi hữu tình cũng đều thọ khổ bức vô lượng! Học Phật pháp là để làm cho thân tâm mình được thanh tịnh, tiêu trừ chướng duyên sanh khởi; trên thì tuyệt đối không gây sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ …., còn dưới thì nói nín động tĩnh cũng không phóng dật. Được vậy thì các phiền não như tham, sân, si v.v… sẽ dần dần bị hàng phục, những hành vi biểu hiện cũng dần được tịnh hóa. Đây là việc quan trọng nhất của người học Phật.

Như hành vi của một người nào đó là không tốt, đối với nhân cách của một người bình thường họ cũng còn chưa đủ thì nói gì đến việc liễu sanh thoát tử? ở Trung Quốc gần một trăm năm trở lại đây, nguyên nhân Phật pháp suy đồi là do người xuất gia hiểu sai lầm về ý nghĩa trụ trì Phật pháp nên người trụ trì không thể dùng phương tiện để nhiếp hóa tín đồ, để khiến cho họ thông qua việc làm thanh tịnh thân tâm, biểu hiện tác dụng lớn của Phật pháp. Nếu Phật pháp mà không thể khiến cho người ta được thanh tịnh thân tâm thì việc hoằng pháp chỉ sôi nổi về mặt hình thức mà thôi, chớ không có chút lợi ích gì trong Phật pháp.

Dù cho chúng ta có học Tiểu thừa hay là học Đại thừa gì thì cũng đều phải khởi đầu bằng việc thanh tịnh thân tâm; ngàn kinh muôn luận cũng thảy đều nói như vậy. Cho nên, làm cho thân tâm được thanh tịnh là vấn đề căn bản nhất, quan trọng nhất của người học Phật. Nếu xem thường vấn đề này thì dù là xuất gia, học Phật cũng đều coi như là không có duyên với Phật! chúng ta cần phải lấy việc thanh tịnh thân tâm của chính mình làm mục tiêu, bước đầu trong việc học Phật, nếu bỏ phần này thì không có nền tảng Phật pháp.

Nếu chỉ có vậy thôi thì vẫn chưa đủ, vì mình cải tạo hành vi thì chỉ được an lạc cho bản thân; mình thanh tịnh thân tâm để cầu chứng niết-bàn, việc này chỉ thuần là lợi ích riêng cho bản thân mình. Chúng ta phải nên học theo Đức Phật, phát tâm đại bi đại nguyện. Đại nguyện là hoằng dương chánh pháp, đại bi là làm lợi ích, cứu tế chúng sanh.

Phật pháp là ánh sáng của tất cả thế giới. Trên thế giới này, bất cứ việc nào trái với Phật pháp; hoặc là hành vi của một người nghịch lại với Phật pháp thảy đều gặp phải kết quả không tốt. Bởi thế cho nên, người xuất gia cần phải phát đại tâm, hoằng dương chánh pháp, để cho người đời ai nấy đều hiểu rõ Phật pháp, y theo Phật pháp mà hành, chung cuộc sẽ được lợi ích, an lạc. Việc hoằng dương Phật pháp không phải chỉ để nêu cao Phật pháp không thôi, mà còn phải làm lợi ích, cứu giúp chúng sanh. Nói đến việc làm lợi ích, cứu giúp chúng sanh, các tôn giáo, chánh trị, học thuật khác v.v…, tuy mỗi bên có cái hay riêng, nhưng đều không thể khiến cho con người được lợi ích trọn vẹn, có đôi khi cái hại còn hơn lợi nữa. Người xuất gia, đã vì cứu độ chúng sanh mà học Phật pháp thì phải nên như Kinh Hoa nghiêm dạy: “Vì độ chúng sanh mà học.” Trong lòng của Bồ-tát, ngoài ý niệm học Phật pháp để cứu độ chúng sanh ra, không có một thứ gì khác cả. Giả như còn cái tâm như vậy, không phải là vì bản thân mình mà toàn là vì người khác, đây mới thật sự là phát tâm bồ-đề.

Cũng giống như học thuật, nghề nghề nghiệp ở thế gian vậy, người học lấy nếu chỉ vì cầu ấm no cho bản thân thì chí hướng của người này rất là tầm thường. Còn giả sử như học biết các loại nghề nghiệp là vì muốn đem lại lợi ích cho con người, xã hội, người như vậy sẽ được mọi người khen ngợi tôn kính. Học Phật cũng giống như vậy, nếu chỉ vì một người, làm cho thanh tịnh thân tâm, cầu giải thoát, chứng niết-bàn là người tự lợi. Còn như phát tâm Bồ-đề, tu hạnh Bồ-tát, vì nhân loại vì chúng sanh thì việc này là siêu xuất rồi. Sở dĩ Bồ-tát phát tâm đại bi là vì nhìn thấy chúng sanh chịu nhiều đau khổ, Phật pháp quá suy, phát tâm như vậy, tu hành như vậy là vì lợi ích cho người, sự phát tâm dõng mãnh là điều rất là đáng khen!

Người xuất gia học Phật pháp khác với cư sĩ học Phật pháp. Đoạn trừ ba độc, tu ba học vô lậu thì hàng tại gia và xuất gia đều giống nhau. Điều khác nhau là người xuất gia trách nhiệm nhiều hơn, đó là trụ trì Phật pháp. Do đó hàng cư sĩ nếu học một pháp môn, hàng phục phiền não thì cũng được rồi, còn người xuất gia vì lợi ích, tế độ chúng sanh thì cần phải học rộng vô lượng pháp môn. Tôi cho rằng, nếu người xuất gia thật sự có thể gánh vách trách nhiệm hoằng pháp mà không học hạnh Bồ-tát thì không được. Kinh Bát-nhã ghi: “Bồ-tát học khắp tất cả pháp môn (pháp của Như Lai, pháp của Thanh Văn, pháp của Duyên Giác)”. Trí của Bồ-tát gọi là Đạo tướng trí, tức là phải biết, hiểu rõ chủng chủng đạo, chủng chủng trí mới có thể rộng độ chúng sanh. Thí như bác sĩ mới ra nghề, chỉ dùng một loại thuốc để chữa bệnh; còn bác sĩ giỏi lâu năm, có đủ tất cả thuốc. Một loại thuốc chỉ có thể chữa một thứ bệnh, việc cứu người cũng có hạn; còn nhiều thuốc thì có thể trị nhiều thứ bệnh, cứu sống vô số người.

Cho nên người xuất gia nếu chỉ riêng nghĩ lợi cho bản thân mình thì có lẽ chuyên tu học sâu vào một môn cũng được; nhưng sự tu học như vậy chỉ có thể nhiếp hóa một loại căn cơ, không thể gánh vác trọng trách trụ trì Phật pháp. Cho nên Bồ-tát có tâm lớn (người xuất gia, cũng có tại gia) cần phải học rộng vô lượng pháp môn, có như vậy mới có thể thể thích ứng với đủ loại căn, đủ loại tham muốn của chúng sanh. Bồ-tát phát tâm, học pháp Tiểu thừa nhưng không cầu chứng quả Tiểu thừa; còn Bồ-tát phát tâm, đã học pháp Đại thừa, mà còn mong chứng quả Đại thừa. Không phải chỉ học vậy thôi, mà còn phải học thêm pháp của ngoại đạo, vì hiểu rõ kinh sách của ngoại đạo, chúng ta mới có thể chỉ ra khuyết điểm của họ, có đôi khi chỉ cần nói đôi ba câu cũng có thể khiến cho họ quy y Phật pháp.

Thế nhưng, nếu có những vị khác đạo đến học Phật pháp thì chúng ta phải nghiêm khắc một chút. Trước khi họ có sự tin hiểu sâu sắc đối với Phật pháp, chúng ta tuyệt đối không cho phép họ xem sách các đạo khác nữa, làm vậy chẳng qua là vì sợ họ khởi lại suy nghĩ xưa rồi lại rơi vào ngoại đạo chớ không phải là Phật đạo. Học Tiểu thừa cũng giống như vậy. Kinh Pháp Hoa ghi: “không được gần gũi với hàng học giả ba tạng, Tiểu thừa (ba tạng chỉ cho Kinh, Luật, Luận) ”. Vì Kinh Pháp Hoa là “gom tiểu quy về đại”, sợ rằng hàng học giả Tiểu thừa mới hồi tâm hướng đại, chưa có cắt hẵn duyên với Tiểu thừa, nên có khi lại phải bị Tiểu thừa chuyển.

Ngài Tam tạng pháp sư Huyền Tráng, khi còn tham học ở chùa Na-lan-đà, Ấn Độ. Tại đây, ngoài giảng pháp Đại thừa ra, tất cả pháp Tiểu thừa khác, kể cả học thuyết của các đạo khác cũng, Ngài thảy đều kiêm giảng. Đây chính là diện mạo của “Đại thừa học khắp tất cả pháp.” Trước hết, chúng ta phải có sự nhận thức sâu sắc đối với Phật pháp, từ việc thanh tịnh thân tâm, đi hoằng dương chánh pháp làm lợi lạc cứu giúp chúng sanh.

Đặc biệt là vào thời đại thế giới quá loạn, chúng sanh quá khổ này, chúng ta phải nắm giữ đại nguyện huệ mạng tiếp nối mãi, thương xót chúng sanh. Trong kinh ghi: “bản thân mình chưa được độ mà trước tiên độ người khác là Bồ-tát phát tâm” (Kinh Lăng Nghiêm). Đây là sơ khởi phải phát tâm như vậy. Nhưng trên thực tế, nếu bản thân chưa được tự lợi thì làm sao có thể làm lợi cho người khác? Phàm là một việc, nếu không thực tiễn từ chính bản thân thì sẽ khó được người khác đồng tình, không thể thực hiện mục đích hoằng dương Phật pháp, làm lợi ích, cứu giúp chúng sanh.

Tiếp theo là nói về trình tự của việc học Phật:

Việc tu học Phật pháp, phải có cái thứ tự tất nhiên của nó, chúng ta không thể học vượt cấp. Trong Phật pháp, thứ khẩn cấp, quan trọng nhất đó là trí tuệ. Cho nên chúng ta cũng có thể nói: “Tu học Phật pháp chính là tu học trí tuệ.” Nhưng ở đây không phải là nói chúng ta không cần phải học thêm pháp môn nào khác. Các pháp khác như bố thí, trì giới, nhẫn nhục …cũng đều cần thiết. Nhưng trong tất cả Phật pháp, thứ quan trọng nhất, là đặt chất của Phật pháp, cũng có thể gọi là rốt ráo nhất trong Phật pháp đó chính là trí tuệ.

Chúng sanh nơi thế gian này, cũng vẫn muốn lìa khổ được vui, nhưng cả thảy vẫn trong tình trạng mò tìm trong tăm tối. Phật pháp cũng giống như là ánh sáng, dạy dỗ dẫn dắt chúng sanh; thậm chí là những điều nên làm, điều không nên làm, điều thiện điều ác, điều phải điều quấy, khiến cho con người ta chiếu theo con đường chánh tri chánh kiến này mà đi thì nhất định sẽ đạt thành mục đích. Phật-đà tức là người giác ngộ; Bồ-tát là chúng sanh có trí tuệ. Đặt chất của Phật Bồ-tát chính là ở chỗ có trí tuệ.

Tất cả pháp môn ngoài trí tuệ ra đều phải phải kết hợp với trí tuệ làm một thì tu hành mới được thành tựu. Nếu bỏ trí tuệ đi mà học Phật thì không làm sao  thoát khỏi sanh tử được. Cho nên trong kinh ghi: “Bát-nhã ba-la-mật ở trong năm Ba-la-mật là tối thượng, tối diệu. …..Bát-nhã ba-la-mật này nhiếp lấy tất cả pháp thiện đến Tát-bà-nhã (nhất thiết trí)” (Luận Đại Trí Độ). Trí tuệ được nói đến trong Phật pháp trí thức của thế gian không thể sánh bằng (phước đức là thứ có thể có chung với thế gian) mà còn sâu cạn khác nhau. Cho nên trình tự tu học Phật pháp cũng chính là trình tự tu học trí tuệ.

Trí tuệ có cạn có sâu: “sanh đắt tuệ” là trí tuệ mà tất cả chúng sanh đều có. Con người sanh ra đời đều có trí tuệ này. Sanh đắc tuệ có thể y vào nhân duyên của thế gian mà tri thức được phát triển đủ đầy (nhưng có mức độ). Đây cũng là một loại trí tuệ bát-nhã. Các vị triết học, các nhà khoa học v.v… cũng đều do “sanh đắc tuệ mà thành công.”

Việc tu học Phật pháp phải bắt đầu từ “văn sở thành tuệ” ( Trí tuệ nhờ nghe mà có.) Từ việc nghe nhiều Phật pháp (nghe giảng, xem kinh), qua đó có sự hiểu rõ chánh xác sâu sắc đối với Phật pháp, biết được chân tướng của thế gian và nhân sanh, tin hiểu Phật pháp một cách sâu sắc triệt để, các công đức của Tam bảo, bốn đế v.v…. muốn được như vậy phải có trí tuệ sanh khởi từ việc nghe nhiều chánh pháp mới có thể biết được một cách chánh xác. Đạt được “văn sở thành tuệ này”, mới là khởi đầu tiến vào trí tuệ Phật pháp.

Bước kế tiếp là “Tư sở thành tuệ” (trí tuệ do suy xét quán chiếu). Tư là tư duy, quán sát. Phải suy tư quán sát vào bên trong sự vật mới có thể ngộ giải Phật pháp sâu sắc hơn mà đắc “Tư sở thành tuệ”.

Cả văn tuệ và tư tuệ đều vẫn còn phân biệt tán tâm, cần phải tiến sâu thêm một bước nữa là thực hiện “tu sở thành tuệ” (trí tuệ do tu chứng). Tu tuệ là trong thiền định, trí tuệ và thiền định tương ưng, do tu thiền định mà từ trong định phát ra tuệ sâu hơn, đây mới là “tu sở thành tuệ”

Ba tuệ văn tư, tu đều là tuệ hữu lậu. Tuệ hữu lậu vẫn không thể đoạn phiền não, không thể thoát sanh tử. Muốn đoạn sạch phiền não, giải thoát sanh tử phải đạt cho được bát-nhã vô lậu chân thật (tuệ văn, tư, tu là bát-nhã gia hạnh), hiện chứng bát-nhã mới là trí tuệ chân thật, cũng chính là tuệ vô lậu. Từ “văn sở thành tuệ” cho đến vô lậu tuệ, đây là con đường tu học trí tuệ; trình tự tu học tuệ này là con đường chung cho Tiểu và Đại thừa.

Thông thường nói bát-nhã có ba loại: văn tự bát nhã, quán chiếu bát-nhã và thực chứng bát-nhã. Kết hợp với thứ tự tu tuệ như đã nói ở trên thành: văn sở thành tuệ là văn tự bát-nhã. Kế đến tu quán chiếu bát-nhã tức là tư sở thành tuệ và tu sở thành tuệ. Thật tướng bát-nhã tức là tuệ vô lậu. Từ văn, tư tu cho đến hiện chứng tuệ, trong quá trình tu học, tuy có thể dẫn sanh qua lại, nhưng đại để mà nói, thì nó rõ ràng là có thứ tự trước sau.

Thứ tự tu học mà Phật pháp thường nói đến là: thân cận bậc thiện sĩ, ưa nghe chánh pháp, tư duy đúng như lý, pháp tùy pháp hành. Bốn pháp này gọi là chi dự lưu. Dự lưu là sơ quả của hàng Tiểu thừa, còn thuộc về Đại thừa là sơ địa. Hàng phàm phu muốn được tham dự vào dòng Thánh, hoặc ngộ nhập vào dòng pháp tánh thì cần phải có đủ bốn quá trình tu học này, bất luận là Tiểu thừa hay là Đại thừa.

Sở dĩ thân cận bậc thiện sĩ là vì Phật pháp xưa nay đều dùng hình thức giảng bằng miệng, cho nên muốn nghe chánh pháp thì trước tiên cần phải thân cận sư trưởng mới được. Các huynh đệ cùng tham học với chúng ta cũng đều được xếp vào bậc thiện sĩ. Tại sao phải thân cận bậc thiện sĩ?  Vì muốn nghe chánh pháp. Sau khi nghe rồi thì phải tiến thêm một bước đó là hiểu cho rõ, chánh xác, muốn được như vậy thì cần phải “suy xét đúng theo lý”. Do tư duy quán sát nên đối với Phật pháp có sự nhận thức sâu sắc, vì thế mới có thể y chiếu theo Phật pháp mà tu học, đây chính là “pháp tùy pháp hành”

Thân cận bậc thiện sĩ và được nghe chánh pháp chính là “văn sở thành tuệ” đã nói ở trước. Tư duy đúng như lý là “tư sở thành tuệ”. Pháp tùy pháp hành là “tu sở thành tuệ” từ đây về sau là nhập vào kiến đạo, chứng quả dự lưu, tức là đạt được tuệ vô lậu hiện chứng.

Cho nên tôi cho rằng, tu học Phật pháp chính là quá trình tu học trí tuệ,  nhưng đây không phải là nói chỉ riêng tu học trí tuệ là đủ, trong quá trình tu học trí tuệ, đồng thời cũng phải tu tập các pháp môn khác, vì nếu chỉ thiên về tu phước hoặc là thiên về tu tuệ cũng đều không thể trọn vẹn. Phước đức và trí tuệ cũng giống như hai cánh chim, hai bánh xe, hổ tương với nhau mà thành mới có thể bay cao chạy xa.

Y vào thứ lớp sâu cạn của trí tuệ khi tu học, đồng thời cũng chính là:

·      Văn sở thành tuệ       → thành tín

·      Tư sở thành tuệ         → trì giới

·      Tu sở thành tuệ         → tu định

·      Vô lậu tuệ                  → phát tuệ

Do thân cận bậc thiện sĩ, được nghe chánh pháp mà đắc văn sở thành tuệ - tuệ nghe, tức là có thể ở nơi các pháp Phật như Tam bảo, Bốn đế, Duyên khởi, Thánh đạo v.v…xác tín không nghi ngờ mà dẫn phát sự mong cầu nẽo hướng. Từ tín hiểu mà khởi tín cầu như vậy mới là niềm tin kiên định không lay chuyển, dẫn phát niềm tin về sự thực hành nên được gọi là tín căn. Tín tâm thông thường thảy đều bị lung lay không nhất định, cũng giống như sợi lông tơ theo gió đung đưa, vì tín tâm mà khởi nơi tình cảm, chưa từng trãi qua “xét kỹ nhận rõ” cho nên không thể xác định là không bị lay động. Tín tâm chân thật là phải y theo những gì được phát khởi từ văn sở thành tuệ. Chánh tín như vậy mới được coi là có căn cho nên nói là “nguồn đạo, mẹ công đức”.

Cũng giống như cỏ cây vậy, cỏ cây có mọc rễ thì mới không bị lung lay, tất cả cành nhánh hoa trái cũng đều từ căn rễ này mà có. Trong pháp Thanh văn, từ văn tuệ mà thành tựu tín căn đó là sanh khởi tâm xuất ly chân thật tha thiết. có phát khởi tâm xuất ly rồi, gieo trồng căn lành phần giải thoát thì nhất định sẽ thoát khỏi vòng sanh tử, thành hạt giống Phật. Như luận Đại Thừa Khởi Tín v.v… ghi, sự phát tâm của người học Phật không ngoài hai loại đó là phát tâm xuất ly và tâm Bồ-đề. Sự phát tâm này phải do nơi tín tâm của văn sở thành tuệ mà sanh khởi mới có thể phát sanh thành tựu.

Người thật sự phát tâm xuất ly và tâm bồ-đề cũng giống như là cá nuốt câu vậy, bất luận là nó có bơi như thế nào đi nữa cũng sẽ nhanh chóng ra khỏi mặt nước thôi. Cũng giống như ngài Xá-lợi-phất quá khứ đã có phát tâm bồ-đề, nửa đường tuy đã quên mất, nhưng được đức Phật nhắc nhở nên trở về với Đại thừa. Câu “vừa nghe vào tai, muôn kiếp không mất” là ý này. Đại thừa phát tâm bồ-đề, Tiểu thừa phát tâm xuất ly, vậy mới tiến vào cửa Phật. Chiếu theo “lục tức” của các nhà Thiên Thai mà nói thì y vă sở thành tuệ mà được chánh tín vẫn cũng chỉ là Phật vị “danh tự tức”.

Sau khi từ văn tuệ mà khởi tín tâm sâu, tiến đến mà tu đắc “tư sở thành tuệ” lúc này cần phải lấy giới làm chủ mà tu các pháp như bố thí, nhẫn nhục v.v… khác. Hàng học giả Đại thừa, từ tu sáu độ muôn hạnh này mà tự lợi và làm lợi cho người khác. Hàng học giả Tiểu thừa từ “tư sở thành tuệ” ắc có thể nghiêm trì giới hạnh mà hoàn thành thanh tịnh hành vi, dù là giới nhỏ đi nữa cũng không dám trái phạm, đây là do lấy Phật pháp từ “tư sở thành tuệ” mà rõ biết, mỗi mỗi thấy nơi thực hành mà làm cho được ba nghiệp thanh tịnh. Việc tu học như vậy mới có trí tuệ, mới có phước đức.

Đợi đến phần “tu sở thành tuệ” thì lúc này tất tương ưng với thiền định, bấy giờ là đạt đến giai đoạn định tuệ song tu. Tu tuệ ắc phải tương ưng với thiền định, ước về vị thứ của Tiểu thừa mà nói thì lúc này là “bốn gia hành” – noãn, nhẫn, đảnh, thế đệ nhất vị. Đại thừa là thập hồi hướng vị.

Phát lòng tin chân thật, từ đó trì giới, tu định, nhân đây mà phát sanh tuệ bát-nhã chân thật, đoạn hoặc chứng chân; còn nói theo Đại thừa tức là sơ địa; đó cũng là phần chứng tức mà các nhà Thiên Thai đã nói. Nếu muốn viên mãn chứng đắc thì cũng vẫn cần phải mỗi địa tiến tu mới có thể đạt được quả vị Phật cứu cánh.

Tu học Phật pháp chính là tu học trí tuệ, câu nói này không sai tí nào! khi trí tuệ đạt đến cảnh giới cao sâu nhất, viên mãn nhất thì chính là thành Phật. Về trình tự học Phật, bất luận là thứ vị của Tiểu thừa hay là Đại thừa. Như lục tức của tông Thiên Thai, ngũ vị của tông Duy Thức đều nêu lên trình tự nhất trí. Hiện tại chúng ta nghe Phật pháp, học Phật pháp vẫn chỉ là “sanh đắc tuệ” thông thường, cũng vẫn chưa đạt đến “văn sở thành tuệ chân chánh” hà huống hồ gì những tuệ khác! Văn sở thành tuệ chân chánh tức là Đại thừa phát tâm, hoặc cũng gọi là đại khai viên giải, đây là bước đầu của việc tu học Phật pháp, là bước mà bất cứ người tu học Phật pháp nào cũng phải trãi qua.

Sở dĩ tôi nói như vậy là có ba ý: Một là tu học Phật pháp tức là tu học trí tuệ, hai là tu học trí tuệ thì không thể chỉ thiên về các hành môn trí tuệ, thiền định, trì giới, nhẫn nhục v.v…mà cũng cần phải thêm vào sự tu học tổng hợp, ba là nói về việc chúng ta nghiên cứu Phật pháp. Đây không phải là việc cao sâu gì cho lắm, chỉ là sự khởi điểm từ “sanh đắt tuệ” đến “văn sở thành tuệ” mà thôi. Dù cho là do vì nghe pháp mà có chút kiến giải đối với Phật pháp cũng vẫn còn nong cạn! đại trí đại tuệ trong Phật pháp vẫn còn ở phía sau, chúng ta cần phải thông qua học tập từng bước mà thực hiện.

Hiện tại nói về phạm vi rút ngắn, việc nghe Phật pháp cũng phải có trình tự. Có người hỏi tôi: Phật pháp phải nghiên cứu như thế nào? câu hỏi này, tình thực không dễ gì trả lời. Nhưng tôi cảm thấy việc học Phật pháp, bất luận là học toàn thể hay là học chuyên tông, cũng đều phải có ba quá trình. Y chiếu vào quá trình này mà tu học Phật pháp, ít nhiều gì cũng đều có một số lợi ích. Ba loại là: một, đạt được yếu chỉ, hai là đi sâu vào, ba là thông các pháp bên cạnh đó.

1.   Đạt được yếu chỉ. Phật pháp rộng lớn vô biên, chúng ta phải bắt đầu học từ đâu? Cách học lung tung thì không thể nhận thức được tông yếu của Phật pháp. Ngay như học vấn của thế gian, nếu muốn học lấy, việc đầu tiên là chúng ta phải biết được đại khái của nó, chọn một vài quyển sách tương đối dễ hiểu để mà đọc. Việc học Phật pháp cũng giống như vậy, đối với Phật pháp việc đầu tiên là phải có một chút nhận thức khái yếu, phải biết trọng tâm của Phật pháp là gì, bao hàm một số tông phái trọng yếu nào đó v.v…; và cũng phải biết một chút về lịch sử Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Quốc, có như vậy mới có thể tiến một bước đi sâu vào nghiên cứu. Nếu ban đầu học mà nhận thức lung tung, hay vừa khởi đầu mà lại học các kinh luận sâu rộng, cách học như vậy không chỉ là không biết tông yếu mà còn vì vậy mà sanh ra khó hiểu rồi thoái chí học. Cho nên đối với toàn bộ Phật pháp, việc đầu tiên là phải biết phần đại khái của Phật pháp.

2.   Biết rõ phần khái yếu của các tông phái trong Phật pháp, rồi sau đó mới tiếp tục chọn một tông, một bộ môn nào đó mà nghiên cứu. Phương pháp này, đối với việc nghiên cứu một tông một phái cũng nên chọn dùng. Chẳng hạn như học Duy thức, không nên vừa bắt tay là nghiên cứu Thành Duy Thức, học như vậy không có cách nào hiểu được. Trước hết cần phải hiểu đại khái về “Bách Pháp”, “Trung Biên” v.v…rồi tiếp theo mới nghiên cứu sâu hơn. Cũng giống như người mới bắt đầu học tông Thiên Thai, trước hết phải đọc “Giáo Quán Cương Tông”, “Tứ Giáo Nghi” v.v…rồi sau đó mới học tiếp ba bộ lớn (Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ma-ha Chỉ Quán.) v.v…Nhưng có một số người tu học Phật pháp lại không như vậy, họ nghe Kinh hay học giáo lý chỉ là tùy duyên mà đi nghe thầy giảng;  họ không có một chút xíu gì về nền tảng tri thức của Phật pháp mà lại trở thành một học giả chuyên tông thậm chí là pháp sư luôn. Đối với các pháp khác, họ không biết gì cả, tự cho chỉ có cái sở học của mình hay tông gì đó là tốt nhất còn các tông phái khác thì không bằng mình. Kỳ thực ra, cái cứu cánh của các tông phái khác họ cũng cũng đâu có biết chút nào. Người như vậy mà vừa khởi đầu là đã chuyên học tông phái thì cái tệ bệnh quả thật là rất lớn. Chỉ nghe một phía là không tốt, còn nghe nhiều chiều thì là thông suốt. Nếu đối với các tông khác mà có biết một ít đại khái, đối với Tam bảo, bốn đế, duyên khởi, tánh không v.v…đại nghĩa căn bản, chúng ta cũng có sự hiểu rõ một cách tương đối, rồi sau đó mới theo một môn mà đi sâu vào thì sẽ không bị chấp một bên.

3.   Dù biết có thể một cửa đi sâu vào nhưng cũng vẫn thông các pháp bên cạnh. Như người học Duy thức tông, đầu tiên nhất là đối với các giáo nghĩa của các tông phái khác cũng phải điều biết một chút. Hiện tại đứng về lập trường của Duy thức học mà mình chuyên học, rồi tiếp đó mới lý giải sự sai khác của đôi bên mà quán thông tất cả. Có như vậy, đối với sự nhận thức của Phật pháp mới càng sâu sắc hơn. Không chỉ các tông của Đại thừa là như vậy mà giữa Tiểu thừa và Đại thừa cũng phải là như vậy. Vì muốn giáo hóa thế gian, đối với tất cả học vấn của thế gian, đợi đến khi xác định được tri kiến của Phật pháp, vậy thì cũng cần phải biết các pháp bên cạnh một ít. Những đạo lý tốt, việc tốt của thế gian rất là nhiều, chẳng qua là nó không được thanh tịnh một cách trọn vẹn, thảy đều có thành phần sai lầm xen lẫn trong đó mà thôi. Những thành phần tốt, chúng ta phải dùng Phật pháp để thu nhiếp họ; còn thành Phần không tốt, chúng ta phải dùng chân lý của Phật pháp để chọn hay là bỏ chúng.

Bước đầu tiên của việc tu học Phật pháp là chúng ta cần phải có sự hiểu biết đôi chút về các giáo nghĩa cộng chung thông thường. Cần ghi nhớ là, đừng vừa bắt tay học lại đi nghiên cứu thiên về một bộ kinh, một bộ luận, rồi cho rằng mình đã thâm nhập vào chỗ sâu xa, thật ra đó chỉ là chui vào sừng trâu, sâu mà không thông! Chúng ta phải nên bắt đầu từ việc học và cũng nên dạy người khác như vậy, xin chớ đón hùa theo những kẻ căn tánh thấp kém mà đòi tham vọng cao xa, chuyên nói chuyện sâu xa, huyền áo để dụ dỗ người khác!

3. Người mới học phải vào từ ba cửa.

Người mới bắt đầu học Phật pháp có thể phân làm ba loại hình. Do chúng sanh căn tánh khác nhau và do nơi động cơ học Phật pháp cũng khác nhau, cho nên cửa phương tiện đi vào cũng theo đó mà có ba loại. Hàng Thanh Văn thừa thì nói có hai chủng hạnh. Hàng Đại thừa cũng nói có hai chủng hạnh, như tổng hợp theo luận Đại Trí Độ để nói thì có ba hạng người từ ba cửa khác nhau mà vào:

 

Người pháp hành là người có trí tăng thượng. Có một hạng người, chỉ coi trọng nơi tín tâm, tự thân họ không thể nghiên cứu sâu, không có tánh quyết định, chỉ cần có người chỉ bày cho họ thì họ sẽ theo đó làm mà không có chút nghi ngờ gì. Hạng người như vậy, nếu gặp phải minh sư thì tốt, còn nếu không thì coi như hỏng! Còn người coi trọng trí tuệ thì sẽ không như vậy, bất cứ việc gì họ cũng phải có sự nghiên cứu quán sát, chớ không có kiểu người ta nói sao nghe vậy rồi theo đó mà làm. Người như vậy, cho dù là nghe giảng hay bản thân đọc lấy cũng đều tự hỏi đó là gì, nếu chưa trãi qua nghĩ kỹ xét sâu, nhận định đây là đáng tin thì họ sẽ không dễ gì mù quán theo người khác dù cho đó là cổ nhân. Hạng người thứ nhất là trọng nơi niềm tin. Hạng người thứ hai là trọng nơi trí tuệ.

Người tín hành và pháp hành, (trí tăng thượng) cũng chỉ là nghiên nặng về tín tâm và trí lực, chẳng phải là người có tín có trí hay có trí có tín. Một học giả kiện toàn thì tín và trí đều cần. Hàng Bồ-tát trí tăng thượng của Đại thừa thì coi trọng về trí, sự phát tâm coi trọng về phần nghiên tầm thật tướng của các pháp, cũng có nghĩa là trước tiên coi trọng sự ngộ chứng của chính mình. Còn có một hạng Bồ-tát khác là bi tăng thượng, đối với tinh thần vì người khác phục vụ, hy sanh lợi tha đặt biệt rất là mạnh. Người có từ tâm đa phần là làm từ thiện hoặc sự nghiệp chánh trị v.v…, nhưng dù trí tăng hay là bi tăng cũng chỉ là nói họ việc trước tiên chú trọng mà thôi, chớ quyết chẳng phải có trí mà không bi hay chỉ có bi mà không trí.

Căn cứ vào sự thật mà nói, việc học Phật được kiện toàn mà hoàn thiện thì đều phải có đủ ba thứ tín tâm, trí tuệ và từ bi; nếu thiếu một trong ba thứ này thì không phải là kiện toàn mà còn dễ phát sanh thói xấu. Cho nên như các luận Đại Tỳ-bà-sa, kinh Đại Bát Niết-bàn cũng đều nói: “Có lòng tin mà không có trí tuệ thì tăng trưởng ngu si. Có trí tuệ mà không có lòng tin thì tăng trưởng tà kiến.”

Người coi trọng lòng tin mà thiếu trí lực thì khi tu học Phật pháp sẽ tăng trưởng ngu si, nghĩa là không biết phân biệt đâu là tà chánh, tốt xấu, nghe nói thứ gì thì tin theo thứ đó. Nói theo cách nói ngày nay đó là “có lòng tin mà không có trí thì tăng trưởng mê tín”. Các vị thử xem, có biết bao nhiêu thứ không phải là Phật pháp đã được lồng xen trong Phật pháp, đó không phải là kết quả do coi trọng nơi tín tâm mà thiếu đi trí tuệ, không thể phân biệt đâu là tà chánh tốt xấu đó sao? Chỉ biết chuyên giảng tin Phật, tin Bồ-tát, tin cảm ứng, tin thần thông, lâu ngày chày tháng, học Phật mà tăng trưởng ngu si thì cũng có khác gì là những người ngoại đạo đâu!

Còn như chuyên về trí tuệ mà thiếu đi lòng tin thì là “có trí mà không có lòng tin là tăng trưởng tà kiến”. Vì nếu không có lòng tin thì dù có nghiên cứu Phật pháp suốt năm suốt tháng, kết quả cũng chỉ là tăng thêm tà tri tà kiến, rốt cuộc lại, Phật cũng không tin, pháp cũng không tin, rõ ràng là không có thứ gì là đáng tín ngưỡng cả. Điều này, ở những thanh niên học Phật thời cận đại có thể nói là quá nhiều.

Trí tăng thượng và bi tăng thượng thuộc về Đại thừa cũng giống như vậy. Người có trí tăng thượng, như nếu quá khuyết thiếu tâm bi, chỉ chuyên lo tính toán việc sanh tử của bản thân, thì dù cho họ có huyên thuyên nói tôi là người học Đại thừa, nhưng hành vi trên thực tế lại thiếu đi hơi hám của Đại thừa. Giả sử như tín trí có đủ đi nữa, nhưng nếu gấp cầu tự chứng thì kết quả, cái thế ắc rơi vào Tiểu thừa. Còn như người bi tăng thượng, như quá lơ là với trí tuệ của Phật pháp,  chỉ chuyên giảng về lợi người thì có khi bản thân mình đứng không vững, hoặc là gặp phải hoàn cảnh ác liệt thì rất dễ bị thoái tâm, trở thành Bồ-tát bại hoại như trong Phật pháp đã có nói đến. “Bồ-tát bại hoại” chính là học Bồ-tát giữa đường thoái tâm. Căn cơ học Phật khác nhau thì không thể nhất luật. Tín trí bi, người sơ học không tránh khỏi bên khinh bên trọng, nhưng nếu chỉ coi trọng một mối thì chắc chắn sẽ thất bại, sẽ không thành tựu. Y theo tình trạng Phật giáo của Trung Quốc hiện nay mà nói, người coi trọng tín tâm thì nhiều, không chịu làm những việc có lợi ích cho người khác. Phật giáo từ bi, Phật giáo siêu thần, trong mê tín của người Trung Quốc bị biến chất gần như là đa thần giáo, thậm chí là đồng bóng giáo! Thật ra việc tín ngưỡng Tam bảo, Phật, Bồ-tát chỉ là thiện tri thức chỉ dắt chúng ta mà thôi. Liễu sanh tử, chứng giải thoát; tích phước đức, chứng Bồ-đề, tất cả những thứ này, nếu tự thân không thể nổ lực thì không thể có được.

Hiện tại, chúng ta đến nghiên cứu Phật pháp, đây là con đường từ cửa trí mà vào. Nhưng chúng ta cũng cần phải bồi dưỡng tín tâm và từ bi, lúc nào cũng phải nhớ rằng: công đức khó nghĩ bàn của Tam bảo, chúng sanh chịu nhiều đau khổ, mình phải phát tâm gánh vác chánh pháp, cứu độ chúng sanh, chớ chẳng phải chỉ biết riêng một việc.

 

TÓM YẾU BÀN VỀ TU HỌC PHẬT PHÁP.

 

1.   Luận về nghe pháp:

Do nghe pháp mới có thể biết pháp, mới có sự nhận thức chánh xác đối với Phật pháp và cũng nhờ đó mới biết được việc tốt xấu, thiện ác, tà chánh v.v… ở trên đời này. Tất cả những điều này đều là nhờ sức biện biệt từ việc nghe pháp mà có.

2.   Mục tiêu học Pháp:

2.1Để sửa trị, thanh tịnh thân tâm

2.2Hoằng dương chánh pháp

2.3Làm lợi ích, cứu tế chúng sanh

 

3.   Trình tự của việc học Phật pháp

Trình tự tu học mà Phật pháp thường nói đến là, gần gũi bậc thiện sĩ, nghe chánh pháp, tư duy đúng như lý, pháp tùy pháp hành.

Muốn học Phật pháp, phải nên y chiếu theo ba quá trình này mà tu học: một là được chỗ yếu chỉ, hai là đi sâu vào, ba là thông những pháp bên cạnh.

4.   Người mới bắt đầu học từ ba cửa mà đi vào:

Từ cửa tín vào, từ cửa trí vào, từ cửa bi vào. Việc học Phật vừa kiện toàn mà hoàn thiện thì ba món tín tâm, trí tuệ và từ bi đều phải có đủ, nếu không thì dễ rơi vào “hữu tín vô trí trưởng ngu si, hữu trí vô tín trưởng tà kiến”

Hết

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.  Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.  Thường được các vị thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.  Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.  Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.  Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.  Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.  Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.  Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.  Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành Phật.

 

ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

ĐT: 096.919.7733


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :