Nếu chúng ta nhận thức rõ về ba đời một cách thật sự thì trong tất cả mọi hoàn cảnh, chúng ta đều tràn đầy hy vọng, mà lại không ngừng tinh tấn hướng thượng; từ phương diện “tự làm tự chịu”, nhìn ra thấy “cùng tạo cùng lãnh”; mỗi một gia đình, mỗi một quốc gia, trong sự tiếp nối mãi của lịch sử, xưa nay cũng phù hợp với quy luật thăng trầm của nhân quả này.
CẨM NANG TU PHƯỚC HUỆ
LUẬN VỀ ĐẶC THẮNG CỦA NHÂN QUẢ BA ĐỜI
Trước tác: Đại sư Ấn Thuận
Dịch giả: Thích Minh Kiết
1. Nhận rõ ý nghĩa cuộc đời:
Ở thời đại này, ai nấy đều hiểu rằng: nhân loại đang phải gánh chịu sự uy hiếp hủy diệt, khắp mọi nơi, đầy dẫy khủng bố và bức hại, hơi thở tự do của nhân loại, dường như là sắp bị đóng bít! Nhân gian trở nên ác hóa đến như vậy, rốt cuộc là tại sao?
Y cứ theo lời Phật dạy, sở dĩ như vậy, nguyên nhân chính, là do nhân loại đánh mất đi ý nghĩa của nhân sanh, phủ định giá trị của bản thân; con người đang sống trong tâm trạng hư rỗng, huyễn diệt. Đây mới không phải là hủ bại hóa mà là ác hóa; không phải là đắm say trong ái dục của vàng bạc phấn son mà là điên cuồng trong thù hận tàn sát. Sự tham ái vật dục, tánh oán hờn ganh ghét của nhân tình, đã đưa thế giới của chúng ta đây, sang bờ mé tử vong u ám.
Câu tôi nói “nhân loại đánh mất đi ý nghĩa nhân sanh, phủ định giá trị của bản thân” có ý nghĩa như thế nào? Về điểm này tôi sẽ giải thích đơn giản như sau.
2. Luận về một đời của Duy vật
Con người, có ba cách nhìn khác nhau về bản thân mình, đó chính là luận về một đời, luận về hai đời, luận về ba đời.
Hiện tại, luận một đời của chủ nghĩa duy vật, đã xâm nhập vào lòng người một cách sâu rộng. Con người phần lớn đắm mắt vào thế giới vật chất, cho thế giới vật chất là thứ chân thật duy nhất. Họ cảm thấy: Đời người, chẳng qua cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Việc mình được sanh ra đời, là do cha mẹ hòa hợp mà sanh ra mình, con người được sanh ra, thuần là kết quả của sự giao hợp và phát dục của sanh lý. Còn cái chết cũng chỉ là sự tan rã của tổ chức sanh lý, từ đây giống như là không có. Người ta cho rằng, con người sống trong vũ trụ này chẳng qua chỉ là như vậy thôi; họ chỉ chấp nhận hiện tại, phủ nhận đời trước, xóa bỏ đời sau; một khi chết rồi thì coi như nhân sanh quan cũng đã xong, cũng không còn có suy tính an thân lập mạng gì nữa, rơi vào trạng thái chán chường vô hạn, sáo rỗng cực đoan.
Con người cứ tất bật mãi, vậy rốt cuộc là vì cái gì? Vì bản thân mình, chẳng qua là vì mình nên người ta mới như vậy. Vậy khi mình chết rồi, có còn ý nghĩa gì? Còn nếu như vì gia đình, vì đất nước, vì thế giới vậy thì rốt cuộc có liên hệ gì với mình? Như vậy, chỉ có chuyên khởi nghĩ đến hiện tại, tất cả cũng vì nghĩ đến lợi ích cho chính mình.
Càng có tri thức thì càng dễ sanh dối trá. Có người miệng thì nói toàn lời hay, còn làm thì toàn điều xấu. Bậc tuổi cao thì thường có buồn bã phiền muộn, tham muốn cho riêng mình. Còn hàng thanh niên trẻ tuổi có sự tưởng tượng phong phú, sức sống tràn đầy, bị vật chất cám dỗ đến phát cuồng, xu hướng theo thế giới, coi trọng cá nhân mà xem thường tập thể, vì đạt được mục đích mà không từ thủ đoạn hà khắc và tàn khốc. Chết rồi là hết, xóa sạch ý nghĩa chân thật của kiếp người, đây là nhân sanh quan của chủ nghĩa quy vật, của những người chỉ luận có một đời. Thế giới hiện nay đang truyền nhiễm loại dịch độc này, khiến cho cả thế giới đang bị cuồng điên hóa. Có một số người cho rằng, quan điểm của mình trái ngược lại với duy vật luận, chớ họ đâu biết rằng nhân sanh quan của chính mình và duy vật luận là như nhau, đều thuộc về “luận một đời chết rồi coi như xong.”
3. Luận về hai đời của Thần giáo
Còn nói về “luận hai đời”, đây là cách nhìn thông thường của những người người nhất Thần giáo, đa Thần giáo. Họ cho rằng: con người sau khi chết đi còn có đời sau. Chiếu theo tư tưởng vốn có của Trung Quốc mà nói thì: con người chết rồi là thành ma; người có đức có công thì sanh vào thế giới của thần; nếu tạo ác đủ bề hoặc là con cháu tuyệt tự thì đó gọi là cô hồn. Nhưng từ đời Tống, Minh đến nay, tinh thần phi tôn giáo nâng cao, khoảng 70-80% thành phần tri thức trở thành chủ nghĩa “luận một đời”; còn chủ nghĩa luận về hai đời đây, bất luận nó có phải là mê tín hay không, nhưng từ quá khứ thậm chí cho đến hiện tại, nó vẫn thiết thật kiên định, cổ vũ lòng người, khiến cho nhân loại thỏa mãn viễn cảnh tươi sáng, chấp nhận sự khó khăn trước mắt, để rồi rốt cuộc khắc phục được nó. Đối với sự tiến triển của nhân cách và đạo đức, nó càng có sự cống hiến vô cùng!
Thế nhưng, luận về hai đời của Thần giáo thì hiện tại ngày càng mất niềm tin! vì luận về hai đời, đại để là tin có một linh hồn độc lập, từ đời này cho đến sau khi chết đi, giống như là từ căn nhà này mà đi vào căn nhà kia vậy. Loại linh hồn, hay còn gọi là tự ngã, lìa bỏ xác thịt, lìa bỏ thân tâm này, là thứ mà tư tưởng cận đại không thể tiếp nhận được. Như tôn giáo nhất Thần ở phương tây, chỉ nói từ hiện tại cho đến vị lai - xuống địa ngục hoặc là sanh lên trời, còn đối với nguồn gốc thỉ chung của hiện tại có sanh mạng đây thì lại không có cách giải thích hoàn mỹ.
Chẳng hạn như họ cho rằng: con người đây là do Thần sáng tạo, theo ý chỉ của thần mà đến nhân gian. Việc này hiển nhiên hoàn toàn mâu thuẫn với lòng từ ái của Thần, vì nhân loại thì có muôn vạn, không ngừng sanh ra trong từng giờ phút, mà thật sự là những người có thể sanh lên nước Trời thì rốt cuộc có được bao nhiêu? Nếu cho Thần là toàn năng, toàn tri thì đối với một số lượng lớn đi xuống địa ngục này, Thần phải biết chứ! Giả sử như nói, Thần ban cho con người tự do ý chí, Thần vui mừng khi nhân loại y theo tự do ý chí để phục tùng thần. Thế nhưng nhân loại đầy kẻ ngu si, quả thật như là đứa trẻ con vậy. Để cho những đứa trẻ vô tri ở trong hiểm nạn vô cùng, rồi vui mừng khi thấy một hai đứa thoát khỏi hiểm nạn, như vậy là tàn khốc. Thần thích như vậy sao?
Nếu thật sự có Thần, Thần biết rõ có rất nhiều người lâm vào cảnh khổ mà cũng vẫn không ngừng sáng tạo như xưa; như vậy nếu không phải là Thần cuồng si thì cũng là tàn khốc. Luận về hai đời của tín đồ Thần giáo càng ngày càng không thể là tín ngưỡng của nhân loại, nội tâm thì rơi vào rỗng rang, còn tinh thần thì không có chỗ gởi thác, vì vậy mới rơi vào cảnh giới ma vương của chủ nghĩa duy vật luận một đời. Đây chính là nhân tố chính yếu mà thế giới văn minh rơi vào trong khoảng 100 năm trở lại đây.
4. Luận ba đời viên mãn và chánh xác
Luận về ba đời là đặc sắc của tôn giáo Ấn Độ mà Phật giáo là cứu cánh nhất. Nhân loại và tất cả chúng sanh là sự tương tục kéo dài của dòng sanh mạng vô hạn; không phải do thần tạo, cũng không phải đột nhiên mà có, càng không phải chết rồi là hết. Cái này cũng giống như là dòng nước chảy, tạo nên tầng tầng lớp sóng. Sanh và tử chỉ là sự hiện khởi và tan mất của một hoạt động, một giai đoạn nào đó. Y cứ vào sự tín niệm của luận ba đời này, thì sẽ thoát khỏi sự thưởng phạt của thần quyền, mà thành cái nhân sanh quan “tự làm tự chịu”, khẳng định cái ý nghĩa chân thật của nhân sanh. Đời trước, nếu tư tưởng và hành vi của chúng ta, hướng vào lợi ích bản thân và lợi ích cho người khác, thiện lương chớ chẳng phải tà ác thì đời này chúng ta mới có thể cảm được thiện quả phước lạc. Như vậy, nếu đời này chúng ta không chịu gắng sức hướng thiện thêm thì sau khi chết đi, chúng ta sẽ rơi vào cảnh ngộ bi thảm của tối tăm.
Có được lòng tin về luận ba đời này, chúng ta nghĩ đến đời trước, nên có thể an với số mạng của mình, quyết không oán trời trách người; vì tương lai sau này, để có được sự phấn phát hướng thượng, chúng ta quyết sẽ không biếng nhác buông lung. Nhân sanh quan có được cuộc sống bình an, đồng thời lại có thể sáng tạo vận mệnh là ưu điểm duy nhất của luận về nhân quả ba đời.
Còn nữa, nhìn từ phương diện tiếp nối tương tục vô hạn, việc hưởng phước lạc hay thọ khổ đau đều là kết quả của việc hành thiện hay là tạo ác. Sức của nhân hành thiện hay tạo ác là có hạn, cho nên việc thọ khổ hay hưởng phước cũng không phải vĩnh viễn là như vậy, mà chỉ là một giai đoạn trong lịch trình sanh tử. Dù gặp phải bất cứ cảnh ngộ bi thảm nào, ngay như là bị đọa địa ngục, chúng ta cũng không nên thất vọng, vì khi sức của nghiệp ác hết, chúng sanh trong địa ngục sẽ thoát khổ. Trái lại, bất cứ cảnh ngộ phước lạc nào, ngay cả sanh ra trên nước Trời như vậy, mình cũng không được tự mãn, vì khi sức của nghiệp thiện tiêu mất, vẫn có ngày chúng ta lại bị đọa lạc.
Cho nên nếu chúng ta nhận thức rõ về ba đời một cách thật sự thì trong tất cả mọi hoàn cảnh, chúng ta đều tràn đầy hy vọng, mà lại không ngừng tinh tấn hướng thượng; từ phương diện “tự làm tự chịu”, nhìn ra thấy “cùng tạo cùng lãnh”; mỗi một gia đình, mỗi một quốc gia, trong sự tiếp nối mãi của lịch sử, xưa nay cũng phù hợp với quy luật thăng trầm của nhân quả này.
Khuyết điểm của luận thuyết hai đời này, trong luận thuyết về ba đời hoàn toàn bị tiêu trừ. Cho nên, chỉ có mọi người tiếp nhận tín niệm về luận thuyết ba đời, biến thành sự tín niệm chung, kiên định mới có thể thoát khỏi những cái sai lầm của luận thuyết một đời, luận thuyết duy vật ở thế gian.
Phụ Lục:Chánh Kiến Có Đời Trước, Có Đời Sau
1. Có một số người chỉ tin vào nghiệp báo của hiện tại mà không tin đời sau. Họ nhìn thấy, người làm thiện hay tạo ác, quả báo ngay hiện đời chỉ là số ít, vì vậy mới hiểu lầm cho là “ông Trời không có mắt”.
2. Có một số người chỉ tin quả báo của việc thiện, ác là ở con cháu sau này, như nói: “gia đình tích thiện ắc có an vui, gia đình không tích thiện ắc có tai ương”. Người xưa khi nói về âm đức, đại để không ngoài hai loại này. Họ đâu biết rằng, trên thế gian, phần nhiều cha hiền mà con thì lại không như vậy; hay con hiền mà cha thì không hiền. Còn nữa, như người nào không có con cháu, vậy thì nghiệp thiện ác mà họ đã tạo, há là không sao?
3. Có một số người, chỉ tin đời này và đời sau, không tin đời trước như Gia-tô giáo v.v… về vấn đề này, tuy có thể dựa vào đây mà khiến cho con người ta bỏ ác hướng thiện, nhưng không rõ đời quá khứ thì đối với thiên sai vạn biệt của quả báo đời này, họ không thể lý giải rõ và cũng không làm sao khiến cho con người ta sanh khởi chánh tín hợp lý. Cho nên không phải chỉ chánh kiến thiện ác, nghiệp báo mà còn phải tiến thêm một bước phải có chánh kiến tin hiểu kiên định về đời trước, đời sau.
4. Chúng sanh trong vòng sanh tử không được tự tại, nghe nói đó là do nghiệp lực an bày. Sanh mạng hiện tại đây, sau khi chết đi sẽ chuyển sang khởi đầu một sanh mạng mới. Cái chết mà cũng là sanh như vậy, giữa đời trước và đời sau liên tục kéo dài, chẳng phải một mà cũng chẳng phải khác, không phải đoạn mà cũng không phải thường, quả thật là sâu xa, không dễ gì thấy biết.
Do nghiệp chiêu cảm lấy quả báo mà có sanh tử tiếp nối mãi, điều này, ở địa vị của một bậc Thánh thì không có bất cứ sự nghi ngờ nào, đặt biệt là những vị chứng đắc được Thiên nhãn thông (ngoại đạo cũng có thể đắc được, cho nên ngoại đạo cũng có ít nhiều gì tin hiểu nghiệp báo đời trước, đời sau.) nhìn rõ vấn đề này không ai bằng.
Còn những hạng người bình thường, không có trí thanh tịnh, đối với việc đời trước đời sau, tối thui như mực, không biết cái gì cả. Tuy nhiên cũng có một số rất ít là không mê muội nhân đời trước, có thể biết đời trước, nhưng lại cũng bị xóa bỏ bởi những nhà luận thuyết duy vật. Cho nên, tốt nhất là y theo Phật pháp tu học để được trí thanh tịnh, phát thiên nhãn thông, đích thân tự chứng thật vấn đề này. Ngoài ra, chỉ có tín ngưỡng lời dạy của Phật và từ suy lý để tin hiểu.
Nói rõ về phần giáo lý, người mới bắt đầu học thì không phải là dễ hiểu. Nay đây, tôi tạm mượn thí dụ “củi hết lửa vẫn truyền mãi” để nói rõ: Như chúng ta lấy cây củi đầu tiên đốt cháy, phát sáng, cháy đến khi nào củi hết, lửa tắt, rồi chúng ta cho vào cây củi khác mồi, nhúm, bấy giờ lửa lại cháy mạnh trở lại. Củi trước không phải là củi sau, lửa sau cũng không phải là lửa trước, nhưng chúng ta cũng không thể nói rằng lửa sau không phải có từ lửa trước. Việc này cũng giống như là nói, khi hoạt động của sanh mạng đời trước kết thúc, lại triển khai tiếp một sanh mạng mới; đời trước không phải là đời sau, mà đời sau quả thật là y nơi nghiệp lực của đời trước. Nhưng về thời gian và không gian từ lúc chết cho đến khi được sanh ra là có thể có khoảng cách. Cho nên chết đi rồi sanh ra, sự tương tục như thế nào vẫn cần phải nói rõ.
Chiếu theo nghĩa lý sâu xa của Phật pháp mà nói thì hoạt động của thân tâm, hiển hiện là hình thái của sanh mạng. Đến khi chết đi, thì thân và tâm đây trong một khoảng sát na diệt mất, sự biểu hiện hoạt động của thân tâm bị dừng lại. Thế nhưng những hoạt động của thân tâm về quá khứ không phải là không có, đây chính là “nghiệp diệt quá khứ, công năng không mất” (đây không ngại nói là tiềm ẩn của sanh mạng). Đợi đến khi nào nhân duyên thành thục, nghiệp lực của quá khứ sẽ dẫn phát nên một hoạt động của thân tâm mới, bắt đầu một mạng sống mới.
Giờ đây, tôi xin tiếp tục dùng thí dụ “củi hết lửa vẫn truyền” để nói rõ: Khi lửa đốt cháy một vật, nó phát ra ánh lửa bừng bừng, việc này cũng giống như là sự hoạt động hiển hiện của sanh mạng. Đến khi nào lửa tắt, ánh lửa không còn, việc này cũng giống như là kết thúc một chu kỳ sanh mạng, nghĩa là chết đi. Lửa đã hết, tro nóng tợ hồ cũng đã nguội, nhưng nếu gặp phải vật dễ cháy, cộng thêm có chút gió nhẹ phất phơ thì “tro tàn sẽ ngún lại”, tiếp tục phát ánh lửa bừng bừng mới.
Việc này cũng giống như khi đủ đầy nhân duyên, nghiệp lực của quá khứ sẽ dẫn phát một sanh mạng mới. Ánh lửa tắt rồi cháy lại, đó không phải là ánh lửa trước kia, mà là nó có mối quan hệ không thể chia lìa. Đây cũng như là đời sau không phải là đời trước mà có liên quan đến hành nghiệp giữa đời trước và đời sau. Từ lửa trước cho đến lửa sau, về mặt thời gian có thể là có khoảng cách, cũng giống như là khoảng cách giữa đời trước và đời sau về mặt không gian và thời gian đều có cự ly.
Thế nhưng, rốt cuộc đây cũng chỉ là thí dụ mà thôi. Như ước về Phật pháp mà nói, nghiệp lực của quá khứ, trong “pháp tánh không” như huyễn, vốn không thể nói là có khoảng cách giữa không gian và thời gian, chỉ cần nhân duyên hòa hợp (cũng giống như là con người cần phải có sự hòa hợp giữa tinh cha huyết mẹ mới có) thì có thể ở một nơi khác, một thời gian khác chợt hình thành nên một sanh mạng mới, lại bắt đầu một chu kỳ hoạt động của thân tâm mới.
Trích yếu: LUẬN VỀ ĐẶC THẮNG CỦA NHÂN QUẢ BA ĐỜI
1. Luận về một đời của chủ nghĩa duy vật:
Phủ nhận về đời trước, chối bỏ sau khi chết. Họ cho rằng, chết rồi thì là hết, xóa bỏ ý nghĩa chân thật của kiếp người, đây là cách luận về một đời, là nhân sanh quan của những người thuộc chủ nghĩa duy vật.
2. Luận về hai đời của tôn giáo hữu Thần
Họ cho rằng, con người sau khi chết đi, còn có đời sau – rơi vào Địa ngục hoặc sanh lên Thiên đường, còn nguồn gốc của sanh mạng hiện hữu, trước sau lại không thể có sự giải thích trọn vẹn.
3. Luận về ba đời một cách trọn vẹn và chánh xác
Thọ khổ và thọ vui đều là kết quả của việc làm thiện hay là tạo ác. Có được sự tín niệm về nhân quả ba đời này, xét nghĩ đến đời trước thì có thể an số mệnh, quyết không oán trời trách người; vì lo cho tương lai, nên có thể phấn phát hướng thượng, quyết không lười biếng phóng dật. Nhân sanh quan biết an số mệnh mà lại có thể sáng tạo vận mệnh là ưu điểm lớn nhất của nhân quả ba đời. Thông qua việc “tự làm tự chịu”, nhận ra “cùng làm cùng chịu”, trong sự tiếp nối tương tục của dòng lịch sử, đều phù hợp với quy luật thăng trầm của quả đây.
HẾT
MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH
1. Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.
2. Thường được các vị thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.
3. Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.
4. Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.
5. Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.
6. Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.
7. Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.
8. Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai
9. Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.
10. Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành Phật.
ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .
ĐT: 096.919.7733