Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Nghi thức hành trì đại bi sám

Thứ năm, 23/10/2014, 19:49 GMT+7

NGHI THỨC HÀNH TRÌ ĐẠI BI SÁM

                                                                                                  Đại sư Tri Lễ soạn

                                                                                                  Người dịch: Thích Minh Kiết

*****

Lời Giới Thiệu

Chú Đại Bi và Sám Đại Bi đều có chung một nguồn, đều được rút ra từ Kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni. Chú Đại Bi là phần chính yếu của kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni. Theo Kinh này thuật lại, cách đây hằng hà sa số kiếp về trước có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai. Đức Phật đó đã vì thương tưởng đến Đức Quán Thế Âm Bồ-tát và tất cả chúng sanh nên nói thần chú Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni này. Đức Phật Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ đã từ mẫn xoa đảnh Quán Thế Âm Bồ-tát và căn dặn Bồ-tát hãy thọ trì tâm chú này và nên vì tất cả chúng sanh trong đời ác sau mà làm đại lợi lạc cho họ! Sau khi nghe đức Phật Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai nói bài Chú này xong, thấu hiểu pháp Đại Bi này có năng lực vô cùng to lớn, có thể tiến tu đạt đến thành Phật và là phương tiện cứu cánh để cứu độ chúng sanh không chỉ về phương diện khổ nạn mà còn có thể dẫn dắt chúng sanh thẳng tiến đến thành Phật, ngay nơi đó Quán Thế Âm Bồ-tát sanh tâm vui mừng chưa từng có, lập tức từ quả sơ địa Bồ-tát chứng ngay đến quả địa thứ tám, đồng thời bấy giờ Bồ-tát liền phát nguyện "Nếu như sau này mà con có thể làm lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sanh thì xin hãy khiến cho thân con tức thời đây sanh ra đủ ngàn tay ngàn mắt. Phát nguyện xong, đúng lúc đó thân con có đủ ngàn tay ngàn mắt, mười phương đại địa, chấn động sáu cách; mười phương ngàn Phật thảy phóng ánh sáng, chiếu lên người con và chiếu vô biên cõi nước khắp mười phương."

Một bài Chú Đại Bi mà có oai lực có thể khiến cho một người mới phát tâm tu đạo Bồ-tát (sơ địa)  vừa nghe xong liền chứng đến đại thứ tám (bát địa), trụ trong địa này, Bồ-tát có thể vận dụng trí tuệ vô lậu quán chiếu tương tục mà không bị lay động bởi phiền não bên ngoài; không những thế, sự phát nguyện đem đến lợi ích và an lạc cho chúng sanh đời sau, lời thệ nguyện được xuất phát từ tâm thương xót tha thiết của Bồ-tát đã xác định sự thật qua việc trên thân của Bồ-tát hiện ra ngàn tay mắt, điều này nói lên lời thệ nguyện của Bồ-tát là sự thật và cũng minh chứng về sức oai thần của thần Chú Đại Bi này..

Đại Bi Sám nói cho đủ là "Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Chú Hành Pháp" là sám pháp do đại sư Tri Lễ 960-1028 soạn. Sư là vị cao Tăng đời Bắc Tống, họ Kim, mười lăm tuổi thọ giới cụ túc. Ngài còn có pháp hiệu là Pháp Trí, là tổ thứ mười bảy của tông Thiên Thai. Ngài đã hành pháp sám hối suốt bốn mươi năm. Riêng Đại Bi Sám ngài hành trì suốt ba năm, đốt 3 ngón tay cúng dường Phật.

Vì thấy công năng của chú Đại Bi rộng lớn, muốn lưu truyền nơi đời nên ngài đã soạn ra Đại Bi Sám pháp này. Ngài lấy chú Đại Bi làm trọng tâm, chọn lấy cách tu trì trong kinh Đại Bi Tâm Đà-la-ni, dẫn dùng tam muội Phi hành phi tọa trong Ma-ha Chỉ Quán, chế thành bộ sám nghi đủ đầy sự lý, đó là Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Chú Hành Pháp này đây (tức là Đại Bi Sám Pháp).

Đến cuối đời nhà Minh, đầu nhà Thanh có luật sư Độc Thể, hiệu là Kiến Nguyệt (1600-1679), rút gọn bản sám nghi này, bỏ bớt cách phân loại mười khoa, sắp xếp lại cách tổ chức, đặt tên lại là Đại Bi Sám Nghi.

Vào niên hiệu Nhân Tông - Gia Khánh thứ hai mươi bốn đời nhà Thanh (1819), đại sư Tịch Xiêm đã chỉnh lý biên tập lại bản mới, thành bản sám hối thông hành hiện nay.

Đại Bi Sám của ngài Tri Lễ có đủ đầy hai phần sự nghi lý quán, y theo cách hành trì một kỳ sám hối đủ hai mươi mốt ngày. Đến đời Minh, Thanh, ngài Châu Hoằng, Tịch Xiêm san định lại, bỏ đi phần lý quán, là điểm đặc sắc quan trọng của tông Thiên Thai, chỉ còn giữ lại phần sự nghi, bởi thế sự hiệu nghiệm và đắc dụng của sám hối không nhiều và đủ mạnh để diệt nghiệp.

p.Sau khi hành sám pháp này một thời gian dài, tìm tòi nghĩa lý sâu rộng của nó khắp các nơi, tôi nhận thấy không nên bỏ đi phần sám nghi do tổ Tri Lễ soạn. Thật ra mà nói, nếu bỏ đi phần lý quán thì không thể gọi là pháp sám hối, vì "Tội từ tâm khởi" không quán tâm thì lấy gì sám hối dứt trừ nghiệp xưa? Vả lại, người tu hành chỉ cầu an tâm giải thoát, không nệ hà gì nhọc mệt hành trì, vì thế riêng tôi rất thích và chỉ sám bằng nghi sám của tổ Tri Lễ, dù nó dài và "nhọc" hơn sám kia.

Nay nhân dịch quyển sám pháp này thành lời Việt, để cho mọi người tiện đọc, hành trì, qua đó biên mấy lời giới thiệu sơ để người hành trì biết. Còn về nghĩa rộng, xin xem trong phần sám này và quyển "Giảng Giải Đại Bi Sám".

Viết xong ngày vía Đức Quán Thế Âm Bồ-tát năm Giáp Ngọ, tại chùa Phổ Giác, Hóc Môn.

                                      Tỳ-kheo Thích Minh Kiết kính đề

 

 

Đôi Điều Cần Biết Trước Khi Hành Đại Bi Sám:

1. Sám pháp này có hai mục đích chính đó là sám hối diệt tội và là pháp tu để chứng từ sơ quả cho đến tứ quả, từ sơ địa cho đến thập địa.

2. Trọn pháp Đại Bi Sám này có mười phần hành trì. Người tu sám pháp này nên đọc kỹ cách thức trước khi hành trì, từ cách thức trì tụng cho đến phần quán tu.

3. Những chữ in đứng là phần đọc tụng, còn phần in nghiêng là dùng để quán tưởng, giải thích. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thuộc phần quán tưởng, để đến khi đó quán tưởng cho sâu vào.

4. Phần sám pháp này có hai, một là nghi thức hành trì, hai là hướng dẫn cách thức hành trì. Vì sợ in chung rườm ra nên tôi tách ra phần thứ nhất là nghi thức hành trì, thứ hai là hướng dẫn cách thức hành trì. Người hành trì nên có đủ đầy hai phần để hiểu rõ cả lý sự. Ngoài ra tôi còn có soạn dịch thêm quyển "Giảng giải Đại bi sám" người hành trì cũng nên có sách này.

5. Sám này có hai phần là sám và tu. Sám để diệt tội chướng. Tu để giải thoát. Hàng xuất gia tu pháp sám này nên tu đủ cả hai. Còn hàng Phật tử vì sức tu chưa có, chỉ mong sám trừ tội khiên là đủ thì chỉ hành sám hối này không cũng được.

 

NIÊM  HƯƠNG

*****

Hành giả như pháp kết giới, hương hoa trà quả, trang nghiêm đạo tràng rồi, đến trước tượng Thiên Thủ Nhãn, trãi tọa cụ, quỳ xuống, nghĩ đến Tam bảo và pháp giới chúng sanh cùng với thân tâm mình không hai không khác. Chư Phật đã ngộ, chúng sanh còn mê, ta vì chúng sanh phá trừ mê chướng nên đảnh lễ Tam Bảo. Nghĩ như vậy rồi miệng nên xướng rằng:

Dốc lòng cung kính:

Nhất tâm đảnh lễ: Hết thảy chư Phật thường trú trong khắp mười phương. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Hết thảy tôn Pháp thường trú trong khắp mười phương. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Hết thảy hiền thánh Tăng thường trú trong khắp mười phương. (1 lạy)

 (lạy xong chủ lễ xông trầm cúng dường, hoặc thắp ba nén nhang, quỳ trước đàn tràng Quán Thế Âm Bồ-tát, đặt nhang ngang trán niệm)

Đệ tử chúng con

Cả thảy đồng quỳ

Nghiêm trì hương hoa

Như pháp cúng dường:

Nguyện mây hương hoa nầy

Xông khắp mười pháp giới

Tất cả các cõi Phật

Vô lượng hương trang nghiêm

Đầy đủ Bồ Đề  đạo

Thành tựu Như Lai hương.

(Đến đây, người trì chú phải nghĩ như sau: hương hoa con cúng khắp mười phương, kết thành đài sáng rực vi diệu, âm nhạc hương báu của chư Thiên, y báu món ngon của chư Thiên, bất khả tư nghì diệu pháp trần (bụi trần) mỗi hạt trần hiện tất cả trần, mỗi một trần hiện tất cả pháp, xoay chuyển vô ngại trang nghiêm nhau, đến khắp mười phương trước Tam bảo, trước Tam bảo pháp giới mười phương, thảy có thân con hiện cúng dường, mỗi sự cúng dường khắp pháp giới, đôi bên không tạp không chướng ngăn, tận bờ vị lai làm Phật sự, xông khắp pháp giới các chúng sanh, nhờ đây đều phát bồ đề tâm, đồng nhập vô sanh chứng Phật trí)

PHỤNG THỈNH TAM BẢO CHƯ THIÊN GIA HỘ

Hành giả vận tưởng cúng dường khắp xong rồi, quỳ xuống thắp hương, nghĩ ngay đến Tam bảo, tuy đã lìa chướng được thanh tịnh, nhưng lại vì đồng thể đại bi, nghĩ tưởng đến chúng sanh. Nếu chúng ta ba nghiệp dốc lòng phụng thỉnh, thì Tam bảo tất sẽ hiện đến, dứt khổ cho vui. Vì vậy cần phải chí thành, theo đó ân cần ba phen thỉnh, ắc có cảm ứng. xướng rằng:

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A-di-đà Thế Tôn. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Quá Khứ Vô Lượng Ức Kiếp Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Thế Tôn. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Quá Khứ Chín Mươi Chín Ức Hằng Hà Sa Chư Phật Thế Tôn. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Quá Khứ Vô Lượng Kiếp Chánh Pháp Minh Thế Tôn. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Tất Cả Chư Phật Thế Tôn Trong Mười Phương. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Ngàn Đức Phật Ở Hiền Kiếp Cùng Tất Cả Chư Phật Thế Tôn Trong Ba Đời. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Chương Cú Mầu Nhiệm Của Đại Đà La Ni Tâm Đại Bi Rộng Lớn Tròn Đầy Không Ngăn Ngại. (Khởi nghĩ, pháp tánh như "không", không thể thấy, pháp bảo thường trụ khó nghĩ bàn, con nay ba nghiệp như pháp thỉnh, xin hiện cho con được cúng dường. Kế đó cũng vậy.) (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô tất cả Đà-la-ni Mà Đức Quán Thế Âm Đã Nói Cùng Tất Cả Tôn Pháp Trong Khắp Mười Phương Ba Đời. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Đức Quán Thế Âm Tự Tại Đại Bồ-tát Có Tâm Đại Từ Đại Bi Hóa Thân Diệu Dụng Ngàn Tay Ngàn Mắt. (khởi nghĩ cũng như nghĩ đến Phật, nhưng đổi đối tượng lại thành Quán Thế Âm Bồ-tát. Các vị Bồ-tát, Thanh văn sau, theo vị trí mà đổi tên) (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma-ha-tát. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Tổng Trì Vương Bồ-tát Ma-ha-tát (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Nhật Quang Bồ-tát, Nguyệt Quang Bồ-tát Ma-ha-tát. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Bảo Vương Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát Ma-ha-tát (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Hoa Nghiêm Bồ-tát, Đại Trang Nghiêm Bồ-tát, Bảo Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Đức Tạng Bồ-tát, Kim Cang tạng Bồ-tát, Hư Không Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Di-lặc Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát Ma-ha-tát. (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Tất Cả Chư Đại Bồ-tát Trong Ba Đời Mười Phương.  (cúi đầu)

Nhất tâm phụng thỉnh: Nam Mô Trưởng Lão Đại Ca Diếp Cùng Vô Lượng Vô Số Đại Thanh Văn Tăng. (cúi đầu)

Nhất tâm triệu thỉnh: Thiện-tra, Phạm-ma, Cù-bà-già Thiên tử, hộ thế Tứ Thiên Vương, bát bộ chúng Trời Rồng... thiên nữ Đồng Mục, thần Hư Không, thần Sông Biển, thần Suối Nguồn, thần Ao Hồ, thần Cỏ Thuốc Rừng Cây, thần Nhà Cửa, thần Nước, thần Lửa, thần Gió, thần Đất Cát, thần Núi, thần Đất Ở, Thần Cung Điện v.v… Cùng với tất cả Trời Rồng Quỷ Thần bảo vệ người trì chú và với các quyến thuộc của mỗi vị.

Ngưỡng nguyện:

 Đức Bổn sư Thích-ca, Đức A-di-đà Từ phụ, Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Như Lai, cùng tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, khởi tâm từ bi bình đẳng với tất cả chúng sanh, hiện thân đến đạo tràng, chứng minh đệ tử hành pháp sám hối.

Duy nguyện: Thần Chú bí yếu Đà-la-ni tâm đại từ bi rộng lớn tròn đầy không chi ngăn ngại, xin hiển hiện nơi đạo tràng cho con được cúng dường.

Duy nguyện; Đức Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát thần lực hóa hiện ngàn mắt ngàn tay, nương theo bổn nguyện lực, hiện ra trước con, gia trì cho thần chú, khiến cho đệ tử chúng con trừ sạch ba chướng; cùng các Đại Bồ-tát như Đại Thế Chí Bồ-tát, Tổng Trì Vương Bồ-tát v.v… Các Đại Thanh Văn như: Ngài Ma-ha Ca-diếp v.v… Khởi tâm từ bi, đồng thời quang giáng.

Phạm Thiên, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Chư Thiên Bát bộ, theo lời mời thỉnh, đến giữ đạo tràng, ủng hộ trì chú, trừ các ma chướng, hiện điềm tốt lành, khiến cho những điều con tu, không trái bổn nguyện.

TÁN THÁN

Kinh này không có kệ tán thán. Muốn lấy kinh khác để tán thán nhưng sợ rằng sẽ có chút sai khác so với thể chú và báo tướng, nên Tôi liền y kinh mà lược thuật để tán thán.

Kính lạy đời quá khứ

Chánh Pháp Minh Như Lai

Chính là đời hiện nay

Quán Thế Âm Bồ -Tát

Bậc thành công đức diệu

Rũ lòng Đại Từ Bi

Nơi trong một thân tâm

Hiện ra ngàn tay mắt

Soi thấy khắp pháp giới

Hộ trì các chúng sanh

Khiến phát đại từ tâm

Dạy trì chú viên mãn

Cho đoạn hẳn đường ác

Được sanh ngay nơi Phật

Những tội lỗi vô gián

Cùng bệnh nặng triền thân

Khó có thể cứu chữa

Cũng đều khiến tiêu trừ

Các tam muội biện tài

Hiện đời nguyện cầu chứng

Thảy đều được thành tựu

Quyết định không nghi ngờ

Ngoài ra còn có thể

Khiến mau chứng ba thừa

Sớm lên ngôi quả Phật

Sức oai thần như thế

Khen mãi cũng chẳng cùng

Cho nên con dốc lòng

Quy mạng và đảnh lễ

(đứng dậy lễ Phật, bày tỏ lòng thành khẩn, tùy theo trí lực của mình mà nói đúng sự thật. Nhưng những điều mình mong cầu, không được để cho tăng trưởng sanh tử, điều tâm khởi nghĩ, phải là lợi ích chúng sanh. Có điều, lòng thành mới được cảm thông. Xin hãy cẩn thận chớ có dễ dui.)

ĐẢNH LỄ TAM BẢO

Hành giả nên niệm Tam bảo, thể là vô duyên từ bi, thường muốn cứu độ hết thảy chúng sanh, chỉ vì không có chúng sanh đương cơ nên không thể khởi. Con đã ba phen phụng thỉnh, tuy chẳng tận mắt thấy, nhưng sự ngầm cảm ứng thì không dối. Cho nên cần phải khởi tâm quy kính, xông các thứ danh hương, đảnh lễ chư Phật đã thỉnh ở trên. Riêng chư Thiên Quỷ Thần không cần hành lễ. Còn về chú Đại Bi và Quán Thế Âm Bồ-tát, mỗi phần cần phải lễ ba lần. Vì Bồ-tát và Chú Đại Bi là chủ của đạo tràng. Thế nên xướng rằng:

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn. (1 lạy)

(Hết thảy Tam bảo đã thỉnh ở trước, khi lễ phải năm vóc phủ phục sát đất, ân cần trân trọng kính lễ. Khi lễ Phật phải nghĩ rằng: Người lễ và đức Phật được lễ tánh vốn rỗng rang, vắng lặng, sự cảm ứng giao thoa không thể nghĩ bàn, đạo tràng của con đây ví như màn lưới của trời Đế Thích, ảnh Phật Thích-ca hiển hiện trong đó, bóng con quỳ trước đức Thích-ca, đầu mặt hôn chân quy mạng lễ. Đến lúc lễ đức Phật A-di-đà thì đổi lại là ảnh Phật A-di-đà hiện trong đó v.v... Khi lễ Pháp thì nghĩ rằng, pháp tánh chân không như hư không, pháp bảo thường trụ khó nghĩ bàn, thân con ảnh hiện trước pháp bảo, nhất tâm như pháp quy mạng lễ. Lễ Tăng cũng theo cách lễ Phật trên, nhưng đổi lại thành Bồ-tát v.v... Chỉ có lễ Quán Âm thì là vì cầu diệt chướng nên hôn chân lễ, vì Bồ-tát là chủ của sám hối.)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A-di-đà Thế Tôn. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Quá Khứ Vô Lượng Ức Kiếp Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Thế Tôn. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Quá Khứ Chín Mươi Chín Ức Hằng Hà Sa Chư Phật Thế Tôn. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Quá Khứ Vô Lượng Kiếp Chánh Pháp Minh Thế Tôn. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Tất Cả Chư Phật Thế Tôn Trong Mười Phương. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Ngàn Đức Phật Ở Hiền Kiếp Cùng Tất Cả Chư Phật Thế Tôn Trong Ba Đời. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Chương Cú Mầu Nhiệm Của Đại Đà-la-ni Tâm Đại Bi Rộng Lớn Tròn Đầy Không Ngăn Ngại. (xướng 3 lần lạy 3 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Tất Cả Đà-la-ni Mà Đức Quán Thế Âm Đã Nói, Cùng Tất Cả Tôn Pháp Trong Khắp Mười Phương Ba Đời. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Đức Quán Thế Âm Tự Tại Đại Bồ-tát Có Tâm Đại Từ Đại bi Hóa Thân Diệu Dụng Ngàn Tay Ngàn Mắt. (Xướng 3 lần lạy 3 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Đại Thế Chí Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Tổng Trì Vương Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nhật Quang Bồ-tát, Nguyệt Quang Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Bảo Vương Bồ-tát, Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Hoa Nghiêm Bồ-tát, Đại Trang Nghiêm Bồ-tát, Bảo Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Đức Tạng Bồ-tát, Kim Cang Tạng Bồ-tát, Hư Không Tạng Bồ-tát Ma-ha-tát. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Di Lặc Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lạy)

Nhất Tâm đảnh lễ: Nam Mô Tất cả Chư Đại Bồ-tát Trong Khắp Mười Phương Ba Đời. (1 lạy)

Nhất tâm đảnh lễ: Nam Mô Trưởng Lão Đại Ca Diếp Cùng Vô Lượng Vô Số Đại Thanh Văn Tăng. (1 lạy )

Nhất tâm thay cho: Thiện-tra, Phạm-ma, Cù-bà-già Thiên Tử, hộ thế tứ Thiên vương, bát bộ chúng Trời Rồng, Thiên nữ Đồng Mục, Thần Hư không, Thần Sông biển, Thần Suối nguồn, Thần Ao hồ, Thần Cỏ thuốc rừng cây, Thần Nhà cửa, Thần Nước, Thần Lửa, Thần Gió, Thần Đất cát, Thần Núi, Thần Đất ở, Thần Cung điện v.v… Cùng với tất cả Trời Rồng Quỷ Thần bảo vệ người trì chú cùng các quyến thuộc của mỗi vị thành tâm đảnh lễ Tam Bảo. (3 lạy)

PHÁT NGUYỆN TRÌ CHÚ

Kính lạy Đức Quán Thế Âm Bồ- Tát!       

Con nay tỳ-kheo tỳ kheo ni, cư sĩ...(nêu pháp danh của mình ra)  khởi lòng từ bi thương tưởng đến tất cả chúng sanh đang chìm đắm, khổ não trong đường sanh tử luân hồi, và cũng nghĩ tưởng đến nghiệp chướng sâu dày của mình, (Thêm những lời nguyện cầu riêng của mình chẳng hạn như: Cầu sám hối nghiệp chướng, khỏi bệnh, tai qua nạn khỏi, thiện căn tăng trưởng...Nếu là cư sĩ thì cầu cho gia đình bình an, cửa nhà êm ấm, con cháu ngoan hiền, ai nấy biết tín tâm quy y Tam bảo...Điều cần yếu nhất là nguyện cho mình đời đời kiếp kiếp sanh ra nơi nào cũng được gặp Phật nghe pháp, quy kính hiền Thánh Tăng, không bị đọa vào ba đường ác địa ngục ngạ quỷ, súc sanh) nên  phát nguyện thọ trì thần chú Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà-la-ni này, để mong dứt trừ khổ não cho cả hai. Nay y theo lời Kinh dạy, đệ tử xin phát nguyện:

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con mau biết tất cả Pháp!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyên con sớm được mắt trí tuệ!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con mau độ hết thảy chúng!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con sớm được phương tiện khéo!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con mau ngồi thuyền bát-nhã!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con sớm vượt qua biển khổ!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con mau được giới, định, tuệ!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con sớm lên núi niết-bàn!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con mau vào nhà vô vi!

Kính lạy Đức Đại Bi Quán Thế Âm: Nguyện con sớm đồng thân Pháp tánh!

Nếu con khởi tâm về núi đao, núi đao liền đổ gãy!

Nếu con khởi tâm về hầm lửa, hầm lửa tự khô tắt!

Nếu con khởi tâm về địa ngục, địa ngục liền trống không!

Nếu con khởi tâm về ngạ quỷ, ngạ quỷ đều được no đủ!

Nếu con khởi tâm về A-tu-la, ác tâm tu- la tự điều phục!

Nếu con khởi tâm về súc sanh, thì chúng liền được đại trí tuệ!

(lạy 1 lạy, ngồi ngay ngắn, chắp tay hoặc xếp chéo tay chồng lên theo thế tọa thiền, bắt đầu trì chú )

TRÌ CHÚ

(Vô chuông mõ bắt đầu tụng. Nếu trì một mình thì không cần gõ mõ, chỉ cần gõ chuông cũng được )

Trí tuệ rộng sâu đại biện tài

Ngự trên sóng nước dứt trần ai

Hào quang chiếu phá nghìn bệnh nghiệp

Cam lồ rưới sạch muôn kiếp tai

Liễu biết phất ra thế giới ngọc

Sen hồng nổi lên lâu đài vàng

Con nay kính lễ dâng hương tán

Kính nguyện Bồ- Tát ứng nhân gian.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát (10 lần)

Nam mô  A-di-đà Phật (10 lần)

Lúc bấy giờ, đức Quán Thế Âm Bồ- Tát bạch Đức Phật rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào trì tụng thần Chú Đại Bi này mà còn bị đọa vào ba đường ác, con thệ không thành Chánh giác. Nếu người trì tụng thần Chú Đại Bi này mà không sanh vào các cõi nước Phật thì con thệ không thành Chánh giác. Nếu người trì tụng thần Chú Đại Bi này mà không được tam-muội biện tài thì con thề không thành chánh giác. Nếu người trì tụng thần Chú Đại Bi này, mà ngay nơi đời này, tất cả những điều mong cầu không được như ý thì chú này không đáng gọi là Đại Bi Tâm Đà-la-ni. Chỉ trừ những kẻ bất thiện và không chí thành.

Quán Thế Âm Bồ-tát nói lời này xong, ở trước hội chúng chắp tay ngay ngắn, khởi tâm đại bi với chúng sanh, nở nụ cười hàm tiếu, nói ngay chương Cú Thần Diệu Đại Tổng Trì Tâm Đại Bi Rộng Lớn Tròn Đầy không chi ngăn ngại như vầy:

Nam mô hắt ra đát na đa ra dạ da, nam mô a rị da, bà lô yết đế thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca rô ni ca da, án, tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tả.

Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da, bà lô kiết đế thất phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì, hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa (Na ma bà tát đa) na ma bà già, ma phạt đặt đậu, đát điệt tha, án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê rị đà dựng, cu lô cu lô yết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất phật ra da, giá ra giá ra, mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ bồ dề dạ, bồ đà dạ bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na, sa bà ha, tất đà dạ, sa bà ha, ma ha tất đà dạ, sa bà ha, tất đà dũ nghệ, thất bàn ra dạ, sa bà ha, na ra cẩn trì, sa bà ha, ma ra na ra, sa bà ha, tất ra tăng a mục khê da, sa bà ha. Sa bà ma ha a tất đà dạ, sa bà ha, giả kiết ra a tất đà dạ, sa bà ha, ba đà ma yết tất đà dạ, sa bà ha, na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, sa bà ha, ma bà lợi  thắng yết ra dạ, sa bà ha.

 Nam mô hắt ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô kiết đế, thước bàn ra dạ, sa bà ha. Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, sa bà ha.

(Hành giả tụng 7 biến 21 biến hoặc nhiều hơn càng tốt )

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nói bài chú này xong, đại địa chấn động sáu điệu; trên trời mưa hoa báu đổ xuống dồn dập, mười phương chư Phật thảy đều hoan hỷ, thiên ma ngoại đạo sợ hãi dựng tóc gáy, tất cả chúng hội đều được chứng quả, như quả Tu-đà-hoàn, hoặc đắc quả A-la-hán, hoặc đắc nhất địa, nhị địa, tam tứ ngũ địa cho đến thập địa, vô lượng chúng sanh phát Bồ-đề tâm.

(Tụng xong hành giả quỳ xuống sám hối )

SÁM HỐI

Hành giả tụng thần chú nầy xong, nên nghĩ đến tất cả chướng duyên của mình hiện nay đều do nhân trước mà có, cho nên đời này, mình với mọi người không có ác nào mà không tạo. Tội lỗi đã tích chứa nhiều đời nhiều kiếp, nay gặp lại làm kẻ oán người thân, gây chướng ngại, phiền não cho nhau. Nếu không sám hối thì biết lấy gì mà cởi oan khiên được giải thoát và đạo pháp cũng không biết sao mà thành. Vì vậy chúng ta cần phải phơi bày tội lỗi sám hối, cầu xin Tam Bảo thương tưởng mà diệt trừ tội lỗi cho mình.

Trong kinh đây dạy: "Vì tất cả chúng sanh mà sám hối tội lỗi gây nghiệp đời trước và cũng tự sám hối tạ lỗi vô số ác nghiệp từ vô lượng kiếp trước của mình". Pháp Hoa Tam-muội có dạy: "Tánh của nghiệp tuy không, nhưng mà quả báo không mất, vì điên đảo nhân duyên mà tạo các trọng tội" nghĩ như vậy rồi, đau buồn rơi lệ, miệng thốt lời sám hối.

Người trì chú nên nghĩ như vầy: Mình và chúng sanh từ vô thỉ kiếp cho đến ngày nay bị chướng ngại bởi các trọng tội do sáu căn ba nghiệp gây tạo nên không được gặp chư Phật, không biết được pháp trọng yếu xuất thế; chỉ cam tâm chịu sanh tử chớ không biết diệu lý. Ngày nay tuy mình và chúng sanh cũng đều biết là vậy như nhau, nhưng bị chướng ngại bởi tất cả trọng tội, cho nên hôm nay mình đối trước mười phương chư Phật và Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, vì hết thảy chúng sanh mà quy mạng sám hối. Duy nguyện chư Phật Bồ-tát gia hộ khiến cho hết thảy chúng con được tiêu trừ tội chướng. Nghĩ như vậy rồi xướng rằng:

Con nay khắp vì bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, thảy nguyện đoạn trừ ba chướng (xướng rồi năm vóc gieo mình xuống đất lạy 1 lạy, tâm nghĩ rằng:)

Con và pháp giới chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, bởi do ái kiến nên trong thì chấp ngã nhân, ngoài thêm kết bạn ác, không biết tùy hỷ dù chỉ là một chút việc thiện của người, chỉ biết mặc tình tạo các tội nơi ba nghiệp. Việc gây tội tuy không nhiều, nhưng ác tâm thì cùng khắp, đêm ngày tiếp nối không có gián đoạn; giấu diếm tội lỗi, không muốn người biết, không sợ đường ác, không biết hổ thẹn, bác bỏ nhân quả. Biết vậy hôm nay, chúng con tin sâu nhân quả, vô cùng hổ thẹn, vô cùng sợ hãi, nên phát lồ sám hối, để đoạn tâm tương tục tạo nghiệp; phát tâm Bồ Đề, đoạn ác tu thiện, khuyên gắng ba nghiệp, chuyển trọng tội xưa,vui theo chút thiện của bậc thánh tạo. Nghĩ đến mười phương Chư Phật có đại phước huệ; có năng lực cứu vớt mình và chúng sanh, tư biển nhị tử đến bờ tam đức.

Từ vô thỉ kiếp đến nay, chúng con không biết các pháp bổn tánh vốn không tịch nên rộng tạo các ác. Nay con đã biết tánh không tịch, vì cầu Bồ Đề, vì các chúng sanh mà rộng tạo các thiện, đoạn hết các ác. Duy nguyện: Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, từ bi nhiếp thọ. Nghĩ như vậy rồi xướng rằng:

Chí tâm sám hối:

Đệ tử tỳ-kheo (tỳ-kheo Ni, cư sĩ)……………………….cùng tất cả chúng sanh trong pháp giới, hiện tiền nơi một tâm đây, vốn có đầy đủ ngàn pháp, đều có thần lực và trí tuệ, trên sánh tâm Phật, dưới đồng muôn loài. Nhưng bởi vô thỉ đến nay, vì bị hôn ám làm chướng ngại bổn tánh sáng suốt vắng lặng này, nên xúc cảnh hôn mê. Hể vừa khởi tâm liền bị chấp trước trói buộc, nên trong pháp bình đẳng, khởi nghĩ mình người. Do ái kiến làm gốc, thêm thân khẩu làm duyên trong cõi luân hồi, tạo hết thảy tội, thập ác ngũ nghịch, báng pháp báng nhân, phá giới phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm đồ tăng chúng, phạm uế tịnh hạnh, xâm tổn của thường trụ (của Tam bảo) của cải uống ăn, dù ngàn Phật ra đời cũng khó sám hối hết. Các tội lỗi như thế vô lượng vô biên, khi bỏ thân mạng này rồi thì lại bị đọa vào ba đường ác, chịu đủ muôn khổ. Lại thêm hiện đời bị các não giày vò, hoặc bị bịnh độc triền thân, duyên ngoài bức bách gây chướng ngại đạo Pháp, khó thể tiến tu. Nay gặp thần Chú Đại Bi viên mãn, có thể mau diệt trừ các tội chướng như thế. Cho nên hôm nay chúng con chí tâm trì tụng, quy hướng về Đức Quán Thế Âm Bồ-tát và mười phương Chư Phật, phát tâm Bồ Đề, tu hạnh chân ngôn, cùng với chúng sanh, phát lồ các tội, cầu xin sám hối, nguyện thảy tiêu trừ. Duy nguyện:

Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát, ngàn tay bảo vệ, ngàn mắt chiếu soi, khiến cho chúng con, duyên chướng trong ngoài, thảy đều dứt sạch, tự giác giác tha, hạnh nguyện viên thành, mở tánh thấy biết, dẹp trừ ma ngoại, ba nghiệp chuyên cần, tu nhân tịnh độ, bỏ báo thân này, không thọ đường khác, quyết định được sanh về thế giới cực lạc của đức Phật A-di-đà, được thân cận cúng dường Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, đủ các Tổng trì, rộng độ chúng sanh, đều thoát luân hồi, cùng lên bờ trí

Sám hối phát nguyện rồi, đệ tử chúng con chí thành quy mạng đảnh lễ Tam bảo.

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Thập Phương Phật. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Thập Phương Pháp. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Thập Phương Tăng. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô A Di Đà Phật. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Thiên Quang Vương Tĩnh Trụ Phật.  (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đại Đà-la-ni. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ-tát. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát. (1 lạy)

Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tổng Trì Vương Bồ-tát. (1 lạy)

QUY Y

Con quy y Phật

Nguyện cho chúng sanh

Hiểu rõ Phật đạo

Phát tâm vô thượng

 

Con quy y Pháp

Nguyện cho chúng sanh

Học sâu Kinh tạng

Trí tuệ như biển

 

Con quy y Tăng

Nguyện cho chúng sanh

Lãnh nhiếp đại chúng

Hết thảy không ngại.

 

Nguyện đem công đức nầy

Hướng về khắp tất cả

Đệ Tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo

Hết

 


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :