Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Kỷ Yếu

Tịnh Thất Lôi Âm

Chủ nhật, 31/01/2021, 22:05 GMT+7

"Nơi náo nương cho những người cùng khổ"

TỊNH THẤT LÔI ÂM(*)

 

             Tọa lạc tại địa chỉ số 2819 ấp Thiên Tuế - Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Tịnh thất Lôi Âm nằm nép mình bên cạnh vồ Ông Voi, một thắng cảnh của vùng núi Ông Cấm, đây là đạo tràng Quán Thế Âm trực thuộc tông phong chùa Phổ Giác, với sứ mạng thực hành hạnh Quán Thế Âm, phổ truyền đức đại từ bi của Đức Quán Thế Âm Bồ-tát để cho “những ai nghe tên và thấy thân, tâm nghĩ không luống phí, hay diệt khổ các cõi” ngõ hầu khiến cho mọi người có sự cảm ứng với Bồ-tát mà tăng thêm lòng kính tín, lễ bái, nhờ công đức này mà thoát khỏi khổ nạn...

            Tịnh thất Lôi Âm chúng tôi  dựng nên vào năm 2010. Dẫu mới thành lập chưa được ba năm, nhưng Tịnh thất Lôi âm đã hai lần tổ chức trung thu cho trẻ em trên núi, ba lần phát quà từ thiện cho mấy trăm hộ nghèo trên núi, hỗ trợ các hoạt động giáo dục của Trường THCS Núi Cấm cũng như giúp một số em học sinh nghèo cặp sách và giúp các em tiền đóng học phí để các em không phải bỏ học, cộng thêm hiện nay nhận cấp phát gạo hàng tháng cho những người già cả nghèo khổ và những người bệnh tật tại đây khoảng 40 phần...

            Nhưng dấu ấn làm nền tảng cho các hoạt động từ thiện của Tịnh thất Lôi Âm phải được tính kể bắt đầu từ việc phát quà cho người già và người nghèo khó thuộc dân tộc Khơ-me nhân ngày tết cổ truyền Chol Chnam Thmay tháng 3 năm 2012 và việc cõng 3 tấn gạo lên núi cứu trợ kip thời cho bà con nghèo thất nghiệp sau khi núi bị tai nạn đá rơi xuống làm chết 6 người vào ngày 5 tháng 5 năm 2012 vừa qua. Qua hai việc làm chính này, chúng tôi  nhận thấy nơi đây có khá nhiều người già bệnh tật, nghèo khổ có hoàn cảnh thật bất hạnh và đáng thương cần sự giúp đỡ của cộng đồng hiện tại, vì vậy chúng tôi  quyết định thành lập chương trình Hạt Gạo Cho Người Già Yếu Nghèo Khó, bên cạnh đó thành lập kho lương thực dự phòng cứu giúp những người nghèo khó trong lúc túng thiếu. Và hơn thế nữa, chúng tôi  dự định lập phòng y tế kết hợp đông tây y để khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở xã Tân Lợi và vùng Núi Cấm, huyện Tịnh Biên đây.

            Người nghèo xã Tân Lợi:

            Trong lần phát quà tết cho đồng bào nghèo ở Núi Cấm vào dịp tết cổ truyền Việt Nam năm Tân Mão 2011, chúng tôi  được nghe chú Mum - một trung niên người dân tộc Khơ-me nói rằng hiện nay có một số hộ người dân tộc nghèo đói, thiếu cơm ăn áo mặc và ngõ ý xin chúng tôi  giúp. Nghe vậy chúng tôi  liền xuống trực tiếp địa phương xác minh và nhận thấy như sau:

            Tân Lợi là một xã nghèo hàng thứ nhì của tỉnh An Giang với 824 hộ 3663 người nghèo mà đa phần là bà con dân tộc Khơ-me, nhà nước cũng có chính sách quan tâm hỗ trợ, nhưng cũng không thể xóa hết hộ nghèo, vì nơi đây người dân không đủ việc làm lao động, không có đất canh tác trồng trọt...những việc làm chủ yếu của người dân nơi đây là nhận nuôi bò khoáng (bò ghẻ) của nhà nước, khởi đầu nuôi bò con, đến lớn thì cho phối giống đẻ con, con đầu chủ lấy, con sau mình lấy, công việc này chỉ có cơm ăn chớ không giải quyết tình trạng nghèo thiếu. Còn người già thì đa phần là nghèo khổ, không có con cháu, hoặc có nhưng đều nghèo hoặc bệnh tâm thần không giúp được gì cho cha mẹ, để tự mưu sinh các cụ phải làm đủ thứ công việc như: hái rau rừng bán, quét lượm lá cây rừng bán cho người ta nhóm lửa nấu nước thốt-lốt làm đường, kiếm củi, làm thuê mướn nhổ cỏ...thậm chí có cụ phải chọn nghề xin ăn để tự nuôi sống... Sau khi nắm thông tin, nhận định rằng bà con nơi đây thật đáng thương, cần được giúp đỡ, nên chúng tôi  quyết định vận động chuẩn bị hơn 400 phần quà, đồng thời khám chữa bệnh giúp người già nghèo khó người dân tộc Khơ-me nhân ngày tết cổ truyền Chol Chnam Thmay tháng 3 năm 2012.

            Qua đợt từ thiện kết hợp khám chữa bệnh này, theo lời các bác sĩ và nguồn tin hỏi thăm của chúng tôi , đa số bà con nghèo lớn tuổi nơi đây bị bệnh đau khớp, nhức chân, nhức vai, viêm dạ dày...nói chung là những bệnh do lao lực mưu sinh, không đủ điều kiện ăn uống dinh dưỡng...vì cái ăn còn không đủ, nói chi đến khám chữa bệnh. Có cụ thấy đau trong bụng, dường như có con gì bò, nghĩ đó là lãi, không có tiền đi khám nên mua thuốc sổ lãi uống, đến khi hay tin, chúng tôi  cho tiền cụ đi khám, kết quả là bị ruột thòng, phải mổ... Thấy tình cảnh già yếu nghèo khó của các cụ, đau nhức trong mình mà không biết bệnh chi, không có tiền đi khám và điều trị cứ phó mặc cho đau nhức chớ không biết than thở cùng ai, lại thêm chứng kiến cảnh nhà tranh vách lá dột nát, sống hẩm hiu với kiếp đói nghèo, chúng tôi  chạnh lòng  xót thương, cảm thấu nỗi khổ nên đã có gởi thuốc theo toa bác sĩ khám cho các cụ, bên cạnh đó cũng nhem nhúm trong lòng việc khám chữa bệnh và cấp gạo hàng tháng cho các cụ sau này, mục đích là để cho các cụ được an lòng lúc tuổi già, để lúc cuối đời các cụ không tự cảm thấy buồn tủi và ra đi trong nỗi oán hận cuộc đời.

            Tảng đá định mệnh

            Sáng ngày 5 tháng 5 năm 2012, tôi nhận được hung tin, một tảng đá lớn rơi trên đường lên xuống núi khiến 6 người thiệt mạng và chính quyền địa phương kịp thời phong tỏa khu vực xung quanh không cho ai lên xuống. Ngay sau khi hay tin, cả chùa đồng cảm với tang thương mất mát của gia đình các nạn nhân, tôi đã phát nguyện nhịn ăn ba ngày để cầu nguyện cho các nạn nhân, các cô Diệu Trí, Diệu Định, Diệu Ngộ cũng phát nguyện xin hành theo.

            Tin tức về dân chúng trên núi được chúng tôi  liên tục cập nhật. Ở vùng núi này, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề bán nhang, bán thức ăn cho cá dành cho khách du lịch, tuy là điểm du lịch, nhưng chưa được phát triển, phần đông du khách là khách hành hương bản xứ hoặc những tỉnh lân cận, kinh tế eo hẹp nên chi tiêu cho việc du lịch không được nhiều, vì thế việc buôn bán cho khách du lịch chỉ giúp cho bà con nơi đây kiếm cơm qua ngày, nếu lỡ có việc gì ngưng vài ngày thì coi như đói. Lúc thường ngày, tại tịnh Thất Lôi Âm này, thỉnh thoảng có người đến hỏi xin cơm mượn gạo ăn, hà huống chi lúc này. Việc phong tỏa không cho lên xuống núi đã đẩy vật giá tăng cao gấp đôi, khiến cho đời sống của dân thường ngày đã khổ bây giờ càng khổ hơn. Lúc này đã có một vài hộ đến chùa xin gạo, sau khi phán đoán, nhận thấy tình hình khó khắc phục trong nay mai, nên chúng tôi  mới mở cuộc vận động cứu trợ khẩn cấp cho người nghèo nơi đây. Ban đầu chúng tôi vét hết số gạo và lương thực hiện có ở chùa cấp thời đem phát và cũng mở cuộc vận động kêu gọi lòng từ của mọi người cùng ra tay cứu giúp. Đợt cứu trợ này, chúng tôi  đã thuê người cõng hơn 3 tấn gạo lên núi phát cho bà con đang đói, và là tổ chức đầu tiên cứu trợ cho bà con nơi đây.

            Thật khó có thể diễn tả nỗi vui mừng của bà con nơi đây khi nhận được gạo, sự thăm hỏi qua lại trong lúc phát gạo đã giúp chúng tôi hiểu thêm về đời sống khó khăn của bà con ở nơi đây. “Có những lúc không gạo ăn không biết phải hỏi mượn ai. Tôi chỉ nói mượn chớ không dám nói xin.”- một người dân nơi đây đã nói như  vậy khi có lần hết gạo ăn. Chính câu nói này đã khiến chúng tôi  suy nghĩ rất nhiều, để đi đến quyết định thành lập kho lương thực, phòng hờ có gia đình nào không gạo nấu mà mình không hay biết thì kịp thời cấp cho.

            Lo cái ăn đã vất vả thì hà huống gì lo nổi cái bệnh trong người. Trên Núi Cấm đây, có mấy mươi hộ nghèo đói, người già bệnh tật không phải là ít. Nghèo khó khiến cho họ không có điều kiện khám chữa bệnh, phải cam chịu mang căn bệnh với những nỗi đau trong người. Ngẫm nghĩ lại, chúng tôi  thấy thương bà con nơi đây quá, tự hứa sau này sẽ tạo điều kiện mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho bà con trên núi và bà con xã Tân Lợi nói chung và hết thảy những người nghèo khổ bệnh tật nói riêng.

Tịnh Thất Lôi Âm được đặt tên theo Kinh Phổ Môn “Vân Lôi Cổ Xiết Điện”, Lôi là tiếng rền vang, dụ cho âm thanh của Phật thuyết rền vang như sấm, để hàng phục các ma oán, yêu tinh và cũng dụ cho Phật pháp được xiển dương. Chúng tôi  muốn kiến lập nơi đây thành đạo tràng Quán Thế Âm để thực hiện hành nguyện từ bi cứu đời và cũng để thắp lên ánh đuốc từ bi Quán Thế Âm để mọi người noi nơi đó tự phát nguyện trãi lòng thương yêu đồng loại con người, không vì lợi ích riêng mà tước đoạt hạnh phúc của người khác, hay là vì mưu cầu hạnh phúc trên sự khổ đau của người khác.

            Noi theo chư Phật, phát lòng Bồ-đề, thương tưởng hết thảy mọi người, thật sự chỉ muốn đem đến an lạc và hạnh phúc cho người, tuyệt nhiên không có tơ hào tư lợi cho bản thân là chúng tôi  chấp nhận dấn thân chịu khổ nạn không phải chỉ ngay giây phút hiện tại hoặc trong kiếp này mà mãi đến muôn kiếp về sau cũng vẫn sẽ chịu khổ nạn và phát nguyện dẫu có thịt nát xương tan hay chịu trăm cay ngàn đắng cũng thệ quyết nắm giữ Bồ-đề tâm, nguyện chỉ vì hạnh phúc và lợi ích cho muôn loài. Tất cả những hạnh nguyện này được xác lập bằng lòng tôn kính mười phương chư Phật, Bồ-tát, hiền thánh Tăng  và đức đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát và cũng qua sự minh chứng Quán Thế Âm Bồ-tát đã chứng được ngàn mắt ngàn tay ngay nơi hiện tại do phát lời thệ nguyện chân thật làm lợi ích cho chúng sanh trong thời quá khứ mà kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn đã nói.

            Gom hết những ý niệm này, chúng tôi  xin cất vào Như Lai Tàng và nguyện an trú vào tâm đại từ bi của chư Phật Bồ-tát, để cầu xin sự che chở hộ niệm cho chúng tôi và cho hết thảy chúng ta, để bắt đầu từ hôm nay, từ kiếp này đến mãi muôn kiếp về sau, chúng ta vĩnh viễn không bị đọa vào ba đường ác và nhanh chóng chứng được quả Bồ-đề tối thượng.

            Nguyện cho hết thảy những ai đọc được lời này đều phát khởi Bồ-đề tâm, phát nguyện hành Bồ-tát hạnh, cùng chúng tôi  thực hiện trọn vẹn mười hai Tông chỉ tu học của chùa Phổ Giác với mong mỏi tìm nguồn vui qua sự giúp đỡ người khác và sự an lạc giải thoát qua trí tuệ quán chiếu của Đức Quán Thế Âm Tự Tại Bồ-tát!

            Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát!

 

Tuần lễ kỷ niệm đức Phật A Di Đà!

Thích Nữ Diệu T

(*) Tên Tịnh Thất Lôi Âm là do chúng tôi tự gọi chớ chưa phải là cơ sở Phật giáo chính thức




Các tin đã đưa ngày :