Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Kỷ Yếu

Từ Thiện Qua Tinh Thần Phật Giáo

Chủ nhật, 31/01/2021, 22:04 GMT+7

“Cho vật chất là cho cái vui tạm thời, cho trí tuệ mới là cái vui dài lâu”

TỪ THIỆN QUA TINH TINH THẦN PHẬT GIÁO

   Từ thiện là một việc làm  tốt  mà  bất  cứ ai ai, bất cứ đâu đâu cũng đều hưởng ứng và làm theo.  Việc  thiện  này  không chỉ là người có tiền của mới có thể làm được mà ngay cả người nghèo thiếu, già cả, trẻ em, thậm chí là những người khiếm khuyết các căn cũng có thể làm được, vì việc thiện bao gồm cho vật thực, tiền của… cho đến sửa cái nhà, dẫn người già yếu qua đường, mua giúp ít đồ dùng…bất cứ cử chỉ hành động nào đem đến lợi ích cho người thì đó gọi là làm thiện. Việc làm thiện không chỉ bó buộc trong phạm vi người Việt, người Kinh, người dân tộc… mà còn bao gồm tất cả mọi người trên thế gian này.
 
   Ở các nước phương Tây, người làm việc thiện tự cho rằng, đây là lý tự nhiên, vì đó là tình đồng loại, giúp người cũng là việc mình cần phải làm và sự giúp đỡ một cách nhiệt tình mà không có đòi hỏi điều kiện gì cả.
Riêng các nước phương Đông, ngoài những việc thiện theo  tánh  đức  tự  nhiên  của một con người với nhau, người phương này còn coi trọng đến thuyết nhân quả. Đạo Khổng có   câu   “Tích   thiện   phùng thiện, tích ác phùng ác” nghĩa là làm việc thiện sẽ gặp điều thiện, làm việc ác sẽ gặp điều ác,  hoặc  là  “Bình  sanh  hành thiện thiên gia phước” nghĩa là hằng ngày hễ ai làm việc phước thiện thì ông Trời sẽ ban phước cho. Ngoài lý nhân quả là vậy, tinh thần Phật giáo còn tiến xa hơn nữa, làm việc thiện không phải chỉ được gặp điều lành tốt mà còn là để tạo nhân phước để sau này hưởng quả vui; hơn thế  nữa,  qua  việc  làm  thiện, người Phật tử sẽ dần tịnh hóa tâm hồn, giảm dần các tính khí xấu ác như tham, sân, si, ngạo mạn…đã bén rễ ăn sâu vào lòng người từ nhiều đời kiếp, giúp họ phát Bồ-đề tâm, phát Bồ-đề nguyện, và hành Bồ-đề hạnh, rốt ráo tiến lên Phật quả, không còn chịu khổ não nơi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nữa.
 
SAO GỌI LÀ TỪ THIỆN?
 
Từ thiện là cách gọi xuất phát từ nhà Phật. Vì chữ Từ là nói tắt của chữ Từ bi. Từ bi tuy là được dùng rộng rãi trong nhân gian, nhưng nó được ngầm hiểu là dành riêng cho đạo Phật. Nhà Nho gọi đó là lòng Nhân. Đức Chúa gọi đó là Bác ái, cũng đồng tính thương người, nhưng cách thức thể hiện thì có khác. Từ bi là lòng thương yêu, thương xót. Lòng thương yêu thương xót đây theo nhà Phật, không phải chỉ để dành riêng cho con người mà dành chung cho tất cả chúng sanh (tất cả những loài có tình thức hoặc không tình thức).
 
TỪ THIỆN THEO NHÀ PHẬT
 
Làm thiện là làm việc tốt với ba ý nghĩa: Thứ nhất, việc làm tốt này phải có lợi cho mình và người. Thứ hai, lợi ích này phải được kéo dài từ nhiều đời nhiều kiếp. Thứ ba là phải được bậc thánh trí khen ngợi. Từ nghĩa là nói tắt của hai chữ Từ bi “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ”. Từ là ban cho nguồn vui, Bi là nhổ sạch gốc khổ.
 
BA Ý NGHĨA CỦA VIỆC LÀM THIỆN
 
Lợi mình lợi người
 
   Lợi mình:
 
   Vun bồi hạt giống từ bi có sẵn trong mỗi con người; thấy cảnh khổ sợ quả khổ, tự hứa không dám tạo nhân khổ; hiểu được câu “trồng dưa đặng dưa, trồng đậu đặng đậu” mình cho giúp vật chi, thì sau này sẽ nhận lãnh thế ấy; thường hành lòng từ sẽ giảm bớt tâm tham lam chiếm hữu; tận tâm chăm sóc người đau bệnh, già yếu, chia sẻ một ít tiền quà cho người nghèo thiếu, khiến lòng mình bớt sân giận; trồng phước gặt phước, nhờ phước thoát khổ, không khổ không tạo nghiệp ác, để khỏi lãnh quả báo xấu nơi ba đường ác.
 
   Lợi người:
 
   Giúp người đỡ đói khổ trong một khoảng thời  gian;  bớt  buồn  tủi  mặc  cảm  cho  thân phận; thông qua cách thức từ thiện theo tinh thần nhà Phật của các thành viên đoàn từ thiện họ sẽ hiểu thêm: tính nhân quả, đức từ bi, việc tội phước…để từ đó không còn oán trời trách người, kính trọng học theo đức từ bi, nghĩ tội phước nên không tạo nhân ác, biết niệm Phật để tăng phước diệt tội.
 
 
 
Lợi ích này được kéo dài sang nhiều đời kiếp
 
   Quan niệm Từ thiện theo nhà Phật là cứu khổ giúp ngặt, có tính cách tạm thời trong một thời điểm nào đó, vì sợ người khổ không vượt qua định nghiệp, ở trong cảnh cực khổ tạo nhân xấu ác, để tương lai phải bị đọa trong cảnh khổ nên phương tiệp giúp cho họ bớt tạo nghiệp.
 
   Vì với cái nhìn Phật giáo, nghèo thiếu sẽ kéo theo hàng loạt nghiệp bất thiện như: sát sanh, trộm cắp, lường gạt, dối trá, gian lận, buồn hận, oán trách, thù ghét…vì sợ gây ra nhân xấu ác này, về sau con người phải lãnh lấy quả khổ nên chư Phật, Bồ-tát ban cho chút tiền của để họ có được của ăn của mặc, tránh tạo nghiệp vì nghèo thiếu.
 
   Còn người bố thí tự thấy nếu mình thiếu phước, cũng sẽ rơi vào cảnh khổ nạn, tạo nhân ác, tương lai lãnh quả khổ giống như người nhận bố thí cho nên thông qua việc làm thiện theo lời Đức Phật dạy để tích phước cho mình và cũng trưởng dưỡng thêm tánh từ bi, ngõ hầu sau này không phải lãnh quả khổ, dần dần hướng thiện để không còn sanh tử trong các đường khổ.
 
   Đức Phật dạy: Bố thí là phương tiện cứu cánh chớ không phải là mục đích cứu cánh. Vì bố thí là pháp mà người tu hạnh Bồ-tát phát tâm, là một trong sáu pháp ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ). Bố thí cho người nghèo thuộc phần thọ dụng vật chất, có thọ thì có dính mắc, có dính mắc thì có tham đắm, có tham đắm thì sẽ thọ khổ, vì tham sanh khổ, ái sanh oán, vì oán khổ nên trầm luân sanh tử. Cho vật chất là cho cái vui tạm thời, cho trí tuệ mới là cái vui dài lâu. Cho vật chất cũng như là dùng phương tiện để cứu mình ra khỏi vũng lầy, khi đã ra khỏi rồi thì nhất định phải bỏ phương tiện vật chất, nếu đặt nặng về bố thí vật chất thì Đức Phật và chư tổ xưa kia sẽ không bỏ ngai vàng để đi xuất gia đâu, bởi vì làm vua có nhiều của tiền bố thí, lại thêm có uy lực để khiến người khác làm việc bố thí. Vì vậy việc từ thiện bố thí phải nhắm đến cái vui cho cả hai và phải là cái vui dài lâu miên viễn, bằng không vô tình bố thí mà bị đọa vào cảnh giới thấp kém hơn cõi người. Ví như loài A-tu-la, có phước ngang trời, nhưng đức kém người nên bị xếp sau loài người. A-tu-la do bố thí nên được phước ngang trời, nhưng bởi sân hận trong khi bố thí nên bị đọa vào A-tu-la. A-tu-la nghĩa là sân hận.
 
   Thế nào là lợi ích dài lâu: không vì bố thí mà sát sanh, trộm cắp, nói dối nói gạt, mưu cầu lợi riêng; không cho những thứ tạo cơ hội cho người nhận tạo nghiệp dữ; không vì bố thí mà tăng trưởng sân hận, ngã mạn tự cao; không vì thế ỷ lại mà không tu thiện nghiệp; phát Bồ-đề tâm, Bồ-đề nguyện, Bồ-đề hạnh; học theo đức tánh từ bi và cách thức bố thí theo lời Đức Phật dạy. 
 
 
Được Bậc Thánh Trí Khen Ngợi
 
    Bậc thánh trong nhà Phật là những vị đã được đến chí ít là quả vị A-la-hán, không còn sanh tử luân hồi, có đủ lục thông, phi hành biến hóa…Trí là trí tuệ. Trí tuệ không phải là sự hiểu biết mà là sự thấy rõ nhân duyên hòa hợp, nhân duyên tan rã của các pháp, hay nói đúng hơn là thấy thật tướng của các pháp. Các bậc A-la- hán vì đã dứt sạch phiền não, không còn chút mầm móng ác nào trong người, không còn tham nhiễm bất cứ thứ gì ở đời, nên phát sanh trí tuệ, nhận biết rõ việc đúng sai, tà chánh, thiện ác… Trí tuệ của các Ngài là do quán chiếu tu tập mà được.
 
    Hiện nay các bậc thánh xuất thế rất hiếm gặp, đó cũng là do nghiệp chướng của chúng ta sâu dày, ý niệm và hành nghiệp bất thiện quá nhiều, nên không thấy được thánh Tăng. Tuy không có Thánh Tăng nhưng vẫn còn Phàm Tăng, dẫu không được trí tuệ rốt ráo, nhưng các Ngài cũng được văn tự bát nhã, tức trí tuệ dựa trên những gì Đức Phật dạy trong kinh, các Ngài sẽ dựa vào những gì Đức Phật dạy qua việc tu phước bố thí để hướng dẫn cho chúng ta hành thiện một cách trọn vẹn, lợi ích nhất, để người Phật tử hiểu rõ thêm về việc làm phước thiện, tránh vì sơ sót thiếu hiểu biết nhất thời mà đánh mất tâm Bồ- đề, vì đó mà rơi rớt lại thì thiệt là uổng tiếc; rồi thông qua việc hành thiện, tích phước chứa đức đây, các Phật tử được kết hợp với chư tôn đức Tăng-Ni, cùng nhau đích thân chia sẻ tận tay các món quà từ thiện đến bà con nghèo bằng tâm từ ái, hiểu thương, thông cảm với thái độ cung kính, ân cần, từ tốn, nhẹ nhàng và nụ cười hàm tiếu luôn nở trên môi, khởi tưởng tâm từ bi vô hạn độ đến người nhận chia sẻ nhằm tạo nên chất dinh dưỡng, nuôi lớn Bồ-đề tâm của chính mình.
 
 
THẾ NÀO LÀ TỪ BI?
 
   Từ năng dữ lạc: dữ nghĩa là cho, lấy một vật của mình có sẵn đưa cho người khác thì gọi là cho. Lạc là vui, là trạng thái tâm lý hài lòng, đắc ý. Dữ lạc là cho niềm vui. Muốn cho niềm vui thì bản thân mình phải có tràn ngập niềm vui, không có buồn rầu, không có khổ não…được vậy thì việc ban vui mới được mười phần trọn vẹn. Tại sao phải cho niềm vui? Vì con người sống trên thế gian này, do nghiệp buộc ràng nên phần nhiều phải chịu buồn khổ. Buồn vì gia đình ly tán, buồn vì lỗ lã bán buôn, buồn vì con cái hư hỏng, buồn vì tiền của tốn hao, buồn vì bệnh nặng hoành hành, buồn vì bất an gia đạo, buồn vì cửa nhà xào xáo… cho niềm vui nghĩa là làm cho họ không còn các điều sầu khổ như trên nữa. Tổ Quy Sơn có dạy: “phàm vì nghiệp buộc ràng nên mới có thân này, vì vậy không sao tránh khỏi lụy” các hệ lụy của thân như cơm áo gạo tiền, sang hèn giàu nghèo, ghét thương thân lạ, anh em chồng vợ, cha mẹ con cái, thành bại được mất…khiến cho con người không được toại ý, từ đó sanh ra buồn khổ.
 
   Bi năng bạt khổ: bạt nghĩa là rút, nhổ, nghĩa là dùng tay rút nhổ. Khổ là đau khổ, khổ đây là do thiếu phước, nghiệp dày, nên sanh ra trong gia cảnh nghèo hèn đói rách, đui điếc câm ngọng, bị người lăng nhục, khinh bỉ cười chê…sống trong khổ sở. Vì cái khổ này là do nghiệp lực từ nhiều đời kiếp trước gây nên, nên gốc rễ sâu dày, cộng thêm có nhiều nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, cho nên phải dùng tay cố sức nhổ lên.
 
   Làm từ thiện theo nhà Phật không phải chỉ riêng về cho phần vật chất mà rộng ra ý nói bao gồm tất cả những suy nghĩ, lời nói, hành động bố thí chia sẻ của những người làm từ thiện nhằm mục đích đem đến niềm vui, dứt trừ khổ não cho những người có hoàn cảnh bất hạnh nghèo thiếu và cũng cho chính bản thân chúng ta nữa!
 

Sư cô Thích nữ Diệu Từ


Các tin đã đưa ngày :