Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Kỷ Yếu

"Cô Cho Tôi Xin 15 Kg Gạo Được Không?"

Chủ nhật, 31/01/2021, 20:40 GMT+7

"Cô Cho Tôi Xin 15 Kg Gạo Được Không?"

 

 

   Đó là lời hỏi của bà Nèn-sray, 77 tuổi, bà hiện đang sống tại xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

   Hai vợ chồng bà không có con cái, sống bằng nghề ăn xin. Ông bà sống với nhau trong một mái nhà tranh nghèo. Ngôi nhà được dựng sơ sài, hay nói đúng hơn là chỉ có mấy cột tre nhỏ gá lại với nhau. Trước đây nhà của hai ông bà vốn không có nóc, sau được nhà nước cho tole lợp, còn vách thì hai ông bà tự đi lượm bao xi- măng về dựng đỡ.
 
 
   Ngày đầu tiên chúng tôi đến nhà bà, khi biết chúng tôi đến cho gạo và nghe khẩu phần của mỗi người chỉ được 10kg thôi. Bà vội hỏi:
 
   - Cô cho tôi xin 15 ký gạo được không?
 
   Câu nói của bà làm tôi thấy đau lòng. Chỉ có 15 ký gạo có đáng là bao mà bà phải nói thế? Tôi suy nghĩ như vậy.
 
   Nhìn cảnh tượng ngôi nhà, tôi cảm thấy chua xót cho thân phận hai ông bà như thể chua xót cho chính bản thân mình vậy. Căn nhà trống huơ, không có bất cứ thứ gì giá trị hay nói đúng hơn là nó không phải là một căn nhà vì không có bàn ghế, giường tủ...chỉ có bộ phản nằm được ghép bằng mấy thanh gỗ mỏng mà mình gọi là giường, thực chất thì nó cũng sắp rệu rồi, đó là chỗ ngủ nghỉ và có lẽ cũng chính là tài sản duy nhất có giá trị trong nhà.
   
   Nói là hai bên vách chớ thật ra chỉ là những thanh tre được đan qua loa chủ yếu là gài lại với nhau chớ không có trật tự thứ lớp gì cả. Và nói là bao xi-măng dựng vách thực chất cũng chỉ có mấy miếng mà thôi, không che nổi căn nhà. Nhưng cũng may được nhà nước thương tình cho tole lợp lại mái nhà chớ nếu không thì lấy gì trú ngụ đây?
 
   Tôi bước lại gian bếp, khói lạnh bếp tàn, dù giờ này đã trưa mà vẫn không có dấu hiệu gì là nấu nướng. Tôi trở lại bên ông, nhìn thấy tay chân móng ra dài lấm bụi đất, tôi vội kêu chú Mum, người dân tộc ở địa phương đi lấy dùm cây kiềm để tôi cắt móng cho ông. Trong lúc cắt móng, khựi bụi đất bên trong, thấy màu khác lạ không giống đất, tôi hỏi thì được biết đó là phân bò, nó bị bám lại sau những lần ông chăn bò, nó là minh chứng của tuổi già bị bỏ quên. Thương quá!
 
 
   Chuyện trò giây lát thì bà Nèn-sray về, trên tay có cầm một miếng bắp cải và một tép hành. Tôi hỏi ở đâu bà có. Bà nói là mua bằng tiền đi xin và nói đây là khẩu phần duy nhất của hai ông bà trong ngày. Tôi hỏi thăm hoàn cảnh. Bà nói là mình đang bị chứng bệnh ruột thòng vừa mới mổ xong. Bà tâm sự:
 
   - Vợ chồng tôi già rồi, lại nay đau mai ốm, đi đứng còn khó khăn nữa chớ nói chi đi xin. Nhưng ngặt nỗi, nếu không đi xin thì biết lấy cái gì ăn.
 
   - Vậy thôi bà đừng đi xin nữa, chùa sẽ phát gạo cho hai ông bà được không? Tôi nói với bà.
 
   Bà nói: “Nếu Cô cho gạo thì tôi sẽ không đi xin nữa. Nhưng mà, Cô cho tôi xin 15 ký gạo có được không? Vì tôi có hai vợ chồng mà.” Một câu nói chứa đựng biết bao yêu thương và sự chua xót. Tôi gượng cười cất tiếng đồng ý để ông bà được vui. Tôi lại đỡ bà ngồi xuống và cũng cắt móng tay chân cho bà giống như ông. Và cũng giống như ông, hai móng tay chân bà đóng đầy bụi đất hay nói đúng hơn là phân bò. Tôi khựi từng vết bụi bám vào móng tay chân của bà mà tự nghĩ giống như khựi đi những nghèo khó đang bám chặt vào chính con người bà hay là khựi bỏ những phiền não bất thiện đã bám sâu vào tâm thức của tôi từ bao đời.
 
 
   Ai cũng có nỗi lo cơm áo gạo tiền, nhưng chỉ cần có 15 kg gạo hàng tháng để giúp cho hai người bớt lo vì cái khổ nghèo thiếu thiết nghĩ nó không đáng giá là bao nhưng lợi ích thì to lớn vô cùng. Sau khi đọc dòng cảm nhận này, mong rằng tất cả chúng ta trải lòng với nỗi khổ niềm đau của các cụ mà nhín bớt phần ăn mặc, chia sẻ lại một ít thức ăn vật mặc để các cụ đỡ dạ buổi hôm sớm, ấm lòng lúc chiều đông. Được vậy thì hạnh phúc lắm thay!
 
   Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát!
 
Phổ Giác, mùa vía Phật A-di-đà, năm 2015
 
Thích nữ Diệu Từ cảm ghi!



Các tin đã đưa ngày :