Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Kỷ Yếu

Phó Mặc Cho Cái Đau !

Chủ nhật, 31/01/2021, 20:35 GMT+7

PHÓ MẶC CHO CÁI ĐAU !

   Mấy mươi năm trước lúc còn khỏe, ông lên núi gánh củi mướn cho người ta, do lao động quá mức lại ăn không đủ chất nên sức khỏe mau chóng yếu đau, bây giờ ở lứa tuổi 65, ông bị đau khớp chân, trong đó có một chân bị teo, đi đứng khó khăn, nên thường ngồi một chỗ. Ban đầu ông ra sân giăng võng ngồi cho mát, sau thành thói quen, đi đứng khó khăn nên ông cứ ngồi mãi ngoài sân mặc cho trời nóng bức, từ sáng sớm đến tối mới vào nhà.
  
   Ông tên là Châu-sôi, sinh năm 1948, ngụ tại xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, dân tộc Khơ-me. Ông có sáu người con: năm gái, một trai, vợ ông đã qua đời sớm. Người con trai đi làm thuê ở Cam-pu-chia đã lâu lắm không về nhà. Bốn cô con gái thì đã lập gia đình, hiện đang ở xa, gia cảnh của bốn cô cũng nghèo khó nên ít về thăm nhà. Hiện ông đang sống với hai vợ chồng cô con gái thứ tư 29 tuổi và ba đứa cháu ngoại.
 
 
   Ông bị hư hết một con mắt năm 16 tuổi. Chúng tôi hỏi lý do thì ông nói là do ăn bầu(?!) (Người dân tộc Khơ-me rất kỵ ăn bầu). Ông kể, trước đây nhà nghèo con đông, nên ông phải cật lực làm việc mới đủ nuôi sống cho gia đình. Hiện giờ già rồi, lại thêm căn bệnh đau khớp khiến một chân bị teo, không có tiền chữa trị nên cứ mặc cho căn bệnh hoành hành. Đi đứng khó khăn nên ông thường xuyên ngồi, riết rồi thành quen ít vận động nên bệnh càng nặng thêm.
 
   Con rể ông làm thuê mướn (ai mướn gì làm nấy như phụ hồ, nhổ cỏ..) ngày được khoảng 100 ngàn nhưng cũng thường hay thất nghiệp. Còn  cô  con  gái  thì  hàng  ngày  quét  lá  cây trong vườn nhà người ta gom lại đem bán cho những người nấu đường thốt-nốt, cứ 2 bao là 15.000đ , mỗi ngày lượm được 3-4 bao, nhưng cũng có khi không được vì chủ đất không cho.
 
   Căn nhà ông đang ở cũng thuộc diện tạm bợ, trước đây chúng tôi  đến thì nó sập xệ hư mục. Sau, nhà nước cho tole lợp, con rể và con gái ông mới xin cây làm cột, xin lá dựng vách...có được đồng nào thì tu bổ vô đồng đó nên “hôm nay mới được như vầy”. Xung quanh được che chắn tạm bợ bằng mấy tấm lá cũ xin lại của người ta, củi bếp lạnh tanh, không có vật dụng gì cả ngoài chiếc tủ áo của vợ chồng cô con gái và mấy đứa cháu ngoại.
 
   Hiện nay nguồn sống chủ yếu của ông và gia đình chỉ trông vào những ngày có việc làm của con rể và con gái, nếu có làm thường xuyên thì mỗi ngày cũng được khoảng 130.000đ, bấy nhiêu đó cho sáu miệng ăn, chưa kể những lúc thất nghiệp thì coi như đói. Hiện nay chùa cho thêm gia đình Ông mỗi tháng 10kg gạo, thỉnh thoảng có thêm đường, bột ngọt hoặc vật thực khác cũng đều nhín chia sẻ cho ông và cũng chu cấp thêm một phần thuốc thang để ông đỡ đau nhức. Về lâu dài chúng tôi dự định sẽ lập phòng khám kếp hợp đông tây y để khám chữa bệnh cho các cụ. Hình thức hoạt động bằng cách kết hợp với các bác sĩ đông tây y hỗ trợ kinh nghiệm hướng dẫn bước đầu. Về phương diện quản lý điều hành, hiện nay chúng tôi  cũng đã cử bốn người đi học chuyên việc khám chữa bệnh này về bốn mảng châm cứu, bấm huyện, bắt mạch chẩn đoán và bào chế thuốc nam thành viên. Vì dân chúng ở đây lam lũ nghèo khó, phải bươn chải tối ngày để mưu sinh, không có thời gian sắc thuốc uống. Thương người thì thương cho trót, khám bệnh cho thuốc mà không có điều kiện sắc thì coi như không, nên phải tính đến việc  bào  chế  thành  viên  cho  họ  tiện  uống.
 
 
   Ngoài việc cảm thông chia sẻ cho bệnh tình và gia cảnh của ông, một điều nữa khiến chúng tôi  băn khoăn lo nghĩ đó là ba đứa cháu ngoại của ông. Nhà nghèo thế này, cơm không đủ ăn thì lấy tiền đâu mà đi học; về lâu dài, tương lai của các cháu sẽ ra sao? Điều lo ngại nhất đó là sự nghèo đói, thất học của các cháu sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy: thiếu nhận thức khoa học - đời sống, thiếu nhận thức suy tính trong công việc mưu sinh, là mầm móng cho sự đói khổ của con cháu sau này... Việc giúp cơm ăn, áo mặc, bệnh tật chỉ là tạm thời, vấn đề thất học, công ăn việc làm, nhận thức đúng đắn về đời sống để biết cách giữ gìn sức khỏe, tránh bệnh tật hoặc giảm bệnh tật, hay để không sanh con đẻ cái nhiều, lo không nổi lại khổ cho cả hai cũng như xã hội, thì đây là vấn đề chính, phải cần sự quan tâm và chia sẻ của toàn xã hội.
 
   “Chúng sanh bị khổ ách, vô lượng khổ bức thân, Quán Âm sức trí diệu, năng cứu khổ thế gian...” nhớ lại câu kệ trong Kinh Phổ Môn đây nói về hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ- tát có lòng đại từ đại bi thương tưởng đến những chúng  sanh  đang  bị  khổ  ách,  với  nhiều  nỗi bức bách không kể xiết, Ngài đã dùng phương tiện trí tuệ không thể nghĩ bàn thị hiện nhiều phương  chước  để  độ  chúng  thoát  khổ,  lắng nghe nỗi khổ và phát nguyện cứu khổ là hạnh nguyện của Bồ-tát nói chung và Đức Quán Thế Âm Bồ-tát nói riêng, chúng tôi  tự nhủ lòng sẽ cố gắng noi theo hạnh nguyện của Bồ-tát cứu giúp được gì cho người thì sẽ cố gắng hết sức. Noi theo hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ- tát là vì cảm kính đức từ bi của Ngài, dẫu biết rằng việc làm của mình không có đáng là bao và tự thân cũng không nghĩ đây là việc làm thiện mà chỉ biết rằng đây là tánh đức của người con Phật, đó còn gọi là luân thường, chỉ là bước khởi đầu của người học Phật tiến đến giải thoát vậy.
 
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát!
 
 
Năm 2015
 
Thích nữ Diệu Từ kính ghi!



Các tin đã đưa ngày :