Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Cạnh Tranh Chớ Không Nên Đấu Tranh

Thứ hai, 04/11/2013, 08:29 GMT+7

CẠNH TRANH CHỚ KHÔNG NÊN ĐẤU TRANH

Nguyên tác: Pháp sư Thánh Nghiêm

Dịch giả: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

Lời Tựa

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “Cạnh Tranh Chớ Không Nên Đấu Tranh!” Chúng Tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng Tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng Tôi thành tâm cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ-tát từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

                                                                                                                                                                                                         Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

 

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

 

 

KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ CẠNH TRANH

*****

 

Có một người cảm khái nói với Tôi: "Giới học thuật ngày nay rất đen tối, đấu đá nhau rất dữ dội." Theo lý mà nói thì các vị học giả có trình độ học vấn cao, suy nghĩ sâu xa, đầu óc thông minh, lý ra càng phải hiểu và tha thứ cho đôi bên và giúp đỡ cho nhau hơn, chớ không nên có dịp là Tôi đấu Anh tranh. Nhưng thông thường, người có trình độ học vấn càng cao thì ngược lại sự đấu đá với nhau càng dữ hơn. Dưới thì vì tranh quyền, tranh danh, tranh lợi. Trên thì vì tư tưởng, quan niệm, kiến giải khác nhau mà cứ giằng co mãi.

Hiện tượng này nơi đâu cũng có. Chỉ cần nơi nào có con người thì nơi đó sẽ có cạnh tranh. Lý do không phải là Anh coi thường Tôi mà là vì Tôi ngạo mạn hơn.

Có người hỏi Tôi "Thầy có bị ai cạnh tranh chưa? và bản thân Thầy có phải chưa từng cạnh tranh với ai không?" Tôi trả lời là không. Tuy nhiên nhà bác học Darwin có nói: "Loài vật cạnh tranh nhau là lý tự nhiên. Loài nào thích nghi thì tồn tại" Nhưng sự cạnh tranh này là thuộc tánh của động vật chớ không phải là tánh của con người và càng không phải là Phật tánh, nó chỉ mang đến phiền não cho nhân loại mà thôi.

Cho nên sự cạnh tranh thuộc tính động vật khiến cho người khác vì đó mà phiền não đây, tốt nhất chi bằng chúng ta chuyển nó sang hợp tác trên tinh thần cùng sanh tồn, cùng hưởng lợi thì hơn.

 

NGOÀI MÌNH CÒN AI

*****

 

"Ngoài mình còn ai" là nói lên thái độ dũng cảm gánh lấy, nhưng cần phải dựa trên nguyên tắc tâm từ bi và hạnh trí tuệ mới có thể thể hiện lên tinh thần chân chánh. Ví như có một công việc nào đó người kia có thể làm được, nếu họ không làm thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của họ, vậy thì ta hãy nhường việc đó cho họ làm. Còn ngược lại, nếu biết rõ việc này nếu mình không ra tay mà để người khác làm và chắc chắn sẽ gây thiệt hại đến nhiều người thì mình phải tranh lấy mà làm. Mình làm vậy không phải là vì mình mà là vì mọi người.

Vấn đề là ở chỗ chúng ta phải làm sao để phán đoán lúc nào nên nhường cho người khác làm, còn khi nào mình phải tranh lấy mà làm? Phải xác định thế nào để biết chắc là người khác làm kém hơn mình? rồi làm thế nào để khẳng định năng lực của mình đủ mạnh? Trước hết, nhìn từ góc độ từ bi trong Phật pháp, nếu người cạnh tranh với Bạn không có được vị trí này thì họ sẽ không sinh sống được, còn Bạn có mất đi vị trí này thì cũng còn đường khác, vậy tại sao Bạn lại không nhường họ, cho họ một con đường? Chúng ta không nên cho rằng, việc này chỉ có mình mới làm được còn người khác thì không.

 

CHIẾN TƯỚNG BẬC THƯỢNG

*****

Trong kinh Pháp Cú có câu "Hàng ngàn kẻ thù, một người chiến thắng, không bằng tự thắng, thắng mình hơn hết." Ý của bài kệ này là nói, nếu dùng sức mạnh của một người đánh bại ngàn vạn kẻ địch thì tất nhiên người đó là một chiến tướng dũng mãnh rồi; thế nhưng cũng chẳng bằng chiến thắng phiền não của chính mình, chiến thắng này mới có giá trị. Bốn câu kệ trên có ý nghĩa là "Kẻ thù lớn nhất đó là chính mình"

Quả thật là như vậy, trong chiến trường nhân sinh, ngàn quân vạn mã, sát khí đằng đằng, một vị tướng quân bách chiến bách thắng khi lâm trận cho dù có thể hạ gục vạn quân, liên tiếp chiến thắng, công trạng to lón, khiến cho địch quân thua chạy ngã rạp, nhưng ngược lại, trong lòng  họ chưa chắc là đã có được sự bình an, tự tại, hoan hỷ.

Giống như Napoléon lúc đương thạnh, cơ hồ như là thống trị nửa địa cầu, nhưng sau khi chiến bại, Ông bị giam cầm trên một đảo nhỏ và phải chịu cảnh buồn phiền đau khổ, không sao giãi bày. Ông nói "Ta đã chiến thắng vô số kẻ địch nhưng ngược lại không thể chiến thắng lòng mình" Qua đây chúng ta có thể thấy, người chiến thắng được lòng mình mới là một chiến tướng bậc thượng am hiểu về chiến trận nhất.

 

CẠNH TRANH CÓ TÍNH LÀNH TỐT

*****

 

Có người hỏi Tôi, trong cạnh tranh làm thế nào đừng để tham cầu quá mức? Trong cạnh tranh có phải cần vì lợi người, và để cho nhiều người hơn được hưởng phước lộc trong cạnh tranh?

Tôi nói, trong Phật giáo không phải chỉ biết chủ trương thoái lánh, tiêu cực. Lòng tham vốn luôn có tốt có xấu. Sự tham muốn đem đến lợi mình và lợi người thì phải đáng được cổ vũ. Tham muốn nếu chỉ thuần lợi mình mà hại người thì nên bỏ đi.

Trong Phật pháp có nói đến nhân duyên, con người không thể tách rời số đông mà sống cho riêng mình. Do đó trong đời sống hằng ngày, bất cứ chúng ta làm việc gì, nhất định cũng đều có mối quan hệ mật thiết với người khác. Khi chúng ta dấy khởi tham muốn, cần phải xác định cho rõ, sự tham muốn này chỉ thuần là có lợi cho riêng mình hay là có lợi cho cả hai mình và người? sau khi suy xét thấu đáo biết rõ đây là lợi chung thì phải tích cực tranh thủ cơ hội mà làm. Nói thêm một mức thì cạnh tranh có nghĩa là vậy.

Nếu cả hai bên đều được lợi ích từ sự cạnh tranh, chẳng hạn như đua thuyền thì cả đoàn người thi nhờ cuộc đua này mà đạt được mục đích vận động có sức khỏe . Sự cạnh tranh có tánh lành tốt này rất đáng được cổ vũ.

 

ĐỪNG TRÁCH MÌNH VÌ HƠN NGƯỜI

*****

 

Có người hỏi Tôi "Nếu như nơi mình làm việc là một thế giới cạnh tranh có tánh ác như chó tranh mồi, vậy mình phải cạnh tranh với người như thế nào đây?" Trong công việc buộc mình phải thắng trong cạnh tranh. Làm vậy không phải là khiến cho người cạnh tranh chịu khổ sao? Nhưng nếu như giúp người cạnh tranh thì đồng nghĩa là coi như mất đi phần công việc của mình. Vậy phải con làm thế nào đây?

Tôi nói, việc cạnh tranh trung thực chưa hẳn là điều xấu. Hãy nhìn thái độ của một người để xem họ cạnh tranh bằng phương thức nào? Thái độ cạnh tranh đúng đắn đó là sự nổ lực hướng tới, đồng thời cũng mong muốn người cạnh tranh với mình cùng nổ lực hướng tới. Cũng giống như cuộc thi bơi lội, Tôi bơi hướng của Tôi, Anh bơi hướng của Anh chớ không phải quật ngã người khác để mình tiến tới.

Anh làm vậy không phải là sai và đây cũng không phải là điều mà Anh cần phải bận tâm. Trong một lãnh vực, người thất bại vẫn còn phải sống nữa chứ; hơn nữa người ta vẫn còn có thể thành công trong lãnh vực khác.

Nhưng nếu làm một nghề nghiệp mà sự cạnh tranh có tính ác liệt thì tốt nhất chúng ta nên suy xét cho kỹ để tìm một công việc khác thích hợp hơn.

 

ĐỐI LẬP LÀM NẢY SINH Ý SÁNG TẠO

*****

 

Ở Đài Loan có hai nhà máy lớn thuộc khoa học kỹ thuật cao rất nổi tiếng đó là công ty Đài Tích điện và Liên điện. Có lần nọ Tôi gặp mặt ông Tào Hưng Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Liên Điện. Tôi nói với ông ấy bằng giọng nửa đùa rằng "Có người nói rằng công ty Đài Tích Điện là kẻ thù của ông"

Ông ấy trả lời: " Không! Đài Tích Điện là đối thủ đáng kính của Tôi" Lại có một lần khác, Tôi gặp người phụ trách của một công ty thực phẩm và hỏi thăm mối quan hệ giữa ông với một công ty thực phẩm nọ. Trái lại với thái độ trước, Ông ấy nhăn nhó nói với Tôi: "Đó là công ty đối thủ của Tôi". Ông ấy nói vậy là đứng về phương diện kinh doanh, số lượng khách hàng có hạn, có thêm một nhà kinh doanh thì sẽ làm bớt đi số lượng người tiêu dùng.

Thật ra, việc đối lập không hẳn là một điều xấu. Cũng có khi, lập trường trái ngược giữa đôi bên, thường cũng có thể kích phát làm nảy sanh ý sáng tạo. Cũng giống như học vấn, vì lý niệm khác nhau, giữa hai bên có sự nổ lực phản biện, nên ngược lại có thể qua đó mà càng biện càng sáng tỏ vấn đề; cho dù là trên thương trường, nếu việc cạnh tranh đồng mặt hàng một cách hợp lý thì thường khiến cho người tiêu dùng hưởng được nhiều lợi ích hơn.

 

CHIẾN CÁ

*****

 

Con người vốn sẵn có tánh lương tri, nhưng vì tìm cầu sự sanh tồn mà phải cạnh tranh nhau, rồi lại vì cạnh tranh mà có người không từ mọi thủ đoạn, tranh đoạt giết hại nhau; đã vậy đến chết cũng không nhận sai, không tin mình có lỗi, cho rằng người khác ép mình đến mức này. Hạng người này cũng giống như chú chiến cá thả vào trong chậu, sẽ gây tổn hại cho chú cá đối phương.

Khi gặp phải hạng "chiến cá" chuyên đấu đá với người ta đây, nếu bản thân chúng ta không làm chú chiến cá, không xung đột trực diện với họ thì một chú chiến cá đơn thân sẽ không thể làm gì được khi không có đối thủ đấu đá, cho dù là họ có chủ động đến gây chiến, chúng ta cũng có thể tạm lánh đi nơi khác để cho họ không có lực điểm bám lấy mà đấu đá.

Cứ dần dần như vậy, chú chiến cá này sẽ trở thành chú cá hiền lành ôn hòa, sẽ không còn muốn tìm người đấu đá nữa.

 

CHÂN CUA THUA ĐẠN ĐẠO

*****

 

Tôi thường khuyên các đệ tử  "Sự bận rộn của chúng ta là tinh tấn chớ không phải cạnh tranh" Trong công việc, các con không cần phải so tài cao thấp, tranh công đổ lỗi với người khác để chứng minh tài năng của mình.

Nếu một người nghĩ rằng: Mình nhất định phải mạnh hơn người đó một chút, mình tuyệt đối không cam chịu làm kẻ đứng chót v.v...Xin hỏi các Bạn, đây là tinh tấn hay là cạnh tranh? Là cạnh tranh. Vì Bạn lấy người khác làm đối tượng so tài để hơn thua. Còn tinh tấn nghĩa là Bạn làm bao nhiêu thì tính bấy nhiêu. Khả năng Bạn học bao nhiêu thì Bạn học bấy nhiêu, chỉ mong là dốc lòng, dốc sức, hết trách nhiệm và bổn phận, đây là sự giao ước của chính mình với mình.

Các Bạn đừng vội nghĩ rằng: "Những người xung quanh đang chạy nhanh hơn mình, mình thật theo không kịp, thật là quá xấu hổ!" Tuy đôi chân của người là đạn đạo, còn mình chỉ là chân cua, nhưng chân của Bạn đã vậy thì chỉ có như vậy. Bạn hãy nên vui hưởng cái ưu điểm của chân cua.

Tuy chúng ta không cạnh tranh với người, nhưng tự thân mình phải nổ lực tiến lên, phải cố thể hiện sự tận tâm, tận lực, tận chức, tận phận của mình.

 

ĐỐI THỦ ĐÁNG KÍNH

*****

 

Trong thời gian tuyển cử, chúng ta thường nghe nhân vật chính trị nói: "Đây là đối thủ đáng kính" hoặc giả là nói một người nào đó là "Đối thủ đáng sợ" hay thậm chí còn buông lời "Đối thủ đáng ghét"

Trong cách nghĩ "Đối thủ đáng kính" tuy là cả hai đối lập nhau, nhưng ngược lại không phải là kẻ thù của nhau. Còn trong phần "Đối thủ đáng ghét" thì đủ đầy ý thù ghét.

Sự đối lập là phản ánh lập trường bất đồng giữa đôi bên, còn đối địch nghĩa là "Nếu Anh không chết thì Tôi chết" Người có trí tuệ thật sự là người không có kẻ thù, vì về phương diện cạnh tranh, đối thủ đã đáng kính như vậy thì làm sao mà là kẻ thù với mình cho được?

Như có một nhà chính trị có nói "Tôi không có kẻ thù nào khác, kẻ thù của Tôi đó là chính Tôi" Không coi đối thủ là kẻ thù, chỉ cần mình sửa lại khuyết điểm của chính mình thì coi như thiên hạ này mình vô địch. Đây là câu nói hơi có trí tuệ vì người có trí tuệ là người không có kẻ thù.

Trong trận tuyển chiến kịch liệt mà vẫn có thể coi đối phương như là "Đối thủ đáng kính" thì người này đã thể hiện đầy đủ khí phách của dân chủ. Sự cạnh tranh giữa các nhân vật chính trị không nhất định phải là Anh chết Tôi sống mà phải là bổ khuyết cho nhau.

 

ĐỂ MỌI NGƯỜI ĐỀU TIẾN BƯỚC

*****

 

Tôi thường nói "Trong buôn bán việc cạnh tranh là điều bình thường" Nếu nói theo nhà Phật từ bi là không cạnh tranh thì Bạn sẽ không thể trưởng thành và khi đối diện với người khác mình cũng thật sự có được sự lợi ích. Có cạnh tranh thì xã hội mới được tiến thêm lên, phồn vinh hơn, có đối thủ thì mình mới làm tốt hơn.

Như Tôi đây khi thành lập sở nghiên cứu, lúc bấy giờ có một mình nên cảm thấy rất cô đơn, vì không có đối tượng giúp Tôi để mình biết làm thế nào cho công việc được tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn. Về sau có một sở nghiên cứu khác được thành lập, khi đó, tuy Tôi cảm thấy áp lực rất là lớn, nhưng ngược lại cũng rất vui, vì một bàn tay không thể vỗ nên tiếng, hai bàn tay cùng vỗ thì mới phát ra tiếng và mới có sức mạnh hơn. Cho nên cạnh tranh là điều tất yếu. Nhưng việc cạnh tranh phải mang tính lành tốt, phải mang đến điều lợi cho mình và xã hội, phải làm sao cho mọi người đều cùng tiến bước.

Việc cạnh tranh thất bại là biểu hiện người đó không đủ năng lực, trí tuệ, chuyên môn. Vậy phải nên nổ lực tìm sự cải tiến.

 

LÀ NGƯỜI ÂN CHỚ KHÔNG PHẢI KẺ THÙ

*****

 

Có hai hình thức cạnh tranh, một là kiểu ma-ra-tông, hai là kiểu nốc-ao. Mục đích của kiểu nốc-ao là phải hạ gục đối phương, khiến cho đối phương bò không nổi. Đây là hình thức đấu tranh thuộc bản năng của động vật, kẻ mạnh nuốt yếu. Việc cạnh tranh có nhân tính thích hợp thật sự đó phải là hình thức cạnh tranh giống như là ma-ra-tông hay là cuộc thi tiếp sức vậy.

Hình thức cạnh tranh này là đứng về lập trường quan điểm bình đẳng của mọi người với nhau, cổ vũ mọi người tự dựa vào năng lực bản thân, cố sức chạy về phía trước, không cần phải so tài với người khác coi là chạy nhanh hay chậm hơn mình.

Ông Thi Chấn Vinh, một nhà kinh doanh đã có đưa ra quan niệm giống như vậy. Ông ấy cho rằng kinh doanh chính xác đó là trợ giúp người khác kinh doanh.

Tuy nhiên, trong quan niệm thông thường của người ta, thương trường cũng giống như chiến trường, đối thủ trên thương trường cũng chính là kẻ thù. Nhưng quan niệm chính xác phải là, người cạnh tranh trên thương trường thật ra là người ân của chúng ta. Vì có người cạnh tranh sáng suốt nổi trội, mới có thể khiến chúng ta nhanh chóng không ngừng cải cách, sáng tạo. Đây cũng chính là một nguồn động lực khiến cho xã hội tiến lên.

 

KHÔNG MẮC MƯU

*****

 

Nếu Bạn gặp phải đồng nghiệp vì muốn được thăng chức mà định dùng mọi cách để phát tán thư nặc danh để đả kích mình. Bấy giờ Bạn có định tiếp tục làm chung với người này nữa không?

Trong công ty, khi gặp phải tình cảnh này, Bạn có thể trực tiếp xin với ông chủ được thuyên chuyển công tác. Nếu ông chủ hỏi lý do thì Bạn có thể nói thẳng "Có đồng nghiệp muốn cạnh tranh với Tôi, nếu Tôi thuyên chuyển sang chức vụ khác thì có phải là tốt hơn không?" Tuy là trong công việc, sức cạnh tranh của Bạn không bằng họ, nhưng họ dùng thủ đoạn ác liệt để đối phó với Bạn, điều này không chỉ không tốt cho riêng Bạn mà còn cho cả công ty nữa.

Tiếp theo đó, Bạn hãy thử xem trí tuệ của ông chủ thế nào? Ông chủ không có trí tuệ thì sẽ điều động Bạn sang công việc khác một cách hồ đồ, rồi cho người ấy thăng chức. Hạng chủ cả như vậy, không đáng để Bạn tiếp tục theo làm.

Khi đối diện với công việc, cạnh tranh phải có trí tuệ để chúng ta quyết định bỏ hay giữ, nhẫn đến dùng trí tuệ ung dung ứng phó. Khi thiếu trí tuệ, chúng ta sẽ vì áp lực cạnh tranh mà đau khổ. Khi có trí tuệ thì tự nhiên sẽ biết được là nên cho đi hay giữ lại, thậm chí là không để ý đến cuộc chiến trường kỳ này.

Người ta muốn Bạn phải buồn, còn Bạn thì trái lại không bị mắc mưu họ, lại còn rất tự tại, không bị ảnh hưởng bởi họ. Đây chính là trí tuệ.

 

TINH THẦN CỦA MỘT NHÀ THỂ THAO

*****

 

Xã hội của chúng ta có một quan niệm: Nếu phải cạnh tranh với một người nào đó thì Tôi chắc chắn là sẽ liều mạng với họ. Cách suy nghĩ này không phải là suy nghĩ của Phật giáo. Đây là thuyết sanh tồn trong thế giới tự nhiên của Darwin cũng chính là chủ trương kẻ nào thích hợp thì tồn tại.

Với cách nghĩ như vậy sẽ khiến cho người ta cho rằng, chỉ có thông qua hình thức đấu tranh, cạnh tranh thì người ta mới có thể thành công. Vì muốn được đứng ở vị trí bất bại nên mình phải liên tục đánh ngã người khác.

Thật ra quan niệm như vậy là sai lầm. Tinh thần của một nhà thể thao chân chánh không phải là dìm người, đè người xuống mà phải là tự mình ra sức tranh thủ lấy cơ hội tốt nhất. Thành quả nổ lực của ai thì người đó hưởng, mình không nhất định phải đánh đổ họ để chiếm lấy.

Nếu giữa con người với con người cần phải cạnh tranh với nhau thì điều quan trọng là đề cao bản thân chớ chẳng phải là hạ gục người khác, thậm chí là đem đến sự thành tựu cho người khác cũng giống cho chính mình, đây mới chính là tinh thần Phật giáo, nó sẽ khiến cho chúng ta sống cuộc đời vui vẻ tươi sáng.

 

VÌ SỰ TIẾN LÊN CỦA MỌI NGƯỜI TRONG XÃ HỘI

*****

 

Trong Phật giáo cũng có quan niệm so lường, nghĩa là nói: làm việc này tốt hơn việc kia, làm công đức này lớn hơn công đức kia.

Thoạt nhìn, việc này cũng giống như là cạnh tranh, nhưng đây không phải là tranh đoạt với người khác mà là tự mình cạnh tranh với chính mình, không giống như tranh tài cao thấp với người khác như thông thường.

Chúng ta làm vậy không phải là vì phô bày cái bản ngã, cũng không cần đánh nhau với người khác lổ đầu chảy máu, mà là một cách để phát huy sức mạnh. Hình thức cạnh tranh này không chỉ khiến cho mọi người trong xã hội có được lợi ích mà đồng thời cũng là một cách huấn luyện và đào thải của chính mình, có thể giúp cho mình trưởng thành kiện toàn hơn.

Trong Phật pháp, hình thức cạnh tranh này còn được gọi là tinh tấn, là mãi mãi nổ lực không biếng lười, là dùng sức mình để sáng tạo, khai mở để có được nguồn tài nguyên hữu ích cho người khác nhiều hơn.

Cho nên chúng ta đừng lầm cho cạnh tranh là tự tư và cũng đừng hiểu lầm cho cạnh tranh là phải cướp đoạt, đấu tranh, dối trá. Nếu không thì chẳng những bản thân chúng ta không có đạo đức mà cũng còn tổn hại đến lòng từ của người khác.

Chúng ta phải nên cạnh tranh bằng tánh lành tốt, vì lợi ích của số đông mà nổ lực tiến lên.

 

SỰ TRANH CỦA RỒNG RẮN

*****

 

Có người ví rằng, đạo tràng tu tập là nơi rồng rắn sống lẫn, rồng vì pháp mà tranh, còn rắn tranh vì bản thân.

Trong Phật pháp, rồng rắn được ví dụ cho quá trình tu hành, nếu rắn nổ lực tu hành thì cuối cùng cũng sẽ được biến thành rồng; Nhưng nói về rồng hiện tại, cũng có thể chỉ là một chú rắn nhỏ thời quá khứ, nếu muốn được chuyển thành rồng ngay lập tức thì khả năng không cao.

Con người nhất định phải bắt đầu từ rắn, cho nên vì mình, vì danh lợi mà tranh nhau cũng là điều bình thường. Nhưng thông thường, phần lớn người ta không thừa nhận mình là rắn, lại còn cho rằng mình là rồng còn người khác mới là rắn vì vậy rất khó tránh khỏi tranh nhau.

Việc thừa nhận mình là rắn không phải là một điều đơn giản, kẻ biết điều ấy thì đã là vua trong loài rắn rồi.

Khi chúng ta sống chung với người khác, phải xem mình như con rồng nhỏ và thừa nhận với người mình là rắn. Việc thừa nhận mình chỉ là con rồng nhỏ là biểu hiện của lòng tự tin. Còn thừa nhận mình là rắn nghĩa là cho rằng mình có khuyết điểm, vì vậy mới có thể khiêm cung, không kiêu mạn, nổ lực nhưng không thất vọng.

 

CẠNH TRANH CHỚ KHÔNG TRANH ĐOẠT

*****

 

Cạnh tranh là nguồn động lực để giúp cho xã hội loài người và đoàn thể xã hội được tiến bộ. Nhưng trong Phật pháp, cường điệu mà nói thì gọi là "không tranh" Vậy thì chúng ta phải làm thế nào để có thể không cạnh tranh mà lại có tiến bộ?

Cạnh tranh theo cách hiểu thông thường của chúng ta đó là phải cướp đoạt những gì người ta có mà mình không có, biến của người ta thành của mình. Nhưng đây là sự cạnh tranh có tính động vật, không phải tính người.

Cạnh tranh mang tính người đó phải là: Nếu mình không có thì phải sáng tạo cái mới, chớ không phải là cướp đi thành quả hiện tại mà người khác có. Không chỉ là vậy mà chúng ta còn phải nghĩ cách để cho mọi người đều có thể được hưởng, thậm chí có được cuộc sống tốt hơn. Đây là một loại tinh thần Bồ-tát có tánh tích cực, tốt đẹp hơn cái mà thông thường người đời cho là cạnh tranh. Đây chính là cạnh tranh mang tính lành tốt và cũng là sự cạnh tranh hợp lý, công khai và công bằng.

 

TỪ BI KHÔNG CÓ KẺ THÙ

*****

 

Tôi thường nói: "Từ bi thì không có kẻ thù" Không có kẻ thù là chỉ cho người có tánh bao dung, đã bao dung với Bạn bè mà cũng bao dung với kẻ thù.

Thế nào là kẻ thù? Bất luận là trong công việc, trong chính trị, hoặc là trong tình trường, người cạnh tranh với Bạn đều có thể trở thành kẻ thù. Nếu trong lòng Bạn có kẻ thù thì, thường hay lo sợ kẻ thù thể hiện sự tài giỏi hơn mình, vì vậy mà thân tâm bất an. Ví dụ như trong công việc, nếu đồng nghiệp của Bạn có năng lực làm việc giỏi hơn thì Bạn sẽ ôm lòng lo sợ bị cướp mất công việc; còn nếu đối phương làm việc có năng lực kém thì Bạn sẽ ôm lòng ghét vị bị liên lụy bởi họ.

Cứ như vậy, người có năng lực làm việc giỏi thì sẽ là kẻ thù của Bạn, người có năng lực làm việc kém cũng là kẻ thù của Bạn, riết rồi ai nấy cũng đều trở thành kẻ thù của Bạn.

Cho nên nếu không có lòng bao dung, tâm từ bi thì đi đâu chúng ta cũng có kẻ thù, thậm chí ngay cả bản thân mình cũng là kẻ thù của chính mình, vì mình sẽ so tài với chính mình. Không phải mình coi thường mình mà là coi mình quá cao, kết cuộc sẽ dẫn đến yêu cầu về mình quá mức, đến khi không đạt được mong muốn thì oán giận lấy mình và cuối cùng là trở thành kẻ thù của chính mình.

 

BẢO TOÀN CHO MÌNH THÀNH TOÀN LẤY NGƯỜI

*****

 

Thế gian có câu: "Không nhường người xưa gọi là có chí, không nhường kẻ nay gọi là không độ lượng" Nói không độ lượng nghĩa là tâm lượng không có rộng lớn. Chúng ta phải hiểu rằng, nhúng nhường là việc tu dưỡng nhân cách vô cùng quan trọng.

Con người thích nhất là giành lấy bốn thứ danh, lợi, quyền, vị, kết quả là trong việc Bạn tranh Tôi đoạt, chúng ta chỉ tăng thêm phiền não và cả hai đều rất đau khổ. Nếu chúng ta hiểu được phép nhường nhịn, bằng lòng giao danh, lợi, quyền, vị cho người khác thì chúng ta sẽ có được sự an vui vô sự, lại biết đâu còn đem cơ hội nhường lại cho người hiền, cho người tài nữa.  Để có một nhân tài tốt hơn cho xã hội tại sao mình lại không nhường, cần gì phải cạnh tranh?

Trong khi mọi người không chịu nhúng nhường, nếu có người nào hiểu chuyện rút lui nhường lại cho người thì đây mới chính là cách tốt nhất để bảo toàn chính mình, thành toàn cho người.

Sự thoái nhường này không phải vì mình đầu hàng hay không đủ sức lực mà là một loại "Thành nhân chi mỹ" tự nguyện thoái lui không cạnh tranh.

 

RA TAY NGHĨA HIỆP

*****

 

Trước đây có người kháng nghị với Tôi "Việc này ngoài Tôi ra thì không ai có thể làm được, vì thế Tôi không thể thoái nhường, hể Tôi mà thoái nhường thì coi như xong. Đây gọi là ra tay nghĩa hiệp. Đây mới chính là anh hùng hảo hán"

Tuy anh ta nói có vẽ như là đắc ý, cho mình là việc đáng làm phải nên làm, mới nghe qua dường như là có lý, nhưng kỳ thật ra là anh ta không bỏ được, không xả được. Anh ta nói vậy chỉ là muốn có được cái danh vọng địa vị này, mục đích là hy vọng mình có thể nắm quyền, để phát triển cái tham muốn của riêng mình chớ chẳng phải là vì mưu cầu hạnh phúc cho số đông. Hạng người này càng nhiều thì thế giới của chúng ta sẽ càng hỗn loạn.

Nhường ở đây ý là nói, nếu mình không nhường việc này thì có thể sẽ gây họa cho rất nhiều người, còn nếu mình chịu nhượng bộ thì sẽ có sự hài hòa, cho nên vì nghĩ đến đại cục toàn thể, mình phải nhượng bộ.

Nhưng cái gọi là "ra tay nghĩa hiệp" không phải là dựa vào quyền lực tạo nên mà phải là dựa vào sự phục vụ đại chúng trong thường ngày và phải được ý dân tuyển cử. Đây mới là "Ra tay nghĩa hiệp" nếu không thì chỉ là quyền thế xảo trá chiếm lấy mà thôi.

 

KHÔNG CẨN PHẢI SO TÀI

*****

 

Có một năm nọ, cuộc thi bơi lội thể thao Olympic quốc tế do tuyển thủ người Nhật Bản đạt giải nhất, còn giải nhì, giải ba chia cho các tuyển thủ Liên Xô và Mỹ.

Sau cuộc thi, ký giả đến phỏng vấn tuyển thủ quán quân Nhật Bản rằng: "Hai bên đường bơi của Anh, một bên là người Mỹ, một bên là người Liên Xô, cả hai đều đã từng đánh bại kỷ lục thế giới, Anh có biết điều đó không?" Anh ấy trả lời: "Không biết" Tiếp theo ký giả truy hỏi: "Vậy Anh có biết các tuyển thủ khác đang gấp gút theo sau không?" "Anh có biết có lúc mình còn bị kình địch Liên Xô vượt qua không" v.v...Anh ấy đều trả lời là không biết và chỉ nói: "Tôi chỉ nghĩ đến việc bơi của Tôi! không nghĩ đến việc tranh tài với ai. Tôi chỉ biết dốc lòng ra sức bơi về trước thôi"

Ngay khi chúng ta đang nổ lực thì Bạn chỉ nên lo phần việc của Bạn, họ làm việc của họ, không cần phải so tài. Nếu chúng ta làm bất cứ việc gì mà cũng đều phải so sánh với chính mình hay người khác thì nhất định chúng ta sẽ rất đau khổ. Bất luận là so cao hay so thấp, thắng hay thua cũng đều dẫn đến phiền não, nhất định sẽ rơi vào trong khổ đau.

 

PHẬT TRANH MỘT NÉN NHANG, NGƯỜI TRANH MỘT KHẨU KHÍ

*****

 

Trong lúc tâm của chúng ta phan theo không dừng lại được thì bất cứ chỗ nào, bất cứ nơi đâu chúng ta cũng đều so sánh cái lợi cái hại, còn mất với người khác. Tình trạng cạnh tranh với người đây cũng giống như một câu hài hước mà chúng ta thường nói "Phật tranh một nén nhang, người tức vì lời nói"

Kỳ thật ra, Phật không có tranh một nén nhang, chỉ có giữa người với nhau mới tức nhau vì lời nói, lại nữa việc tranh không đúng thời điểm, sẽ khiến chúng ta vì đó mà tức giận, thất vọng. Đây là vấn đề phát sanh từ tâm phan duyên.

Nếu chúng ta buông bỏ đi tâm phan duyên để giữ lại tâm của mình cho được an tĩnh thì nhất nhất định Bạn chính là người có trí tuệ nhất, đồng thời cái tâm an tĩnh này cũng mới là sự hưởng thụ lớn nhất, tốt nhất.

 

CHUNG QUY CŨNG SẼ CÓ NGÀY MÌNH NHƯỜNG CHỖ

*****

 

Trong tiểu thuyết võ hiệp thường có ghi lại một số anh hùng vì muốn tranh bá tranh vương nên cuối cùng là thường bị những cao thủ tài giởi hơn đoạt mất bảo tọa của Võ lâm bang chủ; hay cứ cho là trong nhất thời có được địa vị bá chủ đi nữa, nhưng đến xế chiều, chúng ta cũng vẫn phải nhường ngôi, cứ mặc cho trường giang sóng sau đè sóng trước.

Thế gian có câu "Người tranh nhau, tức đến chết" Mình cứ tự cho rằng cả thế gian này không ra gì, nên cứ tranh giành cho đến phút cuối. Nhưng rốt cuộc, khi chết mình cũng vẫn không cách nào giữ được danh vị, lại còn phải ngoan ngoản nhường cho người khác.

cho nên, chúng ta không nên chỗ nào cũng đều so tài, tranh đoạt với người, chỉ cần mình tận lực cống hiến cho người thì là tốt lắm rồi.

Nhưng cũng không phải như vậy mà nói phàm cả thảy mọi việc đều buông xuôi, chỉ có điều muốn tranh phải có cái lý của nó. Nhưng việc tranh đua với người khác rốt cuộc cũng là điều đau khổ thôi. Nếu chúng ta có thể chuyển hóa tâm cạnh tranh thành tâm phát nguyện thì sau này sẽ khiến cho mình và người đều được hạnh phúc.

 

LƯU DANH MUÔN THUỞ

*****

 

Có rất nhiều người cho rằng, nhất định phải có quyền cao chức trọng mình mới được tôn trọng, vì thế bất cứ nơi nào, hể thấy có thể thì mình đều muốn tranh quyền đoạt vị với người.

Nhưng thời cận đại có ông Ngô Trĩ Huy, bấy giờ ngoài Tôn Trung Sơn ra, trên chính đàn ông là người nổi tiếng nhất, nhưng ngược lại ông không muốn làm quan. Chiếu theo lý mà nói thì quan vị càng cao thì càng phải được sự tôn trọng, nhưng người không có quan vị mà biết khiêm nhường cũng vẫn sẽ được tôn trọng.

Nếu một người mà đi đâu cũng đọ sức với người khác thì dù quan vị của họ có cao mấy đi nữa thì sau khi về hưu cũng chỉ là một người bình thường, sẽ không có ai nghĩ đến họ đâu.

Chỉ có người khiêm nhường có đức, tuy không có chức tước, nhưng Họ không chỉ suốt cuộc đời này được người khác kính trọng mà thậm chí còn có thể lưu danh muôn thuở, khi người khác nhắc đến thảy đều khởi cung kính.

Tôn và ti không có cấp bậc xã hội nhất định. Nếu con người ta biết khiêm nhường thì tuy ở địa vị thấp hèn, nhưng do không biết tranh đấu cùng ai, chức cao này vốn là của Bạn, nay Bạn nhường lại cho người khác thì kết quả Bạn càng được người khác kính trọng hơn.

 

CÙNG HƯỞNG VỚI MỌI NGƯỜI

*****

 

Trong Phật pháp không có phản đối sự cạnh tranh có tánh lành tốt, nhưng trái lại người Phật tử thường bị người khác hiểu lầm.

Có một bà mẹ nọ có cậu con trai rất biếng lười, không có chí cầu tiến, ngày nào cũng dính chặt trong trò chơi điện tử, nên bà mới dọa cho chú bé vào chùa tu. Sau khi nghe xong, con trai bà quả thật đến chùa chúng Tôi vì cậu ấy cho rằng, chỉ cần được làm chú tiểu thì suốt ngày được chơi đùa thỏa thích.

Thật ra, sau khi xuất gia rồi, công việc có thể còn bận rộn hơn. Ví như Tôi đây từ bé đến giờ ngày này cũng luôn bận rộn, nhưng Tôi bận không phải vì giành tiền của người, tranh danh với người, không chỉ không tranh giành mà trái lại Tôi còn làm cho người khác hạnh phúc hơn.  Đây không phải là tranh giành vì mình mà là sự cống hiến cho mọi người, nhưng cũng giống như vậy, đều phải là nổ lực, phải bỏ ra cái giá tương xứng.

Ban đầu, Tôi vốn không có ý nêu danh, nhưng do thành quả của việc nổ lực hoằng pháp, danh tiếng tự nhiên xuất hiện và rất nhiều lợi ích cũng theo đó mà đến.

Sau này Tôi lại đem những ích lợi đó chia cho mọi người, cũng giống như lăn quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn, lợi ích không phải trở thành của riêng Tôi mà là để cho mọi người cùng hưởng. Đây mới là ý nghĩa thật sự của cạnh tranh.

 

THẾ GIỚI HÀI HÒA CÓ LỢI CÙNG CHIA

*****

 

Trong xã hội cạnh tranh kịch liệt, rất nhiều người cho rằng, nếu mình không chủ động giành lấy thì lẽ ra lợi ích mà mình đáng có, có thể sẽ bị người khác lấy đi mất, vì vậy mà không chịu chia lợi ích mà mình có được để mọi người cùng hưởng.

Nhưng "có lợi chia đều" là điều rất quan trọng, đây không phải là hình thức bình đẳng chia đều của chủ nghĩa cộng sản và cũng không giống như hoàn toàn tư hữu của chủ nghĩa tư bản mà là một khái niệm tài nguyên cùng hưởng.

Phàm một nhà doanh nghiệp có tầm nhìn xa thì đều sẽ có suy nghĩ có lợi chia đều, không phải chỉ vì yên tâm làm việc khỏi bận bịu chuyện cơm áo cho bản thân mà kết quả trái lại còn có thể chuyển sự nghiệp kinh doanh của mình thành sự nghiệp xã hội.

Thí như có một số người năng lực làm việc rất mạnh, nguồn tài nguyên mà họ có thể giành lấy phong phú hơn so với người khác, cho nên phải lấy cho xã hội, dùng cho xã hội, đem của cải dôi ra, tặng lại cho xã hội, thực hiện điều "có lợi cùng chia". Nếu như chúng ta ai nấy cũng đều coi trọng lợi ích của số đông, không giữ lấy lợi ích cho riêng mình một cách quá mức thì có thể tránh được sự xung đột do cạnh tranh mang đến của hai bên và sẽ đạt được thế giới hài hòa có lợi cùng chia.

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.              Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.              Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.              Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.              Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.              Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.              Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.              Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.              Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.              Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.               Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·                   Xin mọi người thường niệm:

·                   NamMô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·                   NamMô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·                   NamMô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

Tịnh Xá Phổ Giác: 45/23/2 đường 100 Bình Thới, F14, Q.11, Tp.HCM

ĐT: 08.54065831

Email: [email protected]

     

 


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :