Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Cần Thời Đại Không Cần Bệnh

Chủ nhật, 10/11/2013, 08:44 GMT+7

CẦN THỜI ĐẠI CHỚ KHÔNG CẦN BỆNH

          Nguyên tác: pháp sư Thánh Nghiêm

                                                                                                                                                Người dịch: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “ Cần Thời Đại Chớ Không Cần Bệnh?” Chúng Tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng Tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng Tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

 Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

                                                                                                                                                                                                       Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

*****

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

 

 

TẠI SAO MẮC PHẢI CĂN BỆNH THỜI ĐẠI KỲ LẠ?

*****

 

Người mắc phải chứng bệnh thời đại kỳ lạ, thường là những người phiền não rất nặng. Vì một khi con người quá nhiều phiền não thì không chỉ khí trược mà huyết dịch cũng trược, tế bào trong cơ thể cũng sẽ dễ sanh ra thay đổi bất thường, vì vậy cũng dễ bị những chứng bệnh kỳ lạ.

Nếu tâm thường bị lửa phiền não thiêu đốt, dù thân thể có luyện thành khỏe như trâu đi nữa thì tâm vẫn mềm yếu, lâu ngày chày tháng, dù không bệnh cũng sẽ sanh bệnh.

Có rất nhiều người không nhận biết, thứ dễ làm tiêu hao thể lực nhất đó là "Tâm phiền não" Những thứ như là tâm tham muốn, tâm phẫn nộ, tâm oán hận, tâm ganh ghét, tâm do dự đều là những ngọn lửa phiền não làm tiêu hao thể lực, nó cũng sẽ thiêu đốt ngọn đèn trí tuệ trong tâm của chúng ta.

Cho nên chúng ta phải nên thường giữ cho trạng thái vui vẻ, bình ổn, để cho lòng mình thường cởi mở. Nếu được như vậy thì dù sức khỏe mình không mạnh như trâu đi nữa, mình cũng vẫn là người có sức mạnh tâm lý.

 

"Chỉ có không chấp trước đối với tất cả hiện tượng thì mình mới không sanh khởi tâm phiền não yêu, ghét v.v...Như vậy mình mới chính là người tự tại."

 

KHÔNG THẤY ÁP LỰC

*****

 

Căn bệnh thời đại của người đời nay thường đến từ mọi thứ áp lực, áp lực trong đời sống. Áp lực này chủ yếu từ sự đối lập của bản thân chúng ta với xã hội với hoàn cảnh tự nhiên mà có, áp lực từ kế sanh nhai của gia đình hình thành từ việc thu chi mất cân đối trong gia đình, áp lực trong công tác và ngành nghề hình thành từ việc mình tự cảm thấy không an tâm với trí tuệ và sự thông minh vốn có của mình.

Thật ra, nếu như chúng ta không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh bên ngoài dù là ảnh hưởng trực tiếp hay là gián tiếp thì tự nhiên áp lực trong lòng sẽ tiêu mất.

Còn nếu như chúng ta biết tu dưỡng, an vui trong số phận thì cho dù là gặp phải thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta cũng đều có thể làm giảm hóa, đẹp hóa nó.

Nếu chúng ta có được sự tu dưỡng trí tuệ, có khả năng tự biết thì những áp lực kia, theo trình độ hiểu biết sâu cạn của mình mà giảm nhẹ, giảm bớt, cho đến không còn áp lực.

Cái gì là tự biết? bao gồm tư chất bẩm sinh, năng lực học tập, ý chí, thể năng, tài lực của mình cho đến nguồn tài nguyên xã hội; còn nếu có thêm vận mệnh phước báo thì mình có thể chọn định phương hướng, ra sức làm việc để bổ khuyết cho bản thân.

Mình chỉ nghĩ đến cày cấy mà không mong thu hoạch thì cảm giác áp lực tứ bề đến với mình sẽ dần dần tiêu mất.

 

"Đối với hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh tự nhiên, mình không thất vọng cũng không kỳ vọng, cứ thuận theo lẽ tự nhiên, cố sức mà làm"

 

CÁCH BẢO VỆ SỨC KHỎE

*****

 

Có người hỏi Tôi cách bảo vệ sức khỏe, xin Tôi chia sẻ kinh nghiệm hấp thu dinh dưỡng với quân bình thân tâm.

Tôi nói, trong Phật giáo có câu: " Thực luân bất động, pháp luân bất chuyển" ăn uống là thứ rất quan trọng. Pháp luân là chỉ cho tu hành, thực luân là chỉ cho ăn uống, nếu con người không ăn uống thì coi như chết.

Tuy nhiên, thông thường người ta cho rằng ăn uống phải là ăn thứ ngon, mùi phải cho ngon, nguyên liệu phải cho ngon, ăn những thứ mà người khác không có mà ăn mới là ngon. Nhưng Tôi cho rằng, cách ăn uống có sức khỏe nhất đó là nên ăn những thực vật tươi, dinh dưỡng, chọn những rau cải tự nhiên; lại thêm còn phải nhai cho nhuyễn, ăn cái kiểu ngốn ngấu, hoặc là ăn mà không biết mùi vị gì thì đều không phải là cách ăn tốt.

Nhưng cơ thể mình không hẳn hoàn toàn dựa vào thức ăn để duy trì sức khỏe, thói quen sống lành tốt, vận động cũng là thứ rất quan trọng.

Nếu biết giữ cho tâm lý trong trạng thái thường bình tĩnh, cũng có nghĩa là bất cứ việc gì mình cũng có thể cho trôi qua một cách bình an, không nên có cái tâm được mất quá lớn, lại thêm thường vận động và ăn uống một cách thích hợp thì cơ thể tự nhiên sẽ khỏe mạnh.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ MỘT ĐÊM NGON GIẤC?

*****

 

Con người ở thời đại ngày nay thường thì ngủ không được ngon giấc, không chỉ là khó ngủ mà còn nhiều mộng mị.

Nguyên do của mất ngủ là do công việc thường ngày quá nhiều, âu lo quá mức dẫn đến thần kinh não căng thẳng. Khi sử dụng bộ não quá nhiều thì dù không đau đầu đi nữa cũng sẽ phát sốt. Lúc này mình có thể tự kiểm tra, thử dùng tay ấn vào ngay phần xương giữa chặn mày, nếu không thấy đau là chứng tỏ đầu óc không căng thẳng; còn nếu thấy đau là chứng tỏ đầu óc căng thẳng, phải nên xoa nhiều vùng này, rồi thả lỏng đầu óc.

Còn như việc ngủ nằm mộng nhiều, thậm chí là mộng thấy kẻ trộm đuổi giết, toàn thân căng lên, tình trạng này là chứng tỏ thân tâm không có thư thới. Nếu đầu óc thư thả thì các cơ thịt cũng sẽ thư thả, sẽ không gặp ác mộng giống như vậy nữa.

Nếu chúng ta biết tu dưỡng thành thói quen thư thả thân tâm thì giấc ngủ sẽ dần dần cải thiện.

 

TƯ THẾ NGỒI DỄ CHỊU NHẤT

*****

 

Có nhiều nhân viên cho rằng, muốn có sức khỏe phải thường xuyên đến phòng tập thể dục tập, thật ra đối với những người ngồi làm việc lâu trong văn phòng mà nói thì rèn luyện tư thế ngồi là một phương pháp tốt để dưỡng thân.

Tọa thiền không nhất định hai chân phải xếp chồng. Khi ngồi trên ghế, đơn cử chỉ cần giữ lưng cho thẳng không tựa ghế cũng là một thế ngồi tốt có ích cho sức khỏe rồi.

Có một nhà chính trị nọ, khi tham dự một buổi lễ quốc tế trọng đại, do suốt buổi lễ không tiện đứng dậy nghỉ ngơi nên ông đã áp dụng tư thế tọa thiền trên ghế mà Tôi đã dạy, kết quả là căn bệnh kinh niên đau lưng mỏi sống của Ông, suốt một ngày ngồi vững yên ngay ngắn đã không còn nhứt mỏi nữa.

Có thể thấy, tư thế ngồi này quả thật là hữu dụng đối với những người dễ nhiễm căn bệnh thời đại kinh niên.

 

KHÔNG CẦN HY SINH SỨC KHỎE

*****

 

Muốn bảo trì sức khỏe thì chúng ta đừng để có chuyện là buồn, cho dù gặp bất cứ người nào gây khó, mình cũng không vì thế mà làm tổn thương đến sức khỏe.

Trong cuộc sống đời thường, công việc và nghỉ ngơi phải hợp lệ thường, việc  nào cần làm thì cứ làm theo lẽ thường, việc cần phải xử lý thì cứ xử lý theo lẽ thường, nếu cứ thường lo lắng thì không bao lâu sau tóc sẽ bạc trắng, tinh thần sẽ suy nhược.

Chỉ vì một việc nhỏ mà suốt ngày đêm thương tổn tinh thần, vắc óc tìm mọi cách để đột phá thì đây là hành động đầy đau khổ.

Để bảo trì sức khỏe, cho dù là rào cản lớn hay nhỏ ngăn trước mặt, việc trước tiên, chúng ta nên giữ cho tâm trạng bình ổn, rồi sau đó mới đối mặt với nó, tiếp nhận nó, xử lý nó, buông bỏ nó. Vì nếu không có một cơ thể khỏe mạnh thì không chỉ mình không thể dốc sức cho việc khai sáng sự nghiệp mà thậm chí còn có thể nguy hiểm đến tánh mạng.

Cho nên khi gặp phải ải khó chúng ta không cần phải đánh liều, không cần phải làm những việc ngu xuẩn như " thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành" có được cục diện của "ngói lành" không phải là cái gì xấu lắm. Còn nếu như làm "ngói lành" thì mình thật sự sẽ không bao giờ có cơ hội thành công.

Cho nên khi gặp phải ải khó, chúng ta phải bình tâm tĩnh trí xử lý, đừng hấp tấp vội vã.

 

TRẬT TỰ TRONG BẬN RỘN

*****

 

Tâm lý và sinh lý có thể nói là một thể. Rất nhiều người cho rằng, chỉ cần cơ thể khỏe mạnh là được rồi, nhưng nếu trạng thái tâm lý không được bình ổn thì dù cho cơ thể có khỏe mạnh đi nữa cũng coi như là người bệnh. Ngược lại nếu có thể duy trì trạng thái tâm lý ổn định thì dù cho cơ thể có chút mỏi mệt hay đau bệnh đi nữa, cũng coi như là khỏe mạnh.

Muốn ngay trong bận rộn mà tâm không tán loạn, không phiền não thì cần phải dựa vào sự cảnh tỉnh của cách nghĩ, quan niệm, cho đến thường phản tỉnh trong lòng, có như vậy mới tìm ra biện pháp giải quyết. Ví như khi đang bận, mình tự nói rằng "không được để phiền não, vì hễ khởi phiền não thì Mình sẽ bị loạn tâm, phải giữ cho đầu óc tỉnh táo; ngoài ra, tuy công việc bề bộn ngổn ngang, thân thể vất vả, nhưng Mình cũng đừng nóng vội, cũng phải cố gắng hoàn thành công việc theo trình tự sắp xếp." Nếu bạn làm được như vậy thì tuy bận rộn, nhưng bạn không cảm thấy bực bội, ngược lại còn cảm thấy vui thích tự tại, làm việc có hiệu quả hơn.

Trái lại, nếu chúng ta ở trong tình trạng buồn phiền rối loạn trật tự trường kỳ thì khí huyết sẽ tăng cao, các thứ bệnh như cao huyết áp, tim mạch v.v...sẽ liên tiếp phát sanh.

 

BẠN CÓ ĂN CƠM CHỨ?

*****

 

Ăn cơm phải như thế nào mới có sức khỏe? mới ngon? Việc này cần  phải xem tâm trạng và cách thức ăn cơm của chúng ta.

Thông thường, người ta khi ăn cơm, không chú tâm vào bửa ăn, có khi thì vừa ăn cơm vừa nói chuyện; lúc thì vừa ăn cơm vừa xem ti vi. Cách ăn như vậy là ngược đãi với bao tử, không thể tiêu hóa thức ăn nổi.

Vì khi đầu óc chúng ta suy nghĩ, bộ phận đầu hao tốn rất nhiều huyết dịch, còn khi phần bao tử tiêu hóa cũng sẽ hao tốn rất nhiều huyết dịch. Hai khí quan này cùng lúc dùng nhiều huyết dịch, chắc chắn là sẽ không tốt cho cơ thể.

Cách tốt nhất là khi ăn thì chỉ nên biết đến ăn, khi làm việc thì làm việc, đừng nên vừa ăn vừa làm việc.

Thật ra, người biết ăn cơm là người chuyên tâm khi ăn cơm, nhai cho thật nhuyễn rồi từ từ nuốt chất dinh dưỡng vị ngon vào. Như thông thường chúng ta ăn cơm mất khoảng 15 phút, thời gian tương đối tiện lợi, lại khi ăn còn cảm giác ngon thích nữa.

 

NGÀY NÀO CŨNG CÓ GIỜ PHÚT YÊN TĨNH

*****

 

Nếu chúng ta muốn cho cơ thể khỏe mạnh thì phải nên có sự vận động đúng mức; nhưng sức khỏe tâm lý thì ngược lại, cần phải có sự yên tỉnh thích hợp.

Về phần cơ thể, tốt nhất là nên ngày nào cũng phải có thời gian vận động, còn về phần tâm linh, tốt nhất là nên có giờ phút yên tĩnh mỗi ngày. Thông thường, ngày nào người ta cũng có thói quen tập thể dục, nhưng trái lại rất ít có thói quen dành một khoảng thời gian cho sự yên tĩnh tâm linh.

Pháp trị liệu tâm lý của thiền chính là cách thức an tâm cho người, trong đó bao gồm hai loại: Thứ nhất là thả lỏng thân tâm. Thứ hai là buông bỏ những lôi kéo trong lòng.

Những phương pháp này cần phải được luyện tập, nếu chỉ biết qua hình thức mà không có sự luyện tập thì cũng không có tác dụng gì. Nhưng, hình thức thả lỏng và buông bỏ này chỉ có tính cách tạm thời chớ không phải là vĩnh viễn, vì một lần buông bỏ khác với buông bỏ vĩnh viễn.

Thông thường, người ta bắt đầu buông bỏ tạm thời, rồi sau đó mới có thể buông bỏ lâu dài, nghĩa là sự buông bỏ lâu dài được bắt đầu bằng sự buông bỏ tạm thời.

Chúng ta có thể chọn ra mấy khoảng thời gian trong một ngày, hoặc là khi chúng ta biết trong lòng mình đã xảy ra chuyện thì mình có thể áp dụng phương pháp thả lỏng thân tâm để giúp mình xóa bỏ áp lực.

 

THỰC PHẨM SỨC KHỎE CÓ KHỎE KHÔNG?

*****

 

Ở ngoài phố có rất nhiều quảng cáo "Thực phẩm lành mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe" quảng cáo mời gọi với chiêu tiêu hóa nhanh, phần nhiều là khiến người ta hoa mắt, rối tung.

Tôi rất có phước nên thường được nhiều người mang tặng thực phẩm dinh dưỡng đủ mọi kiểu thức, họ thấy Tôi quá ốm nên định giúp Tôi bồi bổ dinh dưỡng; Họ nghĩ rằng, thời gian Tôi làm việc quá lâu nên định bổ sung thể lực cho Tôi.

Nhưng thường thì Tôi không có ăn, vì Tôi đâu có biết gì về thực phẩm khỏe mạnh, thực thẩm bảo vệ sức khỏe; lại nữa có đôi khi thức ăn người khác ăn cảm thấy ngon, còn đối với Tôi cũng không hẳn là ngon.

Giả như có người nhất định muốn Tôi ăn thực phẩm sức khỏe đó thì trước hết Tôi hỏi thăm bác sĩ hoặc các chuyên gia xem thử coi ăn vào có thích hợp hay không? Nếu ăn rồi mà cảm thấy không thích hợp thì phải dừng lại ngay. Đây là thái độ và phương thức mà Tôi xử lý và dùng thực phẩm sức khỏe.

Tôi kiến nghị, nếu chúng ta muốn dùng thực phẩm sức khỏe thì trước hết tốt nhất là nên hỏi qua các chuyên gia, kiểm tra qua cơ thể của mình, rồi tự hỏi mình có thể tiếp nhận nó được không? cơ thể của mình có cần nó không? có thích hợp với nó không? đây chính là phương pháp sử dụng thức ăn đáng tin cậy nhất.

 

"Nếu cho thức ăn vào miệng, càng nhai càng thấy ngon, thân tâm đều rất dễ chịu thì đây chính là ẩm thực tốt nhất cho bạn"

 

THUẬN VỚI TỰ NHIÊN

*****

 

Con người hiện nay không tin rằng sau khi chết sẽ tái sanh và cũng không tin công hiệu luyện đan trường sanh, mà coi trọng "Thuận với tự nhiên" dùng các biện pháp như sử dụng thực phẩm sức khỏe, vitamin, thuốc bổ, vận động... để tăng tuổi thọ.

Những quan điểm này, về nguyên tắc thì Tôi tán đồng, nhưng nếu cân nhắc kỹ lưỡng thì thật ra rất khó cho việc "thuận với tự nhiên". Để định nghĩa cho thỏa đáng và thích hợp như sau.

Nếu ai nấy cũng giống như cây cối, sanh trưởng trong rừng rậm núi hoang, xem ra rất là tự nhiên, đồng thời lại cũng phơi thân trong sự nguy hiểm.

Giống như bộ phim "Tường Lâm Tẩu", trong phim miêu tả quả phụ Tường Lâm Tẩu do vì nghèo khó, nên dẫn đứa con trai lên núi sinh sống, sau này đứa con bị sói tha đi. Con người rốt cuộc cũng là người, cần phải có một vài biện pháp bảo vệ thích đáng, không có cách gì để mưu sinh bên ngoài tự nhiên giống như những loài động vật khác.

Cho nên bản thân Tôi cho rằng, tự nhiên nghĩa là "đạo trung dung" nội hàm của nó là thuần phát, đơn giản, gọn gàng sạch sẽ và sự yên bình của tâm cảnh, cho dù là ăn mặc đi đứng gì cũng không cần vật chất hóa quá mức, động tĩnh gì thời hợp thời hợp nơi, được như vậy nhất định  sẽ có lợi ích cho việc kéo dài tuổi thọ.

 

THỜI GIAN LẠI CÓ NHIỀU HƠN

*****

 

Trên thế giới có người sống trên 100 tuổi, nhưng đứng về phương diện cơ năng sinh lý của con người mà nói thì lý ra có thể sống thọ hơn. Tại sao? Vì con người lao tâm khổ tứ nên dễ làm cho cơ thể nảy sinh vấn đề. Nếu như phần tâm lý ổn định, thường giữ trạng thái thả lỏng, vui vẻ thì cơ thể sẽ không có bệnh, hay dù có bệnh đi nữa cũng sẽ chóng khỏi.

Tôi thường khuyên những người không có thời gian giải trí nên đến đây học thiền. Học như vậy sẽ giúp mình có thời gian nhiều hơn để giải trí. Tại sao? Vì thiền pháp giúp chúng ta có sức chú ý tập trung, làm giảm bớt thời gian làm việc, hiệu suất công việc cũng được tốt hơn và cũng sẽ tiện lợi, khéo sắp xếp thời gian hơn. Điểm chính của phương pháp này là ở chỗ: bất luận là nghe cái gì thì chỉ có lắng nghe, nghe sao cho thật là rõ; bất luận là làm việc gì thì chỉ chăm chú làm, làm sao cho thật là rõ. Làm như vậy chắn chắn sẽ tốt hơn so với là mà suy nghĩ miên man, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn và thời gian cũng sẽ rút ngắn hơn.

Đồng thời, thân tâm cũng có thể chuyển thành thư thả an vui, như vậy có thể dứt trừ căn bệnh thời đại, sống thọ không buồn rầu.

 

SỨC KHỎE LÀ VÀNG

*****

 

Chúng ta thường nghe câu: "sức khỏe là vàng " Vì cơ thể có khỏe mạnh mình mới có thể tạo nên nhiều sự nghiệp. Dù trong nhà mình không có tích góp của cải, nhưng chỉ cần có sức khỏe thì có thể tay trắng tạo nên sự nghiệp.

Có thể chia sức khỏe ra làm hai là khỏe thân và khỏe tâm. Trước hết xin nói về sức khỏe của thân, nếu đã đến giờ ngủ mà không chịu ngủ lại đi cờ bạc; đến lúc nghỉ ngơi mà không chịu nghỉ ngơi lại đi ca hát uống rượu thì chắc chắn cơ thể sẽ không khỏe vì sức chịu đựng của cơ thể có mức độ nhất định, đến lúc nghỉ ngơi thì phải nghỉ ngơi; khi cần vận động thì phải vận động.

Trước hết phải nên điều chỉnh cơ thể cho hợp lý rồi mới có thể tiến tới nói về cách điều tâm. Nếu chỉ dựa vào sự vận động mà không có an dưỡng tâm lý thì vẫn không chắc hẳn sống thọ. Con người hiện nay phần lớn chỉ chú ý đến vận động, nhưng cũng cần phải thêm phần dưỡng tâm. Thân tâm cần phải phát triển quân bình, có như vậy chúng ta mới thật sự có sức khỏe.

 

GIÚP GIẢI ĐỘC TÂM

*****

 

Người đời nay, tinh thần có nhiều rối rắm nên thường phải nhờ sự trợ giúp của bác sĩ thần kinh. Thế nhưng, tuy trong một khoảng thời gian có được đôi chút an ủi, thoạt nhìn vấn đề dường như đã được giải quyết, nhưng không lâu sau, chuyện vẫn tiếp tục xảy ra. Cách giải quyết căn bản nhất vẫn phải dựa vào phương pháp rèn luyện dưỡng tâm của chính mình.

Cơ thể có gánh vác thì cơ bắp sẽ căn cứng, thần kinh căng thẳng; Tâm lý có gánh vác thì sẽ có tâm phiền não như sầu lo, sợ hãi v.v...Khi tâm có phiền não là chứng tỏ tâm đã trúng độc nỗi lòng, sẽ khiến con người rất là rối rắm. Cho nên phải tìm cách đừng để cho tâm mình duyên theo những nỗi lòng phiền não kia, bằng cách niệm Phật, đếm hơi thở, tọa thiền hoặc là để tâm chú ý vào công việc mình đang làm, cách nào cũng tốt.

Những cách này đều có thể giúp giảm bớt gánh nặng đầu óc, khiến cho chúng ta khôi phục trạng thái tâm lý quân bình. Khi tâm lý đã khôi phục quân bình thì sẽ không thường hay bất mãn điều gì hoặc ai đó mà lại được sức khỏe và niềm vui.

 

TƯ THẾ NGỦ CÓ SỨC KHỎE NHẤT

*****

 

Nguyên tắc chủ yếu khi ngủ là chỉ cần dễ chịu, thư thả, dễ ngủ là tốt rồi.. Nhưng nếu khi mình ngủ không an thì có thể chọn cách ngủ nằm nghiêng bên phải, còn gọi là nằm kiết tường, đây là tư thế ngủ rất là có sức khỏe.

Tư thế ngủ này rất là có lợi. Thứ nhất là không bị đè ép nội tạng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thứ hai là không bị chèn ép khí quản, nhờ vậy mà hơi thở nhỏ lại một chút, thậm chí căn bản sẽ không còn nghe hơi thở. Thứ ba là có thể giữ cho đầu óc tỉnh táo, không gặp phải ác mộng và loạn mộng. Thứ tư là dễ tỉnh táo và dễ khôi phục mõi mệt, nếu không thì đầu óc và cơ thịt sẽ ở trong trạng thái căng thẳng, sau khi tỉnh giấc con người sẽ bần thần.

Cách nằm nghiêng bên phải rất đơn giản, trước hết là xoay người nằm nghiêng về phía phải, gối nằm kê cao ngang với bờ vai, tay phải để phía trước đầu, tay trái đặt trên phần nghiêng bên trái của thân, hai chân hơi cong, hai bộ phận đầu gối và chân không cần đặt chồng lên nhau, chân phải phải nên cong hơn so với bên trái.

 

TỰ LÀM BẬC THẦY DINH DƯỠNG

*****

 

Việc ăn uống có sức khỏe xem mỗi người có khác, không thể cứ bàn chung, vì thể chất của mỗi người khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau, vì vậy thói quen ăn uống cũng theo đó mà có khác.

Mỗi người cần phải hiểu rõ tình trạng của chính mình, mình nên ăn uống thứ gì để có sức khỏe cho mình nhất; còn nữa, những phản ứng về da, thể trọng, đường huyết, mở trong máu, dạ dày ruột của mình, rồi ý nghĩa chỉ số đại biểu của mỗi loại, tốt nhất là phải nắm cho rõ để làm căn cứ, biết mình có thể ăn thực vật nào nhiều, rồi thực vật nào cần ăn ít, hoặc là ăn kết hợp, tốt nhất là tự làm ông thầy dinh dưỡng cho mình.

Người hiện nay nếu ăn chay được thì tốt, vì những thức ăn thuộc loại thịt tươi sống đều là xác động vật, mà xác động vật tươi sống có ăn gì đi nữa cũng không hợp vệ sinh, vì trong cơ thể của động vật có chứa độc tố gây bệnh.

Ở đây không phải nói ăn chay là không mắc bệnh, nhưng ăn chay có thể giảm bớt một số bệnh phát sanh, ví như Cholesterol quá cao, huyết quản cứng lên mà dẫn đến trúng phong v.v...cho nên trên nguyên tắc ăn chay vẫn có sức khỏe hơn ăn mặn.

 

TỌA THIỀN ĐỂ GIỮ SỨC KHỎE

*****

 

Người đời nay do làm việc căng thẳng, sử dụng đầu óc quá mức, dù là vui quá hay giận dữ cũng có thể dẫn đến các chứng bệnh như mất ngủ, hồi hộp, ù tai, thần kinh quá mẫn cảm, tiêu hóa không tốt v.v...Đó là vì khi tâm tư bị kích động, tuyến nội tiết mất đi quân bình, thậm chí sanh ra độc tố.

Lúc này chúng ta có thể nhờ vào thiền tọa để cải thiện sức khỏe. Vì tọa thiền có công hiệu khiến người ta chuyển hóa cái tâm lăn xăn thành tâm bình tĩnh sáng suốt; gặp nguy hiểm không sợ hãi, gặp điều vui không quá mức, được cũng không cho là nhiều, mất cũng không cho là ít, thuận cũng không lấy là ưa, nghịch cũng không lấy làm ghét, vì vậy mà có thể trở thành sự bảo chứng an toàn cho thân tâm.

Tọa thiền là phương pháp điều thân, điều hơi thở, điều tâm, giúp giảm bớt sự gánh vát của hệ thần kinh giao cảm, làm giảm bớt ảnh tượng của ý thức chủ quan, đem giới hạn ở bên trong tự ngã dần dần hướng ra bên ngoài rộng lớn, cho đến quên cả đi sự tồn tại của bản ngã. Lúc này, tuy mọi thứ phiền não chưa thể trừ bỏ hết, nhưng nó cũng không đến nổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thân tâm.

 

TRƯỜNG SANH BẤT LÃO

*****

 

Gần đây, nền khoa học chữa trị phát triển rực rỡ, rất nhiều người kỳ vọng, nền khoa học kỹ thuật làm cho nhân loại, giữ mãi tuổi xuân, trường sanh bất lão

Việc luyện tập trường sanh bất lão vốn là tư tưởng của đạo giáo, không phải do Phật giáo đề xướng. Tuy Phật giáo có nói, con người có thể sống đến tám mươi bốn ngàn tuổi, thiền tông cũng nói, nếu như nhập tứ thiền thì bấy giờ không có khái niệm về không gian và thời gian. Thế nhưng Phật giáo không khuyến khích con người theo đuổi tìm cầu trường sanh bất lão, vì cơ thể con người là do địa, thủy, hỏa, phong hợp lại mà thành, đang trong quá trình biến đổi không ngừng, không có tự tánh vĩnh hằng bất biến, là vô thường, khổ, không.

Ngoài ra, qua cuộc sống chúng ta có thể thấy, một người nếu trong lòng ít phiền não, không chỉ bề ngoài hiện nét tươi trẻ mà cũng sống thọ hơn người bình thường. Những người nhiều phiền não, xem ra hơi già nua, thân thể cũng không được khỏe mạnh, vì vậy phải hiểu là tu thân không bằng tu tâm.

Thân và tâm không thể tách rời. Phật giáo tuy không có nhấn mạnh về sức khỏe cơ thể, nhưng người tu tâm cũng sẽ được lợi ích của tu thân.

 

TÂM LỰC GIÚP CHO THỂ LỰC

*****

 

Đệ tử của Tôi thường lo lắng cho sức khỏe của Tôi. Tôi cũng biết sức khỏe của mình kém, nhưng Tôi biết rõ tình trạng cơ thể của mình và cũng sẽ nhín thời gian để nghỉ ngơi, lại nữa Tôi tin rằng trạng thái tâm lý của mình rất khỏe, cho nên dù cơ thể Tôi có bệnh cũng không sao.

Tôi thường nói: "siêng năng lao động là tốt nhất cho sức khỏe" con người ta thường thì do không lao động nên sanh bệnh, vì vậy phải nên siêng lao động, có lao động sau này mới có sức khỏe.

Do đó, mỗi khi bệnh phải nên tự nói: " Vì ngươi biếng lười cho nên mới sanh bệnh đó"

Chỉ cần chúng ta khởi tâm tinh tấn siêng lao động thì chư Phật Bồ-tát, Thiên Long hộ pháp sẽ gia trì cho mình, khiến cho tâm lực của mình có thể trợ giúp cho thể lực của mình.

Việc này không phải là muốn mình bệnh hay không bệnh, phàm là người thì không ai tránh khỏi bệnh đau, nhưng khi đã phát bệnh rồi mình không làm được thứ gì cả, hãy giữ gìn tâm trạng cho khỏe, tin rằng mình có thể làm một chút gì đó.

Nếu mình thật sự ngã bệnh, không làm được việc gì cả thì vẫn có thể dụng tâm niệm Phật, chỉ cần trong lòng niệm Phật thì coi như là siêng năng làm việc rồi.

"Người bận rộn thì có thời gian nhiều nhất. Người siêng năng làm việc thì có sức khỏe nhất"

 

ĂN NGHE NGON NHẤT

*****

 

Xưa kia, con người sống không có điều kiện tốt, ăn uống chỉ mong đầy bụng là được rồi; người đời nay mức sống nâng cao, việc ăn uống phải đặt nguyên tắc sức khỏe lên hàng đầu.

Ăn những thức ăn có mức dinh dưỡng cao cũng không hẳn là có ích cho sức khỏe, muốn ăn những thứ có ích cho sức khỏe thì nên càng ăn những thực vật tự nhiên thì càng tốt. Thực vật mà bào chế quá kỹ sẽ mất đi nguyên chất của nó, còn thực vật bỏ gia vị quá đậm đặc sẽ không còn tươi, cho nên tốt nhất là nên chọn dùng những thực vật thanh đạm, tự nhiên.

Khi ăn nên nhai cho kỹ, nuốt từ từ, dùng răng và lưỡi để thưởng thức món ăn. Món ăn ngon nhất không phải là do con người nêm nếm mà là do sau khi nhai kỹ nuốt chậm, thức ăn và nước bọt kết hợp lại, thì khi thức ăn chưa qua thực quản đã có công năng tiêu hóa, khiến răng miệng giữ mùi thơm, ăn nhìn rất là ngon. Cách thức ăn uống và thái độ ăn uống như vậy mới có lợi cho sức khỏe nhất.

 

KHÔI PHỤC LẠI SỨC SỐNG

*****

 

Trong lúc bạn lo lắng y dược không dễ gì trị khỏi căn bệnh của mình thì nếu không có gì trở ngại, bạn có thể đến học cách tọa thiền.

Tọa thiền có thể chữa lành bệnh, có thể phá trừ mọi thứ ổ bệnh như bệnh mãn tính, các thứ tạp chứng khó trị. Đó là vì lượng huyết dịch lưu động tăng, làm tăng công năng truyền dinh dưỡng, ban cho các tổ chức tế bào đã lụi tàn một sức sống, xây dựng lại các tế bào hoàn toàn mới, khiến cho các tế bào bị tắt nghẽn sắp chết dần dần sống lại, cơ năng cũng được tái sanh.

Tọa thiền tuy là không giống như giải phẩu cắt bỏ ruột thừa, khiến cho người bệnh lập tức khỏi ngay, nhưng nó có thể làm cho tâm tư dịu lắng, làm giảm bớt sự khủng hoảng và sợ hãi của bạn đối với căn bệnh, cũng có thể giảm nhẹ sự đau khổ về bệnh tật của bạn.

Dù cho cơ năng sinh lý của con người có tuổi thọ ở mức cố định, pháp tọa thiền không thể giúp người ta trẻ mãi không chết, nhưng nó cũng có thể khiến cho bạn sống thọ hơn, sống vui vẻ hơn.

 

CHỌN CUỘC SỐNG MÀ MÌNH VUI THÍCH

*****

 

Có lần Tôi đã gặp một kiến trúc sư về hưu, sau khi về hưu rồi, lượng công việc mà ông làm hằng ngày còn hơn cả lúc còn tại chức.

Vì kinh nghiệm và lòng nhiệt tình của ông khiến cho nhiều bè bạn ưa thích tìm đến ông xin trợ giúp, mà đã là giúp đỡ thì đương nhiên chỉ là nghĩa vụ, nhưng ông lại ưa thích nên không cảm thấy mệt và xem đây là hoạt động hưu nhàn của mình.

Tôi hỏi ông: " Ông có cảm thấy mệt mỏi vất vả không?"

Ông nói: " Đây là thú tiêu khiển của Tôi. Tuy cũng có mệt nhọc, nhưng không có vất vả. Cái khác là ở chỗ không bị áp lực vì công việc và sự mong cầu đền đáp, vì vậy là hoạt động hưu nhàn chớ không phải công việc vất vả."

Cũng giống như hình ảnh miêu tả trong tác phẩm "Quy điền viên cư" của Đào Uyên Minh, thi nhân điền viên, tình cảnh cày cấy sớm đi tối về, đây là đời sống ẩn cư thong dong tự tại. Vì vậy, cách sống này là nguồn vui của ông ấy và cũng là do ông ấy tự chọn. Tuy nó rất vất vả, trời mọc ra đồng, trăng lên về nhà, nhưng vì không tham không lụy cho nên được cái vui tự tại.

 

BẬN ĐẾN NỔI KHÔNG LÀM SAO NGƠI NGHỈ

*****

 

Do vì công việc bận rộn nên người đời nay thường vì lao nhọc quá mức mà sanh bệnh. Cũng giống như Tôi do viết lách quá nhiều, kết quả là do sử dụng tay quá nhiều nên Tôi bị trẹo khủy tay, thường hay bị đau nhứt. Có lần Tôi hỏi bác sĩ xem phải làm thế nào? kết quả bác sĩ trả lời là bản thân cũng đã bệnh giống như Tôi, theo kinh nghiệm, bác sĩ khuyên Tôi nên nghỉ ngơi nhiều.

Tôi hỏi lại bác sĩ: "Thế bản thân ông có nghỉ ngơi không?"

Ông ấy nói giọng khỏa lấp: "Con nghiệp chướng nặng, bận đến nổi không làm sao nghỉ ngơi."

Tôi nói: "Tôi nghiệp chướng cũng nặng nên không làm sao nghỉ nhiều. Bác sĩ thấy có thể chữa được bệnh thì chữa, còn thấy không được thì đành chịu, đều này nói lên giữa Tôi và căn bệnh cùng sống chết có nhau".

Khi gặp phải đau khổ, cách tốt nhất chính là đối mặt với nó, tiếp nhận nó, xử lý nó và sau cùng là buông bỏ nó. Nói về chăm sóc thân thể, nếu bệnh nhẹ thì đừng quá chú ý, nhưng phải hỏi bác sĩ nếu thấy cần thì phải chữa trị. Tục ngữ có câu " Đau lâu thành bác sĩ" phát bệnh đã lâu, kinh nghiệm có nhiều thì sẽ tự rõ bệnh tình của mình, vì vậy có thể tự chăm sóc cho bản thân.

" Thông qua việc tu hành trong tĩnh và động, khiến cho trong đời sống chúng ta, khi đối diện với bất cứ tình huống nào cũng đều thu nhiếp tâm, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, động tĩnh đều thích nghi."

 

QUAN NIỆM CHÍNH XÁC VỀ SỨC KHỎE

*****

 

Tùy theo sự phát triển của nền văn minh khoa học kỹ thuật mà con người mắc chứng bệnh thời đại âu lo càng tăng nhiều, vì vậy mà người đời nay đặt biệt rất coi trọng sức khỏe. Thường hay có người hỏi Tôi, làm thế nào để tu hành trong động? hay ăn chay có sức khỏe hay không?

Có thể nói là, muốn có sức khỏe thì phải vận động nhiều. Nhưng mà thông thường người ta cho rằng người tu hành cần ở sự tĩnh tu, tốt nhất là ít vận động.

 Thật ra người tu hành thật sự thì dù là động hay tĩnh cũng đều ở trong tĩnh, cũng có nghĩa là nói, khi cơ thể hoạt động, tâm thì tĩnh lặng, còn khi tâm hoạt động thì cơ thể thư thả, buông lỏng.

Còn như việc ăn chay, có người cho rằng ăn chay không đủ chất dinh dưỡng, thế nhưng trong số những người ăn chay mà Tôi quen biết, không có ai vì ăn chay mà giảm tuổi thọ, hiệu quả làm việc kém hơn.

Tôi thì chủ trương nên ăn chay. Nhưng nếu có người thật sự không thể ăn chay được thì nên bớt ăn thịt lại. Theo như Tôi thấy, thịt động vật có hại, không có ích gì cho con người. Các nhà nghiên cứi dinh dưỡng thực phẩm cũng có chỉ ra, ăn chay mà đúng cách có thể mang đến sức khỏe.

 

THÂN THỂ PHẢI NÊN THẢ LỎNG CHỚ KHÔNG NÊN CĂN THẲNG

*****

 

Có nhiều người kiêm nhiệm đến vài chức vụ, trong công việc, nếu không khéo điều phối thời gian, không khéo điều chỉnh thái độ và cách nghĩ của mình thì sẽ rất dễ mắc phải căn bệnh thời đại.

Ví như người đời nay, tần xuất bị bệnh ung thư rất cao. Căn bệnh này có liên quan đến thói quen ăn uống, thói quen sống, hoàn cảnh sống, đặt biệt là những người lo lắng dẫn đến căng thẳng thì tần xuất mắc bệnh ung thư cao hơn.

Tôi cũng là người rất bận rộn, nhưng nguyên tắc của Tôi là: " Cần nhanh, không cần gấp" làm việc phải mau lẹ, nhưng tâm không được gấp gáp; hể tâm mà gấp gáp thì cơ thể chắc chắn sẽ căng thẳng; hễ cơ thể căng thẳng thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu xuất làm việc, không chỉ phẩm chất làm việc không được tốt mà còn không tốt cho sức khỏe cơ thể. Nhưng trong làm việc thì nên " tuy bận mà không rối rắm" cơ thể thì " nên thư thả không nên căng thẳng"

Muốn cho cơ thể thư thả rất đơn giản, có thể tập luyện cho cơ nhục trên mặt, nhãn cầu của mình cho đến bụng dưới thả lỏng. Nếu không thường thả lỏng cơ thể, cứ như vậy lâu ngày, không chỉ làm việc dễ bị sơ sót mà cũng dễ sanh bịnh, cho nên phải học cách thả lỏng ở mọi lúc.

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.                       Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.                       Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.                       Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.                       Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.                       Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.                       Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.                       Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.                       Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.                       Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.                 Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·       Xin mọi người thường niệm:

·       Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·       Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·       Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

Tịnh Xá Phổ Giác: 45/23/2 đường 100 Bình Thới, F14, Q.11, Tp.HCM

ĐT: 08.54065831

Email: [email protected]

         


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :