Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Không Thể Khiến Bạn Loạn Tâm

Thứ năm, 17/07/2014, 13:29 GMT+7

Đối mặt với thế giới bấp bên bất an, bạn có cảm thấy sự an toàn không? Thế giới vốn là thứ vô thường nhiều biến đổi. Điều quan trọng nhất là tìm được con đường an tâm. Dùng cách quán vô thường tích cực đối ứng với thời cuộc vô thường. Có loạn đi nữa cũng "Không Thể Khiến Bạn Loạn Tâm"

 

KHÔNG THỂ KHIẾN BẠN LOẠN TÂM

Nguyên tác Pháp sư Thích Thánh Nghiêm

Dịch giả Thích Minh Kiết

 

Lời Tựa

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “Không Thể Khiến Bạn Loạn Tâm” Chúng tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

 

Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm 

 

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

KHÔNG THỂ KHIẾN BẠN LOẠN TÂM

***** 

 

Cái thế giới của chúng ta đây, thường thì chỉ cần có một nơi xảy ra chuyện thì các nơi khác cũng sẽ có vấn đề, nhất là về phương diện tài chính. Cho nên nguy cơ về nền kinh tế, thông thường là mang tính toàn cầu.

Trong quá khứ, đã có mấy lần xảy ra nguy cơ về nguồn năng lượng toàn cầu, đó là vì có một khu vực hay một quốc gia nào đó xảy ra vấn đề, sau đó mới dẫn đến phát sanh nguy cơ mang tính toàn cầu. Cũng giống như khu vực Trung Đông xảy ra chiến loạn, hoặc là những lúc nước Mỹ chiến tranh với nước khác, về bề ngoài, dường như nó không có liên quan gì đến chúng ta, nhưng trong đời sống chúng ta phải gián tiếp chịu ảnh hưởng.

Hoàn cảnh trên thế giới này cũng giống như vậy. Cho nên, điều cần thiết nhất vẫn phải là an tâm.

Khi tâm đã an rồi, thì hoàn cảnh cho dù có xảy ra hỗn loạn thế nào đi nữa thì tâm của chúng ta cũng vẫn phải an tĩnh lại.

"Muốn cầu bình an trước hết phải an tâm"

 

ĐÂY LÀ LẼ TỰ NHIÊN

***** 

 

Cách thức an tâm trong thời loạn là trước hết chúng ta phải biết đối diện với hiện thực, khi đã chấp nhận hiện thực thì bản thân mình sẽ không an. Trên thế giới lúc nào cũng có xảy ra vấn đề, lúc nào cũng có hỗn loạn, lúc nào cũng có thể khiến cho mình hồi hộp, khiến cho mình cảm thấy sự việc căng thẳng.

Khi đối mặt với những sự thật như vậy, chúng ta phải chuẩn bị và nhận thức tâm lý cho thật tốt, để nếu thật sự khi vừa xảy ra nạn tai, chúng ta có thể ngay đó nhận thức đó là lẽ tự nhiên, rồi bình tĩnh mà nói: "ờ. Đây là lẽ tự nhiên mà!"

Vì nếu như chuyện này không xảy ra thì cũng có thể xảy ra chuyện khác; hay không xảy ra chỗ này thì cũng sẽ xảy ra chỗ kia thôi.

Một khi đã biết những nguy cơ, thiên tai, nhân họa có thể xảy ra thì chỉ cần mình đừng vì đó mà lo sợ, nóng vội bất an thì là tốt rồi.

"Chỉ cần trong tâm bình tĩnh đôi chút thì chúng ta sẽ có thể nhận ra phương hướng đúng để quyết định phải làm thế nào một cách an tĩnh và rõ ràng"

 

KHÔNG LOẠN TÂM LÀM VIỆC MỚI TỐT

***** 

 

Khi tôi còn du học tại nước Nhật, lúc làm luận án tiến sĩ thì cũng vừa lúc xảy ra cuộc biến đoạn giao giữa hai nước Đài Loan và Nhật Bản, vì vậy với tấm hộ chiếu được cấp tại Trung Hoa Dân Quốc đến Nhật Bản của tôi không được công nhận. Lúc bấy giờ các du học sinh đều hoảng loạn bất an, bỏ phế việc học, đi thăm dò tin tức khắp nơi. Hễ thông tin bên lề càng nhiều thì người ta càng theo đó mà hoảng loạn hơn.

Trong sự hoảng loạn đó, trái lại tôi thoải mái chuẩn bị luận án một cách bình tĩnh, đến thư việc để tìm tư liệu.

Tôi suy nghĩ rất đơn giản, đến mức đường cùng lắm thì tôi sẽ ra đi, còn không thì tôi vẫn phải làm những việc mà tôi cần làm. Tâm không loạn thì làm việc mới tốt. Tôi nói với những người bạn học rằng: "Lửa sẽ không đốt cháy được anh đâu, đừng có sợ. Mà nếu đã thiêu rồi thì mình vẫn có thể lánh chỗ khác kịp mà." Thế nhưng, mọi người khó mà chấp nhận.

Loạn xảy ra được gần nửa năm thì cuộc thế sáng sủa. Thế nhưng các bạn học Đài Loan thì lại không có tiến triển bất cứ việc gì, còn riêng tôi, luận án tiến sĩ đã làm được hơn phân nửa.

 

CHUẨN BỊ TỐT NHẤT DỰ TÍNH XẤU NHẤT

***** 

 

Hiện nay có rất nhiều người cảm thấy hoảng hốt, bất an đối với tương lai. Riêng tôi cho rằng, biết được hiện tại mới là điều quan trọng nhất, có lo lắng về tương lai thế nào đi nữa cũng không có ích gì. Tốt nhất phải là trải nghiệm thực tế thôi.

Tiền đề quan trọng nhất của việc hiểu biết hiện tại đó chính là phải khẳng định và chấp nhận sự thật. Vậy sự thật là như thế nào? là mọi việc trên đời này không có tánh cố định, thường thay đổi. Không phải chỉ hoàn cảnh đổi thay mới là vô thường mà ngay cả bản thân mình cũng đổi thay vô thường. Ví như sức khỏe, nếu chúng ta biết chấp nhận, đối mặt với vô thường thì chúng ta sẽ có sự chuẩn bị cho những đổi thay ở trong thân và ngoại cảnh.

Do đó tôi thường hay nói, khi đối mặt với cuộc sống, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất và sự dự tính xấu nhất. Vô thường là sự thật của kiếp người, chúng ta không có cách nào để khống chế nó. Chỉ có sự chuẩn bị tâm lý cho tốt thì chúng ta mới có thể có sự thích ứng tương đối tốt về mặt tâm lý và mới có thể tiếp nhận mọi sự đả kích ở bên ngoài.

 

THẾ GIAN VÔ THƯỜNG

***** 

 

Có người đã hỏi tôi, khi sống trong thế giới vô thường, mình phải có thái độ như thế nào để đối mặt với nạn tai.

Tôi nói, trên đời này có một sự thật vĩnh viễn không thay đổi đó là "vô thường"

Trong "kinh Bát Đại Nhân Giác" có nói: "Thế gian vô thường, cõi nước giòn bở" ý chính là nói, đất đai trên địa cầu này trong tình trạng hiểm nguy, có thể bị sụp đổ, lại thêm trên thế gian này không có việc gì là còn mãi không đổi thay. Đây là lời nói của đức Phật Thích-ca Mâu-ni dạy cho các đệ tử, trước khi đức Phật nhập niết-bàn, mục đích là để an ủi các đệ tử, khi Ngài niết-bàn rồi, xin mọi người hãy chấp nhận sự thật. Bất cứ sự vật hiện tượng nào trên thế gian này cũng đều là vô thường.

Đây là sự thật chớ không phải là cách nhìn tiêu cực. Nói như thế là để chúng ta mượn cái thân này, mượn chỗ trú ngụ này để làm lợi ích cho mình và người.

Còn như lúc nào xảy ra nguy hiểm, gặp phải nạn tai thì không có ai biết trước được, thế nhưng chúng ta bất cứ lúc nào, hay bất cứ nơi đâu cũng phải có sự chuẩn bị tâm lý.

"Thông thường người ta nhìn nhận sai lầm cho sự việc vô thường là còn mãi không thay đổi, để rồi rốt cuộc tự mình phải lãnh lấy khổ não mê mất."

 

ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ CÒN ĐỨNG DẬY ĐƯỢC

***** 

 

Sau khi xảy ra trận động đất ngày 21 tháng 9 có người cho rằng, nếu dọn đến ở một nơi ngoài vùng động đất thì sẽ an toàn hơn.

Thế nhưng, dù cho cái nơi được cho là an toàn nhất cũng không chắc hẵn là thật sự an toàn. Điều căn bản nhất, chúng ta cũng vẫn phải "dẫu an cũng đề phòng nguy biến" đề cao sự chuẩn bị tâm lý đối diện với tai biến, thời khắc nào xung phải cẩn thận, phải chuẩn bị.

Ngay lúc bình thường chúng ta cũng phải dự phòng đến việc xảy ra nạn tai động đất, nếu không thì đến lúc lâm nguy trở tay không kịp.

Xảy ra động đất là sự thật của vô thường, bất cứ hiện tượng nào cũng không có tính thường hằng bất biến. Tất cả mọi việc mà chúng ta đối mặt cũng đều là vô thường.

Thế giới của tự nhiên sẽ phát sanh tai biến. Một khi đã xảy ra rồi thì mình cũng đừng hỏi là tại sao. Chỉ có đối mặt với sự thật, xử lý bổ khuyết cứu chữa, và còn có thể đứng dậy được nữa mới là điều quan trọng.

"Nếu tâm an định thì dù gặp hoàn cảnh có như thế nào đi nữa cũng có thể khiến cho mình cảm thấy an tâm"

 

NẠN TAI KHÔNG ĐẾN NỮA

***** 

 

Trong tín ngưỡng Phật giáo, việc nạn tai đều có cái nguyên nhân gần và xa của nó. Nguyên nhân xa là mỗi một người chúng ta từ vô lượng kiếp về trước, vào một nơi khác, một thời đại khác, mỗi người gây tạo các ác nghiệp riêng; sau khi đến trái đất này, mọi người sanh cùng một thời, cùng trong một hoàn cảnh, cùng chịu sự khổ trong một nạn tai, gặt lấy quả báo mà mình phải lãnh.

Nếu nhìn bề ngoài thì dường như mình vô tội, thế nhưng trên thực tế thì đó là "sự chiêu cảm cộng nghiệp" vì chiêu cảm cộng nghiệp phải chịu quả báo như vậy, cũng có nghĩa là cùng chung một quả báo, cùng đến để trả nghiệp vậy.

Nếu đời quá khứ bạn đã làm rất nhiều việc không tốt, để phòng ngừa nạn tai có thể đến bất cứ lúc nào bạn hãy mau lập công chuộc tội.

Đứng về lập trường quan niệm về nhân quả của Phật giáo, cách tốt nhất để tránh khỏi nạn tai là làm nhiều những việc có ích cho người, bớt gây khó khăn cho người khác, có nhiều trợ giúp người khác giải quyết khó khăn.

"Nếu tâm được an định thì dù xã hội mà mình thấy như thế nào, mình cũng sẽ vẫn an tâm"

 

SỐNG SÓT TỪ CUỘC CHIẾN

***** 

 

Tôi là người sống sót từ cuộc chiến, cho nên, vào năm 1949, lúc tôi mới đến Đài Loan, Tôi cảm thấy nơi đây quả thật là một hòn đảo xinh đẹp an ổn. Tuy nhiên, nước này cũng thường chịu các thứ uy hiếp như: Mỹ, Nhật Bản v.v...đã có lúc đoạn giao với Đài Loan trước đó lẫn sau này, rút khỏi Liên hợp quốc, sự đấu tranh xung đột giữa hai nước. Thế nhưng đến ngày nay, Đài Loan vẫn tốt đẹp. cho nên, những người sống ở Đài Loan phải nên tri túc và phải nên biết cảm ân.

Vì Đài Loan rất may mắn ít có biến loạn cho nên khiến họ trở nên thiếu dũng khí, không có ý thức về nguy cơ đối mặt với nạn tai, khi gặp phải chuyện thì lo sợ hoảng hốt.

Chính vì tôi là người bước ra từ cuộc chiến, do đó trong bất cứ tình cảnh hỗn loạn nào, tôi cũng đều có thể giữ tâm được an tĩnh.

Ngay khi trong hoàn cảnh hỗn loạn tơi bời, khiến cho người khác cảm thấy rất sợ hãi thì đối với tôi mà nói, ngược lại không có ảnh hưởng gì.

Khi đó, tôi sẽ tự nói với mình rằng: Mình vẫn còn đang sống đây, không bị chết là tốt lắm rồi. Nhưng nếu như phải chết thì mình có sợ nữa cũng vô ích, vậy thì tại sao trước khi chết, mình lại không đối mặt với sự thật cho tốt đi?

"Mình phải an tâm trước, rồi mới nên giúp người an tâm"

 

TÂM NGƯỜI HỄ XẤU THÌ NẠN TAI SẼ ĐẾN

***** 

 

Có người nói rằng, nếu không tin vào một tôn giáo nào đó thì nhân loại sẽ bị xử phạt. Về vấn đề này thì không có rồi. Đứng trên lập trường của Phật giáo, chúng ta không thể tán đồng việc này.

Vào thời xưa, khi gặp phải những tai biến tự nhiên như thiên tai nhân họa v.v...nhà vua ra lệnh cấm giết mổ mấy ngày, thi ân đối với chúng sanh, để hy vọng nhờ đó mà có thể làm cảm động đến hộ pháp chư thiên, khiến cho hạn hán được mưa, lũ lụt thì tiết trời khô ráo, động đất thì dừng lại. Trong lịch sử có không ít những ví dụ như vậy.

Ngoài ra sự vận hành và từ trường của cả vũ trụ trong thế giới tự nhiên có liên quan mật thiết với nhau. Khi một bộ phận nào đó của từ trường không ăn khớp với nhau thì sẽ dẫn đến một vài thiên tai biến đổi trong thế giới tự nhiên. Ví như cơ thể con người bốn đại không điều hòa thì sẽ sanh bịnh vậy.

Thế nhưng, nếu mỗi người chúng ta, bắt đầu điều chỉnh từ nội tâm mình thì thế giới này, hoàn cảnh này cũng sẽ theo đó mà cải đổi. Còn một khi lòng người xấu xa thì nạn tai sẽ đến mau thôi. Còn nếu lòng người càng ngày càng tốt hơn thì nạn tai sẽ càng ít đi. Đây là sự chiêu cảm cộng nghiệp.

"Khi tâm chúng ta cải đổi thì xã hội cũng sẽ cải đổi và hoàn cảnh tự nhiên cũng sẽ cải đổi"

 

DÙNG BẤT BIẾN ĐÁP TRẢ VẠN BIẾN

***** 

 

Nếu nói lòng người dao động bất an là do chịu sự ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, vậy thì chúng ta phải nên tập cho quen rằng: "Đừng để tâm bị chuyển theo cảnh" cũng có nghĩa là nói, cảnh động chớ tâm không động, đây chính là ý "Dùng bất biến đáp trả vạn biến".

Ngay khi hoàn cảnh bên ngoài có sự thay đổi thì chúng ta phải nhận thức được ngay điều này "hoàn cảnh bên ngoài đang động, mình không được để tâm động theo."

Nếu tâm không động theo, đối mặt xử lý một cách trầm tĩnh thì mình sẽ được an toàn. Còn nếu như hoàn cảnh động mà tâm của mình cũng động theo thì trái lại càng không an toàn.

Việc này cũng giống như trước khi kẻ thù tấn công mình, chỉ vì sự sợ hãi trong lòng mà trái lại mình lại khởi hoảng loạn trước, anh đánh tôi, tôi đánh anh với nhau thì đây chính là không đánh mà tự tiêu, khiến cho kẻ địch không đánh mà thắng. Đây quả thật là tự chuốc khổ. Không cần phải làm như vậy.

"Hoàn cảnh càng xấu thì Bồ-tát càng có lực điểm, càng có việc để làm"

 

TRONG LÒNG CÓ YÊU THƯƠNG THÌ SẼ CÓ CẢM GIÁC AN TOÀN

***** 

 

Thuở niên thiếu tôi rất nghèo khó, do bởi quân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc mới khiến cho cả gia tộc tôi nghèo xơ nghèo xác, sống ngày nay chớ không biết ngày mai ăn thứ gì? Nhưng may thay cha mẹ tôi vui với số trời, không chỉ không oán hận mà trái lại vẫn còn có thể giúp đỡ hàng xóm với nhau. Cho nên dẫu nghèo cùng vật chất nhưng không đến nổi đáng sợ như thế.

Việc này cũng khiến cho tôi thể nghiệm được, chỉ cần trong lòng có sự yêu thương thì có thể cảm nhận được sự an toàn và hy vọng.

Nghèo khó về tâm linh thua xa với nghèo khó về vật chất, nó có đủ tính chất uy hiếp nghiêm trọng, vì nó sẽ mang đến cho nhân loại những nạn tai có tính hủy diệt.

Nếu nguyên nhân của nghèo khó là bắt nguồn từ sự xung đột về hình thái ý thức và sự đối lập tôn giáo thì trước khi vấn đề quan niệm và tín ngưỡng được giải quyết, những nơi nghèo khó đó vẫn mãi mãi khó nghèo.

Ngay khi mọi người cảm thấy không được an toàn, biện pháp chính là dùng cách phòng vệ thì sẽ dẫn đến thành cuộc chiến tranh có tánh công kích, khiến cho nhân loại chìm trong đói khát nghèo khổ, xoay vần như thế, mãi không ngày ra.

Cho nên, chỉ có tinh thần thương yêu được đề cao trong quan niệm tôn giáo người ta mới có thể có được cảm giác an toàn thật sự và mới mở rộng ra cho nền hòa bình toàn diện của nhân loại.

"Hoàn cảnh của chúng ta xưa nay không có tốt hay không có xấu như thế. Có chăng là do cách nhìn, đối đãi của chính mình thế nào mà thôi."

 

THÁO GỞ QUẢ BOM HẸN GIỜ

***** 

 

Có người cảm thấy, chỉ cần dựa vào sức tu hành của một số ít người thì có thể cảm được Long Thiên, Hộ pháp, chư Phật Bồ-tát đến gia hộ; Thế nhưng nếu chúng ta gặp phải số đông người có tâm hiểm ác, hành vi kỳ quặc, hoặc là sống trong một hoàn cảnh số đông có tánh cách như vậy là do đời quá khứ đã hình thành nên một loại cộng nghiệp và định nghiệp lớn, vì thế nên hình thành một loại nạn tai, thiên tai, động đất, thủy hỏa tai, cho dù có trì chú đi nữa cũng không chắc hẵn là tránh khỏi được.

Định nghiệp không dễ gì thay đổi. Nó cũng giống như là quả bom hẹn giờ vậy. Nhưng bom hẹn giờ cũng không chắc gì là nổ, dẫu bom hẹn giờ đã đặt thời gian, không nổ không được. Thế nhưng nếu có người cách tháo ngòi quả bom hẹn giờ thì quả bom hẹn giờ đây sẽ không phát nổ. Cũng giống như định nghiệp vậy, chưa hẵn là tuyệt đối không có cách thay đổi.

"Mỗi người biểu đạt thiện ý "Tôi chúc phúc cho anh" điều này khiến cho đối phương cảm thấy bình an, tâm mới dễ an tĩnh lại"

 

MÀI LUYỆN RA TRÍ TUỆ

***** 

 

Có người hỏi tôi, Phật giáo cho rằng "Ngày nào cũng là ngày tốt" tất cả đều là tốt đẹp hết. Thế nhưng, cái thế giới này lại đầy dẫy những chuyện bất công mà không có cách nào giải quyết. Cũng giống như chiến loạn, nó khiến cho nhiều người bất hạnh gặp tai ương, làm sao chúng ta có thể coi những việc này là tốt cho được?"

Tôi trả lời rằng: Những việc này quả thật là kinh nghiệm đau buồn, thế nhưng, sau khi chấm dứt cuộc chiến khói lửa, trí tuệ của nhân loại mới được nâng cao. Chiến tranh khói lửa cố nhiên là đáng sợ, nhưng cũng qua kinh nghiệm này có thể cảnh tỉnh nhân loại đừng nên giẫm vào vết xe đổ.

Cho nên, ngay khi chúng ta đối diện với khổ nạn, điều quan trọng nhất đó là tìm cách cải thiện, xử lý chớ không phải là ngồi chỗ đó mà than khóc. Tôi có hai câu nói: "Dùng trí tuệ để giải quyết vấn đề, lấy từ bi để yêu thương người" có thể dâng tặng mọi người để làm kim chỉ nam khi đối mặt với vấn đề.

 

THÀ VỨT ĐI MỘT CHIẾC CÀNG

***** 

 

Ngay khi tôi gặp cảnh khốn, thậm chí là có thể nguy hiểm đến tánh mạng, tất nhiên lúc đó, tôi cũng không muốn khoanh tay thúc thủ đợi chết, vì ngay cả con kiến cũng có bản năng tham sống sợ chết mà.

Gặp những việc như vậy, tôi sẽ dũng cảm đối mặt với sự thật, xử lý những nguy cơ trước mắt.

Nếu sự việc thật sự không có cách gì giải quyết thì mình nên chấp nhận nó, tiếp nhận nó, lại còn thêm suy nghĩ phải lưu giữ lại những gì? những tổn thất ra sao? hàm lượng tài nguyên của mình có thể tổn thất bao nhiêu? đây chính là "cắt bỏ".

Tôi thường đưa ra một ví dụ về mình lúc còn nhỏ. Lúc tôi lên mười tuổi, khi ấy có một lần, anh trai tôi rất thích bắt cua, anh ra bờ sông bắt được một con cua thật là to. Trên đường về, cua dùng càng kẹp chặc tay anh. Trong lúc càng cua kẹp chặc tay anh, thì thân nó đã chạy mất tiêu rồi, còn anh trai vì đau quá nên cuối cùng đành phải buông tay ra. Chú cua này quả thật là thông minh.

Câu chuyện này đã khiến tôi sáng ra rất nhiều, vào thời điểm cần thiết, thà chịu hy sinh đôi càng mà vẫn có thể giữ được mạng sống. Đây cũng chính là nói "bỏ cái nhỏ giữ cái lớn" giữ được mạng sống mới là quan trọng.

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO CẢM GIÁC AN TOÀN

***** 

 

Một người nếu không có cái cảm giác an định thì sẽ có một loại phản ứng về tâm lý và nỗi lòng suốt ngày lo lắng bất an, tiến đến ảnh hưởng gia đình và xã hội.

Một khi xã hội không có cảm giác an toàn thì con người rất dễ lo sợ hão huyền, quờ quạng chống đỡ, tự mình sợ mình, mơ màng ngày tàng của thế giới đến nhanh như vậy.

Đây là những hiện tượng sanh ra từ sự khuyết thiếu cảm giác an toàn, an định.

 Làm thế nào để tạo nên cảm giác an toàn và an định đây?

Con người suốt cả cuộc đời, dùng mọi biện pháp đề phòng bên ngoài, dùng đủ mọi cách để cầu sự an định, kết quả vẫn không làm sao có được sự an toàn an định thật sự.

Thí như sự thành tựu của nền khoa học, tuy mang đến rất nhiều sự thụ hưởng văn minh vật chất, thế nhưng cho đến ngày nay, đời sống con người cũng không có gì bảo chứng là hơn người xưa, cảm giác an toàn cũng không có mà vì đó tăng thêm.

Đức Phật Thích-ca Mâu-ni từ lâu đã dạy chúng ta, nếu chỉ thuần tìm kiếm sự an toàn nơi ngoài thân, ở hoàn cảnh, thì mãi mãi không thể tìm được sự an toàn.

Hay nói cách khác, càng không nên tìm kiếm sự an toàn từ bên ngoài, chỉ cần trao dồi nội tâm, tìm cầu nơi chính mình thì trái lại tâm sẽ được an định.

"Xã hội bất an là do lòng người bất an"

 

HÒA NHỊP CÙNG TRÁI TIM CỦA ĐÀI LOAN

***** 

 

Đài Loan gần đây xảy ra một chuỗi các vấn đề như chính trị, cơn bão tài chính và trào lưu di dân khiến lòng dân lộ rõ sự dao động bất an.

Một khi lòng người dao động thì chỉ có thể mang đến cho người, gia đình, xã hội và quốc gia sự bất an và dao động nhiều hơn.

Thật ra, cả thế giới đều có hiện tượng dao động này. Chỉ vì chúng ta là người Đài Loan nên cho rằng chỉ có Đài Loan mới như vậy, nghĩ rằng chỉ cần di dân sang Mỹ, Canada hoặc là Úc châu, Tân-tây-lan thì sẽ cải thiện tình hình.

Thế nhưng di dân sang bên đó có thật là hết phập phòng không?

Xã hội hải ngoại cũng có vấn đề của nó, lại nữa, dù coi như là bạn đã rời khỏi Đài Loan đi nữa, nhưng nếu Đài Loan xảy ra chuyện, nó cũng khiến cho bạn động tâm.

Lúc ở Mỹ, tôi có thấy rất nhiều người Đài Loan di dân, chỉ cần Đài Loan vừa xảy ra chuyện thì họ sẽ lập tức căng thẳng ngay. Trái tim của Đài Loan đang đập, trái tim của họ cũng hòa nhịp theo, vì là nghĩa đồng bào mà. Cho nên, người ta không phải đợi di dân mới yên tâm.

"Khi tâm lực của chúng ta mạnh thì chúng ta có thể cải đổi hoàn cảnh"

 

GIẾT NGƯỜI, TỰ SÁT ĐỀU LÀ TẠO TỘI

*****

 

Hiện nay trên xã hội, con người ta hễ động một chút là cầm súng, khiến cho mọi nguời sống trong một hoàn cảnh lúc nào cũng sợ hãi, chỗ nào cũng nguy hiễm.

Chỉ cần có một kẻ giết người thì tự họ tạo thành sự đáng tiếc, vì họ mang đến nạn tai, tạo thành loạn động cho xã hội. Chỉ cần có một người bị giết hoặc tự sát thì không chỉ họ tự hủy bỏ sanh mạng quý báo của chính mình mà cũng có thể làm liên lụy, gây phiền phức cho gia đình và bạn bè. Thậm chí có người để tránh liên lụy cho gia đình, trước khi quyết định chết, họ cũng giết sạch vợ con. Người như vậy ngu đến bậc nào.

Bất luận là nhìn từ quan điểm phong tục, pháp luật hay Phật pháp, không ai có quyền tước đoạt mạng sống của mình hoặc người khác.

Nói theo sinh lý có sanh có tử là hiện tượng tự nhiên. Còn nói theo nhà Phật thì chết đi là chấm dứt quả báo của một kỳ, cũng là khởi đầu quả báo cho một chu kỳ khác, là hiện tượng không thể tránh khỏi.

Nhưng giết người hay tự sát là tạo tội, là bạo hành. Bất cứ mục đích nào đạt được bằng bạo lực thì đều trái với luật nhân quả tự nhiên, và chắc hẵn là phải trả giá thay nhiều hơn.

"Tâm người không quân bình thì sẽ xảy ra bất an. Bất an thì sẽ gây thành nhân họa"

 

KHÔNG CÓ CẢM GIÁC NGUY CƠ MỚI LÀ VẤN ĐỀ

***** 

 

Sau khi xảy ra trận động đất ngày 21 tháng 9, tôi có khuyên gắng hết thảy người dân bị tai nạn trên toàn quốc rằng: "Khi chúng ta còn một hơi thở thì còn có hy vọng khôn cùng" Đừng để tâm niệm bị quấy rầy bởi hoàn cảnh trước mắt, phải nên tùy thời chờ đợi chuyển cơ.

Đại đa số người ta đợi nguy cơ đến mới sợ hãi, còn bình thường thì không có "ý thức nguy cơ" Thiếu đi cảm giác nguy cơ thì rất có thể nguy cơ sẽ đến ngay. Do đó tôi thường nói, nguy cơ không phải là vấn đề. Không có cảm giác nguy cơ mới là vấn đề.

Tôi thường ôm giữ một niềm tin: Núi không chuyển, đường chuyển. Nếu đường không chuyển thì sao? Vậy thì người chuyển. Nếu như thân thể hành động của bạn không thể chuyển được thì phải làm sao? Thì tâm chuyển, tuy thái độ mềm mại, nhưng ý chí thì kiên định

Hể ý niệm vừa chuyển thì có thể khiến tâm thường giữ yên tĩnh, chỉ cần phương hướng chính xác thì "giữ cho núi xanh còn, lo gì không củi đốt" tương lai vẫn còn hy vọng tràn trề.

 

ĐỂ LÒNG CẢM THẤY AN ỔN

***** 

 

Có người nói: "Quan tài là dành cho người chết chớ không phải để cho người già" Thường thì người ta không thể biết trước mạng sống của mình kết thúc khi nào, chỉ cần một hơi thở ra mà không vào thì coi như chết rồi.

Thân thể, mạng sống con người rất là giòn yếu. Không chỉ mạng sống con người giòn yếu mà thân thể và hoàn cảnh cũng vậy. Bất cứ chỗ nào, nơi đâu cũng đều gặp sự phá hoại. Bão táp, lũ lụt, trận động đất ngày 21 tháng 9 là những thí dụ điển hình. Cho nên chúng ta phải "sống an nghĩ đến nguy khốn" về mặt tâm lý và hành vi phải có sự chuẩn bị tốt rằng, nạn tai có thể giáng xuống mình bất cứ lúc nào.

Nếu đã làm tốt công tác ứng biến toàn vẹn rồi mà vẫn không thể tránh được nạn tai thì chỉ có đối mặt với nó, tiếp nhận nó, thêm vào sự tín tâm, tín ngưỡng để tâm có cảm giác an toàn, an ổn thì tâm trạng cũng sẽ không lo sợ như thế.

 

NGHÈO KHẨN TRƯƠNG

***** 

 

Hiện nay, điều chúng ta lo sợ nhất không gì ngoài chiến tranh hạt nhân. Năm 1982, tôi có một cuộc phỏng vấn trong một tiết mục của đài truyền thanh WBAI, New york, nước Mỹ. Bấy giờ tại New york có mấy chục ngàn người biểu tình phản đối hoạt động thị uy vũ khí hạt nhân.

Có một quý cô người Mỹ gọi điện thoại đến trường thu hỏi tôi: " Ngày nay, nếu chiến tranh hạt nhân bạo phát, thầy có ý kiến thế nào? Nếu có một người ra lệnh, ấn vào nút điện thì có thể khiến cho đạn hạt nhân bùng cháy trên đầu chúng ta, khiến cho thành phố chúng ta sụp đổ ngay lập tức, địa cầu biến thành tổ quỷ. Họ có quyền gì mà làm cái việc đáng sợ như thế?"

Tôi trả lời: "Hiện giờ vẫn chưa có ai ấn nút điện mà, đạn hạt nhân vẫn chưa bùng cháy trên đầu chúng ta, bà lo sợ làm gì?"

Bà ấy hỏi tiếp: "giả như họ ấn nút thì sao?"

Tôi đáp: "Ấn nút rồi thì thôi còn gì để nói nữa?"

Dường như bà ấy không thỏa mãn câu trả lời, nhưng có rất nhiều người rất thích câu trả lời của tôi. Vì nếu đã ấn nút rồi thì còn gì để phản đối nữa, đành phải chấp nhận nó thôi. Nếu đã có thể chấp nhận nó thì còn có gì mà lo lắng bất an nữa.

"Con người ai mà không chết. Cái thân này chính là nguồn gốc của sự không an toàn rồi"

 

MỌI NGƯỜI ĐỀU LÀ DÂN TAI

***** 

 

Sau trận động đất ngày 21 tháng 9, trận bão ở Đào Chi, Nari, những người trên đảo Đài Loan thảy đều là dân tai, đều là hộ tai. Có điều là có người thì bị trực tiếp, có người thì bị gián tiếp, có người bị tai nặng một chút, có người thì bị nhẹ một chút, về mức độ tuy khác nhau, nhưng trái lại đều bị chung nạn tai.

Cho dù có người trong nhà không có xảy ra bất cứ chuyện gì, mạng sống và tài sản không có tổn thất tý nào, xem ra không có chịu nạn. Vùng bị thiên tai thiệt hại về vật chất xem ra dường như không phải là của mình, nhưng trên thực tế chúng ta đều cùng chịu.

Lại nữa, chính phủ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để xây dựng lại khu thiên tai, bồi thường tổn thất cho khu thiên tai, dân bị thiên tai. Vậy tiền đó ở đâu? Là của mỗi chúng ta, có liên quan đến từng hơi thở của mỗi chúng ta, một lần nữa hiện rõ cái ý "sanh mạng cùng đồng thể"

Dưỡng thành quan niệm "sanh mạng cùng đồng thể" chúng ta mới có thể yêu tiếc cái xã hội này, yêu tiếc hoàn cảnh của chúng ta, yêu tiếc mỗi một người trong hoàn cảnh.

Giả như không có sự nhận thức chung này thì sau khi tai nạn, lòng người vẫn dao động như vậy, tự tư như vậy, hỗn loạn như vậy thì cũng trở thành như cũ!

"Bình thường không có ý thức nguy cơ thì sẽ sanh ra nguy hiểm nạn tai nhiều hơn"

 

NHÂN ĐỊNH THẮNG THIÊN

***** 

 

Câu "Nhân định thắng thiên" theo sự giải thích của tôi là: Nếu lòng người an định thì xã hội sẽ an định. Khi mọi hoàn cảnh an định rồi thì dù có gặp đại thiên tai đi nữa chúng ta cũng sẽ an nhiên vượt qua.

Lấy Pháp cổ sơn làm thí dụ: Đài Loan nhiều lần xảy ra đại nạn tai như vậy, nhưng chúng tôi rất bình an, lại còn nhất tâm nhất đức làm công tác cứu tế, không chỉ bản thân được bình an mà còn có thể làm cho mọi người được bình an.

Lấy trận bão Nari để nói, bản thân của chùa Nông Thiền cũng chìm trong nước, thế nhưng đoàn thể chúng tôi vẫn rất hài hòa, ai nấy cũng đều ý thức, nhanh chóng tự làm tốt công việc cần làm.

Phòng ốc tuy bị ngập nước, nhưng người rất an toàn, ai nấy đều rất chủ động không cần phải đợi tôi nhắc nhở.

Sự hài hòa của chúng tôi chính là định. Do lòng người được an định, nên thiên tai ảnh hưởng rất ít đến chúng tôi.

Cũng như vậy, nếu mỗi người ở Đài Loan đều rất an định thì dù có xảy ra bất cứ chuyện gì cũng không thành vấn đề. Chỉ cần trong xã hội, đại đa số người ta an định thì cái thế giới này sẽ là tịnh độ.

Vì khi thiên tai xảy ra, chúng ta đối mặt nó, chấp nhận nó, xử lý nó, bỏ đi đau buồn và đau thương thì dù có khó khăn cách mấy chúng ta cũng không làm sao cả.

 

ĐỪNG MÂU THUẨN NỮA

***** 

 

Trong cái thế giới đa nguyên hóa này, tôn giáo, tư tưởng cũng là đa nguyên, vậy nên, muốn dùng một quan điểm của mình để "thống nhất" tư tưởng người khác, điều này tuyệt đối không thể được.

Tôi tin rằng các dân tộc khác nhau có cách nghĩ khác nhau, chỉ có cư xử bằng cách tôn trọng bao dung, chúng ta mới có thể hóa giải mâu thuẩn, xung đột và đấu tranh.

Thật ra, có mâu thuẩn cũng là bình thường, vì như vậy mới có tiến bộ. Nói theo Phật giáo, ngay nơi tự thân của mình cũng tồn tại các thứ mâu thuẩn. Ví như sanh già bệnh chết là do tứ đại địa, thủy, hỏa, phong trong cơ thể không điều hòa tạo nên. Do sự mâu thuẩn như vậy, thúc đẩy khiến giới khoa học tìm kiếm sự tiến bộ kỹ thuật điều trị.

Giữa con người với nhau, xảy ra mâu thuẩn và xung đột cũng là chuyện bình thường. Nếu có thể vận dụng trí tuệ thì chúng ta có thể chuyển hóa vấn đề thành nguồn tư lương, kinh nghiệm để trưởng thành.

Do đó, khi gặp phải mâu thuẩn, khốn khó, chúng ta nên đối mặt bằng tâm cảm ân, cảm ân vì chúng ta có cơ hội cống hiến và phục vụ.

"An tâm thật sự là không có tâm để an"

 

THẾ GIỚI HÒA BÌNH

***** 

 

Khi bàn về vấn đề hòa bình trên thế giới, Phật giáo không chỉ phản đối vấn đề chiến tranh hạt nhân, hay là phản đối việc cạnh tranh vũ khí hạt nhân v.v...vì hàm nghĩa của hai chữ "Thế giới" có thể lớn có thể nhỏ. Nhỏ cho đến thế giới nội tâm của mỗi người. Lớn ra cho đến thế giới của chư Phật và thế giới của chúng sanh trong mười pháp giới. Nhìn từ thế giới chúng sanh có lớn có nhỏ, có trong có ngoài; nhìn từ thế giới chư Phật thì có mười phương ba đời vô lượng các đức Phật.

Cho nên nói đến vấn đề hòa bình, chúng ta không chỉ nói đến việc phản đối việc cạnh tranh vũ lực bằng vũ khí hạt nhân, vì phạm vi như vậy là quá nhỏ hẹp. Thật ra, những người phản đối chiến tranh đây cũng có thể chính là những người đã tạo nên xã hội hỗn loạn, kích động cuộc chiến.

Vì đám người này phản đối đám người khác thì sẽ nảy sinh ra đối lập, mà căn nguyên xảy ra chiến tranh cũng bắt đầu từ đây, thế giới cũng vì đó mà không được hòa bình.

Cho nên khi nói đến hòa bình thì mỗi một người sống trên thế giới này đều phải có trách nhiệm. Mình không phải chỉ biết trách tội người khác và đổ lỗi hoàn cảnh bên ngoài theo kiểu một chiều, còn bản thân thì lại không  cố gắng.

 

SỐNG TRONG CÕI TỊNH

***** 

 

"Tịnh độ nhân gian" không phải hiện hữu trên sự thật khách quan mà tịnh độ đích thực là sự cảm thọ trong lòng mình, cảm thọ lan đến sự mong mõi hòa bình đầy khắp trên thế giới này.

Nếu như chúng ta ai cũng chịu bỏ đi chút thành kiến của mình thì ai nấy có thể cảm nhận mỗi một người đều thân thiết với mình. Trong bầu không khí tràn đầy ôn hòa và cảm giác an toàn, ngay nơi đó chính là một thế giới tịnh độ.

"Tịnh độ nhân gian" không phải là một nơi hoàn toàn không có những hành động phạm tội hay nạn tai, vì trên thế giới của chúng ta đây, không thể vĩnh viễn không có nạn tai, cũng không thể vĩnh viễn không có người phạm tội và việc tội, mà nó xuất phát từ nội tâm. Đây mới chính là sống trong cõi tịnh.

Đây không phải là một hình thức tự lừa dối mình mà là do mình có một cái tâm cảm giác an toàn tràn đầy, khi tiếp nhận sự thay đổi của hoàn cảnh, tự nhiên sẽ không còn lo sợ.

"Chỉ có lúc nào cũng đề cao đến quán vô thường, ý thức được những nguy cơ sẽ xảy đến thì chúng ta mới có thể đề phòng bất trắc, lâm nguy không tán loạn, chuyển nguy thành an."

 

Hết

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

*****

 

1.   Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.   Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.   Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.   Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.   Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.   Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.   Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.   Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.   Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.      Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·         Xin mọi người thường niệm:

·         Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·         Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·         Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

               Chùa Phổ Giác 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM

ĐT: 08.62532588

Email: [email protected]

                


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :