LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG SỢ MA?
Nguyên tác Pháp Sư Thánh Nghiêm
Dịch Lời Tỳ-kheo Thích Minh Kiết
Lời Tựa
Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “Làm Thế Nào Để Không Sợ Ma?” Chúng tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.
Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.
Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.
Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm
Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.
Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.
Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.
Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ, đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.
Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG SỢ MA?
*****
Có một thanh niên hỏi tôi: "Con không biết đã xảy ra chuyện gì, không phải chỉ ban đêm con nằm ngủ mới sợ ma mà bình thường khi ở một mình con cũng sợ"
Tôi hỏi cậu ấy: "Vậy tại sao con lại sợ ma?"
Cậu ấy nói: "Con cũng không biết nữa. Xưa nay quả thật là con chưa thấy ma bao giờ"
Tôi nói: "Có gì lạ đâu. Nguyên nhân con sợ ma là vì, đối với những sự vật mình không biết, sanh ra lo sợ; sợ nó sẽ làm nguy hại đến sự an toàn của con, thế nên thật ra là con sợ chết chớ không sợ ma. Con hãy kiểm tra lại xem, tại sao lại phải sợ ma? Rốt cuộc là ai đang sợ. Nếu con dám đối mặt với sự sợ hãi của mình, khẳng định sự tự tin của mình, đồng thời bỏ đi sự sợ hãi của mình thì con có thể giải thoát khỏi cái tâm sợ ma"
"Nếu trong lòng bạn không có ma thì bạn sẽ không sợ con ma bên ngoài"
SỐNG TRONG NHÀ MA
*****
Có một người vừa dọn đến căn nhà có sẵn ở một vùng hẻo lánh. Do nhà cửa âm u, lại nghe đồn rằng trước đây có rất nhiều ma quái, cho nên ở rất sợ.
Để khắc phục sự sợ hãi trong lòng, ông đã chọn một góc nào tối nhất trong căn nhà, rồi bắt đầu niệm tụng "Tâm Kinh". Khoảng một thời gian sau, không có xảy ra chuyện gì. Bấy giờ ông sống rất yên tâm, không còn cảm giác lo sợ nữa, ông cho rằng, nhờ mình tụng kinh nên đã xua đuổi ma quái.
Qủa thật, lời kinh có thể khiến cho ma quái nơi đó, sau khi nghe xong một vài lời khai thị mà được siêu thoát. Cũng có thể là do mình chuyên tâm tụng kinh, có lòng tin kinh Phật, cho nên mới không suy nghĩ lung tung, mới không cảm thấy ma làm gì được mình.
Nhưng điều quan trọng nhất đó vẫn là sự thay đổi tâm lý của mình. Nếu bạn giữ vững chánh niệm thì cho dù trong nhà thật sự có ma đi nữa, nó cũng sẽ không làm gì được bạn đâu.
RÚT THANH KIẾM TRÍ TUỆ CỦA BẠN RA
*****
Khi thấy ma đến bạn phải làm sao đây? điều đơn giản nhất đó là thấy ma đừng sợ, như vậy thì "điềm quái tự tiêu"
Ma có đáng sợ không? chỉ cần bạn đừng để ý đến nó và nói rằng: Đây là ảo giác của mình, đây là vọng tưởng của mình, là huyễn cảnh xuất hiện trong tiềm ý thức của mình. Bạn cứ coi nó là huyễn cảnh, huyễn giác thì sẽ không còn sợ hãi chút nào. Không cần phải xua đuổi nó mà cũng không phủ nhận nó.
Thiền tông có câu: "gặp Phật chém Phật, gặp ma giết ma" nghĩa là trong khi tu hành, nếu tâm có hiện ra bất cứ cảnh tượng âm thanh nào cũng đều phải phá cho triệt để. Phải cầm thanh kiếm trí tuệ của bạn để hễ thấy cái gì thì chặt cái đó, gặp cái gì thì giết cái đó, trong lòng không có lưu giữ bất cứ thứ gì.
Cho nên khi thấy ma bạn đừng sợ, phải rút ngay thanh kiếm trí tuệ chém sạch nó đi.
Ngộ nhỡ nếu nó muốn trái tim của bạn, bạn cũng nên để nó lấy đi. Hoặc là muốn cái đầu của bạn, bạn cũng nên cho đi. Bạn hãy nói: "thật ra tôi chính là một cái túi da hôi thúi, nếu ngươi muốn thứ gì thí cứ lấy đi, có cái gì là của tôi đâu!"
Hễ khi ma nhận ra rằng, nó không thể làm gì được bạn thì tự nhiên nó sẽ bỏ đi.
"Ma quỷ chỉ là hiện tượng nhất thời, không duy trì lâu dài"
CÀNG SỢ THÌ CÀNG ĐÁNG SỢ HƠN
*****
Tôi có một người đệ tử, ở một mình trong căn phòng cũ kỹ tĩnh tọa tu thiền.
Hai đêm đầu, dù là tọa thiền hay ngủ nghỉ gì, chú cũng đều thấy trên trần nhà có người đang cầm một vật nặng kéo đi. Thế nhưng, rõ ràng là trong căn phòng đó có một mình chú ấy ở, vì thế chú liền hiểu ra rằng chuyện gì xảy ra.
Khi chuyện vừa mới xảy ra, vì trần la-phông rất mỏng, nên chú ấy quả thật là lo quái vật kia sẽ rơi xuống. Mỗi lần nghe thấy tiếng động lạ, vì rất sợ hãi nên chú ấy liền bật đèn điện. Kể cũng lạ, hễ đèn vừa sáng thì âm thanh cũng mất, còn đèn vừa tắt thì lại nghe tiếng.
Sau mấy phen lập đi lập lại, chú ấy mạnh dạn nói: "Nè! Ta không có sợ ngươi! ta chỉ lo tọa thiền, ngươi muốn cái gì cũng đều được hết! nếu không muốn quấy rầy ta thì hãy hộ pháp cho ta đi!"
Sau khi nói xong, từ đó về sau chú ấy không còn nghe thấy bất cứ tiếng ma quái nào nữa và chú vẫn tiếp tục an tâm tọa thiền.
Thật ra, con người có cảm giác lo sợ là có liên quan đến suy nghĩ của mình. Khi bạn không còn sợ thì bạn sẽ không thấy cảnh giới đó nữa. Nếu bạn càng sợ thì thì bạn sẽ gặp cảnh đó nhiều hơn.
KHÔNG CẦN DÙNG A-DI-ĐÀ PHẬT ĐỂ ĐUỔI MA
*****
Có người bị ma nhập, lúc ma nhập vào người thì ăn nói lung tung, nói mà không ai hiểu gì cả, đó là nói lời của ma. Việc này khiến cho họ và người thân sợ hãi không biết phải làm thế nào cho tốt và hỏi tôi phải làm thế nào đây?
Tôi trả lời rằng, tôi thì không có vẽ bùa, lập đàn để đuổi quỷ bắt ma, trị yêu. Tôi chỉ dùng cách tu hành để điều chỉnh tâm mình. Tôi bảo người đó nên niệm danh hiệu Phật Bồ-tát để thay cho tâm sợ ma.
Cũng có nghĩa là ngay khi bạn sợ ma, bạn cứ mặc kệ nó, chỉ lo niệm danh hiệu Phật, Bồ-tát là được rồi.
Nhưng nhất định bạn không được nghĩ rằng, xin đức Phật A-di-đà giúp con đuổi ma. Hễ nghĩ như vậy là bạn đã xem đức Phật A-di-đà là vũ khí để đối phó với ma.
Nếu dùng cách này để đối phó với ma thì không có tác dụng, đồng thời bạn càng niệm thì càng thấy phiền phức hơn.
Vì bạn đã sử dụng tâm lo sợ, sân hận, ghét ác, cho nên đức Phật A-di-đà không giúp bạn nổi. Niệm Phật thì cho ra niệm, phải thanh tịnh, an tĩnh, đừng nên xem Phật là vũ khí đối chọi lại với ma.
CHÚC PHÚC CHO MA
*****
Có người hỏi tôi làm thế nào để không sợ ma? họ muốn tôi giúp họ trừ bỏ cái tâm lo sợ.
Tôi đề nghị người đó dùng hai cách. Thứ nhất là trong lòng phải nên nghĩ rằng, không phải là tôi đòi hỏi chút quyền lợi nào nơi quỷ thần, mà là tôi đến đây để giúp họ.
Ví như khi bạn đi đường ban đêm, nếu sợ ma thì bạn niệm A-di-đà Phật, lòng khởi nghĩ chúc phúc cho chúng, nguyện chúng sớm được sanh về cõi Phật; đồng thời tự nói với mình, mình đang giúp ma, vì vậy ma sẽ không gây phiền cho mình đâu.
Thứ hai là phải nghĩ rằng, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian này đều tồn tại tạm thời, là do duyên đủ đầy mà sanh, không phải là thứ mãi mãi không thay đổi, hễ nhân duyên đủ đầy thì có, còn nhân duyên thiếu thì không có.
Giống như có người gặp phải vận xui. Vận này cũng là nhân duyên đủ đầy mà có. Nhân duyên đủ đầy thì cũng sẽ có lúc tan, cho nên không cần phải bận tâm, cũng không cần phải lo sợ, vì mình chỉ là một trong các nhân duyên mà thôi, huống hồ gì sợ hãi cũng đâu có giúp được gì.
Nếu có thể dùng hai thứ tâm trạng này để đối xử với ma thì tâm sợ hãi sẽ không còn nữa.
"Dùng Phật pháp để hóa giải phiền não, oán kết trong lòng của ma thì chúng sẽ sớm lìa bỏ đường ma mà sanh vào đường thiện"
KHÔNG NÊN NGHI NGỜ QUỶ THẦN
*****
Có một lầu hai của ngôi chùa, cứ mỗi lần xẩm tối thì nghe tiếng nói chuyện, nhưng trong phòng rõ ràng là không có người. Do đó nên chùa bèn dùng các cách như tụng kinh, trì chú v.v...để cầu siêu, thế nhưng làm mấy lần cũng không có kết quả.
Sau này vị trụ trì thẳng thừng đích thân đi lên lầu ngủ, ông nghĩ rằng: "Nếu quả thật nơi này có ma thì mình sẽ nói chuyện với nó, tâm tình với nó."
Ngủ đến nửa đêm, ông quả nhiên loáng thoáng nghe tiếng người nói chuyện, ông bèn mở miệng nói: "Ngươi hãy hiện ra cho ta xem coi!"
Thế nhưng, dù ông có nói thế nào đi nữa ma cũng không có hiện hình, còn tiếng nói cũng vẫn như cũ, lúc có lúc không. Khi đó vị trụ trì cảm thấy: "Con ma này quả thật là khó quấy rầy"
Sau này, vì thấy trong phòng kín mít nên ông mở cửa sổ ra, bấy giờ sự thật mới phơi bày. Thì ra bên đường có một ông cụ bán mằn thắn, đêm nào cũng bán hơi khuya, thường nói chuyện chơi với khách, âm thanh mà mọi người nghe trước đó là từ nơi đây. Sau khi hiểu ra chuyện rồi, mọi người đều cảm thấy rất nhẹ nhỏm.
Cho nên, khi gặp phải hiện tượng ma quái, trước hết chúng ta phải kiểm tra cho rõ, vì kết quả cũng có thể là do nghi thần ngại quỷ mà ra.
"Trong lòng có ma thì ngoài tâm mới có quỷ"
CÓ GÌ MÀ BỎ KHÔNG ĐƯỢC!
*****
Tôi có một đệ tử người Mỹ, cứ mỗi đêm, vào khoảng thời điểm đó đều nghe tiếng súng, tiếp theo là nghe một tiếng thở dài, nhưng khi mở cửa ra thì không thấy gì cả.
Sau khi thăm dò hàng xóm anh mới biết, chủ nhân ngôi nhà trước đây, khi bắt gặp cô vợ ngoại tình, bị tình địch dùng súng bắn chết, và kết cuộc cô vợ cũng bị người tình bắn chết, rồi sau đó nổi lửa tự thiêu.
Từ đó về sau, oan hồn của người chồng thỉnh thoảng xuất hiện sang nhà hàng xóm cáo trạng.
Sau khi biết câu chuyện này, đệ tử của tôi liền tụng "Tâm kinh", rồi nói với linh hồn: "Ông ở lại đây để làm gì Bát-nhã Tâm Kinh có dạy, sắc tức là không, không tức là sắc, có gì mà bỏ không được đâu! hãy mau đi đầu thai đi! đừng có đến quấy rầy tôi nữa!" Không lâu sau, anh ấy không còn nghe tiếng súng và tiếng than nữa.
Khi gặp phải chuyện như vầy, tôi cũng chủ trương tụng Tâm Kinh, hoặc là niệm A-Di-Đà Phật, khuyên họ phát nguyện vãng sanh sang thế giới Cực Lạc, đừng nên lưu luyến, vương vấn nơi thế giới này nữa, để tự làm khổ mình và làm người khác sợ.
"Phật giáo dùng Phật pháp để khai thị, dẫn dắt hương linh, dạy họ cởi bỏ tâm oán kết, dù cho họ không được sanh về cõi tịnh nhưng cũng có thể chuyển sanh lên trời hưởng phước, hoặc sanh trong gia cảnh giàu sang ở cõi người"
MA SÁT ĐẦU GIƯỜNG
*****
Khi gặp ma đến sát đầu giường, bạn phải làm sao đây? Trước hết, bạn không nên tin đó là ma; mà cho dù đó là ma đi nữa, bạn cũng đừng tin đó là ma, hà huống hồ gì có rất nhiều khi, sự thật đó không phải là ma mà là tự mình đè mình, trong lòng suy nghĩ lung tung, thần kinh suy yếu.
Ngoài ra, trước khi đi ngủ phải nên vận động nhiều, để cơ thể dễ chịu một chút, đầu óc thư giãn một chút thì sẽ không mơ mơ màng màng, căng thẳng. Lại nữa, khi ngủ tốt nhất nên chọn thế nằm nghiêng, như thế có thể giảm bớt xảy ra chuyện mộng mị.
Nếu thật sự có ma đến thì bạn hãy ngồi dậy tọa thiền niệm Phật. Nhưng không nên nghĩ đến chuyện đem Đức Phật A-Di-Đà để đuổi nó, niệm Phật thì chỉ nên lo niệm Phật, gắng để tâm ý vào câu niệm Phật, lời kinh, câu chú.
Nếu bạn muốn đối phó với nó thì bạn sẽ mãi mãi cột mình vào nó. Chỉ cần bạn gắng tu hành thì ma sẽ không đến quấy rầy mình nữa.
TẠO THÀNH PHƯƠNG THỨC SỐNG
*****
Trong Phật giáo không có cái gọi là "Tháng bay âm lịch cửa ma mở" Đây là truyền thuyết phong tục trong dân gian của người Trung Quốc. Mà sự hình thành từ tập tục dân gian, nhất định có liên quan đến phong tục, lịch sử. Nói phong tục dân gian là nói đến văn hóa của chính dân tộc mình.
Ngày nay, trong sự cởi mở của xã hội đây, chúng ta không ngại nhìn nhận nó từ góc độ hân thưởng, vì bất cứ một địa phương nào cũng đều có phong tục dân gian, xóm làng của nó. Những phong tục này sẽ khiến người ta cảm thấy ôn hòa vui tươi, cảm thấy giữa mình và nơi này có mối liên kết với nhau.
Ví như Phật giáo tại Ấn Độ xưa kia không có cái gọi là cầu siêu rằm tháng bảy, nhưng sau khi du nhập vào Trung Quốc, nó mới dần dần học cách thích ứng
Thiên chúa giáo cũng vậy, xưa kia cũng không cho tín đồ lạy cúng tổ tiên, nhưng khi đã đến Trung Quốc rồi, thì cũng dần dần cho phép tín đồ thờ cúng tổ tiên.
Tôi cảm thấy như vậy là tốt lắm. Chúng ta không nên xem đó là mê tín. Mình có thể coi đó như là một phương thức sống.
SỢ MA LÀ MỘT VIỆC TỐT
*****
Tại sao người ta lại sợ ma?
Vì không ngoài hai thứ. Thứ nhất, năng lực lý giải siêu việt của nhân loại không thể biết được sự vật, có lòng lo sợ. Thứ hai, khi sự việc đột nhiên xảy ra ngoài ý, khiến cho sự an toàn của thân tâm bị uy hiếp, do đó nên sợ hãi.
Thật ra, dù ma có thật sự xuất hiện trước mặt bạn đi nữa, có lẽ cũng không đến nổi đáng sợ. Nhưng nếu như trong hoàn cảnh bạn chưa chuẩn bị tâm lý mà chúng lén lén lút lút dọa bạn, rất có thể bạn sẽ chết khiếp.
Loại đầu tiên là sự sợ ma chủ quan, việc này là do không có nhận thức rõ về ma. Phần thứ hai là khách quan, quả thật là có ma khiến bạn cảm thấy sợ hãi.
Tâm lý sợ ma có tốt hay không? đối với cảm giác của một người mà nói là không tốt, nhưng nói về kiện toàn nhân cách là tốt, vì điều đó khiến chúng là biết rằng, bản thân mình chỉ là một người bình thường, nhỏ bé, lúc nào cũng có thể gặp phải sự bất cập về năng lực của chính mình mà không có cách nào kháng cự.
Biết mình vẫn còn có thứ không thể, còn điều lo sợ như vậy mới không đến nổi cả gan làm càng.
"Trong lòng có mưu mô thì ma ngoài mới phát huy tác dụng. Dù ngoài tâm không có ma đi nữa thì ma lòng của bạn cũng sẽ quấn lấy bạn"
TRONG LÒNG CÓ MA
*****
Ban đêm đi trên đường tối, chợt gặp một bóng đen, tại sao lại sợ là ma?
Là vì bạn không có lòng tin. Rõ ràng bạn không nhìn thấy ma thì có gì để sợ chứ? Phần lớn sợ hãi là do trong lòng bạn có ma, thậm chí tâm của bạn cũng chính là tâm ma.
Có một số người sợ ma, hễ thấy là chết khiếp, đó là do trong lòng họ có ma. Cho nên hễ ai hành vi không quang minh, không chánh trực thì quả thật là kẻ mờ ám.
Nếu bạn suy nghĩ đường đường chánh chánh, trong lòng có Phật có Bồ-tát thì những con ma đó làm gì mà bạn phải sợ chứ?
Một người có lòng tin thì cho dù gặp phải bất cứ chuyện gì, trong lòng mình cũng không bị ảnh hưởng chút nào. Do đó, chỉ cần đủ đầy lòng tin, trong lòng có Phật, có Bồ-tát, có chánh niệm, chánh tri kiến thì có đến bất cứ nơi nào bạn cũng không cần phải sợ ma.
HÓA GIẢI XUNG SÁT
*****
Có một số người sau khi tham dự lễ tang về thấy cơ thể hơi khó chịu, nên cho là bị "xung sát". Thật ra đây là cách nói "nói sao hay vậy", chớ không có chuyện đó.
Ví như tôi từ nhỏ xuất thân từ người chuyên đám sám, mới mười mấy tuổi mà ngày nào cũng đến nhà tẩn liệm. Ngoài việc này ra còn đi đến các nhà đám làm bạn với thây chết. Mục đích chính mà gia quyến thỉnh chúng tôi đến đó tụng kinh thật ra là mời chúng tôi đến làm bạn với thây chết, vì người trong nhà sợ người chết nên mới mời chúng tôi đến giúp. Tôi sống với công việc đó suốt mấy năm, xưa nay chưa từng gặp qua xung hay sát.
Khi tham gia tang lễ, chúng ta có thể xem người mất như là một vị Phật, Bồ-tát, mình phải niệm Phật giúp họ, đưa họ sang cực lạc. Nếu làm được như vậy thì có xung gì đi nữa cũng không làm gì được bạn, vì trong lòng bạn lành tốt, ôn hòa nhiều thì chắc chắn sẽ gặt được điềm lành.
MA QUỶ ĐÁNG SỢ NHẤT
*****
Dân gian Trung Quốc thường cho rằng tụng kinh Phật có thể xua đuổi tà ma, nhất là tụng "Tâm Kinh", "Kinh Kim Cang" là có công hiệu nhất.
Thông thường thứ gọi là ma là chỉ cho con ma ở ngoài tâm, giống như con người chết rồi thỉ trở thành ma, hoặc là kẻ dữ chết thì thành quỷ dữ.
Thông thường, đối với những con ma ở ngoài tâm người ta rất là sợ. Nhưng nhìn từ Phật pháp, ma ngoài tâm không đáng sợ, ngược lại ma trong tâm mới đáng sợ hơn.
Thường thì người ta có thể cho rằng, ma trong lòng có gì mà đáng sợ? Vì họ không biết trong lòng có ma, cũng không biết nội tâm có ma, cho nên ban đêm đi đường sợ ma, ở một mình cũng sợ ma. Thật ra, những thứ này là do trong lòng có ma mới khiến cho ma quỷ bên ngoài có lực điểm mà dựa vào.
"Tâm Kinh" và "Kinh Kim Cang" đều dạy con người ta phải giữ tâm rộng sạch, không có dính mắc. Nếu trong lòng không có việc phiền não thì sẽ không có những thứ ngoài tâm, và lại càng không thể dọa người như vậy.
Việc tụng "Tâm Kinh" và "Kinh Kim Cang" có thể đuổi được ma là vì có thể trừ bỏ con ma, quỷ trong lòng của chúng ta.
"Loài quỷ đói vốn có đủ đầy vô lượng của cải châu báu, tự tánh vốn đồng với chư Phật. Nhưng do bị phiền não che đậy nên không có cách nào tự hiển hiện, nên mới phải nhờ vào sự cứu giúp của chư Phật Bồ-tát"
TỤNG KINH CÓ TÁC DỤNG GÌ VỚI LOẠI MA NGOẠI QUỐC KHÔNG
*****
Có người hỏi tôi, nếu gặp phải ma ngoại quốc, tụng kinh có tác dụng gì không? họ có hiểu lời kinh không?
Tôi trả lời tất nhiên là có tác dụng rồi! Thứ nhất, ma không phải nghe kinh Phật bằng tai mà tiếp nhận lời kinh bạn tụng bằng linh cảm. Thứ hai, vì bạn tin kinh Phật có tác dụng với ma, nên nếu ma ngoại quốc nghe không hiểu ý của bạn thì cũng có thể cảm nhận được tâm lực của bạn.
Trong kinh có rất nhiều vị thần hộ pháp phát nguyện, phàm những nơi nào có tụng kinh thì họ sẽ đến đó bảo vệ. Còn những người tụng kinh thì sẽ "có cầu tất ứng"
Do đó, qua sự giúp sức của thiện thần hộ pháp, có thể khiến cho ma ngoại quốc nghe hiểu lời kinh, đồng thời có thể nhờ sức của tâm mà có thể cảm nhận được công năng của Phật pháp.
Ngoài ra khi tụng kinh, một mặt có thể tập trung tinh thần, không suy nghĩ lung tung, một mặt cũng có thể tăng thêm lòng dũng cảm, như vậy sẽ không còn sợ ma nữa.
MỜI MA ĐẾN NGỒI THIỀN
*****
Đương lúc người ta tọa thiền, có khi lại sanh ra một loại cảm giác lo sợ không hiểu nổi, dường như là phía sau lưng mình có ma, nhất là ban đêm, lúc mọi người ngủ hết, chỉ riêng có một mình mình tọa thiền.
Hễ bạn vừa nghĩ rằng, chỉ có một mình tọa thiền thì lúc này bạn dễ nghi ngờ có quỷ thần. Ngoài cửa có một tiếng động nhỏ, bạn cũng cảm thấy là dường như có từng bầy từng bầy ma kéo đến, dẫn đến có thể là vì sợ mà không dám ngồi thiền nữa, mau mau thu dọn để đi ngủ.
Sự nhát gan như vậy quả thật rất là không tốt. Ngồi thiền không phải là trừ bỏ tâm chấp trước của mình sao, vậy còn sợ ma gì nữa?
Lúc này bạn nên nói: "lại đây, lại đây, lại đây! đã đến rồi thì hãy cùng nhau ngồi thiền, cùng nhau cố gắng tu hành nghe!" hễ nói như vậy thì sẽ không còn sợ ma nữa.
TỪ ĐƯỜNG MA TRỞ VỀ CÕI THẾ
*****
Người bình thường tuy chưa có gặp ma, nhưng trong lòng ngược lại có mảng mờ ám, đây cũng có nghĩa là giao tiếp với ma vậy.
Ngay khi trong lòng chúng ta có phiền não thì lúc đó mình không phải là người mà là ma. Những suy nghĩ tác ý, cử chỉ tay chân, lời ăn tiếng nói của bạn không hợp với tính cách con người thì gọi là ma. Lúc này bạn phải nên quay lại nhân gian, quay về với lập trường của mình.
Chịu từ điểm sai lệch của ma mà quay về với lập trường của mình thì có thể dần dần bạn sẽ không bị ảnh hưởng, từ đường ma trở về cõi thế.
Tuy trong tánh cách của con người, vốn có tánh cách của ma, của súc sanh, nhưng nếu biết sửa đúng những thứ sai lệch này, dẫn dắt về nẻo chánh, yêu cầu bản thân mình là người, đừng để người ta phải nói: "Ông là một người có tâm ma trong lòng"
Lại nữa, chúng ta phải đối xử với tất cả mọi người từ lập trường của một con người, mong mỏi tất cả mọi người mà mình đã giúp đều có thể quay về nơi điểm cơ bản của con người. Đây chính là tu hành.
THÁNG HOAN HỶ BÌNH AN
*****
Người Phật tử xem tháng bảy âm lịch là tháng báo hiếu, thay cho sự tưởng niệm với tổ tiên quá khứ, và cũng có thể gọi là kỷ niệm đối với cha mẹ của mình. Còn nếu nhất định cho đó là tháng của ma, đồng thời cho tháng này đặt biệt là không tốt, thì không nên như vậy.
Cũng giống như nhân gian có cái gọi là trẻ mồ côi, người ăn xin v.v... không ai bảo hộ, chúng ta gọi đó là cô độc, không vợ không con.
Giống như vậy, cõi âm cũng có những những loại cô hồn, quỷ hoang như những kẻ lang thang trên dương trần. Do đó đến tháng bảy chúng ta quan tâm đến những loài ma này, cũng giống như khi tiết trời có một chút se se lạnh, chúng ta có lời thăm hỏi những người nghèo khổ chịu rét, đưa một ít thức ăn và chút áo quần cho họ vậy, cũng có nghĩa là nói đem tâm từ bi chăm sóc nhân gian rộng khắp cả đến cô hồn ma quỷ vậy.
Đối với cô hồn thì bố thí khắp hết. Đây là tâm ý của con người thông qua nghi thức tôn giáo để bày tỏ, chúng ta cũng không ngại gì xem tháng bảy là tháng bình an hoan hỷ.
ĐỪNG ĐỂ Ý QUÁ VỀ HIỆN TƯỢNG LINH DỊ
*****
Người như thế nào mới thấy được hiện tượng linh dị?
Có người nhìn thấy trong trạng thái không hay không biết, nhưng vì không rõ về hiện tượng linh dị, ngược lại bị nó làm mê hoặc. Ví như có rất nhiều nhà khoa học vốn không tin quỷ thần, nhưng sau cùng lại rẽ vào đường ma.
Có hạng người khác nữa là vì cầu sự trợ giúp mà thấy.
Còn có một hạng người nữa là trong quá trình tu hành tự nhiên hiện ra. Phật giáo giải thích thế nào về hiện tượng này?
Phật giáo cho rằng, chúng sanh cả thảy có sáu cõi, ngoài cõi người và động vật ra, còn có những loài mà mắt thường không thể nhìn thấy như: chư thiên, quỷ, thần, địa ngục v.v...Tuy người phàm phu không thể nhìn thấy, nhưng trong Phật giáo thừa nhận sự tồn tại của họ.
Linh thể bậc cao chỗ nào cũng có mặt, họ hiển hiện thông qua con người, vật chất. Các vị thần hộ pháp trong Phật giáo chính là dạng linh thể cao cấp này.
Linh thể cấp thấp thì chỉ xuất hiện ở những nơi ẩm ướt, tăm tối, thường là thừa dịp khi con người thân tâm suy yếu mà quấy rối.
Tín đồ Phật giáo tin có sự thật này, đồng thời xem kinh nghiệm linh dị thành phương tiện tiếp dẫn. Nhưng sẽ không quá để ý về nó, lại càng không coi đó là mục tiêu tu hành. Linh nghiệm tuy chúng ta có thể tin, nhưng không được ỷ lại.
ĐỪNG ĐỂ CHƯA CHẾT MÀ ĐÃ THÀNH MA RỒI
*****
Có một quý ông nọ cùng lúc bị ma âm cảnh và dương gian điều khiển khống chế, dọa dẫm. Ma trước là xã hội đen. Ma sau là quỷ thần. Ông ấy hỏi tôi phải làm sao đây?
Tôi khuyên ông: "Ông nên trở về nhân gian. Ông là người, không nên nghe theo lời chỉ dẫn của quỷ thần"
Ông ấy nói: "Mười mấy năm nay, trước mỗi lần con làm việc gì đều có nghe quỷ thần báo trước sẽ xảy ra chuyện gì, lại còn rất chính xác, khiến cho con không thể không tin"
Tôi nói: "Đừng nghe lời họ, hãy quay về nhân gian. Ông đừng nên để mình vẫn còn sống đây mà đã là ma rồi. Khổng Phu Tử có nói "Kính quỷ thần nhưng nên tránh xa" quỷ thần có thật, nhưng lời họ nói không thể là đúng. Có rất nhiều người đâu có quỷ thần nói trước cho họ chuyện gì đâu, sao họ sống cũng rất an vui? còn ông thì dù có thần linh giúp sức nhưng trái lại rất đau khổ. Thật ra khổ này từ đâu?"
Ông ấy nói: "Nếu không nghe lời quỷ thần thì con sẽ xui xẻo"
Tôi nói: "Bây giờ ông nghe lời họ cũng đã là xui xẻo rồi, nếu không nghe lời thì cùng lắm cũng chỉ là xui xẻo thôi"
Còn vấn đề xã hội đen, tôi bảo ông ấy đừng nên sợ hãi vì bị uy hiếp nữa. Nếu họ có đến quậy phá thì ông cứ đến báo với công an, y theo pháp luật mà xử lý họ.
"Phàm làm việc gì cũng không thể trái với nhân quả. Chuyện gì đã xảy ra rồi thì dù quỷ thần có giúp đi nữa cũng không nổi, biết trước việc cũng không giúp ích gì. Chỉ có nhân duyên thiện ác, siêng năng lười biếng mới có thể cải đổi"
NGƯỜI, MA ĐỀU AN TÂM
*****
Do phần nhiều loài ma quỷ sống tạm nơi ẩm ướt, không thể sống những nơi sáng sủa có ánh mặt trời, cho nên có một số gia đình hoặc công ty có hoàng cảnh xung quanh âm u ẩm ướt rất có thể sẽ gặp phải loài ma quỷ này.
Nếu bạn thường thầm tụng kinh siêu độ chúng thì chúng sẽ rất thích, sẽ không gây chuyện với bạn nữa.
Các kinh điển như "Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh A-Di-Đà" v.v...đều có thể khơi mở một chút gì đó cho hương linh.
Ví như kinh Kim Cang nói về quán không, nếu bạn thường tụng niệm thì sẽ giảm bớt chấp trước, hương linh sẽ không dựa vào người bạn nổi. Hay là tụng kinh A-Di-Đà, khi trì tụng sẽ khiến người ta nghĩ đến cảnh tượng tuyệt đẹp của thế giới Tây phương Cực Lạc, những hương linh kia cũng có thể cảm nhận được hơi hướm của thế giới Tây phương Cực lạc và cũng muốn sanh sang đó để không còn quấy rầy bạn nữa.
Cho nên ở những vùng đất âm u khi tụng kinh rất có ích cho người và ma, thậm chí ma cũng có thể nhờ đó mà trở thành thần hộ pháp để bảo vệ bạn.
Do đó khi thấy trong lòng không an, nếu thấy tiện thì bạn nên tụng kinh nhiều, một mặt là để cho tâm mình an, một mặt là cũng có thể giúp cho các chúng cô hồn xung quanh.
SỢ QUEN RỒI
*****
Có người lại sợ ma. Hình thức sợ này, thật ra chỉ là một thứ tác dụng của tâm. Tâm niệm sẽ hình thành một thứ lực quyết đoán, lực ý chí, sau cùng dẫn đến hành vi động lực. Ví như hành vi nói năng, hành vi thân thể.
Lâu dài như vậy, nếu bạn không điều chỉnh hành vi, tâm niệm của mình thì sẽ trở thành thói quen, đó cũng chính là thói quen sợ ma, thói quen xuất hiện từ ý nghĩ sợ ma.
Tác dụng của thói quen này chính là tâm phiền não, khiến người ta lo sợ hão huyền, quả thật là tự mình dọa mình, thật ra đâu có gì đáng sợ đâu.
Nếu thật sự vẫn còn sợ hãi thì lúc này đây bạn nên quán sát ý niệm của mình, đừng để nó trở thành một thói quen. Chỉ cần chặt đứt cái thói quen thì cái tánh quen cũng sẽ không có, lúc này cái tâm sợ ma cũng theo đó mà mất.
Thông qua sự suy xét không ngừng, chặn đứt không ngừng thì bạn có thể chuyển phiền não thành trí tuệ, không còn sợ ma nữa.
ĐỪNG NÊN NUÔI MA
*****
Có một vài linh hồn bị con người sai khiến, đây gọi là nuôi quỷ và sai khiến quỷ. Thế nhưng, chúng ta không nên giao tiếp với những loài quỷ mị âm linh.
Có câu "kẻ chánh trực là thần", có chánh trực mới được gọi là thần. Đã là thần thì không vì sợ bạn trách mắng, đánh đập mà bảo vệ bạn; cũng sẽ không vì bạn nịnh hót, đút lót mà làm cho bạn ngồi không hưởng thụ.
Tín ngưỡng dân gian có cái tánh cộng đồng, đó chính là sự lợi ích chung. Mong mõi dùng thần lực siêu nhiên để phụ giúp những việc mà nhân gian không đủ sức làm, hoặc là dùng chút ít nổ lực và sự tu hành trong thời gian ngắn để mong cầu đạt được công đức và sự thành tựu không tan mất, vô hạn, vĩnh hằng.
Nói theo quan điểm Phật pháp, việc nuôi ma sai quỷ cố nhiên là phải sửa lại, việc cầu thần giúp sức hợp lý cũng phải siêu việt.
Bất luận là lợi chung hay là ích chung cũng đều là tự tư, đều là nhân duyên gây thành phiền não, tăng trưởng sanh tử. Cách làm chân chánh là phải cầu lấy trí tuệ chỉ dẫn chúng ta sống.
THỂ MIỄN NHIỄM CỦA MA
*****
Người bình thường, có lẽ không có kinh nghiệm bị ma dựa, nhưng lại thường bị ma sống dựa, có nghĩa là thường bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác mà khiến bạn cứ phiền não mãi.
Phương pháp tu hành của Phật giáo không chỉ có thể đuổi ma chết còn có thể đuổi ma sống nữa. Nói đuổi ma nghĩa là mình đừng để nó quấy rầy, đừng có sợ nó nữa.
Nếu như thật sự bạn gặp ma thì sau khi chuyện xảy ra, bạn đừng nên sợ nó nữa, đừng có bận tâm lát nữa nó lại đến đây. Bạn chỉ cần tiếp tục làm phần việc của mình, lo tụng kinh niệm Phật, đừng có để ý đến con ma đó như thế nào nữa.
Vì tất cả ma đều thừa chỗ trống mà vào, nếu bạn không có tâm mong đợi, và cũng không có tâm sợ hãi thì ma sẽ không có cơ hội để gây phiền.
Có lẽ ban đầu bạn cũng khó cự tuyệt chúng. Nhưng trong khi bạn không ngừng dùng cách này để điều chỉnh lấy mình thì dần dần tâm của bạn cũng sẽ mạnh mẽ lên, ma cũng sẽ không có lòng kiên nhẫn đến tìm bạn nữa, từ đó bạn trở thành thể miễn nhiễm của ma.
Muốn đuổi ma phải đuổi bằng cách đó.
BỒ-TÁT ĐẾN RỒI
*****
Thường có người bảo tôi: "thưa sư phụ! dường như có một con ma đang theo con"
Tôi hỏi: " ma gì? ma nữ hay là ma nam? ma lớn hay là ma nhỏ?"
Người đó nói: "Con không biết. Con chỉ cảm thấy là có ma theo thôi"
Tôi nói: "Chính vì trong tâm anh có ma nên ma mới theo anh. Anh đừng để ý đến nó nữa thì đâu có chuyện gì. Nếu anh tin lời tôi thì ma sẽ không đến. Còn nếu anh không tin thì ma sẽ càng đến nhiều hơn, lại nữa càng đến càng nghiêm trọng hơn, sau này ông cũng sẽ bị bệnh thần kinh cho coi."
Có rất nhiều người cho rằng có ma theo bên cạnh mình. Thật ra phần lớn là do mình tự suy diễn.
Dù cho thật sự là có ma nhập đi nữa cũng là do thần kinh của bạn có vấn đề, nghĩ ngợi quỷ thần, hoặc là hy vọng tham cầu tiện lợi cho mình nên ma mới đến.
Đối với tín đồ Phật giáo mà nói, chúng ta cứ mặc kệ, hễ nhìn thấy ai cũng đều nên nghĩ đó là Bồ-tát đến. Dù chúng có quấy rầy bạn, gây phiền phức cho bạn, bạn cũng nói đây là Bồ-tát đến giúp tôi, đừng nên gọi đó là ma.
Đối mặt với ma bằng tâm như vậy, thì bạn sẽ không còn cảm thấy buồn phiền nữa.
Hết
MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH
*****
1.Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.
2.Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.
3.Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.
4.Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.
5.Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.
6.Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.
7.Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.
8.Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai
9.Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.
10. Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.
Nguyện đem công đức in kinh này
Hồi hướng cho tất cả chúng sanh
Đời này được gặp Phật nghe pháp
Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng
Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ
Khởi tâm từ bi thương hết thảy
Cùng nhau tiến tu làm việc thiện
Đời sau phúc báo sanh tây thiên.
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.
· Xin mọi người thường niệm:
· Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.
· Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.
· Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.
Chùa Phổ Giác 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM
ĐT: 08.62532588
Email: [email protected]