Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Tự tại giả từ

Thứ năm, 14/08/2014, 16:40 GMT+7

 

Đối mặt với thế gian sống chết vô thường, bạn đã có được chuẩn bị gì? Nếu bạn có thể đột phát được sự sợ hãi đối với cái chết, vượt qua sự chấp chặt về cái chết thì đời sống của bạn sẽ được tự tại hơn.

 

 

TỰ TẠI GIẢ TỪ

 

Nguyên tác: Pháp sư Thánh Nghiêm

dịch giả: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

Lời Tựa

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đềlà “Tự Tại Giả Từ” Chúng tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

 

Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

 

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

 

BẢO HIỂM KHÔNG CHẾT

*****

 

Có lần nọ, có một nhân viên chào bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ tìm tôi chào bán bảo hiểm. Tôi hỏi anh ấy: "Bảo hiểm tuổi thọ có thể  bảo chứng là tôi không chết không?"

Anh ta nói: "Không thể."

Tôi nói tiếp: "Vậy còn bảo hiểm cái gì nữa?"

Anh ta nói: "Là sau khi chết, có thể bảo đảm nguồn kinh tế cho gia đình người mất hưởng."

Tôi nói với anh ta: "Người thừa kế của tôi là tất cả chúng sanh, tất cả mọi người đều là người thừa kế của tôi."

Trên thực tế, bản thân của bảo hiểm đã nói rõ là không có bảo hiểm mạng sống, tài sản và sự an toàn của chúng ta. Hay nói cách khác, trên thế giới này không có cái gì là an toàn tuyệt đối cả.

Đã biết như vậy, chúng ta càng phải nên dũng cảm đối mặt với sự thật để giải quyết vấn đề, có vậy mới an toàn về tâm lý. Nếu không thì, vì tìm cầu sự an toàn, kết quả rất có thể khiến cho thân tâm càng không an toàn hơn.

"Người bình thường không có cảm giác an toàn; sợ chết đi, sợ tật bệnh, sợ nạn tai, đó là vì họ chưa thể thấy rõ quy luật tự nhiên của hiện tượng sống chết"

 

MỚI SANH RA ĐÃ QUYẾT ĐỊNH RỒI

*****

 

Con người mới sanh ra thì đã quyết định sẽ chết; lại nữa ai nấy cũng đều có thể chết đi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Còn như chết khi nào thì không ai đoán trước được. Bạn có lo lắng, quan tâm cũng không có ích gì. Chỉ cần lúc bình thường có sự chuẩn bị tâm lý trước.

Vậy chuẩn bị tâm lý về cái chết trước như thế nào?

Ngay khi bạn đối diện với cái chết, bạn không nên lo sợ và cũng đừng để oán hận, hay không nên ôm ấp làm gì.

Nói theo người Phật tử, cho dù có ở trong tình huống gì đi nữa, bạn cũng phải vui vẻ rời bỏ không vương không vấn; phải nhất tâm nhất ý chuẩn bị đi sang cõi Phật tịnh độ; hoặc là phát nguyện trở lại nhân gian phổ độ chúng sanh.

Người có suy nghĩ được như vậy mới là người có sự chuẩn bị tốt cho cái chết. Có vậy bạn mới có thể vui vẻ rời bỏ cõi đời này.

 

TRÊN GIƯỜNG BỆNH ĐỘ CHÚNG SANH

*****

 

Nếu bác sĩ chẩn đoán bạn sống không qua một tuần thì chỉ cần trước khi chết, bạn dốc hết sức để cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, như vậy mới là người trí.

Hay nói ngược lại, biết mình sắp chết mà sợ hãi, cho đến không kềm chế nổi tinh thần, tự phiền làm phiền người, hoặc là nằm chờ chết, như vậy là người ngu.

Có một họa sĩ thường rất nhiệt tình trong công tác từ thiện bị mắc bệnh ung thư. Có lần tôi hỏi: "Anh có sợ chết không? sau khi đôi chân bị cắt bỏ rồi, hằng ngày ở bệnh viện anh làm gì?"

Là người học Phật nhiều năm, anh ấy trả lời tôi: "Đôi chân của con trước đây không chịu nghe lời con, rất là khó chịu, nay cắt đi rồi là tốt! Ngày nào con cũng niệm Phật. Sau khi ra viện rồi, con định sẽ tiếp tục vẽ tranh đem bán làm từ thiện, cho nên con nằm trên giường bệnh độ chúng sanh"

Anh họa sĩ này sống không bao lâu thì qua đời. Anh ra đi trong bình tĩnh an lành. Đây chính là người có trí tuệ.

 

CÓ AI MÀ KHÔNG CHẾT ĐÂU!

*****

 

Kể từ khi có loài người đến nay, chết đi chính là tồn tại, hay nói thêm một bước nữa là phàm hễ có sanh ắc có tử, vì "thành, trụ, hoại, không" là thật tướng của muôn sự vạn vật trong vũ trụ.

Tuy ai nấy đều ghét chết, nhưng chết đi và sanh ra có liên đới với nhau. Có sanh ra thì nhất định sẽ có chết đi. Do người ta không biết sau khi chết rồi đi về đâu cho nên lo lắng sợ hãi, tham sống sợ chết, nhưng trên thực tế có ai mà không chết đâu!

Chết đã là sự thật không thể thay đổi thì chỉ có cách là chúng ta đối mặt với nó. Không chỉ người già mới đối mặt với vấn đề chết mà ngay cả người trẻ cũng có thể chết.

Dù là chết tự nhiên hay chết ngoài ý, lúc nào nó cũng có thể xảy ra trên người chúng ta, hoặc là đối với người thân của chúng ta.

Cho nên lúc thường nhật, chúng ta phải nên có sự chuẩn bị tâm lý đầy đủ, bất cứ lúc nào cũng chuẩn bị cái chết sẽ xảy ra, có kiêng kỵ, trốn tránh đi nữa cũng chỉ là "bịt tai cắp chuông" thôi.

"Khi cái chết đến không có phân biệt tuổi tác. Đây chính là vô thường"

 

LÀ PHẬT SỰ CHỚ KHÔNG PHẢI TANG SỰ

*****

 

Đời người có thỉ có chung, ngay như tất cả hiện tượng trong giới tự nhiên có khởi ắc có diệt, có sanh ắc có tử, cho nên từ lúc sanh ra đến chết đi là quá trình mà con người phải trãi qua và cũng là hiện tượng tự nhiên của vũ trụ.

Tuy cận cảnh thân bằng bè bạn đối diện với cái chết, khiến người ta đau buồn khôn xiết, nhưng đó cũng là sự thật đành chịu vậy.

Đời người cần phải "khởi đầu thận trọng, chung cuộc lành tốt, sống dưỡng chết trọng"

Đã có sự tôn nghiêm lúc sống thì cũng phải có sự tôn nghiêm khi chết; sống gặp thời, địa, chết được an ủi. Được vậy mới có thể hiển rõ giá trị sống và ý nghĩa chết và cũng mới có thể bù đắp cho những tiếc nuối sanh ly tử biệt.

Nhìn quá trình sống theo quan điểm Phật giáo, khi con người sanh ra, cố nhiên là ôm lấy sự hy vọng vô hạn, khi chết đi cũng vậy, cũng sẽ mang theo quá khứ tợ gấm ra đi.

Cho nên kết thúc một đời người, tuy không phải là việc hỷ, cũng không phải là việc tang mà là một Phật sự trang nghiêm.

"Nhìn từ lập trường của Phật giáo, chết đi không phải là việc hỷ cũng không phải là việc tang mà là một Phật sự trang nghiêm"

 

SỐNG CHẾT MỘT BƯỚC GIẪM QUA

*****

 

Ông Hà Công Quyền vị công sứ tại nước Mỹ trước kia của nước ta, trong cuộc kháng chiến chống Nhật đã có suy nghĩ vừa muốn đầu quân báo quốc, vừa lo nghĩ nếu mình chết trận thì mẹ góa sẽ không ai chăm sóc.

Một hôm, ông đem nỗi lòng đến thưa với vị trụ trì một ngôi chùa nọ.

Pháp sư nói: "Là người lính phải không sợ chết có đúng không?"

Ông ấy trả lời: "Không hẳn vậy! nhưng mà, có những cái chết nặng như núi thái, có những cái chết nhẹ tợ lông hồng"

Pháp sư nói: "Thí dụ rất hay, nhưng tiếc là chưa đủ. Tại sao cậu không thể nghiệm câu sống chết một bước giẫm qua?"

Sau khi nghe xong, ông ấy chợt tỉnh ra: sống chết chẳng qua là lằn ranh như sợ chỉ, vừa bước là đã qua rồi. Sống và chết thật ra là sự tiếp nối trong quá trình sống vô cùng tận, từ sống đến chết chỉ là đi nhiều một bước thôi.

Từ đó, ông ấy không còn sợ chết nữa, kết quả là ông luôn sống rất có tinh thần.

Thế nhưng, không tham sống sợ chết không có nghĩa là không có sống chết. "Sống chết một bước giẫm qua" có hai nghĩa lớn: Thứ nhất là từ sống chết của đời này đến sống chết của đời khác. Thứ hai là một bước giẫm qua sống chết, đạt đến không sống không chết.

Do đó, sau khi hóa giải sự lo sợ đối với cái chết, chúng ta còn phải tiến thêm một bước là khỏi hẳn sống chết mới được.

 

MẠNG SỐNG Ở TRONG HƠI THỞ

*****

 

Cái chết có thể nói là điều đáng sợ nhất của con người.

Lấy mạng sống của con người mà nói, từ lúc sanh ra đến chết đi, mỗi một phút, một giây trong mạng sống đều không thể bảo chứng tuyệt đối, có thể sẽ bệnh nặng chết đi, cũng có thể là chết ngoài ý.

"Mạng người giòn bở, trong một hơi thở" là sự thật mà chúng ta cần phải chấp nhận. Nếu chúng ta có thể bình thản tiếp nhận nó thì không cần phải lo lắng mạng sống có an nguy hay không?

Chỉ cần trước lúc chết, nhất định phải thiết lập cách sống, không được tự sát, nếu không thì trái ngược lại với luật nhân quả của Phật pháp.

Nếu như vẫn còn sợ chết thì có thể nhờ vào sự nổ lực tu hành, cải đổi nghiệp xưa, kéo dài tuổi thọ, nhưng chung quy lại cũng không tránh khỏi chết.

Người tu hành chân chánh, vì rõ thấu thật tướng của mạng sống cho nên sẽ không còn sợ hãi đối với cái chết.

 

TIẾP NHẬN VÔ THƯỜNG

*****

 

Nếu bạn biết chấp nhận quan niệm vô thường, tuy bạn không biết lúc nào mình chết, có xảy ra tình trạng gì bạn cũng không biết, nhưng trong lòng bạn lúc nào cũng có sự chuẩn bị, hễ khi đối diện với nó bạn không quá ngạc nhiên.

Ví như hôm nay ra khỏi nhà không biết có gặp tai nạn xe cộ gì không? điều này không làm sao biết được, chỉ biết cầu nguyện cho nó đừng đến; nhưng nếu có gặp phải cũng không cần phải sợ, vì trong lòng bạn đã có sự chuẩn bị rồi.

Tại sao lại phải chuẩn bị? Vì nếu hôm nay mình không chết thì già cũng sẽ chết, lại nữa cũng không biết khi nào mình chết đây.

Nếu biết chuẩn bị đủ đầy cái lý vô thường, học cách tiếp nhận và đối diện với cái chết thì dù là đối với cái chết hoặc là đối với sự chấp chặt sự sống mình cũng coi nhẹ đi.

"Mạng sống con người rất là giòn yếu, khi nào qua đời cũng không biết nữa, vì vậy chúng ta cần phải dùng Phật pháp để an tâm"

 

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI RA KHỎI NHÀ

*****

 

Việc bác sĩ nói cho bệnh nhân ung thư biết mình còn sống trong bao lâu là hành động từ bi, vì đã giúp cho người bệnh có sự chuẩn bị về mặt tâm lý.

Cái chết đã sớm muộn gì cũng sẽ đến, so với các hình thức chết ngoài ý thì người bệnh ung thư, được coi như là có đủ đầy về mặt thời gian hơn.

Nếu gặp phải chuyện ngoài ý như tai nạn giao thông, tai nạn hàng không thì căn bản là không có thời gian để chuẩn bị. Cho nên người bệnh, khi biết được mạng sống của mình còn bao lâu thì phải nên cảm thấy rất may vì còn có một ít thời gian để chuẩn bị, cũng giống như trước khi ra khỏi nhà vẫn còn có thể chuẩn bị một chút.

Nếu có người nhà mắc bệnh ung thư, đối mặt với cái chết cận kề, với thời gian chuẩn bị luống phí trong lo lắng, chi bằng hãy chọn cách đối diện bình thản điềm nhiên, làm bạn với nó đi hết đoạn đường sau cùng của kiếp người.

 

CÓ SỰ CHẾT HAY KHÔNG?

*****

 

Có một vị cư sĩ nọ, có nói với tôi như vầy: "Sư phụ à! Thầy già rồi. Thầy có sợ chết không vậy?"

Tôi trả lời: "Đã là người thì không thể sống mãi không chết"

Anh ta dồn dập hỏi tới: "Thưa sư phụ, vậy sư phụ có sợ chết không?"

Tôi trả lời bằng giọng quả quyết: "dù có sợ chết hay không, con người cũng nhất định phải chết. Chết là kết thúc một chu kỳ sống này và cũng là sự khởi đầu của một mạng sống khác. Con người chết đi mọi việc cũng kết thúc, không có được cái gì cả.

Trên đời này, bất cứ hiện tượng sanh diệt, trồi sụt nào cũng đều là hiện tượng tự nhiên, cho nên chết không đáng sợ. Chết là buông bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ của một chu kỳ sống này và sự buông bỏ là vì đề khởi thêm một bước tiến."

 

CÓ LẼ SẼ KHÔNG CHẾT

*****

 

Một người có tín ngưỡng tôn giáo sẽ giao căn bệnh cho bác sĩ, đem tâm giao cho vị giáo chủ mà mình tín ngưỡng. Khi thân tâm đã an định rồi, người mắc bệnh nặng có lẽ sẽ chuyển nguy thành an.

Nhưng trên cơ bản có bệnh thì phải chữa. Nếu thấy không chữa trị được thì càng phải bình thản điềm nhiên, tùy thuận nhân duyên.

Cơ thể như thế nào thì cứ như thế ấy, thứ gì ăn được thì ăn, cái gì làm được thì làm, sống được thì cứ sống, còn sống không nổi thì chết. Đối mặt với cái chết bằng thái độ này, tâm lý bạn sẽ hơi bình ổn lại.

Trước kia có một người sắp chết vốn rất muốn được vãng sanh. Sau khi anh nghe lời đề nghị của các huynh đệ đồng tu, giao bệnh cho bác sĩ, giao tâm cho chư Phật Bồ-tát, buông bỏ sự bất an về cái chết, kết quả là được khỏi bệnh, sống khỏe mạnh cho đến ngày hôm nay.

Do đó nên biết, an định thân tâm có sức ảnh hưởng lớn đối với người bệnh.

"Không cần chờ chết cũng không nên sợ chết. Sợ chết, cầu chết là trốn tránh trách nhiệm, đợi chết là không trọn trách nhiệm"

 

CŨNG GIỐNG NHƯ NGỦ MỘT GIẤC

*****

 

Đối diện với cái chết của chính mình là bài học nhân sanh rất quan trọng, ai nấy đều biết mình chắc chắn phải chết, thế nhưng khi đại hạn đến thì ngược lại thường mong muốn mình thật sự không phải chết đi như vậy.

Thật ra chết là một việc rất tự nhiên, cũng giống như sáng sớm thức dậy, tối lên giường ngủ một giấc. Còn như khi ngủ sau này còn có ngày mai hay không có ngày mai cũng mặc kệ, chỉ cần xem nó như là sự kết thúc của một quá trình là được rồi.

Sở dĩ con người sợ chết cái chính là vì trong lòng không buông bỏ được, không bỏ được người thân yêu, không bỏ được những gì mà họ coi trọng, hễ càng như vậy thì càng có khả năng chết mau hơn, vì nếu bỏ không được thì sẽ khiến cho cơ thể hao mòn nhiều hơn, lo lắng cũng nhiều hơn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thân và tâm.

Ngay khi mình tự biết không tránh khỏi cái chết thì bạn phải buông bỏ hết tất cả, đừng có níu kéo nữa, vì tất cả mọi thứ trên thế gian này chỉ là vật bạn có tạm thời, không thể mãi mãi chiếm hữu. Thân thể còn như vậy thì hà huống gì là vật ngoài thân?

"Có sợ sống chết cũng không không thoát."

 

KHÁCH VIẾNG THĂM

*****

 

Mái đầu bạc tiễn mái đầu xanh là điều đau thương nhất của bậc làm cha làm mẹ.

Tôi có một nữ Phật tử người Mỹ. Cô ấy có đứa con trai được mười tám tuổi. Có một hôm ra đường, cậu ấy bỗng lên cơn đau tim và chết.

Do trước đó không biết cậu bé này bị bệnh tim cho nên gia đình không sao mà chấp nhận sự thật.

Hai năm sau, người mẹ mỗi lần gặp tôi là hỏi: "Con có còn gặp lại con trai của con nữa không? Hiện giờ nó đang ở đâu? Nếu bây giờ con chết đi, có phải sẽ gặp được nó không?"

Tôi nói: "Người chết rồi thì không thể sống lại, mỗi người có nhân duyên riêng. Họ đã đi qua cuộc đời của chúng ta, kết thúc nhiệm vụ của họ. Cũng giống như có khách đến thăm cô, có thể chỉ nắm tay, gật đầu là đi rồi; cũng có thể lại ở lại nhà cô mấy ngày rồi mới đi; thế nhưng, bất luận thời gian dài hay ngắn, rốt cuộc họ cũng phải đi, cho nên cô đừng có khó chịu nữa"

Ai nấy khi người thân chết đi đều khó bỏ khó lìa. Lúc này đây, nếu được bạn có thể qua cách nhìn nhân duyên để hóa giải những chấp chặc trong lòng.

"Khi có thể sống được thì tất nhiên phải cầu sống. Còn khi phải chết thì hãy đón tiếp nó đi!"

 

TẠI SAO LẠI XẢY RA VỚI TÔI?

*****

 

"Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi?"

Người bình thường, đối với cái chết ngoài ý của người thân, vì trong lòng không có sự chuẩn bị gì nên rất khó chấp nhận.

Đối với đau thương của họ, ngoài việc an ủi ra, thường thì tôi cũng sẽ khuyên họ hãy suy nghĩ từ góc độ khác.

Thông thường ai cũng biết có sanh ắc có tử, có điều lại cho rằng chỉ có già mới chết. Thế nhưng việc này không hẳn vậy. Có rất nhiều trai trẻ cũng vì bệnh tật, ngoài ý mà qua đời. Điều quan trọng nhất là phải biết rằng, con người chung quy cũng sẽ đi đến chỗ chết.

Đối mặt với người thân qua đời, chỉ cần chúng ta biết chấp nhận sự thật là họ đã chết thì cho dù là chuyện có xảy ra trong tình huống không chuẩn bị tâm lý, chúng ta cũng sẽ không căm giận bất bình.

 

SỐNG CHẾT CÓ ĐỊNH THỜI GIAN

*****

 

Đại đa số con người ta đều tham sống sợ chết. Cũng có một số người cho rằng sống không bằng chết, vì sống quá vô nghĩa cho nên muốn chết đi.

Những quan niệm này đều là sai! Khi biết chắc phải chết thì cầu sống vô ích; lúc chưa chết mà muốn chết, đâu có cái lý này.

Nếu người hiểu được nhân quả, biết được sống chết có thời gian nhất định, muốn thay đổi nó, chỉ có một số ít người làm được.

Ví như Phật, La-hán và bậc thật chân tu có thể kéo dài tuổi thọ. Họ vốn phải chết trong một thời gian đó, nhưng có thể lưu lại nhân gian và tháng hoặc vài năm.

Còn như kẻ đại ác vốn không phải chết, nhưng lại có thể chết ngang hoặc chết sớm, chẳng hạn như chết vì bị giày xéo thân thể, chết vì trái pháp luật kỷ cương, chết vì bị mưu sát, hoặc chết vì bị trời trừng phạt.

Ngoài những thí dụ này ra, việc sống chết của người bình thường đã được xác định, cho dù là muốn sống hay là muốn chết cũng bằng thừa.

 

PHẢI CÓ CẢM GIÁC

*****

 

Có rất ít người khi đối diện cảnh sanh ly tử biệt mà dửng dưng. Như tôi đây. Năm 1988, tôi về nhà thăm gia đình, tuy đã xuất gia mấy mươi năm rồi, nhưng hễ vừa thấy mộ phần của cha mẹ là tôi vẫn không cầm lòng đặng, rơi lệ.

Theo lý mà nói, người xuất gia phải không bị tình cảm thế tục lôi kéo, nhưng trong tình cảnh này, nếu không có chút cảm động nào thì không phải là người rồi. Thế nhưng tôi cũng sẽ không gào thét than khóc, sẽ không oán trời trách người mà nói: "cha mẹ ơi! sao hai người lại bỏ đi sớm thế này chứ!"

Đức Phật tuy đã thành Phật rồi mà Ngài vẫn còn lên trời thăm người mẹ quá cố của mình; đồng thời cũng về cố hương sắp đặt hậu sự cho cha, đây là một cách biểu lộ tình cảm giữa sống và chết.

Nếu người bình thường mà thấy rõ cái chết trong cảnh sanh ly tử biệt thì là việc rất tàn nhẫn, rốt cuộc người thân phải ra đi mà mình vẫn bỏ không được, không thể giống như hoa nở rồi tàn mà không có cảm giác gì.

Đức Phật dạy chúng ta vô thường là sự thật, tuy mình và người thân không biết lúc nào chết, nhưng chỉ cần trong lòng lúc nào cũng có sự chuẩn bị, để khi vô thường đến mình không cảm thấy quá đột nhiên.

"Nếu tâm có thể được tự tại, lìa tham, lìa sân, lìa vô mình phiền não thì tuy ở trong cảnh giới sanh tử, nhưng cũng giống như là ra khỏi sanh tử"

 

KHÔNG NÊN ĐỢI CHẾT

*****

 

Có một số người bệnh nặng, trước khi chết mong muốn có thể đem chút hơi ấm, ánh sáng của mạng sống này để dâng hiến cho xã hội, đại chúng, cho nên rất nóng lòng muốn làm một việc tốt.

Dâng hiến là tốt, nhưng không cần phải tiêu hao thể lực và tâm lực quá mức, vẫn cần phải dùng tâm bình thường để làm việc bình thường, vì lúc này đây, điều quan trọng nhất đó là an trụ thân tâm.

Giống như vậy, cũng không nên có tâm trạng đợi chết, có thể một mặt phát nguyện, một mặt thì dâng hiến.

Ví như có một quân nhân nọ về hưu, trước khi chết, ông mắc bệnh nặng, trái lại vẫn hay đến chùa Nông Thiền làm công quả. Tuy cuối cùng ông ấy bệnh chết bên đường, nhưng tôi tin chắc rằng, nhất định ông ấy sẽ vãng sanh cực lạc.

Vì trước khi mất hai năm, ông không chỉ bỏ ra rất nhiều tài sản, còn bản thân lại không ngại mưa gió ngày nào cũng đến chùa làm công quả. Đã có người khuyên ông ấy về Đậi lục chơi một chuyến, nhưng ông ấy nói: "Tôi không muốn đi Đại lục, tôi muốn đi sang cực lạc, tôi muốn đem số tiền còn cất lại ở Đại Lục đi làm công đức"

Tâm nguyện kiên định của ông như vậy, tự nhiên có thể tùy nguyện mà viên mãn cái tâm dâng hiến của ông.

"Chết không đáng sợ, vì có sợ đi nữa cũng không có ích lợi gì, vẫn phải chịu chết như cũ"

 

TRÁCH NHIỆM ĐÃ XONG THÌ RA ĐI

*****

 

Lúc tôi hơn hai mươi tuổi, vì sức khỏe không tốt nên thường cảm thấy dường như là mình sắp chết. Bác sĩ cũng nói cơ thể của tôi quá suy nhược, đại khái là sống không bao lâu.

Lúc đó, tôi thường suy nghĩ như vầy: Nếu thân tôi nghiệp báo vẫn chưa hết thì đại khái là tạm thời vẫn chưa chết. Còn nếu xã hội cần tôi để lại cái mạng này để làm việc thì tôi sẽ cố gắng mà sống. Còn nếu không cần tôi làm bất cứ việc gì, cũng có nghĩa là nói trách nhiệm của tôi đã xong vậy thì tôi sẽ ra đi.

Thọ mạng dài ngắn của một người, phải nhìn từ phước báo nghiệp báo của mình, cho đến nhân duyên và hoàn cảnh của một người để quyết định khi nào thì mình sẽ ra đi.

"Nếu người sống có trách nhiệm thì khi chết sẽ không mang theo tiếc nuối"

 

ĐỂ HỌ AN TÂM RA ĐI

*****

 

Khi xảy ra tai nạn, có không ít người vẫn có thể không biết đã xảy ra chuyện gì, thậm chí cũng không kịp giãy giụa, trong khoảng một hai giây là đi rồi. Bất luận là quá trình như thế nào, người may mắn sống sót sau tai nạn, điều mà khó chấp nhận được đó là quên đi người thân.

Lúc đi thăm hỏi vùng thiên tai động đất ngày 21 tháng 9, tôi có nghe rất nhiều câu chuyện có thật. Như có nhà nọ, đột nhiên âm dương xa cách, thậm chí vợ chồng cùng ngủ trên một giường, trong khoảng khắc, có một người ra đi trước rồi. Khi đối mặt với tình huống như vậy, quả thật là khó khiến cho đương sự chấp nhận sự thật.

Còn nói về người may mắn sống sót, điều quan trọng nhất đó là đối diện với sự thật. Sự việc cũng đã xảy ra rồi, có muốn nó đừng xảy ra cũng không được. Người cũng đã chết rồi, cho dù người sống có đau thương thế nào đi nữa cũng không thể kêu người thân qua đời trở về.

Để cho người chết được an tâm ra đi, người sống phải cố gắng giữ gìn sức khỏe và bình an của mình. Nếu cứ mãi sống trong đau buồn, thì người thân qua đời làm sao mà yên tâm ra đi đây?

 

ĐỪNG ĐỂ MÌNH PHẢI CHỊU ĐAU LẦN NỮA

*****

 

Có rất nhiều gia đình người bị nạn trong cơn động đất ngày 21 tháng 9 hỏi tôi: "Người tốt có quả báo tốt mà. Con đâu có làm gì xấu, người thân con cũng là người tốt, vậy tại sao lại chịu ác báo?"

Nói trắng ra, lúc này đây, bất cứ tôn giáo nào, có trả lời họ như thế nào, cũng không làm họ hài lòng.

Cách tốt nhất đó là, trước hết phải làm dịu tâm tư, để cho tâm linh bình tĩnh. Đợi sau khi tâm tình bình phục trở lại, họ mới hơi hiểu rõ ý nghĩa sống chết.

Vì khi đối diện với người thân qua đời, có thương tâm, khó chịu, thất vọng hoặc là oán trời trách người nhiều đi nữa, cũng không có ích gì cho sự việc, không chỉ mình phải chịu sự thương hại liên tục, mà còn khiến cho người quan tâm mình chịu ảnh hưởng.

Khi gặp phải tai nạn lớn, tổn thất lớn, nếu biết biến nó thành sự trãi nghiệm của cuộc đời, hễ thông qua sự mài luyện như vậy, sau này dù có phải gặp sóng to gió lớn thế nào đi nữa thì bạn cũng có thể kiềm chế được, đây chính là ý "sau cơn mưa trời lại sáng" cũng có thể gọi là nhờ họa mà đặng phước.

Nếu có thể nhìn sự việc bằng suy xét chánh diện thì không chỉ nạn tai thật sự đã qua, con người cũng khôi phục lại tâm lý mà còn có thể mang đến sự bình an thật sự cho xã hội.

"Sự sống trọn vẹn vĩnh hằng cần phải trãi qua thực tiễn vô ngã mới có thể từng bước hoàn thành"

 

SỐNG CHẾT NHƯ NHAU

*****

 

Điều mà người đời khó xử lý, khó chấp nhận được đó là sống chết việc lớn, khi đối mặt với sống chết, còn mất, rất khó không tham sống sợ chết. Thế nhưng, đối với một người đã được giải thoát mà nói thì sống chết là như nhau, có hai nguyên nhân:

Thứ nhất, qua tín ngưỡng có thể hiểu được, sống và chết chỉ cách nhau lằn ranh, quá khứ chết đi, hiện tại sanh ra, có mạng sống hiện tại chắc chắn sẽ chung cuộc sẽ chết. Hiện tượng sống chết của một giai đoạn chỉ là một giờ khắc nhỏ trong thời gian vô tận. Chết đi không có nghĩa là không có gì hết, mà là sau khi chết còn có một phần sống chết khác đang chờ đợi. Chết đi không có gì phải đáng sợ, nếu cả cuộc đời này bạn sống dâng hiến nhiều hơn là thọ nhận thì kiếp sau nhất định sẽ tốt đẹp hơn đời này.

Thứ hai, nếu việc tu hành có thể đạt đến mức mà sự đe dọa, dụ dỗ vẫn không động tâm thì có thể giải thoát sanh tử. Tâm tư vững chắc như núi, không bị phiền não ảnh hưởng, nhiễm ô thì đó chính là bậc chân thật không nhiễm ô.

Sự sống của cơ thể là do địa, thủy, hỏa, phong hợp thành, một khi nó phân tán thì thân thể cũng sẽ tiêu mất; tất cả những thị phi, được mất cũng như khói tiêu sương tan, còn có gì mà suy tính nữa?

Nếu bạn thể hội được sự thật của sự sống thì bạn sẽ không phiền lòng vì vấn đề sống chết.

 

ĐỪNG SỢ CHẾT KHÔNG CÓ ĐẤT CHÔN

*****

 

Tôi là một người xuất gia, tuy có một số đệ tử, tín đồ, nhưng không có con cháu, cho nên mới khiến cho nhiều người thay tôi lo hậu sự: "Sau khi chết rồi thầy định thế nào?"

Giống như các anh tôi, sợ khi tôi chết không có ai đưa tiễn nên định cho tôi đứa con trai nuôi.

Tôi nói với họ: "Các anh không cần phải lo lắng cho tôi! ngay như con chuột chết cũng có đất chôn. Dù nó không có đất chôn thì nơi nó chết cũng chính là nơi chôn thân nó."

Tâm Kinh có dạy: "Tâm không ngại sợ, không có sợ hãi" đây chính là một loại đại tự tại. Nếu như chỗ nào cũng quán tự tại, dùng trí tuệ để giải quyết chuyện mình và người, đối mặt với sống chết thì sẽ không còn sợ hãi.

"Cái chết có thể là rất đáng sợ, cũng có thể là không. Điều quan trọng là mình đối diện với sự thật về cái chết như thế nào"

 

CHỦ ĐỘNG VÀO TÙ

*****

 

Con người sợ hãi cái chết là vì chấp chặc sống chết. Nếu chấp chặc sống chết thì sẽ bị khổ não vì nó; Nếu nhìn sống chết như mây trôi, thản nhiên đối mặt thì sống chết đối với bạn không thành vấn đề.

Giống như vậy, một người nếu bị bắt giam ở thế bị động thì chắc chắn sẽ đau khổ không chịu nổi, còn nếu phát nguyện vào tù: "Tôi nguyện vào tù sống cùng với phạm nhân, có vậy tôi mới có thể giáo hóa họ" như vậy thì trong lòng mới không đau khổ. Nói bị động là dụ cho người đời y theo nghiệp lực mà luân hồi trong sống chết, chịu khổ chịu báo trong sống chết.

Sợ hãi sống chết vì nó chính là một sự khổ. Khi đối mặt với sống chết mà coi nó không là gì thì ngay nơi đó liễu thoát sống chết.

Nói ra thì rất dễ, nhưng thực tế rất khó. Cái khó là ở chỗ: Lý thì hiểu mà tâm thì lại bỏ không được; Dễ là ở chỗ: Chỉ cần bằng lòng nhận chịu, đối diện ngay đó liền được.

 

PHẢI NÊN VUI VẺ

*****

 

Ấn Độ và Tây Tạng, hai dân tộc này có nền tín ngưỡng tôn giáo rất thành kính, đối với cái chết không có sợ hãi. Không giống như người Trung Quốc, hễ có người mới qua đời thì xúm nhau lại khóc lóc.

Tôi đã từng thấy cảnh tượng tại nơi hỏa táng ở Ấn Độ, lúc đem đi thiêu, thân bằng người mất đều đang tụng kinh, không có khóc lóc, trên gương mặt còn biểu cảm niềm vui vẻ, vì họ cho rằng người chết đã được lên trời, phải nên vui mừng cho họ.

Người Tây Tạng đưa tang cũng không có khóc lóc, cũng rất vui vẻ tụng kinh, ca hát cho người mất, đưa họ lên nước Phật.

Phật giáo vì tin có đời sau, cho nên đối với cái chết sẽ không cảm thấy là đau buồn hay là lo sợ.

Phật giáo có một loại tín ngưỡng tịnh độ của đức Phật A-di-đà, đó là hoàn cảnh sanh sống của thế giới tương lai cực tốt. Nếu chúng ta ở thế gian này chết đi mà muốn sanh sang thế giới Cực lạc thì đức Phật A-di-đà đích thân sẽ đến tiếp dẫn, vì đó là tâm nguyện mà Ngài đã phát từ đời quá khứ, chỉ cần có người trước khi chết phát nguyện sanh vào thế giới của Ngài thì Phật Di-đà sẽ đích thân đến tiếp dẫn. Nếu đã như vậy thì còn sợ gì nữa?

 

SỐNG CHẾT TỨC NIẾT-BÀN

*****

 

Niết-bàn mà Phật giáo nói đến nghĩa là sự tịch diệt giải thoát không sanh không diệt, đối ngược lại với sống chết.

Ý nghĩa sống chết có thể lớn cũng có thể nhỏ. Nhỏ thì từ một hơi thở ra vào, lớn thì từ lúc sanh ra đến chết đi của mỗi một đời người.

Nói từ ý cảnh của thiền thì sau khi chết lớn mới có thể sống lớn, đó là cái tâm "chết đi phiền não vô minh, sống lại cứu nhân độ thế."

Nói sống lớn nghĩa là được tự tại lớn, được giải thoát lớn, được trí tuệ lớn, được từ bi lớn, được nguyện rộng lớn, không còn phiền não nữa, không chịu quấy nhiễu nữa. Nếu sống lớn được như vậy thì nhất định cũng có thể chết lớn, triệt đầu triệt đuôi, chết sạch vọng tưởng phân biệt, tội ác phiền não.

Lại nữa, sau khi chết rồi sẽ không còn sống lại, từ đó về sau, không còn gặp cảnh giày vò sống chết nữa, đây chính là ý nghĩa của đại niết-bàn.

Giữa sống chết và niết-bàn, không chỉ nói là cách nhau một sợi chỉ mà ngay cả nửa sợi cũng không có.

Người đã chứng đại niết-bàn xem sống chết và niết-bàn vốn đồng một việc, vì các Ngài đã vượt qua được giới tuyến của dứt sống chết và niết-bàn.

 

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

*****

 

1.Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·        Xin mọi người thường niệm:

·        Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·        Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

ĐT: 08.62532588

Email: [email protected]


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :