Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Người biết xử dụng đồng tiền nhất

Thứ ba, 19/08/2014, 17:42 GMT+7

 

NGƯỜI BIẾT SỬ DỤNG ĐỒNG TIỀN NHẤT

 

Nguyên tác: Pháp sư Thánh Nghiêm

dịch giả: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

Lời Tựa

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đềlà “Người Biết Sử Dụng Đồng Tiền Nhất” Chúng tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

 

Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

 

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

VỐN SANH NHAI

*****

 

Gần đây kinh tế toàn cầu tiêu điều, có rất nhiều người sống bị áp lực về kinh tế. Cho dù là có tiền hay không, người ta cũng phải có cái vốn sanh nhai mới có thể sanh tồn.

Vốn liếng có rất nhiều loại, cho dù là vốn tinh thần, vốn trí năng hay là vốn vật chất cũng đều là tài nguyên sống của nền kinh tế chúng ta.

Trước đây, tại sở nghiên cứu Phật học Trung Hoa có một du học sinh từ Tiệp-khắc xa xôi đến học. Vì Tiệp-khắc là một nước rất nghèo khó mà bản thân cậu ấy không có người thân tại Đài Loan, cho nên cuộc sống rất túng thiếu.

Sau khi rời khỏi sở nghiên cứu, tôi hỏi cậu ấy: "Hiện nay cậu sống như thế nào?"

Cậu ấy nói: "gặp cơm thì ăn, có nơi thì ở, cũng có khi người ta cho con một ít tiền" Vì hiếu học cho nên cậu ấy không cảm thấy cuộc sống quá vất vả.

Nguyên nhân cậu ấy sống kham khổ mà coi như nếm mật ngọt là vì, tuy cậu ấy không có nguồn kinh tế vật chất, nhưng ngược lại có vốn tinh thần để làm nguồn sanh tồn.

 

CÓ TIỀN TỐT HAY LÀ KHÔNG TIỀN TỐT?

*****

 

Có người nói rằng: "Có tiền thì sẽ có phiền não, nhưng không tiền thì càng phiền não hơn. Vậy là rốt cuộc có tiền tốt hay là không tiền tốt?"

Câu trả lời chắc rằng không ai mà nói không tiền là tốt cả.

Thiền tông gọi "Hữu" là chỉ cho tài sản hữu hình và công đức vô hình. Công đức vô hình thường là phải nhờ vào sức người, sức của, sức vật chất mới có được.

Từ "có tiền tài" mà trở thành "có công đức" là một sự tiến bộ lớn, vì những của cải trong thân cho đến ngoài thân cũng giống như mây khói bay qua ánh mắt, không giữ được lâu và cũng không đáng cậy. Công đức thì không ai lấy cắp được, lửa nước không làm hư hoại, cho đến có thể mang theo nhiều đời nhiều kiếp.

Nếu tiến thêm một bước nữa thì đối với công đức chúng ta cũng đừng chấp chặc là thật có, nếu không thì đó chỉ là thứ công đức hữu vi, hữu lậu và hữu hạn thôi.

Ví như vua Lương Võ Đế làm rất nhiều việc thiện như xây dựng chùa tháp, cúng dường trai Tăng, trái lại tổ Bồ-đề Đạt-ma nói rằng ông không có công đức, đó là vì vua Lương Võ Đế chấp chặc công đức, mong cầu có quả báo. Đây không phải là công đức vô thượng.

 

TIỀN TÀI NHƯ RẮN ĐỘC

*****

 

Nhớ lại sư phụ của tôi là lão nhân Đông Sơ, sau khi tôi xuất gia không lâu có nói với tôi: "Thánh Nghiêm à! Con thấy tiền tài có tốt không?" Tôi thưa: "Đức Phật dạy: tiền tài như rắn độc, chắc chắn rất đáng sợ!"

Sư phụ lại nói: "Thánh Nghiêm à! Con còn có chỗ chưa biết. Hiện nay có rất nhiều người chuyên nuôi dưỡng rắn độc, dùng rắn độc làm thuốc mà phát tài. Nếu biết khéo dùng nọc rắn thì có thể cứu người, có thể trị bệnh. Nhìn con là biết con có biết nuôi rắn không rồi. Người không biết nuôi rắn sẽ bị nó cắn, sẽ bị trúng độc chết. Người biết nuôi rắn thì nọc rắn không chỉ dùng để cứu người mà còn có thể giúp con làm giàu"

Sau cùng tôi nói: "Thưa sư phụ, vậy là con vẫn phải cần tiền!"

Sư phụ lại nói: "Tiền phải kiếm theo lẽ đạo, dùng theo lẽ đạo, như vậy mới đúng. Nếu con chỉ biết muốn tiền mà không biết khéo dùng tiền thì cũng giống như giẫm lên thân rắn độc, chỉ sẽ bị rắn cắn mà không biết vận dụng nọc rắn để trị bệnh."

Cho nên, mọi vật trên đời này không có gì là tuyệt đối tốt, cũng không có gì là tuyệt đối xấu; không có nhu cầu tuyệt đối và cũng không có cái không nhu cầu tuyệt đối. Đây gọi là "vô trụ" và cũng chính là trí tuệ.

"Sử dụng tiền bằng trí tuệ sẽ khiến bạn hưởng thụ được niềm vui biết quý phước, bồi phước đủ đầy"

 

ĐẾN NHƯ THẾ NÀO ĐI THẾ ẤY

*****

 

Phật giáo thường nói: "đến thế nào đi thế ấy" thế nào là đến thế nào đi thế ấy?

Ví như hôm qua bạn mua cổ phiếu, cổ phiếu tăng, chỉ trong một đêm bạn có thể trở thành triệu phú. Ngày mai cổ phiếu xuống, cũng trong thời gian một đêm có thể khiến bạn thành kẻ nghèo khó. Rốt cuộc, tiền đến rồi có hay không?

Tiền dường như đã đến, khiến cho bạn phát tài lớn, thế nhưng rốt cuộc tiền lại đi đâu?

Tiền vốn không phải là của bạn, mà nó chính là đến như thế nào đi như thế ấy.

Lúc đến, bạn không cần phải mừng rỡ, khi đi, bạn cũng đừng nên khó chịu, vì đây là việc bình thường.

Người thế gian bị phiền não đau khổ không dứt là vì không nhận rõ người và sự vật trong hoàn cảnh mà mình đã gặp, cho nên mới bị mê, mới gọi là phàm phu.

Chúng ta thường lấy giả làm chân, cho những sự việc không thật là vĩnh hằng. Đối với người, sự, vật có liên quan đến chúng ta, mình chấp chặc cái nào là mình, cái nào là của mình; cái nào là nhiều, cái nào là ít; cái nào là đến, đi sanh, tử v.v...hình thức chấp chặc này khiến tâm chúng ta khởi phiền não.

"Tất cả hiện tượng đều do nhân duyên sanh, nhân duyên xoay vần, đổi thay, huyễn ảo vô thường"

 

KHÔNG THỂ VĨNH VIỄN CÓ

*****

 

Của cải thường thay đổi luôn.

Ví như nói người "có tiền", làm ông chủ cả giàu khắp thiên hạ, với một đứa trẻ chỉ có một ống tiền nhỏ thì cũng đều tự cho là có tiền. Nhưng hai hạng người này khác biệt quá lớn.

Có người có tài sản ngàn muôn, nhưng trên người lại không mang theo đồng xu nào. Có người không có đồng xu nào lại còn lang thang đầu đường. Cả hai người đều không có tiền trên người, nhưng tình huống lại hoàn toàn khác nhau.

Người ăn xin vì nghèo khó mà lang thang xin ăn. Sa-môn Tỳ-kheo thì giới Phật quy định không được cất chứa tiền của nên ôm bát đến các nhà khất thực.

Hạng người trước nghèo đến đau khổ, xin có được thì thỏa mãn cái tâm nghèo. Người sau nghèo trong thỏa mãn, khi ăn xin là muốn kết duyên lành với thí chủ. Hai hạng người này cũng hoàn toàn khác nhau.

Lời tục có câu: "Không có ai giàu ba họ, không có ai khó ba đời" sự giàu nghèo của tổ tiên không chắc hẵn có liên quan đến con cháu. Sự sang hèn giàu nghèo của một kiếp người cũng không có quy tắc chuẩn.

Đức Phật có dạy, tài sản của cải là của chung năm nhà: nước, lửa, trộm cắp, vua ác, con phá của. Hiện nay tuy có hình thức bảo hiểm lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cắp nhưng vẫn chưa có bảo hiểm vua ác và con phá của.

Sự giàu sang đã không phải là mãi mãi, cũng chẳng phải thật có; cũng chẳng phải hoàn toàn không có, cho nên chẳng phải là rỗng không, chỉ có điều nó thường thay đổi không ngừng trong sự có không mà thôi.

 

NGƯỜI SỐNG TRONG GIÀU SANG

*****

 

Trong khi quy hoạch kinh tế sanh nhai, chúng ta nhất định phải xác lập nguyên tắc: lượng thu xuất chi, thu nhiều chi ít; tiếp người nồng hậu, tự kiệm chi tiêu; phải khắc cần khắc kiệm, tích trữ của cải; đem nguồn kinh tế của mình có đóng góp cho xã hội đất nước, cho đến sự nghiệp phúc lợi của toàn thể nhân loại. Đây mới thật sự là người giàu sang hiểu biết cách sử dụng của cải.

Đồng thời tôi cũng đề xuất một quan niệm: "Người ngồi không hưởng phước đó là người vô phước. Người bồi phước, trồng phước mới là người có phước"

Muốn xây dựng quan niệm quý phước, bồi phước, trồng phước, trước hết bạn phải biết quý tiếc hết thảy những gì mà mình hiện có, bao gồm hoàn cảnh cuộc sống bản thân và điều kiện sống; lại thêm dùng kỹ năng, tri thức, thể năng, trí tuệ, nhân phẩm mưu cầu phước lợi cho xã hội. Đây mới chính là tiếc phước bồi phước.

Ý nghĩ trồng phước chính là đối với những việc tốt hiện tại mình chưa làm thì nên tăng cường nổ lực làm.

"Người có của cải chưa hẳn là người giàu sang. Người chịu dùng của cải để giúp người khác mới thật sự là người giàu sang trong số người giàu sang."

 

CÓ NGƯỜI CÀNG NGHÈO CÀNG ĐÁNG GHÉT

*****

 

Có tiền có thể khiến người ta có phước nhưng cũng có thể khiến người ta vô phước. Không tiền có thể là vô phước, nhưng cũng có thể là có phước, điều khác biệt là ở chỗ "có trí tuệ hay không"

Vừa có tiền vừa có trí tuệ, biết làm thế nào để giỏi kiếm tiền, khéo sử dụng tiền, hạng người này phước huệ song toàn.

Người không tiền, chỉ cần có trí tuệ thì sẽ có phước báo, vẫn có thể sống một cách tự tại, đến đâu cũng có duyên với người.

Có một số người càng nghèo càng thấy ghét, ai nhìn thấy cũng không ưa, đó là vì họ không biết cầu trí tuệ, cũng không muốn vun trồng phước báo.

 Có một số người bên ngoài tuy nghèo nhưng trong lòng lại rất biết đủ, an phận nghèo vui với đạo, khoan khoái tự đắc. Đây chính là người trí ở nhân gian.

Cũng có một số người dù có tiền hay không, tự biết phước mỏng, huệ cạn, nên nổ lực quý phước, bồi phước, cúng dường bố thí, dâng tặng người khác, kết quả trở thành vị Bồ-tát lợi mình lợi người, bi trí song vận.

 

CÓ TIỀN LÀ PHƯỚC BÁO, KHÔNG TIỀN LÀ TRÍ TUỆ

*****

 

Có một cư sĩ hỏi tôi một chuyện:

"Thưa sư phụ! hiện tại con quy y đã hơn hai năm rồi, con cảm thấy những gì mình gieo trồng xưa kia rất là ngu si, quả thật chỉ biết theo đuổi đồng tiền. Tiền con kiếm được không phải là ít. Giờ con đã theo Phật rồi, sư phụ thấy con phải giải quyết tiền bạc sao đây?"

Tôi nói: "Tiền không hẵn là có mà cũng không phải là không. Một người nghèo khổ đến nổi có lúc không có một đồng nhưng nếu trong lòng họ nghĩ có tiền, nằm mộng cũng thấy có tiền, thì người đó trong lòng vẫn có tiền. Ngược lại, nếu người đó có rất nhiều tiền trong ngân hàng, hoặc là trong sự nghiệp, nhưng trong lòng không coi trọng điều đó thì trong tâm người này là người không có tiền"

Có tiền là có phước báo, không tiền là trí tuệ. Tiên sư lão nhân Đông Sơ đã có dạy răn đệ tử: "Trong túi phải có tiền, trong ngân hàng phải có tiền, nhưng trong đầu thì không nên có tiền"

Phật pháp nói "có" là chỉ sự chấp chặc trong tâm. Nói "không" là chỉ cho tâm không chấp chặc, chớ không phải nói "không" là không có gì cả. Nói "có" là nói có rất nhiều thứ chớ không phải chỉ thứ này.

 

TIỀN KHÔNG PHẢI CỦA TÔI

*****

 

Có rất nhiều người có tiền mà lại rất tiết kiệm.

Ví dụ như, có lần nọ, tôi gặp một vị cư sĩ giàu có. Anh ta có thói quen là sau khi dậy, trước tiên phải uống một ly trà đen, bỏ thêm một miếng gừng, sau khi bỏ thêm miếng gừng tươi vào, anh ấy đặt biệt còn dặn dò bà vợ: "phải gói gừng lại giữ cho tươi để còn ăn được nữa"

Thấy vậy tôi hỏi: "tại sao ngay cả chút xíu gừng như vậy mà anh cũng còn hà tiện nữa?"

Anh ta trả lời: "Thưa pháp sư, không phải là con hà tiện. Tiền không phải do một mình con kiếm được mà là của chung với các thành viên trong công ty. Cho nên con không thể tùy tiện sử dụng số tiền này, nếu sử dụng tùy tiện thì sẽ rất có lỗi với họ."

Sau khi nghe xong, trong lòng tôi nghĩ rằng: "à! người có tiền thì ra là có tiền như vậy."

"Phải nên cảm ân với tất cả những gì chúng ta đang có, cho dù là nghịch cảnh cũng phải cảm ân, vì nhờ nó mà chúng ta có sự trưởng thành"

 

          CHƠI VỚI CON SỐ KHÔNG

*****

 

Có một vị triệu phú nói với tôi một câu rất có ý nghĩa và cũng rất có triết lý. Ông ấy nói: "Thưa pháp sư. người có tiền, cái mà họ có là gì?"

Tôi nói: "thì có tiền chớ có gì?"

Ông ấy nói: "không phải. Là có số không. Vì tài sản của tôi nhiều hơn một đơn vị chính là nhiều hơn một vòng tròn, đó cũng chính là con số không. Tài sản ít một số cũng là con số không. Khi tăng thêm là tăng con số không, lúc giảm bớt cũng là giảm một con số không."

Ông nói tiếp: "Người có tiền trên người không có đồng nào, chỉ dùng tiền ở tại công ty. Như tôi đây trong người không có tiền, chỉ có chi phiếu. Chi phiếu không phải là tiền, cho nên người có tiền là người không tiền."

Tôi nói: "Vậy có tiền là có ý gì?"

Ông ấy trả lời: "Chơi với con số không, rất thú vị"

Tôi nói: "Nếu đã là không thì ông cũng nên làm nhiều một chút việc tốt đi"

Ông ấy nói: " Đây là việc phải làm rồi. Thế nhưng thường thì tôi không tự quyết định được. Tuy tiền là của tôi, nhưng không phải tôi muốn dùng là dùng"

Do đó có thể thấy, người có tiền muốn dùng tiền, trước hết phải chi phối tiền. Nếu không chi phối được đồng tiền thì tiền vẫn không thuộc về họ.

 

TIỀN NHIỀU QUÁ PHẢI LÀM SAO ĐÂY?

*****

 

Có một người Mỹ trúng sổ số lớn. Ký giả truyền hình hỏi anh ấy đã chuẩn bị như thế nào?

Anh ta la lớn và khóc nói: "Rất là vui! nhưng tôi không biết phải làm thế nào. Có tiền nhiều như vậy phải làm thế nào mới tốt đây? Kể từ nay, tối đến là tôi không dám ngủ rồi. Tôi không biết phải làm sao cả!"

Nếu người này biết được tánh vô thường thì việc đơn giản rồi. Rút phần thưởng trúng số dùng dần dần hết thì cũng coi như không có; hoặc là không cẩn thận bi mất, bị gạt thì cũng coi như không có; nếu dùng để đầu tư thì cũng có thể kiếm thêm bạc triệu. Nhưng mặc kệ là sử dụng như thế nào, đến cuối cuộc đời mình, đừng nói chi tiền tài không mang theo được, mà ngay cả cái thân này mình cũng phải bỏ lại. Vậy thì cần phải căng thẳng quá chứ? lại có gì mà phải quá bận tâm?

Tất cả hiện tượng đã là vô thường thì khi gặp chuyện tốt không cần phải vui mừng, gặp phải chuyện xấu cũng đừng để khổ não.

Dù là vận xui đi nữa cũng là vô thường, cũng sẽ mau chóng "bỉ cực thới lai" lại thêm một cảnh vật mới nữa.

"Vận xấu đương đầu, vô thường đổi thay, phải chăng việc tốt?

Vận tốt đương đầu, vô thường đổi thay, cần gì bực bội"

 

TIỀN ĐẾN THÌ CỨ ĐẾN

*****

 

Quốc phụ Tôn Trung Sơn có kể một câu chuyện như sau: Có một người ăn xin vừa biết mình trúng thưởng tương đương với trúng số lớn bên Mỹ. Vì toàn bộ số tài sản của ông chỉ là chiếc gậy trúc, nên để đề phòng tấm vé số trúng thưởng mất, ông giấu nó trong gậy trúc.

Trong lòng ông cứ nghĩ đến chuyện phát tài mà hưng phấn. Do hiện tại quá đắc ý, nghĩ rằng từ nay về sau mình không cần phải đi xin nữa thì còn cần gì cây gậy trúc này để đi xin nữa chứ! Trong phút cao hứng đó, ông đã quăng cây gậy trúc xuống sông.

Phút chợt tỉnh, nhớ lại tấm vé số trúng vẫn còn trong cây gậy trúc thì ôi thôi, không chỉ không lãnh tiền được mà cây gậy cũng tiêu luôn!

Ông vốn nghèo đến nổi chỉ có cây gậy trúc, giờ thì sao? Đắc ý quên hình, ngay cả cây gậy trúc duy nhất cũng mất luôn!

Khi đối mặt với chuyện như vầy, nếu là một người tu thiền thì sẽ cho rằng, đây là chuyện bình thường thôi, tiền đến thì cứ đến.

Nó đến ắc có nguyên nhân, cũng giống như mình rút một số tiền lớn gởi trong nhà băng đem về, có đáng gì mà phải nhảy cẫn lên thế?

"Nếu biết giác ngộ vạn pháp vô thường thì sẽ được giải thoát ngay. Vì không biết vô thường nên chúng ta mới bị chìm đắm trong biển khổ."

 

TRONG ĐẦU PHẢI KHÔNG CÓ TIỀN

*****

 

Sư phụ của tôi là lão nhân Đông Sơ thường dạy: "Trong túi phải có tiền, trong ngân hàng phải có tiền, nhưng trong đầu phải không có tiền"

Trong xã hội này, bạn phải có sự nghiệp, có tài sản, nhưng trong đầu phải không có tài sản, không có sự nghiệp, làm như vậy chính là hành Bồ-tát đạo.

Nếu nói trong túi không có tiền mà cả bộ óc chứa tiền; hoặc là trên thực tế không có sự nghiệp, nhưng trái lại cả khối óc đều là sự nghiệp thì đây là việc rất khổ não.

Tất cả mọi thứ đều có thể cần, nhưng không phải bằng tâm tham; Tất cả mọi thứ đều có thể không cần, nhưng không phải bằng chán ghét. "Có" vì chúng sanh, đây là bi nguyện; "Không có" vì bản thân mình không nhu cầu nó, đây gọi là trí tuệ.

Đã là có thì cố nhiên phải buông bỏ, đừng nên cho rằng đây là của mình. Những gì không có mình có thể tìm kiếm, nhưng không phải tìm kiếm cho bản thân. Nếu thứ gì cũng đều vì mình thì quả thật là chúng quay tròn trong phiền não.

 

TIỀN NHIỀU ÍT CŨNG KHÔNG SAO

*****

 

Của cải có thể nhìn từ hai phương diện "có được" và "vận dụng". Có người biết cách sử dụng nhưng lại không có nó. Có người có nó nhưng lại không biết sử dụng.

Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni vốn là một vị vương tử, của cải, quyền vị thứ nào cũng có, nhưng Ngài lại buông bỏ tất cả để sống cuộc sống khổ hạnh của người xuất gia. Tuy Ngài thiếu thốn vật chất, nhưng tinh thần rất vui vẻ.

Trong cuộc đời đức Phật, đã gặp qua rất nhiều người giàu có. Tuy họ rất giàu, nhưng không biết phải sử dụng thế nào. Đức Phật đã dạy họ cách sử dụng của cải như thế nào để không chỉ có của cải mà cũng có thể làm sinh sôi của cải.

Giá trị quan của xã hội hiện nay, dường như của cải nhiều ít chính là tiêu chí xem đời sống người đó có vui vẻ hay không. Nhưng nói theo quan điểm của Phật giáo thì trái lại chưa chắc hẵn là như vậy. Cái gọi là "an bần lạc đạo" ý phải là "có nhiều cũng vậy, có ít không sao".

 

TIỀN PHÁT NGUYỆN ĐẾN

*****

 

Tôi có một người đệ tử, hai mươi năm trước khi chưa giàu có, bà đã thầm phát nguyện, mong ước trong khoảng mười năm có thể bố thí được một trăm triệu tệ.

Lúc đó, lời ước nguyện này quả thật giống như người nằm mộng. Thế nhưng, trong khoảng thời gian mười năm sau khi phát nguyện, bà đã vừa vặn thực hiện trọn lời nguyện, bố thí vừa xong một trăm triệu tệ.

Sau khi thực hiện trọn vẹn lời nguyện, bà nói với chồng: "Tôi đã vì ông mà bố thí một trăm triệu tệ, biên lai chứng cứ điều còn đây, tất cả tôi đều làm thay cho ông"

Ông chồng kinh ngạc hỏi: "Bà thật sự vì tôi mà tiêu số tiền lớn như vậy sao? nhưng mà, trong mười năm nay, chúng ta làm gì mà có một trăm triệu? Không có đâu! Tiền ở đâu mà bà có nhiều để bố thí chứ?"

Bà vợ đáp: "Vì tôi phát nguyện bố thí nên thường lấy tiền ông đem đi cho. Hôm nay tôi nói ra là để cho ông biết, tiền này tôi đem đi bố thí chớ không phải đi làm việc xấu"

Vậy thì hiện nay tài sản họ có được là bao nhiêu? Câu trả lời là hơn cả số bố thí gấp mười lần. Vì bố thí nên bà làm trối chết để kiếm tiền, lập cách tăng thu giảm chi, cho nên mới có thể đem số dôi ra nhiều để bố thí.

Bố thí là việc rất vi diệu, cũng giống như đào đất, đất đào càng lớn càng nhiều thì lượng nước giếng mới càng rộng càng sâu.

"Của cải như dòng nước. Bố thí như đào giếng. Giếng càng sâu thì nước càng nhiều. Bố thí càng nhiều thì của cải càng lớn."

 

CÓ CẦN TIỀN KHÔNG

*****

 

Có người hỏi tôi là có cần tiền không? Tôi nói cần. Có người lại hỏi tôi có thể bỏ tiền được không? Tôi nói được.

Vì tôi cần tiền không phải là để hưởng thụ mà là để làm lợi ích xã hội, hoằng dương Phật pháp, tôi đang dùng tiền giúp mọi người mà thôi.

Ngày nay tôi vì tịnh hóa lòng người, tịnh hóa xã hội; vì nâng cao phẩm chất con người, thiết lập tịnh độ nhân gian; vì xây dựng Pháp Cổ Sơn thành một khu vườn giáo dục Phật giáo thế giới, nếu bạn hỏi tôi có cần tiền hay không thì tôi nhất định sẽ nói: "rất cần"

Nhưng đối với tôi, có tiền hay không đều như nhau. Vì tôi chỉ là một ống dẫn, lấy có bù không, mà bản thân tôi cũng vẫn là một vị Tăng, hai tay áo trống trơn.

Thấy tình cảnh như vầy nói tôi có tiền là không đúng, mà cho là không tiền cũng sai, phải nói cho đúng là "chẳng phải có chẳng phải không"

"Chẳng phải có chẳng phải không" nghĩa là không có cái gọi là "có" cũng không có cái gọi là "không" Kinh Kim Cang nói: "Chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng pháp" chính là cái lý này vậy.

Chấp có thì sẽ bị phiền não. Chấp không thì sanh ra tiêu cực. Không chấp hai bên mới gọi là "thuận lợi đôi bề"

"Từ nhỏ cha mẹ đã dạy tôi, phải làm một đồng thành mười đồng, một trăm đồng, lại nữa phải biết tính toán, cẩn thận sử dụng tiền"

 

TRÍ TUỆ CÓ THỂ SỬ DỤNG DÒNG CHẢY ĐỒNG TIỀN

*****

 

Dùng trí tuệ để giải quyết tiền bạc, có thể khiến đồng tiền nhỏ biến thành đồng tiền lớn, khiến tiền sanh sôi, không ngừng tăng gia, thành bậc đại phú trưởng giả. Ngược lại, không có trí tuệ thì không biết sử dụng đồng tiền, thậm chí càng dùng càng ít đi, phước báo cũng càng đến ít dần.

Phước báo chính là thứ mình có, chớ không phải tổn hao. Bồi phước giống như kiếm tiền, bố thí công đức giống như là đem tài sản vô hình liên tục gởi vào ngân hàng, sau cùng, bạn không chỉ trở thành cổ đông của ngân hàng mà còn thành ông chủ ngân hàng, thậm chí cả ngân hàng đều là của bạn.

Phước báo giống như nước. Tôi và bạn giống như thuyền trên nước, phước nhiều, nước dâng thuyền sẽ tự cao, dễ đi nhanh; phước ít nước thấp, thuyền mắc cạn, tấc bước khó đi.

Người có trí tuệ, bất luận có tiền hay không cũng đều có thể làm phước mọi nơi, bồi phước mọi lúc, cho nên có phước. Người không có trí tuệ, đang sống trong phước mà lại không biết, một bề tổn phước, đó gọi là vô phước.

Đừng nói chi nhân quả sau này, hạnh phúc dù có ở ngay trước mắt cũng cảm thấy không được, vì người này có phước cũng như vô phước.

"Nếu biết tiếc phước, bồi phước, tuy chẳng phải là tỷ phú nhưng vẫn có đủ sức để giúp đều cho người khác"

 

KHÔNG CÓ LO NGHĨ VỀ TIỀN BẠC

*****

 

Lúc tôi du học ở Nhật Bản có quen biết hai người bạn học, trong đó có một vị sống rất là rầu lo, vì vậy suốt ngày ra ngoài làm thuê kiếm tiền, kết quả không thành công được việc gì.

Vị du học sinh còn lại, tuy cuộc sống không đâu ra đâu, nhưng trái lại không lo lắng gì về tiền bạc. Những gì anh ta nghĩ chỉ là: Với sở học của mình hiện giờ, sau này về nước có thể cống hiến được gì đây? có ảnh hưởng gì với Trung Quốc không? có cống hiến được gì cho toàn thể nhân loại trên thế giới không? Anh ấy đã vì hoài bão thực tiễn mà cố sức tận dụng thời gian và cơ hội của việc du học, nổ lực học tập, hấp thu tri thức bổ sung cho mình. Chính vì anh ấy có phương hướng và mục tiêu rõ ràng, do đó trong sáu năm ngắn ngũi, anh hoàn thành học vị thạc sĩ và tiến sĩ.

Trong khoảng thời gian du học, anh quen biết với rất nhiều nhân sĩ tri thức trong và ngoài nước. Mọi người rất coi trọng anh, đồng thời cung cấp học bổng tài trợ kinh phí cho anh sinh hoạt.

Cho nên, khi anh ấy hoàn thành việc học rời khỏi Nhật Bản có thể nói là "Thuyền về đầy ắp"

 

KẺ HỌC ĐÒI TRƯỞNG GIẢ

*****

 

Có một vị Chủ tịch hội đồng quản trị nọ đến thăm tôi, trong quá trình trò chuyện tôi nói với ông ấy: "Với bộ đồ ông mặc đây, dù ông có lái xe tốt đi nữa, người không biết cũng sẽ nghĩ rằng ông là lái xe chớ không phải là ông chủ."

Hạng người như vậy không hưởng thụ xa hoa, cuộc sống đạm bạc, cũng có thể nói đó là mỹ đức của việc giữ giới.

Một người có đầu óc kinh doanh sự nghiệp lớn, có rất nhiều tiền lại còn có thể ưa thiện thích thí cần kiệm, tiết chế, đó chính là hình thái Bồ-tát tại gia.

Có một hạng người thu nhập rất nhiều, nhưng lại khắc khe với người khác, bản thân cũng không chịu hưởng thụ. Đây chính là kẻ nô tài giữ của chớ không phải là trưởng giả đại phú.

Cũng có rất nhiều người vốn nghèo khó, do buôn bán có chút đỉnh tiền liền ăn sài xa xỉ, đây chính là kẻ học đòi trưởng giả. Tuy có tiền nhưng không biết tiết kiệm, không biết bố thí và tất nhiên không phải là trưởng giả đại phú rồi.

 

BẬC ĐẠI TRƯỞNG GIẢ

*****

 

Trong kinh điển Phật giáo có một vị cư sĩ tên là Duy-ma-cật, là một vị trưởng giả đại giàu có, có thể nói là bậc nhất nước. Ông dùng số tài sản mà mình có được làm lợi ích cho chúng sanh, giúp nhiều người nghèo khổ. Hiện nay trên thế giới có vị trưởng giả nào giống như ông ấy không?

Có, hiện nay các nhà doanh nghiệp dùng trí tuệ và của cải của họ kinh doanh sự nghiệp, tạo ra cơ hội giúp người dân có được sự nghiệp. Một người thành tựu sự nghiệp cũng giống như cả gia đình được cứu tế. Công ty có một ngàn người thì cũng đồng với lo cho một ngàn gia đình. Mỗi một gia đình có hai, ba người thì chí ít cũng có hai ba ngàn người nhờ vào công ty này mà sinh sống.

Giúp người và trực tiếp cho người tiền của không bằng cho họ cơ hội làm việc, giúp họ tự lập. Kiếm tiền dựa vào thế lực của mình để chi dụng trong nhu cầu sinh hoạt thì cũng giống như cái mà lời tục gọi là "ăn lúa", chẳng bằng dạy họ biết trồng trọt. Bản thân biết trồng trọt thì mãi mãi không lo gì không có cơm ăn. Giúp dân nghèo được an cư lạc nghiệp mới là cách tốt nhất để cứu tế dân nghèo, mới là hành động chân chánh của một vị đại trưởng giả.

Tôi rất khâm phục những nhà doanh nghiệp này, cho dù bản thân họ có thừa nhận hay không, tôi cũng công nhận họ là một cư sĩ trưởng giả, một hành giả Bồ-tát.

"Dùng trí tuệ để sử dụng đồng tiền thì có thể dùng số tiền nhỏ để tạo nên sự nghiệp vĩ đại, cứu vớt rất nhiều người"

 

CHÚC MỪNG PHÁT TÀI

*****

 

Người Trung Quốc năm mới gặp nhau đều nói câu: chúc mừng phát tài. Nhưng thứ phát là vật chất, là hữu hình, hữu hạn, lại còn là thứ của cải ngoài thân rất không đáng cậy.

Đức Phật dạy tài sản là của năm nhà cùng có, đó là lũ lụt, lửa cháy, trộm cắp, vua ác, con phá của. Năm nhân duyên này bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nó cũng có thể làm mất sạch tất cả số của cải ngoài thân mà mình có trong một đêm.

Do đó đức Phật dạy thứ mà người ta coi trọng đó là "bảy thứ tài sản của bậc thánh", đó là tín, giới, hổ, thẹn, văn, thí, tuệ, là thứ tài sản có tính đạo đức, tâm linh, tinh thần, vĩnh hằng.

Trên đời này, tài sản quý nhất đó là trí tuệ. Thứ nghèo nhất đó là vì ngu si dẫn đến tham muốn không chán. Nếu người có trí tuệ, bản thân mình không chỉ không bị phiền não mà còn có thể giải quyết khó khăn cho người khác. Cho nên, trí tuệ đều là thứ rất quan trọng đối với người tu hành và người thường.

Kiếm tiền bằng thể năng rất có hạn, nếu kiếm tiền bằng trí tuệ thì là vô hạn, có thể  "tứ lượng bạt thiên cân", cũng có thể "hư mục hóa diệu kỳ"  Đây không phải là tài sản tốt nhất đó sao?

Tuy Phật pháp cũng có chủ trương tăng thêm tài sản vật chất, nhưng đồng thời cũng coi trọng bảy loại tài sản thanh khiết của bậc thánh tín, giới, hổ, thẹn, văn, thí, tuệ hơn.

 

TIỀN LÀ CỦA TÔI CHỚ KHÔNG PHẢI LÀ "KHÔNG"

*****

 

Có một thầy giáo nọ, khi giảng dạy trong lớp học Phật giáo có nói đến "Không" đồng thời bảo mọi người hãy quán không mới có trí tuệ.

Sau buổi giảng, có người đưa cho ông một ít tiền học phí, đột nhiên có người bên cạnh giựt lấy chạy đi mất. Vị thầy giáo này lập tức vội la lên: "Nè, làm gì kỳ vậy. Tiền này của người ta đưa cho tôi, sao anh lại lấy đi?"

Người đó nói: "Tôi đã là "không" thì đương nhiên tiền cũng là không rồi. Cái gì cũng là không hết thì ông cần nó để làm gì?"

Thầy giáo nói: "Mọi thứ đều là "không", nhưng tiền là của tôi, chớ không phải là không, cho nên tôi vẫn cần nó"

Người đó vừa trả tiền lại cho thầy giáo vừa nói: "Em chỉ đùa với thầy thôi. Xem ra cái gì cũng đều là không, chỉ có tiền là có!"

Trên thực tế, cái gì cũng đều có thể là không, nhưng đối với tiền và ái tình, muốn coi là không thật không phải dễ. Do đó, khi có, mình đừng nên chấp chặt, đừng nên tham luyến, phải biết rằng nó là không, đây mới là trí tuệ.

 

CHỈ BIẾT SÀI TIỀN CHỚ KHÔNG BIẾT KIẾM TIỀN

*****

 

Tôi có quen một nhà doanh nghiệp, vừa thấy tôi ông ta liền nói: "Tôi sẽ chỉ thầy cách để kiếm tiền"

Tôi nói: "Tôi không cần tiền"

Ông ta nói: "Không cần tiền thì thầy lấy gì để hoằng pháp! Tôi chỉ thầy cách kiếm tiền, vẫn tốt hơn là tôi đóng góp tiền cho thầy"

Lời ông ta nói dường như là đúng, tiền quyên cho tôi là tiền chết. Dùng cách kiếm tiền là tiền sống, tiền mới sẽ càng ngày càng nhiều hơn.

Tôi nói: "Tôi chỉ dùng tiền chớ không kiếm tiền. Ông có dạy tôi cách kiếm tiền đi nữa cũng vô ích" sau này công ty vị doanh nhân đó vỡ nợ, ông ta lại đến thăm tôi và nói: "Tôi vẫn còn hy vọng" Thế nhưng ông ấy đã gần chín mươi tuổi rồi, mà thời vẫn chưa quay lại.

Quan niệm của ông ấy có vấn đề, không biết tùy thuận nhân duyên, đó gọi là "Thời thế tạo anh hùng" trước kia ông ấy kiếm tiền được là vì hoàn cảnh và nhân tố lúc đó khiến ông gặp vận. Sau này, hoàn cảnh và thời đại thay đổi, thế nhưng tư tưởng của ông ấy vẫn cổ hủ, cho rằng công thức bất biến của mình nhất định sẽ kiếm được tiền, kết quả tất nhiên là thất bại, công ty cũng vỡ nợ.

 

TẠI SAO KHÔNG CHO TIỀN

*****

 

Có người đến tìm tôi xin tiền. Tôi không cho. Người đó nói: "Thầy là sư phụ, tại sao lại không cho con tiền?"

Tôi hỏi lại: "Tại sao chú tìm tôi xin tiền?"

Người đó trả lời: "Con không có tiền nên đến xin sư phụ"

Tôi nói: "Tôi không có tiền. Mà dù có đi nữa cũng sẽ không cho chú"

Người đó nói: "Có vị hòa thượng nào mà không từ bi như vậy không chứ?"

Tôi không thể tùy tiện cho tiền. Cho tiền phải cho sao cho có trí tuệ. Người này là thanh niên trai trẻ có sức mạnh, quả thật là có thể làm việc, vậy thì tại sao lại xin tiền tôi? Tiền của tôi là do người khác vất vả làm việc kiếm được, cúng dường đạo tràng, đâu có thể để cho anh ta lấy đi uống rượu chứ! Cho nên loại tiền như vậy tuyệt đối không cho.

Người đó tức giận nói: " Sư phụ thật không có từ bi! Tôi xin hoài mà ông vẫn không cho"

Tôi nói: "Tôi không thể lạm dùng từ bi, xin chú tha thứ cho."

Có trí tuệ mới có thể thật sự hành từ bi. Trí tuệ là không có người, không có đối tượng, chỉ có "sự việc". Việc này nên làm, phải làm, đáng làm thì làm, chớ không có vì "ai" mà làm việc này.

"Giàu có không nhất định phải là tiền của mà là có sự cống hiến nhiều ít đối với xã hội, với cả toàn thế giới"

 

KHO BÁU VÔ TẬN VỚI KẺ LÀM THUÊ GIỮ CỦA

*****

 

Vào thời đức Phật có một vị cư sĩ tên là Cấp Cô Độc, là người rất giàu có. Ông thường đem tài sản cúng dường Tam bảo, cứu giúp kẻ nghèo khó. Ông ấy cho rằng cứu giúp kẻ nghèo khó không nơi nương tựa còn quan trọng hơn bản thân sống hưởng thụ. Ông ấy là một người thật sự có phước báu.

Vì ông đem cái phước của mình phân chia ra cho nhiều người cùng hưởng cũng đồng nghĩa là đem phước gởi vào ngân hàng, cũng chính là cất giữ trong "kho báu vô tận"

Giả như bạn có một trăm đồng định bố thí (tôi không có thiết định đối tượng. Một trăm đồng này hễ ai cần thì tôi cho người đó) công đức này chính là kho báu vô tận.

Không có đặt định đối tượng, tất cả mọi người đều là đối tượng của bạn giúp đỡ. Cứ coi như một trăm đồng chỉ có thể giúp một người đi, nhưng công đức vẫn vô cùng vô tận. Giúp đỡ chúng sanh mà không có đối tượng nhất định thì đó chính là công đức vô tận, là độ chúng sanh vô lượng.

Có một số người có tiền nhưng không dùng tiền thì đó chỉ là "kẻ làm thuê giữ của"

Hôm nay xem thử coi trong tài khoản có bao nhiêu tiền, ngày mai coi lại trong kho có bao nhiêu của cải, suốt ngày vui hưởng với của cải của mình, còn đối với người nhà thì bủn xỉn. Kẻ kiếm được tiền mà không dùng, chỉ biết tích chứa mãi thì đó là người kém phước nhất.

Hết

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

*****

 

1.Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5.Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.  Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·        Xin mọi người thường niệm:

·        Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·        Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

ChùaPhổ Giác: 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM .

ĐT: 08.62532588

Email: [email protected]

 


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :