Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Làm việc thiện ích mình lợi người

Thứ hai, 20/10/2014, 19:56 GMT+7

 

LÀM VIỆC THIỆN ÍCH MÌNH LỢI NGƯỜI

*****

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “ Làm Việc Thiện Ích Mình Lợi Người?” Chúng Tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng Tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng Tôi thành tâm cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

*****

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

CÙNG NHAU LÀM VIỆC THIỆN

*****

Hiện nay, các trường học trong nước đã bắt đầu khai giảng, yêu cầu đầu tiên của nhà trường là học sinh phải làm việc thiện, và các sinh viên khi đi làm thêm, công ty cũng sẽ chú ý đến tư cách của họ, quán sát xem cái chí nguyện phục vụ của họ thế nào, để qua đó nhận ra người tìm việc có tinh thần phục vụ đại chúng không?

Bất cứ một đoàn thể, xí nghiệp nào cũng đều mong muốn nhân viên mình có tinh thần phụng sự, vì nếu thiếu tinh thần phụng sự thì sẽ dễ dẫn đến tính toán. Ví như công việc hễ làm mấy tiếng thì làm mấy tiếng, không mong mình làm thêm, còn nếu làm thêm thì phải đòi tiền tăng ca, thiếu đi tinh thần quý trọng nghề nghiệp.

Chúng Tôi mong mõi chính phủ khích lệ nhiều đến các tầng lớp thanh niên làm việc thiện, không chỉ vậy mà còn chịu phát nguyện suốt đời làm việc thiện, vì người làm việc thiện là người có được niềm vui nhất.

Như người việc thiện ở Pháp Cổ Sơn có đa dạng thành phần, tuổi tác già trẻ, trung niên, thanh niên đều có. Có người làm đến tám chín mươi tuổi cũng còn làm và càng làm thì càng khỏe.

Cho nên, Tôi kính khuyên hết thảy mọi người đều nên có tâm làm việc thiện. Trong xã hội, có được đời sống như vậy, sẽ làm cho mình vui vẻ và cũng khiến người khác được vui hơn.

 

BƯỚC ĐI ĐẦU TIÊN

*****

Tôi thường hay nói, con người khi mới phát tâm rất là quan trọng, phải trãi qua bước đầu tiên, bước đầu tiên này rất là khó. Có người sẽ nghĩ rằng: "Làm việc thiện có thật là có ý nghĩa không? Tôi cũng có thể làm việc thiện không? Tôi có thời gian và năng lực để làm việc này không?" Những thắc mắc này sẽ xảy ra.

Thật ra, ai nấy cũng đều có thể làm việc thiện. Ví như trận động đất 921. Khi ấy có rất nhiều người muốn làm việc thiện với mong muốn mình có thể giúp dân tai xây dựng lại vườn nhà, nhưng khi đến vùng bị thiên tai thì họ lại không biết mình có thể làm việc thiện này ở đâu? Chỉ cần chúng ta có lòng muốn làm việc thiện thì tự nhiên sau đó nhân duyên sẽ đến.

Muốn làm việc thiện, trước hết chúng ta nên tìm một tổ chức chuyên làm công tác thiện nguyện để tham gia. Bước đầu tiên phải đi là vậy. Khi tham gia rồi, mình nên xem xét coi tổ chức này có phù hợp với mình không? Nếu cảm thấy tổ chức này tốt thì tiếp tục tham gia, còn nếu thấy không tốt thì mình có thể tìm một tổ chức khác.

Cho nên khi mới phát tâm là rất quan trọng. Nếu làm đúng như trên thì coi như là đã hoàn thành bước đầu tiên của việc làm việc thiện.

 

NGƯỜI BẬN RỘN THÍCH HỢP LÀM VIỆC THIỆN NHẤT

*****

Thông thường người ta cho rằng người rảnh rang mới có thời gian làm việc thiện. Tôi thì ngược lại cho rằng, người bận rộn là người có thời gian nhiều nhất. Đó chính vì vậy họ mới có thể đi làm việc thiện.

Có một người ngoại quốc đã từng nói, nếu muốn làm một việc cho nhanh chóng thỏa đáng thì tốt nhất là nên tìm một người bận rộn mà làm, nhất định công việc sẽ được nhanh chóng làm xong. Đó là do người bận rộn biết khéo sắp xếp thời gian vả lại lối nghĩ cũng rõ ràng, nên công việc rất dễ nhanh chóng thực hiện.

Cho nên, bình thường khi chúng ta làm việc, phải tự tập rèn luyện bản thân, để làm sao mình đối mặt với bận rộn, ngay trong bận rộn vẫn có thời gian rảnh, rồi dùng thời gian đó để làm việc thiện.

Các vị công quả ở Pháp Cổ Sơn cuộc sống rất bận rộn, nhưng chỉ cần có tâm làm việc thiện thì tự nhiên họ sẽ tìm được thời gian rảnh trong bận rộn để làm việc thiện.

Tuy nhiên cũng có người sẽ nói, ngày nghỉ thì mình phải ở nhà chơi với gia đình, nên đâu có thời gian để làm việc thiện! Nhưng Tôi cho rằng, nếu mình có thể đem cả gia đình cùng đi làm từ thiện thì sẽ có một hoạt động gia đình ý nghĩa hơn so với việc cả nhà cùng nhau xem ti vi để giết thời gian.

 

TỔNG GIÁM ĐỐC, VỊ BỒ-TÁT LÀM VIỆC THIỆN

*****

Làm việc thiện không phân biệt sang hèn cao thấp, chúng ta làm được việc gì cũng đều là một phần công đức và dâng hiến. Trước đây có một vị tổng giám đốc vào chùa Nông Thiền rửa rau.

Nhìn bộ dạng tay chân vụn về của cô, Tôi hỏi: "Tại sao cô ở đây rửa chén?"

Cô ấy chỉ một người làm công quả bên cạnh và nói: "Cô này đã kêu con làm."

Tôi lại hỏi: "Người ta có biết cô là ai không?"

Cô trả lời: Dạ không biết, người ta chỉ nói cần người phụ công quả. Con trả lời: Tốt quá. Tôi là người công quả đây'' và thế là con vào rửa rau.

Tuy nhiên, điều đáng quý là cô tổng giám đốc này chỉ làm công quả chớ không soi hạch.

Cho nên, nếu Bạn có cơ hội làm làm vệ sinh thiện nguyện nơi nhà xí, khi đó có người hỏi: "Anh là ai, tại sao quét dọn nhà xí ở đây?" Bạn nên trả lời như vầy: "Tôi là người thiện nguyện" người ta hỏi: "Anh có phải là tổng giám đốc công ty gì gì đó không?" Anh có thể trả lời: "Ở ngoài thì là vậy, còn ở đây Tôi là người thiện nguyện"

Làm việc thiện thì không có cấp bực, mọi người đều là Bồ-tát hạnh. Nếu ai cũng đều làm được như vậy thì xã hội này sẽ thật sự yên lành. Chỉ mong là chúng ta làm với tinh thần thiện nguyện, dùng đây để tịnh hóa đời sống xã hội. Được như vậy chính là xây dựng Tịnh độ ở thế gian.

 

HUẤN LUYỆN NHÂN VIÊN THÀNH TÌNH NGUYỆN VIÊN

*****

Có một ông chủ cảm thấy các thiện nguyện viên ở Pháp Cổ Sơn chúng Tôi làm việc rất là tận trách nhiệm, nên hỏi Tôi: "Các nhân viên ở đây tận trách nhiệm, làm việc thân thiết như vậy, ở đây lương bổng một tháng Thầy trả bao nhiêu?"

Tôi nói: "Họ và Tôi đều như nhau. Tôi thì công quả trọn đời. Còn họ thì công quả tạm thời. Vì là Bồ-tát thiện nguyện, cho nên bất cứ làm việc gì chúng Tôi cũng đều dốc toàn tâm toàn lực."

Ông ấy nói: ""Tôi muốn huấn luyện công nhân viên của mình thành một thiện nguyện giống như Pháp Cổ Sơn đây vậy."

Thế nhưng, bản thân ông ấy thì không muốn làm một thiện nguyện mà lại muốn huấn luyện nhân viên của mình thành những tình nguyện viên giống như Pháp Cổ Sơn đây vậy, thì e rằng không thể được.

Thật ra chúng ta nên đem tinh thần thiện nguyện đặt vào trong hoàn cảnh sống của chính mình. Ở nhà thì dùng thái độ thiện nguyện để phục vụ những người trong gia đình. Còn ở công ty thì dùng tinh thần thiện nguyện để phục vụ khách hàng và các đồng nghiệp sống chung, còn trong xã hội thì dùng thái độ thiện nguyện vì đại chúng phục vụ.

Mọi người có thể lấy quan niệm thiện nguyện "tận tâm, tận lực, tận khả năng học hỏi; không miễn cưỡng, không soi móc, không được thất vọng" của Pháp Cổ Sơn về áp dụng. Cách thức này có thể khiến cho người nhà Bạn trở thành những thiện nguyện, đào tạo nhân viên công ty Bạn thành những thiện nguyện.

 

TẬN TÂM, TẬN LỰC, TẬN KHẢ NĂNG HỌC TẬP

*****

Tôi thường nói câu này để khuyến khích các vị thiện nguyện và cũng khuyến khích chính mình đó là "Tận tâm, tận lực, tận khả năng học tập; không miễn cưỡng, không soi móc, không được thất vọng" Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, bất cứ việc gì, dù là cần mình ra tay, ra chân, hoặc lời nói, mình cũng đều dốc sức ra làm.

Nếu chúng ta hiểu công việc đó thì chúng ta dùng hết những gì mình biết, những gì mình có khả năng để làm. Còn nếu chuyện nào mình không biết thì chúng ta vừa làm vừa học hỏi. Tuy nhiên, cũng sẽ có người nói: Tôi không biết, Tôi không hiểu, Tôi không làm được.

 Còn đối với một Bồ-tát thiện nguyện mà nói thì sẽ không có chuyện "Tôi không biết, Tôi không hiểu, Tôi không làm được đâu."

Vì bản thân là một thiện nguyện, những gì không biết thì Mình học hỏi, còn nếu biết thì dâng hiến. Một thiện nguyện có đầy đủ tinh thần học hỏi này thì không có việc gì làm chùn bước họ.

 

CÓ TÔI ĐÂY!

*****

Làm việc thiện phải có sức gánh vác, không thể chỉ kỳ vọng người khác làm việc, còn bản thân Mình thì khoanh tay đứng nhìn. Mình phải chủ động lên tiếng: "Cần việc làm đây! Việc nào không có người làm thì có Tôi đây!" thậm chí mình còn phát động người khác cùng hợp tác với mình. Khi gặp phải chuyện này mình cũng có thể nói: "Có Tôi đây!" Người mà có thể khiến cho mọi người chủ động nói "Có Tôi đây" thì người đó mới thật sự là người có trí tuệ, có từ bi.

Vì công việc thiện nguyện chính là phục vụ, nếu mình không cho người khác cơ hội, không mời người khác tham gia vào thì không thể nào kích phát tinh thần thiện nguyện của họ, không thể khiến cho họ ra sức nắm lấy cơ hội để phục vụ, hành xử như vầy là không có từ bi. Ngoài ra, rõ ràng là công việc đang thiếu người làm mà mình thì lại cố dành tự làm, thì rốt cuộc chỉ mệt bản thân. Đây là hành vi không có trí tuệ.

Cho nên chúng ta phải tán thán tinh thần thiện nguyện, cổ vũ tinh thần thiện nguyện, để cho mọi người đều cùng nhau nói: "Cần người làm, việc nào không có người làm thì có Tôi đây!"

 

VÌ CHƯ PHẬT BỒ-TÁT DÂNG TRÀ

*****

Có một quý Bà nọ, một hôm có việc đến chùa Nông Thiền, nhìn thấy một Bà Bạn, thân làm quý phụ mà lại lo làm công việc thiện nguyện châm trà, thế là Bà mắng người đó không ngớt.

Thấy vậy Tôi hỏi Bà chỉ trích người kia: "Nếu bây giờ Tôi mời cô rót trà cho Tôi, cô có làm không?"

Bà ấy nói: "Hễ sư phụ kêu con thì con sẽ rót."

Tôi nói: "Tại sao cô chịu rót trà cho sư phụ mà lại không chịu rót trà cho người khác?"

Bà ấy trả lời: "Vì người là sư phụ mà!"

Tôi lại hỏi: "Nếu Tôi biến hết thảy mọi người ở đây thành Bồ-tát hiện tại, thành Phật tương lai thì cô có muốn rót trà cho Họ không?"

Bà ấy kinh ngạc trả lời: "Việc này con chưa có nghĩ đến"

Tôi nói: "Là khách quý, lại đây chỉ là lần đầu, nếu là lần sau thì cô phải nên đi rót trà, phục vụ cho chư Phật Bồ-tát, làm thiện nguyện. Nếu cô đến đây mà chịu rót trà cho đại chúng, quét dọn nhà xí thì đó chính là Bồ-tát hạnh"

Nghe xong Bà ấy nói: "sư phụ còn muốn bắt con quét dọn nhà xí nữa sao?"

Tôi nói: "Nếu mọi người không chịu quét dọn nhà xí thì ai làm đây?"

Bà ta nói: "Thôi được. Sau này con cũng phát tâm quét dọn nhà xí"

 

TÔI ĐANG HỌC

*****

Trong khi đang làm việc nghĩa, thứ mà Bạn đạt được không nhất định phải là lời khen tặng và cũng rất có thể là chỉ nghe những lời phê bình đại loại như: "Cái Anh này làm việc sao mà vụn về quá!" Lúc này Bạn nên nói: "Xin lỗi! Tôi đang học làm"

Cũng có thể có người oán trách Bạn, phê bình Bạn, chỉ trích Bạn hoặc là bất mãn Bạn, trong tình cảnh như vậy Bạn không nên thất vọng, hối hận, cũng đừng cảm thấy khó chịu, chán nản vì những thứ này đều là trợ duyên giúp Bạn tu hành và trưởng thành.

Có người phê bình là biểu thị người đó vẫn còn rất quan tâm Bạn; có người chỉ trích là mong Bạn nổ lực hơn, tiến bộ hơn. Có sự chuẩn bị tâm lý như vầy thì Bạn sẽ mãi mãi không cảm thấy giày vò và thất vọng.

Đối với lời khen của người khác, cố nhiên là mình sẽ cảm thấy rất thích, nhưng mục đích của làm việc thiện không phải vì mình muốn được người khác khen ngợi. Nhưng nếu chúng ta thấy người khác làm việc thiện thì mình cũng nên cho một lời khen tặng, cho dù là họ có làm tốt hay không, làm nhanh hay chậm, chỉ cần họ chịu làm việc thiện cũng là đã đáng khen lắm rồi.

 

DÂNG HIẾN CHỚ KHÔNG PHẢI HY SINH

*****

Tinh thần thiện nguyện chính là tinh thần dâng hiến, thêm nữa phải không có tâm phân biệt, bất cứ người nào cũng đều đối xử bình đẳng như nhau, xem tất cả mọi người là Bồ-tát hiện tại và là chư Phật tương lai, chúng ta vì họ, khi làm bất cứ công đức bố thí nào, cũng đều phải bằng tâm cung kính, bằng tâm cảm tạ, tâm không mong cầu đền đáp, vì họ mà làm bằng sự dâng hiến thành khẩn và thân thiết.

Dâng hiến không giống với hy sinh. Có nhiều người đánh đồng cho rằng Hy sinh và dâng hiến là một. Thật ra không phải vậy. Dâng hiến nghĩa là đem tất cả những gì mà mình hiện có cống hiến cho đối tượng mà Mình đáng tôn kính nhất; Tuy đã hiến dâng, nhưng ngược lại Mình không bị tổn thất, trái lại trong khi dâng hiến bản thân Mình trưởng thành hơn, đạt được nhiều hơn, tiến bộ nhanh hơn, đây chính là đạo lý "Lợi người cũng chính là ích mình"

Nói theo quan điểm của Phật pháp, trong lòng mỗi người đều có một ngọn đèn từ bi vô tận, trí tuệ vô tận, chúng ta có thể đem ngọn đèn vô tận này hiến dâng cho đại chúng, để cho mọi người cũng đều được thắp lên ngọn đèn đó trong lòng của chính mình.

 

BỒ-TÁT PHỤC VỤ BỒ-TÁT

*****

Khi hướng dẫn các nhà doanh nghiệp tu thiền, trước khi kết thúc khóa tu, Tôi đều giới thiệu với các học viên về công việc thiện nguyện giúp đỡ trước đây, đồng thời cũng khích lệ các học viên đến làm việc thiện, vì làm việc thiện là tinh thần Bồ-tát đạo lợi mình lợi người.

Tôi nói: "Mình làm việc thiện không phải vì mình không có việc làm, không có chức nghiệp, vì vậy mới đến tìm việc. Trái lại, phần lớn họ đều có công việc, phải giúp đỡ gia đình, trong trăm công ngàn việc họ nhín ra thời gian làm việc thiện"

Tôi lại nói: "Không chỉ các vị tu thiền tĩnh tọa bảy ngày, các vị thiện nguyện, thông qua cơ hội phục vụ này cũng ở đây tu hành bảy ngày, cho nên chúng ta gọi họ là Bồ-tát thiện nguyện. Có thể nói là Bồ-tát phục vụ Bồ-tát. Hy vọng là sau khi được phục vụ, mọi người cũng bỏ đi cái vị thế của mình, học cách thiện nguyện, phục vụ cho người khác."

Tại sao có rất nhiều người đồng ý đi làm việc thiện?  Vì thông qua cơ hội dâng hiến làm việc nghĩa này, có thể giúp Họ buông bỏ cái vị thế của mình; làm một người mà có thể quên đi cái thân phận của mình, bất cứ việc gì cũng có thể sắn tay áo mà làm thì có thể thành một vị Bồ-tát  hoan hỷ yên phận.

 

THẾ NÀO CŨNG CÓ LẦN ĐẦU

*****

Khi làm việc nghĩa, bất cứ việc gì cũng phải nhất định tận tâm tận lực mà làm. Tuy nhiên trước khi làm việc nghĩa, do chưa có kinh nghiệm nên thế nào cũng có nhiều việc mà mình không hiểu. Thí như lần đầu tiên mình xuống nhà bếp làm công quả, do không quen cách làm ở đây nên cách thức lặt rau, sắt rau, rửa rau, rửa chén đũa, có thể là vì không rõ cách làm nên không chỉ mình không giúp được việc mà thậm chí còn có thể phản tác dụng.

Nhưng mỗi người thế nào cũng có cái kinh nghiệm lần đầu rồi mới có thể dần dần thành quen, cho nên chúng ta đừng vì sợ phạm sai mà khéo chối từ cơ hội học hỏi. Chỉ cần mình chịu học hỏi thì cũng sẽ được thôi.

Có thể là có người nói: "Mấy việc nặng nhọc này nên để người khác làm, mình là thành phần tri thức, làm sao mà có thể kêu mình làm mấy chuyện này cho được!"

Thật ra, công việc thì không có phân ra nặng nhẹ. Làm việc nghĩa thì đối với công việc mình nên cố gắng làm chớ không nên soi móc.

 

PHƯỚC HUỆ SONG TU

*****

Thái độ của một vị Bồ-tát làm việc thiện là bản thân mình tu hành có thành công hay không thành công cũng không có quan hệ gì, chỉ hết lòng nghĩ đến việc giúp người khác. Đây mới chính là tâm địa Bồ-tát và đó cũng chính là đại tu hành. Nghĩa là, phàm là Bồ-tát làm việc thiện, khi làm bất cứ việc công đức nào cũng đều là tu phước và tu huệ.

Nếu Bạn không phải làm việc thiện mà làm để nhận tiền công thì đây không gọi là tu hành mà chỉ gọi là làm vì nuôi miệng vì cuộc sống; Làm việc thiện bất luận là nhiều hay ít cũng đều là tu hành, dù là việc nặng hay nhẹ cũng đều là tu phước và tu huệ.

Thông thường phần lớn người ta chỉ nghĩ đến làm việc thiện là để tu phước, Họ cho rằng khi làm việc nghĩa, mình đâu có tụng kinh nghe pháp, đâu có lạy Phật sám hối đâu thì làm sao có thể tu huệ được?

Thật ra, Ý của huệ là phiền não giảm bớt, giảm bớt phiền não tham, phiền não sân của mình, vì sự dâng hiến mà làm việc thiện chớ không phải vì tăng thu nhập hay nêu cao danh vọng thì tự nhiên phiền não sẽ giảm.

 

TINH THẦN THIỆN NGUYỆN NHÂN DÂN VÙNG NẠN TAI CỨU KHỔ CỨU NẠN

*****

 

Có một lần nọ, lúc Tôi đang chăm lo cho khu thiên tai trong trận động đất 921, có một cô khoác trên người bộ quần áo thiện nguyện của Pháp Cổ Sơn, tay cầm tờ báo nói với Tôi: " Thưa sư phụ, bức ảnh đăng trên báo đây chính là nhà của con" Tôi nhìn vào từ báo, thấy nhà cô ấy bị đất đá rơi trúng, hư rách te tua, nhưng cái chính là hiện giờ cô không có nhà.

Tôi hỏi cô ấy: "Gia đình cô quả thật là bị thiên tai, vậy tại sao cô còn theo Tôi cùng đi cứu thiên tai?"

Cô ấy nói: "Thưa sư phụ. Tuy con không có nhà, nhưng con và mọi người trong gia đình vẫn bình an, nếu không thì con đâu còn cơ hội để cứu nạn tai đây? Vì con còn may mắn được sống sót cho nên con cho rằng, cùng nhau cứu giúp những người bị thiên tai là điều quan trọng nhất"

Tấm gương điển hình này khiến cho Tôi rất cảm động. Quý cô này nghĩ rằng mình còn sống được thì không nên bỏ mất cơ hội, nên kịp thời tham gia công tác cứu hộ thiên tai. Đây là một tinh thần rất tốt.

Ngay trong lúc thọ khổ thọ nạn, còn có thể tạm thời gác lại cái khổ nạn của mình, còn có thể giúp đỡ người khác, làm lợi ích cho người khác thì Họ quả thật là một vị Bồ-tát thiện nguyện cứu khổ cứu nạn.

 

LÀM VIỆC NGHĨA LÀ CỨU GẤP CHỚ KHÔNG PHẢI LÀM CÔNG

*****

 

Có người đem chuyên môn của mình ra để làm việc thiện, có người thì không có chuyên môn. Nếu chúng ta không có một sự chuyên nghiệp, tri thức nào đó, nhưng công việc thì đang rất cần mình làm, bấy giờ Bạn chỉ cần "Tận tâm, tận lực, tận khả năng học hỏi" thì được rồi.

Vì công việc thiện nguyện không cần phải là một nhân tài chuyên nghiệp do đăng quảng cáo mà tìm đến, cho nên gặp lúc cần thiết, thì bất cứ việc gì, khi cần cứ nhận lấy mà làm. Làm việc thiện, chúng ta không giống như những nhân viên trong công ty là làm trong một thời gian cố định, một công việc cố định, mà thường thì khi cần thì chúng ta phải tùy thời nắm bắt, tùy cơ mà ứng biến.

Có người trong lòng sẽ nghĩ rằng: " Nè! Tôi là một trưởng chuyên khoa tốt như vậy mà Anh không dùng lại cứ khăng khăng phái Tôi đi làm một cái việc mà Tôi không biết, làm như vậy không phải là lãng phí nhân tài, làm hỏng nhân tài, tài lớn mà dụng nhỏ sao?"

Người có suy nghĩ như vậy là sai rồi! vì làm việc thiện thì bất cứ nơi nào cần người thì mình đi đến nơi ấy; Làm việc thiện là cứu gấp, là dâng hiến chớ không phải là công việc ăn lương. Có đầy đủ quan niệm và tinh thần như thế, có tâm mong muốn phối hợp thì chúng ta làm việc mới được tự tại vui vẻ.

 

KHÔNG CƯỚP CÔNG, KHÔNG TRANH BỀ NỔI

*****

Tuy thiện nguyện là một công việc phục vụ cần phải có tinh thần phục vụ, nhưng chúng ta cũng không tránh khỏi bị người soi mói công việc. Ví như có người chuyên chọn lựa những công việc hiển hiện trên một quy mô lớn để mong người khác chú ý khen ngợi: "Người này xem ra rất là giỏi, chắc phải là một nhân vật rất được coi trọng đây "

Người có suy nghĩ như vậy, không biết rằng, mục đích làm việc thiện của họ rốt cuộc có phải vì tranh bề nổi không? hay là muốn vẻ vang? Họ cầu phước báo? mong công đức hay là muốn có trí tuệ.

Nếu làm vì cầu phước, cầu huệ thì không gọi là tranh bề nổi hay muốn vẻ vang, như vậy thì đối đải với bất cứ người nào cũng đều phải bình đẳng, phải nên quên thân mình, mà thành tài cho người. Vì hết thảy mọi người đều là Bồ-tát hiện tại và là Phật tương lai, không có phân biệt cao thấp, sang hèn gì.

Cho nên chúng ta phải biết trân quý cơ hội mỗi lần được phục vụ đại chúng bằng tâm hoan hỷ.

 

SỰ DÂNG HIẾN BÌNH ĐẲNG

*****

Khi làm việc nghĩa, chúng ta phải có tinh thần dâng hiến phục vụ, đừng nghĩ đến làm việc này là có danh lợi hay không, có đền đáp hay không, chúng ta cũng đều dâng hiến một cách bình đẳng.

Trong Pháp Cổ Sơn có một bà cụ Bồ-tát thiện nguyện có cái tâm như vậy. Bà đã 91 tuổi rồi mà vẫn còn cầm cuốc trồng rau. Có một thanh niên nọ, không đành lòng thấy Bà làm việc nặng như vậy, liền lén lấy dùng cụ làm vườn của cụ đem giấu, rốt cuộc Bà cũng thay bằng chiếc xẻng đào từ từ, ngày nào cũng thư thả từ từ cuốc đất gieo trồng.

Lại nữa, Bà còn rất biết lợi dụng thời gian, lúc mặt trời lên cao thì Bà không đi ra vườn mà đổi lại xuống bếp lặt rau, sắt rau, hoặc là lên chánh điện niệm Phật, đi kinh hành, lạy Phật... đời sống công quả hằng ngày của Bà rất đa dạng.

Tính cách nhàn nhã, tự tại của Bà lão Bồ-tát làm công quả đây không mong cầu thanh danh lợi dưỡng, cho nên không phải Bà chỉ sống yên vui đạm bạc, không tranh với đời mà trong lòng Bà còn vui vẻ cởi mở, ngập tràn niềm vui.

 

KHÔNG AI GIỐNG AI

*****

Có một người làm công việc thiện nguyện đã lâu và có lẽ Bà ấy thấy cứ làm mãi công việc như vầy rất là nhàm chán.

Có một lần, Tôi thấy Bà Phật tử nọ công quả dưới nhà bếp với bộ dạng thơ thẩn liền hỏi: "Bộ ngày nào Bà cũng đều làm công việc như vầy ở nhà bếp sao?"

Bà ấy thở dài nói: "Dạ phải! Ngày nào con cũng đều làm như vậy."

Tôi lại hỏi: "Vậy mỗi buổi ăn Bà đều nấu như nhau à?"

Bà ấy trả lời: " Dạ đâu có thể nấu hoài một món."

Tôi nói: "Vậy thì phải rồi! Mỗi buổi ăn Bà đều phải làm món mới. Nếu đã là mới thì làm gì thấy chán và mõi mệt phải không?"

Tiếp theo đó Tôi đưa ra một thí dụ và hỏi Bà: "Bà ngày hôm qua có giống như Bà ngày nay không?"

Bà ấy gật đầu đáp: " Dạ thưa cùng một người ạ!"

Tôi nói: "Không đúng! Bà hôm nay là người mới, còn Bà hôm qua là người cũ, chí ít đi nữa thì Bà cũng sống nhiều hơn hôm qua một ngày, thể nghiệm học tập cái mới nhiều hơn, cho nên không phải là một người. Nếu Bà chịu thể nghiệm mỗi hơi thở đều là hơi thở mới, mỗi bước đi đều là bước đi mới thì Bà sẽ không ngừng tích tụ sức sống cuộc đời, rất có hứng thú trong công việc và tràn trề sức sống."

Sau khi Bà ấy nghe xong thì khôi phục lại sức sống.

 

NGƯỜI LÀM VIỆC THIỆN ĐƯỢC NIỀM VUI

*****

Sở thích có rất nhiều loại, trong đó dâng hiến cũng là một loại sở thích. Thí như chúng ta tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm việc thiện, giúp đỡ những người cần được giúp, đây là một loại sở thích. Việc làm này không phải là hướng ngoại truy cầu mà là sự dâng hiến bản thân để tìm cầu niềm vui tràn ngập ở trong lòng. Cũng giống như việc nuôi dưỡng sở thích giúp đỡ người khác đây, rất là có ích cho việc an tâm của mình.

Đặt biệt là người đời nay quá đầy đủ vật chất, nhưng tâm linh thì trống rỗng; Một người có dục vọng quá mạnh mà lại không có việc để làm thì tất nhiên tâm linh sẽ trống rỗng rồi.

Đặt mình vào trong xã hội hiện đại văn minh vật chất, đã không còn lo lắng về vấn đề cuộc sống nữa thì phải nên ra sức tận dụng tài sức của mình mà cống hiến cho cả xã hội cho toàn thể nhân loại trên thế giới, được như vậy thì tâm linh tự nhiên sẽ có.

Do đó trong "Lời khuyên bốn chúng đệ tử cùng cố gắng" của Pháp Cổ Sơn đây có hai câu: "Người bố thí thì có phước, người làm việc thiện thì được niềm vui" Người làm việc nghĩa không phải chỉ là người có phước mà nhờ tâm linh đủ đầy họ cũng sẽ có được niềm vui.

 

KHÔNG NÓI ĐẠO LÝ MÀ NÓI LUÂN LÝ

*****

Cho dù là một tập thể làm việc thiện cũng khó tránh khỏi sự tranh chấp vì không hợp ý kiến, phân chia không đều. Nhưng tập thể làm việc thiện là tập thể phục vụ, không phải là một tập thể danh lợi. Nếu đã vì phục vụ thì người làm việc thiện phải nên mong mõi bản thân mình không còn phiền não, đồng thời cũng không nên gây phiền não cho người khác.

Khi gặp phải mối tranh chấp, mình có thể tự cảnh tỉnh lời này: "Mình đến đây là để dâng hiến, là để tự giúp mình và người tiêu trừ phiền não" Tốt nhất là đừng nên hễ động một cái thì liền sanh oán "Làm như vậy là không hợp lý! giải quyết như vậy là bất công!"

Việc này cũng giống như mối quan hệ vợ chồng, không phải nói về đạo lý mà là nói về luân lý. Luân lý phải là: " Mình tôn kính người, người tôn kính mình; mình kính nhường người, người kính nhường mình; mình yêu thương người, người yêu thương mình" Làm công tác thiện nguyện phục vụ thì phải nên suy nghĩ về mặt này, vì mục đích của chúng ta làm việc thiệnkhông phải là vì tìm cầu cái hợp lý, công bình mà là muốn cho mọi người vui vẻ, bản thân mình cũng được hoan hỷ.

 

CHO NGƯỜI KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

*****

Tập thể thiện nguyện không giống như cơ quan nhà nước hoặc là công ty, khi chấp hành mệnh lệnh hoặc là tiếp nhận thông tin thảy đều rất khó quán triệt một cách toàn diện.

Đó là vì mỗi thành viên thiện nguyện đều có sai khác, như là trình độ nhận thức, bối cảnh văn hóa, tính cách của mỗi người v.v...đều có sự khác biệt rất lớn, cho nên trong các hoạt động qua lại với nhau, chúng ta cần phải cho người một ít không gian và thời gian, nếu không thì con đường mình đi sẽ rất trắc trở.

Cho người không gian chính là cho mình không gian, nhưng cho người khác không gian và thời gian không có nghĩa là mình lãng phí không gian thời gian của chính mình.

Ví dụ như Tôi đây. Tôi có đề xướng rất nhiều kế hoạch, những kế hoạch này cần phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Khi vừa bắt tay, thường thì chỉ có một số ít người chịu dốc sức phối hợp, còn phần nhiều thì không hiểu rõ dụng ý của Tôi, có đôi khi Tôi cũng không tránh khỏi cảm giác thất vọng "Tại sao mọi người không chịu nghe lời của Mình vậy?"

Khi gặp phải chuyện như vậy thì Tôi chỉ biết nhẫn nại, dùng thời gian lần lần dẫn dắt, cứ dần dần như vậy thì sẽ có hiệu quả và sau cùng cũng có thể hoàn thành trọn vẹn. Cho nên cho người khác không gian, mình cũng phải bỏ ra thời gian của chính mình.

 

TÂM HOAN HỶ VUI VẺ LÀM CÔNG ĐỨC

*****

Có người nghi ngờ rằng, công đức của làm việc thiện, rốt cuộc mình được cái gì đây? về vấn đề này phải nhìn từ hai phương diện:

Thứ nhất là trong thời khắc làm việc thiện đó, mình rất hoan hỷ, đây là cái vui của làm việc thiện. Tất cả những việc làm của mình xưa nay đều là vì bản thân, vậy mà hiện nay, mình còn có thể làm lợi ích cho người khác, đây là một thứ niềm vui.

Thứ hai là chia những gì mình có cho người khác cùng hưởng, cũng giống như là đem của cải của mình gởi vào ngân hàng công đức vậy, sau khi chết đi, sanh lên trời mình sẽ  thu về công đức, hưởng thụ hạnh phúc và niềm vui ở cõi trời, đây cũng chính là câu "Thiện có thiện báo, ác có ác báo!". Nhưng hình thức bố thí này là "Bố thí có tướng", công đức chỉ hữu hạn.

Công đức vô hạn là "bố thí vô tướng", đây chính là câu "Tam luân thể không" trong Phật giáo Nghĩa là khi bố thí mình không có nghĩ "Mình đang bố thí, mình cầm thứ gì bố thí, mình bố thí cho ai đây?" v.v...chỉ có đơn thuần bố thí là bố thí.

Chúng ta không so tính công đức thì công đức đó mới vô hạn; hễ so tính công đức thì công đức đó hữu hạn.

 

QUÉT RÁC CŨNG CÓ THỂ ĐỘ CHÚNG SANH

*****

Hoằng pháp không nhất định phải bằng cách giảng kinh thuyết pháp, làm việc thiện cũng là một cách hoằng pháp.

Thí như mỗi lần pháp hội hoạt động đều phải mời các vị Bồ-tát thiện nguyện của tổ giao thông, phụ trách phần điều tiết giao thông bên ngoài, nếu không có sự cố gắng cộng tác của họ thì pháp hội có thể sẽ rối loạn vì giao thông, không thể cử hành thuận lợi.

Cho nên, tuy họ không thể nghe kinh, tọa thiền, niệm Phật, lạy sám hối cùng với đại chúng trong đạo tràng, nhưng ngược lại họ có công đức hơn những người tham gia tu hành trong đạo tràng.

Công tác thiện nguyện, dù đơn giản chỉ là quét rác, nhưng cũng là đang độ hóa chúng sanh, vì xung quanh sạch sẽ có thể khiến cho người ta tán đồng hoạt động của Phật giáo, tình nguyện đến tham gia tu hành, đây không phải là hóa độ chúng sanh hay sao?

Do đó, làm việc thiện chính là Bồ-tát hạnh, là đang độ chúng sanh.

 

SỰ ĐỀN ĐÁP CỦA LÀM VIỆC THIỆN

*****

Có một vài đệ tử là sinh viên và giáo sư đại học, mỗi lần họ lên núi làm công quả đều cụ bị đồ ăn thức uống, đã vậy đối với những công việc nặng nhọc như chặt cây, mở đường, họ cũng không có một lời than thở.

Sau khi kết thúc một ngày làm việc, Tôi thay mặt chùa cảm ơn họ "Tôi thành thật xin lỗi các vị, Chúng Tôi không có gì để đãi các vị. Các vị đã thay chúng Tôi làm những công việc nặng nhọc này."

Ngược lại họ nói: " Chúng con cảm ơn sư phụ vì có được cơ hội để chúng con đến làm công quả này. Thường ngày chúng con bận lo kiếm tiền, riêng hôm nay đến đây chỉ vì dâng hiến, cho nên chúng con làm việc rất vui vẻ, rất thích thú. Hôm nay chúng con được đến đây làm công quả thì đó chính là sự đền đáp rồi. Đền đáp đó là gì? đó là niềm vui mừng ở trong lòng."

Nghĩa là chính ngay trong gieo trồng cái nhân làm công quả, mình đã đạt được cái quả công đức rồi.

 

BỒ TÁT VẠN HẠNH

*****

Thông thường người ta gọi những người làm việc mà không mong cầu đền đáp là thiện nguyện. Còn ở Pháp Cổ Sơn chúng ta đây, cũng có khi gọi những người công quả là Bồ-tát vạn hạnh.

Vạn hạnh không phải là vạn năng mà là cao cũng có thể làm được, thấp cũng có thể làm được, việc nào chưa có ai làm thì chủ động đi làm, việc có người làm rồi thì nên nhường cho người ta làm.

Thí như: quét dọn nhà vệ sinh, lau nhà, bưng khai mâm v.v...những việc nhỏ nhặt thấp kém không có ai làm thì mình đi làm; còn đối với những việc giai cấp địa vị cao, dù là tôn quý như Tổng thống đi nữa, nếu không có người dám làm thì chúng ta làm; có chức vụ quan trọng mà không có người thích hợp làm thì chúng ta học để mà làm.

Việc phát tâm trồng ruộng phước chỉ có nhiều ít chớ không có sang hèn; bất luận là công việc nặng hay nhẹ, chỉ nói về Bồ-tát có phát tâm hay không? Bất luận là cao thấp sang hèn, chỉ luận Bồ-tát có chịu làm hay không?

Cho nên, nếu làm được những việc mà người ta khó làm, nhẫn những việc mà người ta khó nhẫn thì người này chính là "Bồ-tát vạn hạnh."

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

1.  Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.

2.  Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.

3.  Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.

4.  Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.

5. Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.

6.  Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.

7.  Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.

8.  Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai

9.  Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.

10.Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

·       Xin mọi người thường niệm:

·       Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.

·       Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.

·       Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

Chùa Phổ Giác 2/5D ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM

ĐT: 08. 62532588

Email: [email protected]

         

 


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :