Kính lễ chư tôn đức Tăng-Ni, chào mừng Quý Phật Tử thiện nam tín nữ ghé thăm trang Phổ Môn Thị Hiện. Kính chúc mọi người thảy điều được Phúc Lạc Bình An trong sự chở che của mười phương Tam Bảo cùng đức Quán Thế Âm Bồ-tát.

HỖ TRỢ
Yahoo Skype
  
   Truy cập :  
 Đang Online :  
Ấn Phẩm

Sự Khác Biệt Lớn Giữa Thói Quen Tốt Và Xấu

Thứ ba, 02/07/2013, 21:50 GMT+7

 

SỰ KHÁC BIỆT LỚN GIỮA THÓI QUEN TỐT VÀ XẤU

Nguyên tác: Pháp sư Thánh Nghiêm

Dịch giả: Tỳ-kheo Thích Minh Kiết

 

 

Lời Tựa

 

Trong nhịp sống quay cuồng, tất bậc với công việc mưu sinh, chúng ta không tránh khỏi phiền muộn thù hận. Nguyên nhân chính của những muộn phiền thù hận này là do chúng ta không hiểu được lý nhân quả và nhân duyên của Phật giáo. Hòa Thượng Thánh Nghiêm là một trong các vị cao tăng Phật giáo tại Đài Loan hiện nay, đã đúc kết những kinh nghiệm tu chứng của mình để viết lên tập sách với tựa đề là “Sự Khác Biệt Lớn Giữa Thói Quen Tốt Và Xấu?” Chúng tôi có cơ duyên nhận được quyển sách này và nhận thấy nó giá trị rất cao, nên mạo muội đem chút tài hèn để phiên dịch sang tiếng Việt, với mong muốn qua tập sách nhỏ này, mọi người sẽ nhận rõ hơn về những hành nghiệp của mình và qua đó thực tập để có cuộc sống hạnh phúc cho bản thân, lợi ích cho mọi người. Vì ngôn từ cạn cợt, sức học kém cỏi, nên không tránh khỏi sai ý khi chuyển ngữ, kính mong các vị hỷ xả cho. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các vị Phật tử hảo tâm đã nhiệt tình đóng góp tài chánh, giúp chúng tôi thực hiện thành công tập sách này. Chúng tôi thành tâm cầu nguyện đức Quán Thế Âm Bồ-tát từ bi gia hộ cho tất cả các vị cùng tất cả Pháp giới chúng sanh đều được bình an hạnh phúc trong ánh từ quang của chư Phật.

 

Tịnh Xá Phổ Giác ngày 15 tháng 07 năm 2007.

 

 Tỳ Kheo Minh Kiết cẩn đề.

 

  

Tiểu Sử Pháp Sư Thánh Nghiêm

 

Pháp sư sanh năm 1930 tại huyện Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Ngài xuất gia năm 13 tuổi, đã từng nhập thất 6 năm tại núi Cao Hùng, Đài Loan. Sau đó ngài đi du học ở Nhật Bản và lấy bằng tiến sĩ văn học tại trường đại học Lập Chính năm 1975.

Ngài là một thiền sư, một lãnh tụ tôn giáo và tinh thần, nhà giáo dục, học giả, nhà văn nổi tiếng quốc tế. Ngài đặc biệt chú trọng việc đề xướng giới hạnh, thiền tu thực tiển, tri kiến rõ ràng. Ngài còn đem nghĩa lý Phật học tinh thâm kết hợp với phương pháp dưỡng sinh đơn giản dễ hiểu để chỉ dẫn hoạt động tu thiền.

Mục tiêu mà pháp sư muốn tuyên truyền đó là đề cao phẩm chất của con người, xây dựng cõi tịnh độ nhân gian; chủ trương dùng giáo dục để thực hiện vấn đề cần quan tâm và dùng sự quan tâm này để đạt được mục đích giáo dục.

Ngài sáng lập ra trường đại học xã hội nhân văn, với hệ thống từ thiện, văn hóa giáo dục, các khóa tu thiền trong và ngoài nước núi Pháp cổ,  đại học Tăng-già, đạo tràng Tăng Đoàn , 7 hội từ thiện, bốn tờ tập san định kỳ bằng hai thứ tiếng Hoa, Anh.

Gần một trăm tác phẩm của ngài được xuất bản bằng ba thứ tiếng Hoa, Nhật, Anh tại các châu Á, châu Âu và Châu Mỹ.

 

 

GỞ BỎ CẶP KÍNH CŨ

*****

 

Thường thì người ta nhìn nhau bằng cách nghĩ và kiểu thức của riêng mình; nhìn người bằng cặp kính cũ mà mình đã đeo suốt mấy mươi năm trời, cũng giống như Tôn Ngộ Không luyện đôi mắt thành “hỏa nhãn kim tinh”, bạn đã tập quen mấy mươi năm, đã hình thành thói quen mất rồi. Nếu bạn tháo bỏ cặp mắt kính này đi thì trong nhà Phật gọi là “xuất ly”

Còn nếu như bạn không chịu tháo cặp kiếng cũ này ra thì bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể bị khích động, hoặc là cảm thấy không vừa mắt, cảm thấy mình bị oan ức, bị bày xích, thậm chí còn định nổi loạn làm một cuộc cách mạng nữa. Tôi đã từng nói với các đệ tử vừa xuất gia:

Tất cả những gì các con tích lũy trong mấy mươi năm qua, cho dù đó là sự thành tựu tốt, thói quen tốt, cách nghĩ tốt cũng đều có thể gây trở ngại cho chính mình. Bắt đầu kể từ lúc bước vào Pháp Cổ Sơn này, các con sẽ được làm mới lại. Nếu các con không có quyết tâm làm mới lại thì Thầy tin chắc rằng các con không thể ở lại đây được.

Nếu con người ta không rời bỏ cái kiến chấp mà bấy lâu nay mình cho là đúng, rời bỏ hết thảy kỷ niệm của quá khứ thì mình sẽ bị hạn cuộc bởi vô số thói quen xưa, do thế không có cách gì tạo nên cục diện mới.

Con người vì bị tác động của ngoại cảnh mà sanh phiền não. Đó là do thói quen coi trọng bản ngã của mình.

 

 

SỬA KHÔNG ĐƯỢC HAY KHÔNG CHỊU SỬA

*****

 

Có một vị nữ Phật tử có tiếng nói âm thanh làm kinh người, cho dù cô ấy có nói chuyện với một, hai người đi nữa cũng rất là lớn tiếng; và nhất là đứng trước đám đông, cứ hễ cô ta cất tiếng thì y như rằng không còn nghe tiếng của ai nữa. Tôi hỏi cô ta:

Có ai nói với cô là cô nói chuyện lớn tiếng quá không?

Cô ta thừa nhận:

Thưa có! Nhưng giọng nói này là do cha mẹ con sanh ra, con sửa không được, hơn nữa người khác cũng nói lớn tiếng đó có sao đâu. Cho nên đây là vấn đề chung chớ không phải của riêng con.

Cũng giống như vậy, người ta cho rằng mình đã quen như thế. Nếu một mình thì không đến nỗi. Nhưng những lúc ở trước đám đông thì thói quen này sẽ khiến cho người ta cảm thấy khó chịu.

Thông thường, chúng ta cho rằng mình không có làm điều gì xấu. Nhưng trên thực tế thì, từ lúc chúng ta sanh ra đến giờ, ít nhiều gì ai cũng có một số thói quen xấu. Nếu hiểu rõ mình đã làm cho người khác khó chịu, ngược lại không thừa nhận thói quen của mình là xấu thì rốt cuộc sẽ phiền cho chính mình và cũng gây phiền cho người.

Đã biết mình có thói quen không tốt thì hãy hứa là sẽ sửa đổi lần lần. Như vậy mới gọi là tinh tấn.

Không biết thói xấu của mình cũng có nghĩa là không biết thẹn trước mọi người.

 

 

LÀM ĐIỀU MÀ NGƯỜI KHÁC KHÔNG MUỐN LÀM

*****

 

Khi có một số người giàu có, có thế lực đến tham gia các khóa tu, chúng tôi thường cố ý tìm một số việc lao động thể lực để cho Họ làm như là: nấu nướng, tẩy rửa, chẻ củi…

Sở dĩ làm vậy là vì họ có tiền, có thế lực, nếu như Tôi còn tâng bốc họ lên cao, để cho bên ngoài Họ được người ta kính trọng còn vào chùa thì được nịnh hót, cất nhắc, như vậy họ sẽ không có cơ hội tu hành và khó có thể điều chỉnh thói xấu của mình.

Còn đối với một số quý bà quý cô được nuông chiều từ bé cũng không ngoại lệ, cũng đều được đối đãi như nhau.

Đến mức có vị đệ tử trách tôi:

Sao sư phụ lại đuổi những người có tiền có thế này đi hết vậy? họ đến nơi nào thì nơi đó cũng tiền hô hậu ủng, được xem là khách quý, vậy mà đến chỗ chúng ta đây, ngay cả khát nước cũng tự đi rót lấy uống.

Ai nói vậy là vì họ không có hiểu, khi mà tập khí của Họ quá nặng, Họ sẽ tự chuốc lấy phiền não, có khi cũng cần thẩm thấu khổ hạnh để tiêu trừ nghiệp chướng.

Nếu như mình có thể đi làm những việc mà người khác không muốn làm, hay những việc mà người khác làm không nổi thì có thể dần dần chuyển hóa thói xấu, tăng trưởng phước đức.

Khổ nhọc làm việc sẽ dạy người ta tính kiên trì và sức chịu đựng. Thông qua đó người ta mới từng bước trưởng thành, dần dần tiến đến mục tiêu cao đẹp mà mình hướng tới.

 

 

MÀI SẠCH TÍNH NẾT

*****

 

Phật giáo cho rằng việc tu khổ hạnh thích đáng là có lý, có thể giúp con người trừ bỏ tập tánh gây phiền não.

Ví như bậc đại thành tựu của Mật tông là Mật-lặc-nhật-ba (milarepa), khi còn theo học với Đức Mã-nhĩ-ba (marpa) đã bị Thầy của mình bắt khổ hạnh. Thầy bắt ông xây nhà rồi lại dỡ, dỡ rồi lại xây; ngày nào Ông cũng phải liên tục cõng những hòn đá thô nặng lên xuống núi, làm đến nỗi máu thịt trên lưng lẫn lộn với nhau mà vẫn không được nghỉ.

Hình thức khổ hạnh này, bên ngoài nhìn thấy cho rằng đó là một hình thức giày vò. Nhưng trãi qua giai đoạn mài luyện này, dù bạn có nóng nảy đi nữa cũng sẽ mài cho hết nóng nảy; lửa sân có bốc lên đi nữa cũng sẽ mài cho dập tắt.

Thói quen của một người không dễ gì sửa đổi. Nếu tập khí đó sâu nặng thì nghiệp lực cũng sẽ rất nặng, vì vậy không dễ gì đủ sức tu hành, cho nên cần phải mài luyện. Cái gọi là tiêu nghiệp, chủ yếu là phải tiêu trừ thói xấu của mình, giống như các thói xấu như thói tham, thói sân…để đối mặt với những thói xấu thô nặng này, có khi chúng ta phải thực hiện biện pháp khổ hạnh cay độc để mài nhẵn nó.

Nhưng mà, điều này cần phải có bậc minh sư mới có thể luyện nên bậc đệ tử giỏi, còn đối với những người bình thường thì chịu không nổi sự mài luyện mình.

Tạo nên thói quen tốt cố định thì cuộc sống sẽ có quy luật, có phương hướng.

 

CAI THUỐC

*****

 

Có một nhà doanh nghiệp nọ rất thành công trong sự nghiệp rất là nghiện thuốc lá dẫn đến bị hen xuyễn mãn tính. Ông tuy rất là ghét khói thuốc, nhưng không tài nào cai được.

Dù ông có tài ra lệnh, chỉ huy số lượng lớn công nhân viên, nhưng ngược lại vô phương chỉ huy mình đừng có hút thuốc. Vì vậy Ông ấy đến hỏi Tôi cách thức cai thuốc.

Tôi dạy Ông ta trước hết phải có tâm hổ thẹn, phản tỉnh lấy mình, dùng nghị lực và tính kiên nhẫn dần dần giảm bớt số lượng hút thuốc, sau đó tiến tới kiên quyết cai thuốc.

Cũng chính vì thân tâm của chúng ta không chịu sự quản thúc của chính mình cho nên phạm sai mà không thừa nhận. Con người chỉ cần thừa nhận là mình có sai thì sẽ sanh tâm hổ thẹn, đồng thời nhận gánh lấy trách nhiệm lầm sai của mình.

Ngày nào cũng phản tỉnh, thường xấu hổ, lúc nào cũng sám hối thì tự nhiên lòng mình sẽ thanh tịnh sáng suốt và tính cách tự nhiên sẽ ổn định.

Sở dĩ chúng ta khó từ bỏ thói quen xấu là vì chúng ta thiếu phân định lẽ thiệt hơn, lại thiếu nghị lực cùng sự kiên định, thêm một điều nữa là chúng ta không tự coi trọng giá trị của chính mình.

 

KHÔNG CẦN LÝ LẼ

*****

 

Thông thường người ta cho rằng từ nhỏ mình đã quen với cách nghĩ, cách làm của mình, vì vậy cho rằng mọi việc không có sao đâu, chớ đâu biết rằng cả người mình đây đều là thói xấu.

Một hôm, có hai đệ tử đến tìm tôi nhờ phân xử, hai bên đều tự cho rằng mình đúng, nếu như không đúng thì không xảy ra xung đột, chính vì cả hai đều cảm thấy mình đúng cho nên mỗi bên đều chấp ý kiến của mình. Họ hỏi tôi rốt cuộc ai đúng? Thật ra cả hai đều đúng, mà đúng theo kiểu ông nói ông đúng, bà nói bà đúng, có đúng cũng không rõ được.

Tôi nói:

Có trí tuệ không khởi phiền não. Hai chú do không có trí tuệ nên mới gây tranh cãi, vậy thì còn nói lý làm gì nữa! hai chú đừng có nói đến lý lẽ mà hãy dùng trí tuệ!

Tại sao không nói đến lý lẽ? vì thời đại, hoàn cảnh, thân phận khác nhau cho nên có tiêu chuẩn khác nhau. Nếu chỉ nói đến cái lý của mình mà bỏ mặc cái lý của người khác. Đó không phải là cái lý “Đi khắp thiên hạ” mà là “ngang cùng thiên hạ

Khi đối diện với vấn đề phải dùng từ bi, dùng trí tuệ, chớ không phải dùng tình cảm, dùng lý lẽ. Nếu không như thế thì sẽ cứ mãi bị tập khí lôi kéo dẫn dắt, mà bản thân lại còn cho mình là đủ lý nói thẳng.

 

THIÊN HẠ ĐỀU SAY CHỈ RIÊNG TA TỈNH

*****

 

Có người thì tập khí tham quá nặng, có người thì tập khí sân quá nặng, có người thì si quá nặng hay ngạo mạn quá nặng, do có những tính cách đó cho nên tự nhiên sẽ có cái thói quen như vậy.

Tuy nhiên, tập tánh này không dễ gì sửa liền ngay được, nhưng vẫn phải cần rèn luyện để sửa. Người có tập tánh sâu dày thì phiền não cũng theo đó mà sâu nặng.

Ví như có người tâm ngạo mạn nặng, vậy mà cứ luôn cho rằng người khác phiền não nặng, kỳ thật ra trong lòng mình đầy phiền não, nhưng bản thân họ không dễ gì nhận ra. Nếu hễ vừa nhận diện ra thì sẽ lập tức sửa ngay.

Ví dụ như phát hiện ra mình có khó ưa với một người nào đó thì việc trước tiên là phải soi rọi lại mình. Phàm hễ những khi bạn cảm thấy người khác bất tài mà bản thân mình thì rất là giỏi thì phải nên sanh tâm hổ thẹn.

Còn nếu như bạn không sanh tâm hổ thẹn, cho rằng mình rất giỏi, cái gì cũng biết cả thì xin hỏi: “Thiên hạ này mênh mông, bạn biết được bao nhiêu? Thiên hạ này nhiều người tài như vậy, bạn tài giỏi được bao nhiêu?”

Nếu không sửa đổi tánh tình thì bạn sẽ cảm thấy cả thiên hạ này đều say cả chỉ riêng mình ta tỉnh, rồi mới vì thế mà sanh tâm giận đời ghét tục, tự cho là thanh cao. Với tánh kiêu mạn và sân giận đầy cả trong tâm, chung quy rồi bạn cũng nhất định sẽ chuốc lấy phiền phức. Vì vậy bạn cần hãy vứt bỏ tánh khí này đi!

Phiền não chỉ là thói xấu huân tập, khởi đầu vốn không có, sau này cũng sẽ không.

 

SÁM HỐI PHẢI SÁM NƠI TÂM

***** 

 

Có một vị cư sĩ nọ vì hút sì-ke nên bị bắt giam. Sau khi ra tù bà ấy tìm đến tôi học thiền. Bà ta vừa khóc vừa hướng về Phật nói, nếu con còn hút sì-ke nữa thì con không phải là người.

Rốt cuộc, sau này bà ta xem thiền đường là chốn cai nghiện, hễ khi vừa lên cơn nghiện thì bà ta liền đả thiền thất. Nhìn thấy bà cứ tái đi tái lại mấy lần như vậy mà không có cách gì diệt, Tôi khuyên bà ấy, Sám hối là việc phải được thực hiện hằng ngày, như vậy mới có thể đoạn trừ thói quen xấu. Còn nếu như chỉ sám hối sau khi phạm lầm sai thì đó chẳng qua là vì sợ bị trừng phạt mà thôi.

Ban đầu bà ta ngày nào cũng sám hối. Nhưng chưa đầy nửa năm sau, bà cho rằng sám hối như vậy là đủ rồi, nên tâm vừa buông lung giãi đãi bà lại bắt đầu hút xì-ke.

Sau đó bà lại đến tìm tôi sám hối và nói: Nếu như còn tái phạm nữa, bà sẽ dùng dao chặt đứt ngón tay của mình, để tỏ rõ lòng quyết tâm của bà. Tôi nói:

Sám hối là sám ở trong lòng, chớ không phải làm sám trên ngón tay. Nếu không như vậy thì sau khi vết thương lành lại, bà cũng lại sẽ quên thôi.

Khi gặp phải tình trạng không làm chủ được thân tâm giống như vậy, vẫn biết là không nên tái phạm, nhưng không biết làm sao để cai trừ thói quen xấu thì bạn phải liên tục sám hối.

Chung quy thì thói quen nhiều đời kiếp của phàm phu không phải nói sửa thì là liền sửa ngay, cần phải có thời gian lâu dài mới sửa được.

Việc tu hành không phải chỉ là khắc chế thói xấu của thân mà còn phải hóa giải những chướng ngại của tâm ở bên trong mình.

 

MÀI NHẴN CÁI GAI TRÊN NGƯỜI

***** 

 

Mỗi người chúng ta đều nên tự biết mình có thói xấu, đồng thời cũng khẳng định là mình có tánh xấu. Biết vậy mới có thể điều chỉnh được thói xấu ấy. Có người cần phải sửa đổi thói xấu qua tính cách của mình; có người cần phải điều chỉnh thói xấu qua động tác, cử chỉ bên ngoài của mình, thông qua các hoạt động tương tác của môi trường tập thể rất dễ giúp chúng ta phát hiện và điều chỉnh thói xấu của mình.

Sống trong môi trường tập thể, chúng ta cần phải bỏ hết những tiêu chuẩn, phán đoán của riêng mình; chỉ dùng sự phán đoán và tiêu chuẩn riêng của tập thể, mà hãy bỏ đi góc độ nhận xét của riêng mình. Thói xấu sẽ khiến cho cơ thể người ta như một cây gai, vừa hại người vừa hại mình. Nhờ vào sự mài luyện, giao lưu giữa môi trường tập thể, có thể giúp chúng ta mài nhẵn cây gai trên người mình.

Nếu người nào cảm thấy người khác có vấn đề thì y như rằng, người có vấn đề thật sự đó chính là mình. Nếu bạn giữ vững quyết tâm, mài nhẵn cây gai trên người mình thì bạn sẽ không còn cảm thấy bất bình nữa, sẽ không còn đòi giải oan; sẽ không còn cảm thấy không phải người này sai mà là người kia sai.

Tập khí là những thói xấu được huân tập trong nhiều đời trước.

 

ĐỪNG XEM THƯỜNG NHỮNG VIỆC NHỎ NHẶT TRONG ĐỜI SỐNG

*****

 

Để thay đổi thói xấu, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Phải bắt đầu từ những tiểu tiết nhỏ nhặt trong đời sống. Vì vậy Tôi thường nhắc nhở các đệ tử rằng, ăn cơm có oai nghi của ăn cơm; đi đường có oai nghi của đi đường; bất luận là đi đứng nằm ngồi gì cũng đều phải có oai nghi.

Có người hỏi tôi:

Oai nghi quan trọng đến như vậy sao? Nó có thể khiến cho người ta thành Phật sao?

Thật ra, chúng ta đừng nên coi thường tiểu tiết này, đây là con đường mà người muốn thành Phật phải trải qua, Phật giáo gọi đây là “học Phật hành nghi” ý là muốn cho người ta, qua những tiểu tiết nhỏ nhặt này có thể kiểm điểm thân tâm, bó buộc thân tâm, giữ quy phạm cho riêng mình, để giảm thiếu thói xấu của mình, để qua đó phiền não cũng sẽ giảm bớt theo.

Nếu không thì có thể là bạn sẽ nói: Tôi luôn là người như vậy! xưa nay tôi vốn là một cục nợ, ngay cả cha mẹ tôi cũng không cần tôi! Người như vậy có đúng không? Muốn điều chỉnh thói xấu thì bạn phải hạ quyết tâm. Ngay như Sở Bá Vương “phá nồi dìm thuyền, sống mái một phen” không chừa lại bất cứ con đường rút nào.

Đừng xem thường giọt nước, giọt nước tuy nhỏ nhưng thường chảy cũng đủ sức làm xuyên thủng đá. Với những nhỏ nhặt trong đời sống, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì sau này lớn dần thành khối, lúc đó có muốn sửa đi nữa cũng không phải dễ.

 

ĐỀU LÀ PHÀM PHU

***** 

 

Có một hội viên trong hội quyên tiền tự cho là mình có thói xấu quá nặng, chưa được hoàn toàn tốt, cho nên chưa đủ tư cách để làm trọn công tác quyên tiền, vì vậy có ý muốn rút lui.

Tôi nói, thật ra chúng ta đều là phàm phu, đừng nên đòi hỏi mình phải bằng bực thánh nhân, chỉ cần giữ vững tâm biết hổ thẹn, cảm thấy rằng mình còn phải cần nổ lực, một mặt tu sửa bản thân, một mặt thì đem chánh pháp của Phật chia sẻ lại cho mọi người cùng biết, được như vậy thì là tốt rồi. Sau khi người khác nghe được lời đức Phật dạy rồi, biết đâu là họ nhờ có thiện căn hơn mình, họ có thể làm tốt hơn mình thì sao.

Ví như có một số trò chơi bóng rất hay, chúng ta chỉ cho người khác một trò nào đó tương đối dễ chơi, mặc dù chúng ta vốn không biết chơi bóng, nhưng nếu khiến cho người ta chơi vui vẻ, thì đây cũng là một việc tốt.

Do đó chúng ta không cần phải đo mình bằng tầm thước của thánh nhân, chỉ cần trong quá trình tu hành của phàm phu, chúng ta dần dần tu sửa mình là được rồi.

Cho nên phải thường nên có tâm hổ thẹn, đã làm sai thì nên sám hối. Đây chính là đạo tâm.

Đạo là gì? Là Bồ-tát đạo, bồ-đề đạo, là có sự hiểu rõ về mình. Tự biết mình không được thì đó là được; tự biết mình không tốt thì đó là tốt.

Vẫn biết mình tuy còn là phàm phu, dẫu chưa sánh được với bậc thánh nhân, nhưng không vì thế mà tự coi thường. Nỗ lực tiến tu, thường răn nhắc lỗi mình, cố gắng sửa đổi lỗi lầm, không phải là để trở thành bậc thánh mà là thành một người tốt.

 

ĐỪNG NHƯ CÁI PHÈNG LA

*****

 

Một người đã có thói quen nói lời tốt thì không dễ gì mà nói lời xấu. Nhưng việc điều chỉnh thói quen nói thật không phải là một việc dễ.

Ví như có người mỗi khi nói chuyện thì âm thanh rất lớn, cho dù là có người hay không có người, khoảng cách gần hay xa cũng đều nói lớn tiếng, người Đài Loan gọi họ là “loa phóng thanh” Thói quen này không được hay cho lắm, sẽ làm quấy rầy người khác. Hoặc là có người mắt thấy người mình định tìm đang đi đằng xa liền vừa chạy vừa gọi, thô tháo giống như là đi bắt ăn cướp vậy, hoàn toàn không để ý đến sự có mặt của người khác, làm vậy có ấn tượng không tốt đối với người khác. Cho nên cần phải chú ý đến oai nghi phần miệng của mình.

Ngoài ra cũng có rất nhiều người thích tán gẫu, dù là có việc hay không có việc họ cũng đến người ta nói chuyện, miệng cứ líu la líu lo. Nhà Phật ví hạng người bô lô ba la mà không được việc gì cả là cái phèng la. Cái phèng là một loại pháp khí, nó được tạo bằng hai mảnh đồng, cũng giống như hai cái môi của con người, chỉ phát ra tiếng leng keng.

Không có việc gì mà tán gẫu thì ngoài việc lãng phí thời gian ra, lại thêm rất dễ thốt ra lời thị phi. Cho nên tốt nhất là chúng ta không nên nuôi dưỡng thói quen tán gẫu.

Người mà nói chuyện không có mục đích hoặc là mục đích không tốt, chẳng những bị người khác xem thường cười chê mà sau này còn bị mắc quả báo về miệng nữa.

 

THIỆN TRI THỨC KHUYÊN BẢO NHAU

***** 

 

Được kết giao với bạn tốt, trong Phật giáo gọi là bậc thiện tri thức, người đời gọi là thầy lành bạn tốt, là một việc rất quan trọng, vì thông qua sự khuyên bảo, khuyến khích nhau giữa hai người bạn, có thể giúp chúng ta phát hiện và sửa đổi rất nhiều thói xấu.

Cũng giống như Tôi xưa kia cũng có nhiều thói xấu, nhưng chỉ cần nghe tiếng sư phụ tôi nói: Thánh Nghiêm! Tại sao con lại phạm sai lầm này nữa vậy? thì tôi lập tức sửa ngay. Mãi cho đến giờ, đệ tử tôi cũng vẫn có thể nhắc nhở tôi. Ví như có người từng nói: “Cái gì sư phụ cũng đều tốt cả, có điều nhẹ dạ cả tin, nên Thầy lại nghe theo lời người khác nói.”

Những trường hợp như vậy, đệ tử của Tôi cũng trở thành vị thiện tri thức của Tôi, sẽ khiến cho tôi suy nghĩ lại tính khả thi của sự việc, đồng thời kiểm thảo lại một số vấn đề về thói xấu của mình.

Do đó giữa tình bạn, nếu có sự khuyên bảo nhau thì có rất nhiều khuyết điểm sẽ được dần dần sửa đổi.

Hãy học hạnh độc cư, nếu không có bạn hiền, thà một mình tu thiện, không kết bạn kẻ ngu (kinh Pháp Cú)

 

“TA MỖI NGÀY BA LẦN TỰ RĂN NHẮC MÌNH”

*****

 

Tăng Tử, bậc thánh hiền xưa có nói: “Ta mỗi ngày ba lần tự răn nhắc mình” đây là phương pháp cơ bản nhất giúp chúng ta hình thành thói quen tốt để sửa đổi thói xấu.

Ví như Tôi có một Phật tử, cô làm bên ngành báo chí, vì vậy mà thường ở trong trạng thái căng thẳng. Cứ hễ mỗi khi căng thẳng thì cô dễ gấp gáp, và mỗi khi gấp gáp thì lại sanh tức giận, vì vậy cô hay đau dạ dày.

Có một hôm, cô ta đọc được câu: “lửa sân trong lòng”. Câu này đã khiến cô ta tỉnh ngộ rằng, nếu thường khởi tức giận thì cũng giống như là tự thiêu mình trong lò lửa vậy.

Từ đó cô thường lấy câu này để soi rọi lại lòng mình hơn. Kết quả là cô không chỉ làm việc bình tỉnh ổn thỏa, tánh khí ôn hòa hơn mà sức khỏe cô còn khá hơn nữa.

Do đó có thể thấy, nếu như người nào có thời gian răn nhắc lấy mình, hay thường răn nhắc những hành động của thân, tâm, lời nói thì quả thật là có công dụng giúp cho mình sửa đổi thói xấu.

Rảnh rỗi thường xét lỗi mình. Chuyện trò chớ nói thị phi!

 

QUEN THÓI ĂN CẮP

***** 

 

Thói quen đối với con người mà nói cũng giống như một thứ cám dỗ. Ví như có người quen thói ăn cắp, nguyên nhân lấy cắp không phải là vì cần dùng, cũng không phải do thiếu thốn, mà là do thích thú bởi thói ăn cắp, cho rằng nếu mình không lấy cái gì đó thì cảm thấy khó chịu, cho nên muốn chiếm thứ đó làm của riêng mình. Một thói xấu giống như vậy khi đã hình thành thói quen rồi thì sẽ trở thành một thứ cám dỗ.

Nếu như lỡ mắc phải thói quen xấu giống như vậy thì chỉ cần chúng ta hình thành một thói quen tốt khác để thay đổi nó. Ví như ngay khi bạn vừa khởi ý niệm muốn lấy của người khác thì bạn hãy mau tránh xa nó, đừng để có tiếp cận với nó, đồng thời tự răn nhắc mình “đây không phải là thứ mình thích, cũng không phải là thứ mình cần, vì vậy mình không nên lấy nó!”

Do đó, khi đối mặt với sự cám dỗ, phải đẩy mạnh ý chí của mình, phải có sự quyết tâm rời xa nó, một mặt chúng ta phải đè nén, một mặt thì phải suy nghĩ để chuyển hóa và sửa đổi. Cứ như vậy lâu ngày chày tháng thì chúng ta có thể dần dần bỏ đi cái tâm lệ thuộc vào thói xấu này.

Không phải không thể sửa đổi được tánh xấu mà là do chúng ta không có suy nghĩ thấu đáo về tác hại của nó và thiếu nghị lực cương quyết từ bỏ nó.

 

HÌNH THÀNH TÁNH NHẪN NẠI

***** 

 

Thói quen là do dung dưỡng mà thành. Ví như một người không có tánh nhẫn nại, nhưng sau này, do hoàn cảnh của nơi ở bắt buộc anh ta phải cúi đầu trước hiện thực, nên dần dần cũng khiến anh ta trở thành người có tánh nhẫn nại.

Do đó chúng ta đừng nên mượn cớ “giang san dễ đổi, bản tánh khó dời” để làm kẻ không có tánh nhẫn nại, và cho rằng sự việc mãi mãi cũng là như vậy.

Tôi không phải là một người thông minh, nhưng tôi rất có nghị lực để dần dần tạo dưỡng thành tánh nhẫn nại cho mình. Người khác bỏ ra một tiếng đồng hồ để làm xong công việc này, riêng tôi sẵn sàng mất mười tiếng đồng hồ để làm xong việc đó.

Như lúc tôi còn học ở Nhật Bản, đã có chuẩn bị tâm lý. Đối với người khác, trong một hai năm là có thể hoàn thành học vị, còn riêng Tôi, dù mất năm mười năm Tôi cũng cam. Chỉ cần Tôi có chút quyết tâm thì nhất định phải làm cho xong việc cần làm.

Cho nên, tuy là sự nghiệp của tôi dần dần hoàn thành trong trắc trở, nhưng vì Tôi quen làm trong tánh nhẫn nại cho nên sau cùng cũng có thể đạt được kết quả mỹ mãn.

Do đó chúng tôi tin rằng, mỗi người chúng ta chỉ cần bằng lòng kiên trì thì đều có thể rèn luyện nên tánh nhẫn nại.

Thói xấu vốn không có tướng thật thể cố định. Hễ khi trí tuệ xuất hiện thì phiền não tự nhiên sẽ mất đi.

 

TRỞ LẠI VỚI LỐI SỐNG NỀ NẾP

***** 

    

Sở dĩ con người sống buông thả phần đông là vì bỏ quên nề nếp sống, sống không có quy luật. Vì trong lòng không có trật tự nên đương nhiên là sống không có trật tự, do đó mới có sự buông thả.

Vì vậy, muốn khắc phục tâm buông thả của mình thì chúng ta phải khép mình trong lối sống nề nếp. Trước hết, chúng ta nên định đặt một thời khóa niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh hoặc là tọa thiền hằng ngày để tạo nên sức định và quy luật, đồng thời thêm phương pháp phát nguyện, xây dựng nên phương hướng đời sống cho chính mình.

Hãy suy nghĩ cho thật kỹ xem điều mình muốn làm, cần làm là gì? Rồi hoạch định mỗi ngày mình phải làm gì? Mấy giờ sáng mình thức dậy? sau khi thức dậy rồi mình làm gì? Khi chúng ta đã sống trong môi trường có quy luật rồi thì lối sống buông thả sẽ dần dần diệt mất.

Cho nên muốn khắc phục lối sống buông thả cũng rất dễ. Chúng ta có thể thử bắt đầu từ lúc vừa thức dậy, xếp giường chiếu cho ngay ngắn, rồi kế đến quét dọn xung quanh cho sạch sẽ, sau đó nhìn ngắm lại khung cảnh sống của mình xem coi có phải tốt hơn trước kia một chút không? Dễ chịu hơn trước một chút không?

Sau khi đã dần dần hình thành nên thói quen này thì chúng ta có thể quay lại với lối sống nề nếp.

Tự do khác với tự tại. Tự do là sống buông thả theo ý thích của mình. Tự tại là sống thích ứng với mọi hoàn cảnh mà mình không có ý chọn lựa.

 

ĐỪNG QUƠ ĐŨA CẢ NẮM

***** 

 

Có người từ nhỏ đã hình thành cho mình một thói quen, hễ vừa nhìn thấy ánh mắt của người nào đó, hay gương mặt của người nào đó thì nhận định họ là người như thế nào liền. Cách nhìn như vậy là không ổn. Vì mọi người không ai giống ai. Chúng ta không được quơ đũa cả nắm.

Ví như hồi nhỏ Tôi nghe người ta nói người Tây có mùi thịt bò thịt dê. Sự thật là khi tôi sống chung với người phương tây và người Mỹ, Tôi không có nghe những mùi này trên người của họ.

Cho nên ban đầu tôi đã quen nhìn người phương tây bằng ấn tượng này, Tôi cho rằng chắc chắn là người họ có mùi dê, mùi bò, bây giờ ngồi nghĩ lại Tôi thấy quả thật là rất kỳ.

Thói quen như vậy gọi là “định kiến trong lòng”, cho dù có xảy ra chuyện gì, vì trong lòng đã có phán đoán, định kiến sẵn cho nên không tài nào nhìn thấy chân tướng sự thật.

Cho nên khi gặp phải chuyện gì, chúng ta đừng nên phản ứng lại ngay, đừng vội gán cho nó cái tên, đừng vội so hơn với nó, đừng có hình dung ra nó, thì lúc này đây, “cái biết” của bạn mới thật sự là cái biết chân chánh, mới không phải là vọng kiến, không phải là chủ kiến.

Do đó chúng ta cần phải “lòng không định kiến” thì điều chúng ta nhìn thấy mới là chân thật, mới không bị thói quen che lấp lại.

Chúng ta có thể nhờ sự tu hành, trì giới, bố thí, nhẫn nhục mà dần dần mới chuyển hóa được thói xấu.

 

NHÂN CÁCH PHẢI ĐẠT CHUẨN MỰC

***** 

 

Có rất nhiều người khi thi cử thì môn nào cũng đậu, nhưng còn làm người khi đối nhân xử thế thì lại không đạt yêu cầu. Vậy điểm số của nhân cách là do ai chấm đây? Tất nhiên là do mình chấm rồi, có như vậy thì bạn mới biết được cái mà bạn xưa nay cho là đúng, từ lâu nó đã hình thành thói quen xấu.

Khi thấy nhân cách của mình không đạt chuẩn mực thì chúng ta nên cố mà hổ thẹn sám hối. Hổ thẹn và sám hối là cách thức giúp chúng ta hoàn chỉnh nhân cách của mình.

Ví như khi bạn có tánh lông bông cáu gắt, oán giận khó kềm chế nổi, thì nếu bạn khởi tâm hổ thẹn, đi lễ Phật sám hối thì tâm bạn liền định tỉnh trở lại và nhân cách của bạn cũng dần dần được cải thiện.

Có tâm biết hổ thẹn, nghĩa là khi biết nhân cách mình có vấn đề, thường không làm chủ được thân tâm làm ra những việc không nên làm, cho nên chúng ta hạ quyết tâm sám hối.

Việc lễ Phật sám hối có hiệu nghiệm là ở chỗ khi con người ta sám hối và hổ thẹn, thái độ nhất định sẽ không còn thô tháo nữa, và những cảm giác nặng nề sẽ dồn xuống đan điền, không còn tích tụ ở trên đầu nữa mà suy nghĩ lung tung, vì vậy nên cảm thấy thân tâm an lạc, cứ dần như thế sẽ nâng cao nhân cách.

Sám hối là trần bày những lỗi lầm mà mình đã lỡ gây tạo, chấp nhận gánh lấy trách nhiệm, và khắc phục lại lỗi lầm của mình.

 

TU SAO ĐỂ CHO ĐẦY DẪY PHIỀN NÃO?

*****

 

Mỗi người do có thói quen khác nhau mà có sự khác biệt về mức độ thông minh, sự suy nghĩ v.v…cho nên chúng ta phải thường đặt mình vào vị trí suy nghĩ của người khác, nếu không thì sẽ cứ mãi tính toán thiệt hơn, không chỉ bản thân mình bị phiền não đau khổ mà còn đưa đến phiền não và đau khổ cho người khác nữa.

Một người quy y học Phật mà có quá nhiều phiền não thì việc cảm hóa người khác đã không có tác dụng mà đối với mình lại không làm sao để an trụ thân tâm. Có một vài người sẽ cho rằng, việc tu hành vốn dĩ là để sửa đổi hành vi thói xấu của mình, Phật pháp hay như vậy thì làm sao mà tu để bị phiền não đầy dẫy cho được?

Chỉ vì do chúng ta chưa chứng thành quả Phật, cho nên còn có phiền não, đây là tập khí xưa nay vốn có của chúng sanh; tùy theo tuổi tác cao mà con người sẽ có sự trắc trở hoặc sự xung đột giữa thân tâm nhiều hơn. Nếu như chúng ta có thể điều phục mình, tha thứ cho người bằng tâm hổ thẹn sám hối và tâm từ bi thì trạng thái buồn phiền sẽ dần mất đi, tâm cũng sẽ an định lại.

Kiến thức hiểu biết không thể giúp người ta đoạn trừ phiền não, thói xấu, chỉ có quán chiếu như thật về tính vô thường, khổ không, vô ngã của nó chúng ta mới không bị hệ lụy vì nó.

 

NIỆM NGƯỜI CHI BẰNG NIỆM PHẬT

****

 

Niệm Phật là phương pháp rất tốt để sửa đổi thói xấu. Nhưng thường ngày, nếu chúng ta không hình thành thói quen niệm Phật thì khi có việc gì xảy ra thì chúng ta cũng sẽ chạy theo thói xấu. Như người khác mắng mình một câu thì mình sẽ mắng trả lại; người khác đánh mình một cái thì mình cũng sẽ đánh trả lại. Những chuyện như vầy, tôi thường thấy khi đi tắc-xi, có người đi đường không cẩn thận suýt đụng vào tắc-xi, tài xế thấy vậy nổi giận hét: “Bộ ông muốn chết hả?”

Nếu bạn không có thói quen niệm Phật thì rất có thể bạn sẽ mắng lại ngay, thậm chí còn đánh lại nữa và kết quả có thể là vì một câu nói mà gây thành đại họa. Còn ngược lại, khi bạn niệm Phật đã hình thành một thói quen thì khi gặp những chuyện như vậy, bạn sẽ trả lời một cách bình tĩnh: “A-di-đà Phật. Tôi xin lỗi” lập tức sẽ dập tắt ngay cơn thịnh nộ của đôi bên.

Sau khi đã hình thành thói quen niệm Phật thì khi gặp việc tốt đến bạn sẽ niệm “A-di-đà Phật! cám ơn anh!” còn khi gặp điều xấu thì bạn niệm “A-di-đà Phật!” Tôi xin lỗi! được vậy thì lòng bạn sẽ tràn ngập bình an và người ta cũng sẽ rất là vui vẻ.

Những lúc bực tức phiền não một việc gì đó, tự lượng khả năng suy nghĩ của mình không thể hóa giải được thì niệm Phật là cách tốt nhất để chuyển hóa muộn phiền.

 

CẮT ĐỨT ĐUÔI CÁO

*****

 

Chúng ta thường nói người nào đó “lòi đuôi cáo” nhưng ngược lại không nhìn thấy cái đuôi của mình bị lộ bởi lời nói, hành động, quan niệm, tính cách của chính mình, phần lớn là không tự rõ.

Trước đây có một người có tánh tự ti rất nặng, bình thường không dám đối diện nói chuyện với Tôi và phải đứng cách Tôi rất xa. Nhưng cứ hễ mở miệng nói chuyện với Tôi thì anh ta lại cãi, cho nên anh ta càng không dám nói chuyện với tôi hơn.

Tôi hỏi: chú đã sợ Tôi, vậy tại sao chú lại muốn gây chuyện với tôi chứ?

Chú ấy nói: con không cãi không được, nếu con không cãi thì con cảm thấy khó chịu.

Phàm người nào hễ động một cái thì liền tranh cãi đọ sức với người khác đều là do nơi lòng tự ti của mình mà sanh tánh kiêu ngạo. đấy là do người có lòng tự ti nặng, muốn mượn vênh cái đuôi cao của mình để cho người khác không đạp, không động vào được.

Tuy là thói quen khó sửa, nhưng cũng vẫn phải sửa. Việc tu hành vốn là ở chỗ cắt đi cái đuôi cáo của mình, tức là không ngừng dùng biện pháp để loại bỏ thói xấu, tánh xấu, dáng điệu của mình.

Nếu như không làm sao để loại bỏ thói xấu cũ của mình, khiêm tốn, chuyên tâm, thiết thực điều chỉnh thân tâm của mình thì thói xấu huân tập càng nặng khó mà khắc phục được.

Tu hành chính là sửa chữa hết thảy tật xấu, thói xấu mà mình cho là đúng.

 

THẾ GIỚI BỐC LỘT NGƯỜI

*****

 

Trước kia có một quý ông nọ đến tìm tôi xin làm việc, qua bảng lý lịch của ông ta tôi thấy dường như là cứ mỗi hai tháng là ông ta tìm việc khác. Tôi hỏi ông ta:

Tại sao ông hay đổi việc làm quá vậy? ông ta nói:

Đây là thế giới bốc lột người, cho dù Con có chạy đến đâu nữa cũng sẽ bị ăn hiếp. Chỉ có các thầy là có từ bi, cho nên con mới chọn đến đây tìm việc làm. Tôi nói:

Tôi mong là ông suy nghĩ cho rõ nguyên nhân mình thường thay đổi công việc, ở đây cũng bình thường như bao nơi khác. Phàm hễ ông thấy chỗ khác xảy ra chuyện thì ở đây cũng vậy, bây giờ tôi cho ông làm hai tháng thử xem, thử coi ông có thể nổ lực thay đổi không. Hai tháng sau, tuy chúng tôi không có đuổi việc, nhưng ông ta lại cảm thấy chỗ chúng tôi đây cũng là nơi bốc lột người nên lại muốn xin đi.

Những người như vậy thật là đáng thương, trước khi đi Tôi có khuyên ông ta:

Trên đời này không có nơi nào là bốc lột người cả, chỉ có ông mới bốc lột người thôi! Do ông không có chịu thay đổi thói quen, quan niệm, suy nghĩ của mình cho nên nhìn thấy thế giới này đều đáng sợ.

Nhưng trên đời này, có phải ai nấy đều đáng sợ như vậy không? Thật ra, do sự suy nghĩ của bạn thôi.

Những thói xấu của con người, ngoài việc dùng các hình thức thiền quán để hóa giải ra chúng ta còn phải dùng phương pháp hổ thẹn, sám hối để phụ giúp.

 

THÔNG CẢM CHO THÓI XẤU CỦA NGƯỜI

*****

 

Có một cặp vợ chồng nọ, cứ mỗi lần ăn táo thì đều cãi nhau. Bà vợ thì sợ vỏ táo có dính thuốc trừ sâu cho nên bắt buộc phải gọt bỏ vỏ. Còn ông chồng thì cho rằng vỏ táo có dinh dưỡng, nếu gọt bỏ đi thì uổng lắm. Rốt cuộc hai người đem việc này đến nhờ Tôi phân xử. Tôi nói:

Cách tốt nhất để tránh khỏi sự tranh cãi đó chính là hai người đừng có ăn táo nữa.

Về sau hai người cũng thừa nhận, vì một chút chuyện nhỏ này mà cãi nhau thiệt là không đáng.

Cho nên Tôi nói với bà vợ rằng:

Tôi đang đợi bà nói câu này. Chồng bà ăn nhiều vỏ táo như vậy nhưng vẫn khỏe đâu có sao đâu, bà lo lắng làm gì? Tôi lại nói với ông chồng:

Vợ ông không có thích ăn vỏ táo, nếu ông chê bà ấy lãng phí thì ông hãy lấy lại mà ăn đi! Như vậy là đâu có việc gì.

Ý của câu chuyện này là nói, mỗi người có thói quen khác nhau. Có một số thói quen được hình thành từ nhiều đời trước; có một số thì do ảnh hưởng môi trường gia đình khác nhau, cho đến hình thành bởi bị ảnh hưởng trong quá trình trưởng thành khác nhau. Do đó đừng nên bắt ép người khác phải chìu theo thói quen của mình, đồng thời mình cũng nên thông cảm cho thói xấu của người khác.

Sự nhận định không qua suy xét bằng lý trí không chỉ dẫn đến chúng ta hành động mù quán mà nó còn khiến chúng ta sanh phiền não khi thấy người khác không có cùng nhận định với mình.

 

SỰ TAI HẠI DO VÔ TÂM

***** 

 

Ai nấy cũng đều có phiền não, sau khi phiền não được hình thành thói quen rồi, thì cái cảm giác đó dần dần mất đi, chỉ để lại hiện tượng phiền não. Đây chính là tập khí.

Ví như người xem tiền như mạng sống, cảm giác thèm khát tiền chính là phiền não. Nếu như ông ấy cứ mãi như vậy thì người ta sẽ biết chắc là ông ấy tham tài, nhưng trong lòng ông ấy cũng không vì vậy mà sanh phiền não.

Qua đó chúng ta có thể thấy, thói xấu thường là được hình thành trong trạng thái không hay không biết, bản thân mình không biết được là mình đang hại người, cũng không có cảm giác buồn phiền vì điều đó. Giống như là thói quen ăn cơm, để ý coi người ta ăn món gì, nhìn với tính cách rất là tự nhiên; hoặc là ho hen không lấy tay che miệng lại, không nghĩ gì đến cảm giác của người khác.

Tuy nhiên, do vô tâm làm tổn thương người khác, cho nên mình không có cảm thấy phiền. Nhưng thói xấu như vậy, cho dù là vô tâm, ngược lại cũng khiến cho người khác cảm thấy khó chịu, tốt nhất là chúng ta nên điều chỉnh lại thói xấu này, đừng nên tạo sự dễ chịu cho riêng mình qua sự đau khổ của người khác, nếu không thì tuy là mình không muộn phiền, nhưng người khác cứ phiền mãi.

 

Đừng xem thường thói quen, một khi nó được huân tập thành thói tốt thì nó sẽ là trợ thủ tốt cho cuộc đời; còn nếu huân tập thành thói xấu thì sẽ thành hòn đá vướng chân mình.

Sự khác biệt giữa thói quen tốt và xấu có thể nói rất là lớn.

 

MƯỜI LỢI ÍCH LỚN CỦA VIỆC TẠO TƯỢNG, ẤN TỐNG KINH SÁCH

 

  1. Các tội lỗi đã tạo khi xưa, nếu nhẹ thì liền tiêu diệt, còn nặng thì chuyển thành nhẹ.
  2. Thường được thiện thần ủng hộ, không bị những tai nạn như: bệnh dịch, nước lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.
  3. Oán thù đời trước, nhờ công đức này mà được hóa giải, không còn cái khổ tìm nhau báo thù nữa.
  4. Dạ xoa ác quỷ không thể xâm phạm. Rắn độc, hổ đói không thể làm hại.
  5. Tâm được yên ổn, ngày được bình yên, đêm không ác mộng, nhan sắc tươi trẻ, sức khỏe tràn đầy. Làm việc chi cũng đều được lợi ích tốt đẹp.
  6. Chí thành ấn tống kinh sách, tạo tượng, tuy lòng không mong cầu điều chi, nhưng được quả báo tốt cơm áo no đủ, gia đình hòa thuận, phúc lộc lâu dài.
  7. Nói làm điều chi cũng được trời người hoan hỷ, đi đến bất cứ chỗ nào cũng được nhiều người chào đón yêu mến, cung kính vái chào.
  8. Người ngu thì chuyển thành trí, người bệnh thì chuyển thành mạnh, khốn khó thì chuyển thành giàu sang. Nếu lỡ làm thân gái thì sau khi qua đời sẽ chuyển thành thân trai.
  9. Xa lìa ác đạo, thọ sanh thiện đạo. Tướng mạo đoan chánh, tư chất siêu việt, phúc lộc thù thắng.
  10. Gieo trồng căn lành với tất cả chúng sanh. Dùng tâm chúng sanh làm ruộng phước lớn, được vô lượng quả báo thù thắng. Sanh ra nơi nào, cũng được thấy Phật nghe pháp. Tiến thẳng đến tam huệ hoằng khai, tự chứng lục thông, mau chóng thành phật.

 

Nguyện đem công đức in kinh này

Hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đời này được gặp Phật nghe pháp

Gia đình hạnh phúc sự nghiệp thăng

Oan gia nghiệp chướng thảy tiêu trừ

Khởi tâm từ bi thương hết thảy

Cùng nhau tiến tu làm việc thiện

Đời sau phúc báo sanh tây thiên.

 

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát Ma ha tát.

  • Xin mọi người thường niệm:
  • Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát: Cứu Khổ Cứu Nạn.
  • Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật: Vượt Qua Nghịch Cảnh, An Nhẫn Các Chướng Duyên.
  • Nam Mô A Di Đà Phật: Cầu Sanh Tịnh Độ.

 

Chùa Phổ Giác: 2/5D ấp Tân Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, TP.HCM

ĐT: 08.62532588

Email: [email protected]

           [email protected]


chuaphogiac


Các tin đã đưa ngày :